Khái niệm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng? Phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng? Cách phòng tránh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng?
Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu của con người ngày càng nâng cao, hàng hoá theo đó cũng ngày càng được đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng kịp thời nhu cầu cuộc sống. Bên cạnh những sản phẩm chất lượng, được Nhà nước và pháp luật quy định, cấp phép sản xuất và lưu hành, thì trên thị trường có không ít những sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái. Những loại hàng hoá này lưu thông tràn lan, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống của con người. Thực tế, rất nhiều người dân vẫn chưa thực sự hiểu và phân biệt được hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, và trở thành nạn nhân sử dụng các mặt hàng này. Bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ đi sâu vào phân tích để giúp bạn đọc hiểu và phân biệt ” hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng”.
Luật sư
Mục lục bài viết
1. Khái niệm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng:
– Hàng giả là những sản phẩm, hàng hoá được sản xuất ra trái pháp luật có hình dáng giống như những sản phẩm, hàng hoá được Nhà nước cho phép sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ trên thị trường; hoặc những sản phẩm, hàng hoá không có giá trị sử dụng đúng với nguồn gốc. Nói cách khác, hàng giả là hàng không có giá trị sử dụng, hoặc giá trị sử dụng không đúng (hoặc không đạt) so với công dụng đã được công bố.
Hàng giả có thể thuộc tất cả các loại hàng hóa, từ hàng cao cấp đến những mặt hàng tiêu dùng thông thường.
– Hàng nhái là sản phẩm đang lưu thông trên thị trường không phải là sản phẩm chính thống do nhà sản xuất hoặc nhà phân phối chính đưa ra thị trường. Nó là loại hàng hoá được sao chép lại từ sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng hoặc các sản phẩm đã được nhà nước cấp phép lưu thông ra thị trường.
– Hàng kém chất lượng là hàng hoá của hãng sản xuất đã được Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh, lưu thông trên thị trường, nhưng vì lý do nào đó chất lượng sản phẩm không đạt chất lượng.
2. Phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng:
2.1. Tính chất:
– Hàng giả: Bản chất của hàng giả là không có giá trị sử dụng, hoặc giá trị sử dụng không đúng với mục đích đã được công bố. Hay nói cách khác, thứ hàng có thể là giả về nội dung hoặc có thể giả về hình thức hoặc có thể giả cả về nội dung lẫn hình thức
Ví dụ: Thuốc dưỡng tóc của hãng A lưu thông trên thị trường, công dụng được thể hiện trên bao bì là làm mượt tóc, giúp tóc mềm mượt, suôn dài. Tuy nhiên, thực tế người sử dụng khi dùng sản phẩm không đạt được giá trị như thế. Tóc người dùng không có biểu hiện suôn mượt hơn mà còn có biểu hiện của sự xơ rối, chẻ ngọn. (Như vậy, bản chất của thuốc dưỡng tóc kia là hàng giả. Và nó không có giá trị sử dụng như công dụng đã được thể hiện trên bao bì sản phẩm).
– Hàng nhái: Bản chất của hàng nhái là sao chép lại hình thức, công dụng của các sản phẩm đã được Nhà nước cấp phép lưu hành trên thị trường. Hiểu một cách đơn giản, hàng nhái là những sản phẩm được làm theo công thức của những sản phẩm chất lượng khác song chất lượng, công dụng của hàng nhái khác biệt rất nhiều so với hàng thật.
– Hàng kém chất lượng: Bản chất của hàng kém chất lượng là chất lượng không đúng với sự công bố của hãng sản xuất khi đẩy sản phẩm ra thị trường.
Ví dụ: Công ty CGB là công ty sản xuất vải nổi tiếng. Xong, thời gian gần đây, chất lượng vải của công ty bị phản ánh là kém chất lượng hơn trước rất nhiều. Vậy ở đây, vải kém chất lượng được sản xuất tại một cơ sở chính hãng. Song, vì nhiều lý do, chất lượng của vải không được như ban đầu. Đây được xem là hàng kém chất lượng.
2.2. Đặc điểm:
– Hàng giả được thiết kế để trông giống như sản phẩm chính hãng. Nhìn bề ngoài, hàng giả có thể trông gần giống với hàng thật chính gốc, nhưng thường được làm từ vật liệu chất lượng thấp. Giá trị sử dụng đúng với bản chất của sản phẩm gần như không có ở các mặt hàng giả. Hoặc nếu có thì giá trị đó không đúng với giá trị đã được công bố.
Trên thị trường hiện nay còn rất nhiều hàng giả lưu thông tràn lan. Chất lượng sản phẩm bên trong hoàn toàn khác, sai lệch so với thông tin giới thiệu bên ngoài. Ví dụ: Hiện nay, nhu cầu làm đẹp của con người ngày càng nhiều. Vì vậy, sự xuất hiện của các sản phẩm làm đẹp ngày càng lớn. Bên cạnh những sản phẩm chất lượng thì cũng có rất nhiều hàng giả. Những mặt hàng giả này bao bì thể hiện những thành phần sản phẩm giống hệt những mặt hàng chính gốc khác. Song chất lượng của các loại mỹ phẩm giả hoàn toàn không đúng với giá trị được công bố trên bao bì. Do đó, đặc điểm lớn nhất của hàng giả chính là tính sai lệch về giá trị sử dụng.
– Hàng nhái có thể giống với một sản phẩm có thương hiệu, chính hãng, nhưng nhìn chung sẽ không giống hệt với sản phẩm đó. Hàng nhái là những sản phẩm sao chép lại những sản phẩm có thương hiệu, giá trị và đã được chứng nhận tính hợp pháp. Hàng nhái được sản xuất giống với các sản phẩm chính hãng về hình dáng, màu sắc, thậm chí cả thành phần in trên bao bì. Tuy nhiên, việc sản xuất những mặt hàng nhái trên không tuân theo quy định của pháp luật và không được pháp luật cho phép. Hay nói cách khác, hàng nhái là những mặt hàng “mạo danh” những sản phẩm của các thương hiệu uy tín nhằm thu lợi nhuận.
Hàng nhái không có nhãn hiệu thương mại hoặc logo giống hệt sản phẩm gốc. Thông thường, hàng nhái có thể có lỗi chính tả trong tên thương hiệu trên sản phẩm hoặc tên thành phần nguyên liệu. Màu sắc của hàng nhái đậm hoặc nhạt hơn so với hàng thật. Chữ in trên bao bì của hàng nhái dễ bong tróc hơn rất nhiều so với hàng thật.
Ví dụ: Trên thị trường hiện nay xuất hiện rất nhiều mẫu túi xách, quần áo mang thương hiệu của các nhãn hàng nổi tiếng như Dior, Gucci,…Đây là các nhãn hàng nổi tiếng, mang thương hiệu riêng. Thiết kế của các nhãn hàng này rất được ưa chuộng. Vì vậy, các cơ sở sản xuất hàng nhái cho ra ngày càng nhiều các sản phẩm mang theo mẫu mã, kiểu dáng nổi tiếng để thu về lợi nhuận.
– Hàng kém chất lượng thực chất là hàng hoá của cơ sở sản xuất đã được nhà nước cấp phép. Nó được sản xuất theo công thức của hàng thật,tuy nhiên có sai sót trong quá trình sản xuất đã được công bố trên bao bì.
Thông thường, hàng kém chất lượng là hàng hóa được các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đã được Nhà nước cấp phép kinh doanh. Song chất lượng sản phẩm mà những doanh nghiệp này sản xuất ra lại không đạt đúng đến giá trị, công dụng như khi đăng ký và công bố trên bao bì.
3. Cách phòng tránh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng:
Nhìn chung, dù có được sao chép hay kiểm tra kỹ lưỡng về mặt hình thức sao cho giống với hàng thật, thì hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn luôn có những đặc điểm nhất định để người tiêu dùng nhận biết và tránh. Màu sắc, hình dáng, kiểu chữ, mực in (hình thức bên ngoài); màu sắc sản phẩm, trạng thái vật chất, chất lượng mẫu mã,…(chất lượng bên trong) là những yếu tố để người tiêu dùng phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng so với hàng thật. Có những mặt hàng, chỉ nhìn bằng mắt thường, ta cũng có thể nhận biết được thật giả.
Song cũng có những sản phẩm giả được sản xuất hết sức tinh vi, bằng mắt thường hay vốn hiểu biết về sản phẩm chưa sâu thì người tiêu dùng cũng sẽ không thể phân biệt được. Vì vậy, người dân cần phải nâng cao ý thức cảnh giác, tìm hiểu kỹ về các sản phẩm mà mình quan tâm sử dụng. Xã hội ngày càng phát triển, trên kênh thông tin đại chúng, internet có rất nhiều chương trình cảnh báo người tiêu dùng, định hướng và giúp con người có những hiểu biết cụ thể hơn trong việc phân biệt sản phẩm. Người tiêu dùng nên tìm hiểu cách phân biệt thật giả, kiểm tra kỹ lưỡng các sản phẩm mà mình muốn sử dụng để đưa ra lựa chọn đúng đắn nhất, tránh rơi vào tình trạng tiền mất tật mang.
Tem chống hàng giả đã được nhà nước ban hành. Tuy nhiên, Nhà nước cần ban hành những điều luật, chế tài xử phạt cụ thể, nặng tay và thích đáng hơn đối với những trường hợp buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Các cơ quan chức năng cần siết chặt quản lý để tránh, hạn chế hết sức có thể sản phẩm giả tràn lan ra ngoài thị trường.
Qua phân tích trên có thể thấy vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đã và đang là nỗi bận tâm, đáng quan ngại trong cuộc sống hiện nay. Một câu hỏi lớn được người dân, Nhà nước và pháp luật đặt ra là làm thế nào để phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nhằm hạn chế hết sức có thể những mặt hàng trái pháp luật này tiếp cận đến tay người tiêu dùng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.
Bài viết trên đây, Công ty trách nhiệm hữu hạn Luật Dương Gia đã đưa ra những phân tích về việc phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và cách phòng tránh cho người tiêu dùng. Hy vọng bài viết góp phần giúp bạn đọc có thêm hiểu biết về lĩnh vực này nhằm bảo vệ bản thân và người thân khỏi nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đã và đang diễn ra hết sức phổ biến hiện nay.