Hiện nay, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh thì việc các bậc phụ huynh với mức sống khá giả, kinh tế ổn định lăn tăn trong việc lựa chọn cho con em học tại trường mầm non tư thục hay trường mầm non công lập xuất hiện khá phổ biến. Vậy, Phân biệt giữa trường mầm non tư thục và mầm non công lập.
Mục lục bài viết
1. Phân loại hình trường mầm non:
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT Các loại hình của trường mầm non bao gồm các loại hình sau đây:
Một là, Trường mầm non công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu.
Hai là, Trường mầm non tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động.
Ba là, Trường mầm non dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở bao gồm tổ chức và cá nhân tại xã, phường, thị trấn, thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm điều kiện hoạt động.
2. Phân biệt giữa trường mầm non tư thục và mầm non công lập:
Theo như phân tích tại mục 1 thì hiện nay có 3 loại hình cơ sở mầm non, thực tế hai loại hình trường mầm non tư thục và mầm non công lập là loại hình mà quý bạn đọc, các bậc phụ huynh băn khoăn, lựa chọn và còn có sự hiểu sai, chưa đúng, chưa đủ về 2 loại hình này. Trường mầm non tư thục và mầm non công lập được phân biệt như sau:
2.1. Nguồn vốn thành lập, đầu tư đảm bảo hoạt động:
– Đối với trường mầm non tư thục nguồn vốn thành lập, đầu tư đảm bảo hoạt động do tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế tổ chức xã hội – nghề nghiệp hoặc cá nhân bảo đảm hoạt động ngoài ngân sách nhà nước;
– Đối với trường mầm non công lập thì nguồn vốn thành lập, đầu tư đảm bảo hoạt động do Nhà nước đảm bảo
2.2. Cơ quan thành lập:
– Đối với trường mầm non tư thục được thành lập bởi tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân;
– Đối với trường mầm non công lập thì Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chính là cơ quan thành lập.
2.3. Cơ cấu tổ chức:
Cơ cấu tổ chức của trường mầm non tư thục và trường mầm non công lập sẽ bao gồm: hội đồng trường, hiệu trưởng và phó hiệu trưởng; hội đồng thi đua khen thưởng; hội đồng kỷ luật; hội đồng tư vấn; tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức Công đoàn, tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; các tổ chuyên môn, tổ văn phòng; các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo. Trong đó, hội đồng trường mầm non tư thục và hội đồng trường mầm non công lập có sự khác nhau cụ thể như sau:
Đối với trường mầm non tư thục:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 Điều lệ trường mầm non Ban hành kèm theo Thông tư số 52/2020/TT-BGDĐT ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định hội đồng trường của trường công lập như sau:
Thứ nhất, Hội đồng trường của trường tư thục được hiểu là tổ chức quản trị nhà trường, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện quyết định của nhà đầu tư về phương hướng hoạt động, quy hoạch, kế hoạch phát triển, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, bảo đảm thực hiện mục tiêu giáo dục, thực hiện quyền đại diện cho nhà đầu tư và các bên có lợi ích liên quan phù hợp với quy định của pháp luật.
Thứ hai, Hội đồng trường được thành phần và thủ tục thành lập như sau:
+ Thành phần của hội đồng bao gồm: thành viên trong và ngoài trường, đại diện nhà đầu tư. Hội đồng trường có chủ tịch, thư ký và các thành viên khác. Số lượng thành viên của hội đồng trường là số lẻ và ít nhất là 03 người.
+ Hội nghị nhà đầu tư bầu, quyết định theo tỷ lệ vốn góp thành lập hội đồng trường và được chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định công nhận.
Việc thay đổi, bổ sung thành viên hội đồng trường phải được hội nghị nhà đầu tư thông qua.
Trường hợp số thành viên của hội đồng trường giảm quá 1/3 (một phần ba) so với số lượng quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường thì trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ khi số thành viên của hội đồng trường giảm quá quy định nêu trên, chủ tịch hội đồng trường phải tiến hành triệu tập họp nhà đầu tư để bầu bổ sung thành viên của hội đồng trường.
Trường hợp thành viên hội đồng trường bị bãi nhiệm:
+ Đang chấp hành bản án của tòa án;
+ Vi phạm nghiêm trọng quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường;
+ Có trên 1/2 (một phần hai) tổng số thành viên nhà đầu tư kiến nghị bằng văn bản đề nghị bãi nhiệm.
Thành viên hội đồng trường bị miễn nhiệm trong các trường hợp sau:
+ Có đề nghị bằng văn bản của cá nhân xin thôi tham gia hội đồng trường;
+ Bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
+ Không đủ sức khỏe để thực hiện công việc đang đảm nhiệm.
Thành phần hội đồng trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận do nhà đầu tư trong nước đầu tư gồm có: i) Đại diện nhà đầu tư do hội nghị nhà đầu tư bầu, quyết định theo tỷ lệ vốn góp; ii) Thành viên trong và ngoài trường.
Thành viên trong trường gồm: i) Các thành viên đương nhiên là bí thư cấp ủy, chủ tịch Công đoàn, hiệu trưởng; ii) Thành viên bầu là đại diện giáo viên và người lao động do hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường bầu.
Thành viên ngoài trường gồm có các đại diện lãnh đạo nhà quản lý, nhà giáo dục, doanh nhân, cựu học sinh do hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường bầu.
Thứ ba, Nhiệm vụ và quyền hạn của hội đồng trường bao gồm các nhiệm vụ sau đây:
– Xem xét, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định của nhà trường khi cần thiết; Quyết nghị thông qua quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường;
– Xây dựng kế hoạch phát triển nhà trường theo quy định của pháp luật;
– Đề cử và đề nghị công nhận hoặc hủy bỏ việc công nhận hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ra quyết định công nhận. Phê duyệt phương án chung về tổ chức bộ máy và những vấn đề liên quan đến tổ chức, nhân sự của nhà trường;
– Phê duyệt quyết toán, dự toán tài chính hằng năm và giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của nhà trường.
– Giám sát hiệu trưởng và kế toán trưởng trong việc chấp hành các quy định; Giám sát việc thực hiện các nghị quyết của hội đồng trường, việc thực hiện quy chế dân chủ trong các hoạt động của nhà trường;
Thứ tư, Hoạt động của hội đồng trường có hoạt động cụ thể như sau:
– Hội đồng trường họp thường kỳ ít nhất 03 lần trong một năm.
– Cuộc họp hội đồng trường được tiến hành khi có từ 2/3 (hai phần ba) tổng số thành viên trở lên dự họp.
Đối với các tường hợp không đủ số thành viên theo quy định thì được triệu tập lần thứ hai trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất. Trường hợp này cuộc họp được tiến hành nếu có quá nửa số thành viên hội đồng trường dự họp.
Chủ tịch hội đồng trường quyết định việc tổ chức họp hội đồng bất thường, nhưng phải được ít nhất 1/3 (một phần ba) số thành viên hội đồng trường đồng ý. Hội đồng trường có thể họp bằng hình thức xin ý kiến bằng văn bản.
– Nghị quyết của hội đồng trường được thông qua bằng hình thức biểu quyết hoặc bỏ phiếu và chỉ có hiệu lực khi được trên 1/2 (một phần hai) số thành viên của hội đồng trường nhất trí. Quyết định cuối cùng thuộc về phía có ý kiến của chủ tịch hội đồng trường trong trường hợp số phiếu tán thành và không tán thành ngang nhau. Các nghị quyết của hội đồng trường được công bố công khai trong toàn nhà trường.
– Hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm thực hiện các quyết nghị hoặc kết luận của hội đồng trường về những nội dung theo quy định nêu trên.
Trường hợp hiệu trưởng không nhất trí với quyết nghị của hội đồng trường thì phải kịp thời báo cáo, xin ý kiến cơ quan quản lý giáo dục cấp trên trực tiếp của trường. Quý bạn đọc cần lưu ý rằng trong thời gian chờ ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, hiệu trưởng vẫn phải thực hiện theo quyết nghị của hội đồng trường đối với các vấn đề không trái với pháp luật hiện hành và Điều lệ này.
Đối với trường mầm non công lập:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Điều lệ trường mầm non Ban hành kèm theo Thông tư số 52/2020/TT-BGDĐT ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định hội đồng trường của trường công lập như sau:
Thứ nhất, Hội đồng trường của trường công lập là tổ chức quản trị nhà trường, huy động và giám sát việc sử dụng các nguồn lực dành cho nhà trường, thực hiện quyền đại diện sở hữu của nhà trường và các bên có lợi ích liên quan, chịu trách nhiệm quyết định về phương hướng hoạt động của nhà trường, gắn nhà trường với cộng đồng và xã hội, bảo đảm thực hiện mục tiêu giáo dục, phù hợp với quy định của pháp luật.
Thứ hai, Thành phần và thủ tục thành lập hội đồng trường:
– Thành phần Hội đồng trường bao gồm:
+ Bí thư cấp ủy; hiệu trưởng;
+ Chủ tịch Công đoàn;
+ Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;
+ Đại diện các tổ chuyên môn, đại diện tổ văn phòng;
+ Đại diện chính quyền địa phương và đại diện ban đại diện cha mẹ trẻ em.
Hội đồng trường có chủ tịch, thư ký và các thành viên khác, số lượng thành viên của hội đồng trường là số lẻ và ít nhất là 07 người, nhiều nhất là 13 người.
Hiệu trưởng căn cứ vào cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của hội đồng trường phải tiến hành việc tổng hợp danh sách nhân sự do tập thể giáo viên và các tổ chức, đoàn thể nhà trường giới thiệu trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định thành lập. Nhiệm kỳ của hội đồng trường là 05 năm.
Hiệu trưởng làm văn bản đề nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định bổ sung, kiện toàn hội đồng trường trong trường hợp có sự thay đổi về nhân sự.
Thứ ba, Nhiệm vụ và quyền hạn của hội đồng trường:
– Quyết nghị về mục tiêu, chiến lược phát triển, kế hoạch hoạt động hằng năm của nhà trường; quyết nghị về chủ trương sử dụng tài chính, tài sản của nhà trường; quyết nghị quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường; xem xét, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định của nhà trường, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; quyết nghị về tổ chức, nhân sự;
– Giám sát các hoạt động của nhà trường; việc thực hiện quy chế dân chủ trong các hoạt động của nhà trường; giám sát quá trình tổ chức thực hiện các quyết nghị của hội đồng trường;
Thứ tư, Hoạt động của hội đồng trường:
– Hội đồng trường họp ít nhất 03 lần một năm. Trường hợp cần thiết, khi hiệu trưởng hoặc ít nhất 1/3 (một phần ba) số thành viên hội đồng trường đề nghị, chủ tịch hội đồng trường có quyền triệu tập phiên họp bất thường để giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của nhà trường.
Cần lưu ý rằng, Hội đồng trường có thể họp bằng hình thức xin ý kiến bằng văn bản.
– Phiên họp hội đồng trường được công nhận là hợp lệ khi có mặt từ 3/4 (ba phần tư) số thành viên của hội đồng trở lên (trong đó có chủ tịch hội đồng). Quyết nghị của hội đồng trường được thông qua và có hiệu lực khi được ít nhất 2/3 (hai phần ba) số thành viên có mặt nhất trí.
Cần lưu ý rằng, Các nghị quyết của hội đồng trường được công bố công khai trong toàn nhà trường.
– Hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm thực hiện các quyết nghị hoặc kết luận của hội đồng trường về những nội dung nêu trên. Trong trường hợp hiệu trưởng không nhất trí với quyết nghị của hội đồng trường thì phải kịp thời báo cáo, xin ý kiến cơ quan quản lý giáo dục cấp trên trực tiếp.
Trong thời gian chờ ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, hiệu trưởng thực hiện theo quyết nghị của hội đồng trường đối với các vấn đề không trái với pháp luật hiện hành và Điều lệ đã quy định.
3. Nhiệm vụ và quyền hạn của trường mầm non:
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Điều lệ trường mầm non Ban hành kèm theo Thông tư số 52/2020/TT-BGDĐT ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định nhiệm vụ và quyền hạn của trường mầm non như sau:
– Xây dựng phương hướng, xây dựng chiến lược phát triển nhà trường theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bảo đảm phù hợp điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương, tầm nhìn, sứ mệnh và các giá trị cốt lõi của nhà trường.
– Quản lý, sử dụng cán bộ, giáo viên, nhân viên để thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em, chủ động đề xuất nhu cầu, tham gia tuyển dụng cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường công lập;
– Tổ chức thực hiện việc giáo dục, nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 06 tuổi theo chương trình giáo dục mầm non do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
– Thực hiện dân chủ, trách nhiệm giải trình của nhà trường trong quản lý hoạt động giáo dục.
– Thực hiện các hoạt động về bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định. Công bố công khai mục tiêu, điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, kết quả đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục, chương trình, kế hoạch giáo dục;
– Huy động trẻ em lứa tuổi mầm non đến trường; quản lý trẻ em; thực hiện hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non khác trên địa bàn nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động giáo dục theo phân công của cấp có thẩm quyền; tổ chức giáo dục hòa nhập cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khuyết tật; thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi trong phạm vi được phân công;
– Xây dựng cơ sở vật chất theo yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa; Huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực theo quy định của pháp luật;
– Thực hiện việc tham mưu với chính quyền, phối hợp với gia đình hoặc người chăm sóc trẻ em và tổ chức, cá nhân để thực hiện hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
– Thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
– Tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và trẻ em tham gia các hoạt động phù hợp trong cộng đồng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ Trường mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.