Trình độ học vấn và trình độ chuyên môn được xem là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, tuy nhiên trên thực tế vẫn nhiều người nhầm lẫn giữa hai khái niệm này, đặc biệt trong quá trình viết hồ sơ xin việc. Vậy có thể phân biệt giữa trình độ học vấn và trình độ chuyên môn như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Trình độ học vấn được hiểu như thế nào?
Trước hết, trình độ học vấn là khái niệm để chỉ bậc học chính quy cao nhất mà một cá nhân hoàn thành, trình độ học vấn sẽ được xây dựng dựa trên hệ thống giáo dục của một quốc gia bất kỳ. Tại Việt Nam hiện nay, bậc phổ thông bao gồm 12 năm học, trong đó bao gồm 05 năm học tiểu học, 04 năm học cấp trung học cơ sở và 03 năm học cấp trung học phổ thông.
Vì vậy, trình độ học vấn của một cá nhân tốt nghiệp bậc tiểu học được xác định là 5/12, trình độ học vấn của cá nhân tốt nghiệp bậc trung học cơ sở được xác định là 9/12, và trình độ học vấn của cá nhân tốt nghiệp bậc trung học phổ thông được xác định là 12/12. Đồng thời, các bậc học sau phổ thông sẽ được xác định bao gồm:
+ Cao đẳng;
+ Đại học;
+ Trung cấp;
+ Cao học;
+ Nghiên cứu sinh …
2. Trình độ chuyên môn được hiểu như thế nào?
Bên cạnh trình độ học vấn, trình độ chuyên môn là một thuật ngữ được sử dụng để chỉ khả năng, năng lực của một cá nhân về một lĩnh vực hoặc nhiều lĩnh vực bất kỳ. Trình độ chuyên môn của cá nhân thông thường sẽ được đánh giá dựa trên học vị chính thức của cá nhân đó trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu như: trình độ tiến sĩ, trình độ thạc sĩ, trình độ cử nhân, trình độ kĩ sư …
Và với những chứng chỉ, bằng cấp có liên quan tới kĩ năng nghiệp vụ hay những khóa học ngắn hạn thì cũng có thể được coi là trình độ chuyên môn của một cá nhân. Ví dụ như: chứng chỉ phân tích tài chính chuyên nghiệp, chứng chỉ kế toán, chứng chỉ tiếng Anh, bằng cấp từ những khóa học chính thức của Facebook, khoá học của Google, khoá học của các trường đại học lớn …
Hiện nay, trình độ chuyên môn được phân chia thành nhiều bậc cơ bản như sau:
-
Trình độ sơ cấp. Trình độ sơ cấp dành cho các chương trình học tập và chương trình đào tạo trong thời gian ngắn, trình độ sơ cấp là khái niệm để chỉ hình thức học với kiến thức song song thực hành. Các khóa học đào tạo tại trình độ sơ cấp thông thường sẽ áp dụng đối với ngành nghề trong lĩnh vực kĩ thuật tại các trường dạy nghề;
-
Trình độ trung cấp. Trình độ trung cấp là cấp bậc trình độ dành cho những cá nhân đã hoàn thành xong chương trình giáo dục đào tạo ở bậc trung học phổ thông và trung học cơ sở, tuy nhiên sau đó tiếp tục học lên trung cấp. Thời gian học trình độ trung cấp hiện nay thông thường sẽ kéo dài từ 02 năm cho đến 04 năm, tùy theo việc cá nhân đó đã hoàn thành xong chương trình tại bậc Trung học phổ thông hoặc Trung học cơ sở hay chưa. Với trình độ trung cấp, một cá nhân sẽ có những kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực hoặc nhiều lĩnh vực cụ thể, để có thể làm việc với khả năng độc lập;
-
Trình độ cao đẳng. Trình độ cao đẳng chỉ áp dụng đối với những người đã tốt nghiệp trung học phổ thông, chương trình đào tạo cao đẳng thông thường có thời gian kéo dài khoảng ba năm. Với chương trình đào tạo cao đẳng thì các cá nhân sẽ được trang bị rất nhiều kiến thức và kỹ năng chuyên sâu so với trình độ cung cấp về một ngành nghề nhất định trên thực tế. Với trình độ cao đẳng, một cá nhân hoàn toàn đáp ứng đầy đủ khả năng để có thể giải quyết các vấn đề ở mức độ phức tạp, các cá nhân đó có thể làm việc độc lập hoặc cũng có thể làm việc nhóm, có đầy đủ khả năng để giữ các vị trí quản lý;
-
Trình độ đại học. Thông thường, chương trình đào tạo đại học sẽ đào tạo những sinh viên với kiến thức chuyên môn chuyên sâu, với lượng kiến thức lớn và vô cùng toàn diện, chương trình đào tạo đại học hướng tới mục tiêu đem lại nhiều kỹ năng hỗ trợ cho công việc của sinh viên. Thời gian đào tạo chương trình đại học tùy thuộc vào ngành nghề khác nhau, có những ngành nghề thời gian đào tạo đại học kéo dài trong 04 năm tuy nhiên cũng có những ngành nghề thời gian đào tạo đại học lên tới 06 năm;
-
Trình độ thạc sĩ và tiến sĩ. Chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ sẽ được áp dụng đối với những cá nhân đã tốt nghiệp chương trình đào tạo đại học. Cá nhân khi có nhu cầu nâng cao hơn nữa kiến thức chuyên môn về nghề nghiệp hoặc một vòng thì có thể tìm đến hệ đào tạo chuyên sâu đó là thạc sĩ và tiến sĩ.
3. Phân biệt giữa trình độ học vấn và trình độ chuyên môn:
Trình độ học vấn và trình độ chuyên môn là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, thông thường trình độ học vấn và trình độ chuyên môn sẽ được sử dụng cùng nhau trong một bản sơ yếu lý lịch để nhằm mục đích cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến nền tảng học vấn và năng lực của một cá nhân. Có thể nhận thấy sự khác biệt giữa trình độ học vấn và trình độ chuyên môn như sau:
Tiêu chí | Trình độ học vấn | Trình độ chuyên môn |
Tên tiếng Anh | Education Level | Professional Level |
Hình thức thể hiện | Trình độ học vấn thể hiện mức độ giáo dục của một cá nhân đạt được thông qua quá trình hoàn thành một cấp học, hoàn thành một bậc học hoặc hoàn thành một khóa học đào tạo chính thống. Trình độ học vấn thông thường sẽ được phân loại dựa trên bằng cấp và phân loại dựa trên chứng chỉ mà cá nhân đó nhận được. Có thể đưa ra một số ví dụ về trình độ học vấn như sau: + Trung học phổ thông: được thể hiện thông qua bằng tốt nghiệp trung học phổ thông; + Đại học: được thể hiện thông qua bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ; + Cấp chứng chỉ và các khóa học đào tạo ngắn hạn: chứng chỉ tiếng Anh, chứng chỉ đối với các khóa học đào tạo quản lý dự án, khóa học đào tạo quản lý bán hàng … | Về trình độ chuyên môn, trình độ chuyên môn sẽ được đề cập dựa trên nền tảng kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm chuyên sâu của một cá nhân đạt được trong một lĩnh vực hoặc một số lĩnh vực nhất định. Trình độ chuyên môn không nhất thiết phải đi kèm với việc hoàn thành các khóa học hay cần phải có bằng cấp, trình độ chuyên môn thể hiện mức độ am hiểu và mức độ chuyên môn trong một lĩnh vực hoặc nhiều lĩnh vực nào đó. Ví dụ như: + Kỹ năng chuyên môn: có thể được thể hiện thông qua kỹ năng lập trình, kĩ năng quản lý dự án, kỹ năng thiết kế đồ họa …; + Kinh nghiệm làm việc: được thể hiện thông qua thời gian làm việc trong một hoặc một số lĩnh vực nhất định, thể hiện thông qua những dự án đã tham gia trên thực tế …; + Sự thành thạo về công nghệ: đó là những kiến thức chuyên sâu về công nghệ khoa học, phần mềm, công cụ trong quá trình hành nghề … |
Tóm lại, trình độ học vấn sẽ tập trung vào bằng cấp và tập trung vào các hình thức giáo dục, trong khi đó trình độ chuyên môn sẽ tập trung vào kiến thức và kỹ năng kinh nghiệm chuyên sâu trong một lĩnh vực hoặc một số lĩnh vực nhất định.
Vì vậy, khi viết sơ yếu lý lịch, quá trình thiết kế trình độ học vấn và trình độ chuyên môn sẽ giúp cho các nhà tuyển dụng có cái nhìn tổng quan hơn về khả năng và năng lực của một cá nhân.
4. Cách viết trình độ học vấn và trình độ chuyên môn khi xin việc:
Do không phân biệt được sự khác nhau giữa trình độ chuyên môn và trình độ học vấn, vì vậy nhiều cá nhân vẫn mắc phải lỗi sai trong quá trình viết hồ sơ xin việc. Tuy nhiên sau khi nhìn nhận rõ, khái niệm trình độ học vấn và trình độ chuyên môn là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, cần phải lưu ý cách viết trình độ học vấn và trình độ chuyên môn khi xin việc như sau:
-
Đối với những thành phần hồ sơ xin việc in sẵn hoặc thành phần hồ sơ xin việc có ghi rõ hai mục: Trình độ học vấn và trình độ chuyên môn, các ứng viên cần phải phân biệt rõ hai khái niệm này và ghi đúng yêu cầu theo từng mục;
-
Đối với thành phần hồ sơ do cá nhân tự biết, thông thường các ứng viên lên trình bày kết hợp giữa trình độ chuyên môn và trình độ học vấn, ví dụ như “tốt nghiệp đại học chuyên ngành Tài chính ngân hàng – Trường Đại học kinh tế quốc dân khóa 2024”.
Trong trường hợp các ứng viên có thêm chứng chỉ, bằng cấp khác có liên quan tới công việc đó thì cần phải liệt kê vào một trình độ chuyên môn, ví dụ như: đạt CFA level III, Đã từng thi đỗ chứng chỉ kế toán quốc tế, đạt chứng chỉ tiếng Nhật N2, Đạt chứng chỉ Toiec, đạt trình độ tiếng Trung HSK5 … Và đồng thời, các ứng viên có thể khéo léo lồng ghép ngắn gọn những kỹ năng, nghiệp vụ của mình trong phần “kinh nghiệm làm việc” khi thực hiện hoạt động mô tả các công việc đã làm trong quá khứ cũng như các thành tích đã từng đạt được.
THAM KHẢO THÊM: