Nhục hình và bức cung là hai khái niệm khác nhau tuy nhiên vẫn không có ít người nhầm lẫn, hai hành vi này là những sai phạm cơ bản và phổ biến trong hoạt động tố tụng hình sự. Độc giả có thể phân biệt tội dùng nhục hình và tội bức cung thông qua một số tiêu chí trong bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Phân biệt giữa tội dùng nhục hình và tội bức cung:
Tiêu chí | Tội dùng nhục hình | Tội bức cung |
Cơ sở pháp lý | Điều 373 Bộ luật Hình sự năm 2015 | Điều 374 Bộ luật Hình sự năm 2015 |
Khái niệm | Dùng nhục hình là khái niệm để chỉ hình phạt về thể xác, trong đó một người thực hiện nhiều hành vi khác nhau để gây đau đớn cho người khác, thông thường hướng tới mục đích trừng phạt cho một tội ác hoặc để ép buộc cung cấp một thông tin bất kỳ. Trên thực tế, dùng nhục hình được coi là hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến nhân quyền và hiện nay hành vi này đang bị pháp luật quốc tế nghiêm cấm. Nhục hình đã và đang được sử dụng trong suốt quá trình lịch sử và được thực hiện ở nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Dùng nhục hình là một trong những hành vi bị nghiêm cấm, và đây cũng là một trong những tội phạm bị trừng phạt theo quy định của pháp luật Việt Nam. | Bức cung là khái niệm để chỉ hành vi một cá nhân sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau trái quy định của pháp luật để nhằm mục đích bắt buộc người bị hỏi cung (hay còn được gọi là bị can) phải khai ra những thông tin có liên quan trực tiếp đến vụ án và vụ việc đang trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử. |
Mục đích | Mục đích của hành vi sử dụng nhục hình là để nhằm gây đau đớn cho người khác. Nhục hình có thể được sử dụng để buộc một người nhận tội, thừa nhận hoặc làm một điều gì đó chống lại ý muốn chủ quan của người bị nhục hình. Sử dụng nhục hình có thể được dùng để trừng phạt một người vì tội ác mà họ đã gây ra. Đồng thời, dùng nhục hình cũng có thể được sử dụng để đe dọa hoặc làm nhục một cá nhân hoặc một nhóm cá nhân bất kỳ. | Hành vi bức cung được sử dụng nhằm mục đích ép buộc người bị lấy lời khai, người hỏi cung phải khai ra những thông tin có liên quan đến vụ việc và vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử. |
Hậu quả | Hành vi dùng nhục hình có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần của con người, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. | Hành vi bức cung có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến việc người bị hỏi cung khai sai sự thật, từ đó gây ra nhiều oan trái trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử. |
Mức phạt | Cá nhân trong hoạt động tố tụng, hoạt động thi hành án hoặc hoạt động thi hành các biện pháp đưa vào cơ sở giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà thực hiện hành vi dùng nhục hình hoặc thực hiện hành vi khác đối xử tàn bạo, hạ thấp danh dự nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào, thì hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội dùng nhục hình. Người phạm tội dùng nhục hình có thể bị phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân tùy theo từng mức độ vi phạm khác nhau. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đó là cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định trong khoảng thời gian từ 01 năm đến 05 năm. Mức phạt của tội dùng nhục hình hiện nay đang được thực hiện theo quy định tại Điều 373 của Bộ luật hình sự năm 2015. | Cá nhân trong hoạt động tố tụng có hành vi sử dụng thủ đoạn trái quy định của pháp luật nhằm mục đích ép buộc người bị lấy lời khai, ép buộc người bị hỏi cung cần phải khai ra thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc thì hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bức cung. Người phạm tội bức cung có thể bị phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân tùy theo mức độ vi phạm khác nhau. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đó là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề trong khoảng thời gian từ 01 năm đến 05 năm. Mức phạt của tội bức cung hiện nay đang được thực hiện theo quy định tại Điều 374 của Bộ luật hình sự năm 2015. |
2. Cấu thành tội phạm của tội dùng nhục hình theo Bộ luật Hình sự năm 2015:
Xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo, pháp luật Việt Nam hiện nay có nhiều quy định nghiêm cấm dùng nhục hình dưới bất kỳ hình thức nào, đặc biệt là trong hoạt động tố tụng của cơ quan nhà nước nói chung và trong hoạt động tư pháp nói riêng. Điều 10 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định: Nghiêm cấm hành vi tra tấn, bức cung, dùng nhục hình hoặc bất kỳ hình thức đối xử nào xâm phạm đến thân thể, xâm phạm đến tính mạng hoặc sức khỏe của con người.
Có thể thấy, tội dùng nhục hình không chỉ xâm phạm đến hoạt động tư pháp mà còn xâm phạm trực tiếp đến sức khỏe, nhân phẩm, thậm chí xâm phạm đến tính mạng của người khác, ảnh hưởng xấu đến công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm của các lực lượng chức năng. Tội dùng nhục hình hiện nay đang được quy định tại Điều 373 của Bộ luật hình sự năm 2015.
Theo đó, dấu hiệu pháp lý của loại tội phạm này được quy định như sau:
(1) Về dấu hiệu chủ thể của tội phạm. Chủ thể của tội phạm là chủ thể đặc biệt, trong đó bao gồm:
+ Người có chức vụ, quyền hạn trong hoạt động tố tụng;
+ Người có chức vụ, quyền hạn trong hoạt động thi hành án;
+ Người có chức vụ, quyền hạn trong hoạt động thi hành các biện pháp đưa vào cơ sở giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
(2) Dấu hiệu khách quan của tội phạm. Hành vi khách quan của tội dùng nhục hình được quy định là hành vi dùng nhục hình hoặc hành vi đối xử tàn bạo, hạ thấp danh dự, nhân phẩm của người khác. Vì vậy, có thể hiểu hành vi khách quan của tội dùng nhục hình là hành vi gây đau đớn về mặt thể xác hoặc gây đau đớn về tinh thần cho nạn nhân. Và Điều 373 của Bộ luật hình sự năm 2015 không giới hạn và hình thức thực hiện đối với hành vi này.
(3) Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm. Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý.
3. Cấu thành tội phạm của tội bức cung theo Bộ luật Hình sự năm 2015:
Bức cung cũng là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 174 của Bộ luật hình sự năm 2015. Dấu hiệu pháp lý của loại tội phạm này được quy định như sau:
(1) Dấu hiệu chủ thể của tội phạm. Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, đó là người có chức vụ và quyền hạn trong hoạt động tố tụng hình sự. Đó có thể là những người có trách nhiệm lấy lời khai, có trách nhiệm hỏi cung trong hoạt động tố tụng hình sự, có trách nhiệm lấy lời khai trong tố tụng dân sự, trong tố tụng hành chính.
(2) Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm. Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi ép buộc người bị hỏi cung phải khai ra những thông tin có liên quan trực tiếp đến vụ việc. Thủ đoạn có thể sử dụng bao gồm:
+ Đe dọa sẽ dùng nhục hình;
+ Đe dọa sẽ xử nặng;
+ Đe dọa bắt giam, xét xử người thân thích (vợ, chồng, cha mẹ, con …);
+ Đe dọa sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự, tịch thu tài sản;
+ Đe dọa sẽ xử bất lợi … và một số thủ đoạn trái pháp luật khác.
(3) Dấu hiệu hậu quả của tội phạm. Điều luật không quy định hậu quả là một trong những cấu thành bắt buộc của tội phạm này, tuy nhiên cần hiểu hành vi ép buộc phải dẫn đến việc người bị hỏi cung, hoặc người bị lấy lời khai đã khai ra thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc.
(4) Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm. Lỗi của người phạm tội được xác định là lỗi cố ý.
THAM KHẢO THÊM: