Quy hoạch thường được xây dựng dựa trên chiến lược phát triển của một vùng lãnh thổ hay một ngành, một lĩnh vực theo thời gian. Hiện nay có nhiều loại quy hoạch khác nhau, trong đó có quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị. Hai loại quy hoạch này khác nhau như thế nào? Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Phân biệt giữa quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị:
1.1. Thế nào là quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị?
Theo quy định, quy hoạch đô thị là việc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở nhằm tạo môi trường sống thích hợp cho người dân, đồng thời kiểm soát hay tổ chức môi trường sống đô thị. Các hoạt động này có thể bao gồm:
+ Ban hành luật, quy định kiểm soát phát triển; xây dựng và vận hành các bộ máy quản lý đô thị
+ Đề ra các tiêu chí, lập và phê duyệt quy hoạch
+ Thực hiện các chương trình đầu tư phát triển đô thị; nghiên cứu đô thị; đào tạo bộ máy nhân lực; trao đổi tranh luận về các vấn đề đô thị…
– Quy hoạch xây dựng được quy định gồm những hoạt động đó là:
+ Tổ chức không gian của đô thị, nông thôn và khu chức năng;
+ Tổ chức hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội;
+ Tạo lập môi trường thích hợp cho người dân sống tại các vùng lãnh thổ, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích cộng đồng, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
+ Quy hoạch xây dựng được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch xây dựng gồm sơ đồ, bản vẽ, mô hình và thuyết minh.
Quy hoạch xây dựng có vai trò quan trọng, là cơ sở để khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên hợp lý, đất đai, nhân lực, các điều kiện kinh tế, xã hội, thu hút đầu tư, ổn định đời sống dân cư làm nền tảng cho phát triển bền vững.
1.2. Phân biệt giữa quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị:
Quy hoạch đô thị là một hình thức của quy hoạch xây dựng được quy định trong Luật Xây dựng. Có nghĩa là quy hoạch xây dựng là một khái niệm bao quát hơn quy hoạch đô thị. Quy hoạch đô thị được quy định chi tiết hơn trong Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 đã được sửa đổi bổ sung.
Theo đó quy hoạch xây dựng bao gồm các hình thức quy hoạch sau:
– Quy hoạch xây dựng vùng là:
+ Việc tổ chức hệ thống đô thị, nông thôn, khu chức năng đặc thù.
+ Tổ chức hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong địa giới hành chính của một tỉnh hoặc một huyện, liên tỉnh, liên huyện phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ.
– Quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù:
+ Quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù gồm quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu xây dựng và quy hoạch chi tiết xây dựng.
+ Khi tiến hành phân khu xây dựng khu chức năng đặc thù thì phải tiến hành theo quy định.
+ Nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng đặc thù gồm:
++ Lập danh mục đề xuất biện pháp cải tạo những công trình cần giữ lại trong khu vực quy hoạch cải tạo.
++ Những yêu cầu khác đối với từng khu vực quy hoạch.
– Quy hoạch xây dựng nông thôn:
+ Là việc tổ chức không gian, sử dụng đất, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của nông thôn.
+ Quy hoạch xây dựng nông thôn gồm quy hoạch chung xây dựng xã và quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn.
– Quy hoạch đô thị là:
+ Việc tổ chức không gian, kiến thức, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và
nhà ở
+ Nhằm để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong đô thị.
+ Quy hoạch đô thị được thể hiện qua đề án quy hoạch đô thị.
– Quy hoạch đô thị gồm các loại sau đây:
+ Quy hoạch chung:
++ Là quy hoạch được lập cho thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn và đô thị mới.
++ Được hiểu là việc tổ chức không gian, hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở cho một đô thị phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội của đô thị.
++ Nhằm bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững.
+ Quy hoạch phân khu:
++ Nhằm cụ thể hóa nội dung quy hoạch chung, được lập cho các khu vực trong thành phố, thị xã và đô thị mới.
++ Được hiểu là việc phân chia và xác định chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị của các khu đất, mạng lưới công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội trong một khu vực đô thị.
+ Quy hoạch chi tiết:
++ Nhằm cụ thể hóa nội dung của quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chung, được lập cho khu vực theo yêu cầu phát triển, quản lý đô thị hoặc nhu cầu đầu tư xây dựng.
++ Được hiểu là việc phân chia và xác định chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị, yêu cầu quản lý kiến trúc, cảnh quan của từng lô đất; bố trí công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội.
– Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật được hiểu là một nội dung trong đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.
2. Ý Nghĩa của những loại bản đồ quy hoạch đô thị:
– Khi thực hiện quy hoạch bắt buộc phải có bản đồ, đây là một trong các yếu tố quan trọng của nội dung trong đồ án quy hoạch. Đồ án quy hoạch đô thị là những tài liệu thể hiện:
+ Đây là bản vẽ thể hiện nội dung của quy hoạch đô thị.
+ Bao gồm các bản vẽ, mô hình, thuyết minh và quy định quản lý theo quy hoạch đô thị.
+ Mỗi bản đồ có một ý nghĩa, nhiệm vụ riêng và được sử dụng tùy thuộc vào từng giai đoạn.
+ Bên cạnh đó bản đồ quy hoạch còn mang giá trị pháp lý cao, là căn cứ để đưa ra quyết định khi có các phát sinh tranh chấp, kiện tụng xảy ra.
– Bản đồ quy hoạch đô thị bao gồm những loại bản đồ sau:
+ Thứ nhất là bản đồ quy hoạch chung tỉ lệ 1/5.000 có giá trị:
++ Xác định các khu vực chức năng, những định hưởng tính giao thông, rõ ràng mốc giới, địa giới của các phần đất dành để phát triển hạ tầng đường, cầu, cống, điện, trường học, khu dân cư, cây xanh, hồ nước…
++ Bản đồ quy hoạch 1/5.000 là cơ sở gốc để xác định mục tiêu phát triển kêu gọi đầu tư cũng như vấn đề giải phóng mặt bằng, đền bù, di dân…
+ Thứ hai là bản đồ quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 có giá trị:
++ Phân chia và xác định chức năng sử dụng đất và mạng lưới công trình hạ tầng nhằm cụ thể hóa nội dung của quy hoạch chung đô thị.
++ Nội dung của quy hoạch phân khu bao gồm: xác định phạm vi ranh giới, diện tích, tính chất khu vực lập quy hoạch, chỉ tiêu dự kiến về dân số, sử dụng đất, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đối với từng ô phố và đấu nối hạ tầng kỹ thuật chung;
++ Xác định chức năng sử dụng đất cho từng khu đất; nguyên tắc tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan và đánh giá tác môi trường chiến lược.
+ Thứ ba là bản đồ quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 cụ thể hóa nội dung quy hoạch phân khu và quy hoạch chung.
++ Bản đồ quy hoạch chi tiết bố trí cụ thể tất cả các công trình trên đất, bố trí đến từng ranh giới lô đất.
++ Đây là bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng của các dự án đầu tư xây dựng, là cơ sở để định vị công trình, thiết kế cơ sở thiết kế kỹ thuật xây dựng công trình và thực hiện xây dựng.
++ Bản đồ này là hình thức triển khai hóa một cách cụ thể về quy hoạch tỷ lệ 1/2000.
++ Bản đồ này cũng được coi là một cơ sở để lập nên được các dự án xây dựng khác khi đã có đầy đủ giấy tờ cấp phép cũng như các nhà quản lý đầu tư xây dựng.
++ Một bản đồ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 sẽ bao gồm các thông tin về quy hoạch chung, vùng, quy hoạch chi tiết và cả thiết kế đô thị.
3. Trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị:
– Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới trong các trường hợp đó là:
+ Có phạm vi quy hoạch liên quan đến địa giới hành chính của hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
+ Quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương với đô thị loại III trở lên và quy hoạch khác do Thủ tướng Chính phủ giao.
– Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức:
+ Lập quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương
+ Quy hoạch chung đô thị mới, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật thành phố trực thuộc Trung ương
+ Quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết các khu vực có phạm vi liên quan đến địa giới hành chính của hai quận, huyện trở lên.
+ Quy hoạch khu vực trong đô thị mới, khu vực có ý nghĩa quan trọng
– Ủy ban nhân dân thành phố thuộc tỉnh, thị xã tổ chức:
+ Lập quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh, thị xã;
+ Quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý
– Ủy ban nhân dân quận tổ chức:
+ Lập quy hoạch phân khu
+ Quy hoạch chi tiết trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý
– Ủy ban nhân dân huyện thuộc thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức:
+ Lập quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết thị trấn, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý.
– Ủy ban nhân dân huyện thuộc tỉnh tổ chức lập quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết thị trấn.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Xây dựng năm 2014;
– Luật Quy hoạch đô thị năm 2009;
– Văn bản hợp nhất 11/VBHN-VPQH 2019 hợp nhất Luật Quy hoạch đô thị.