Trong các giao dịch dân sự hoặc trong quan hệ hợp đồng, các bên sẽ thỏa thuận về nghĩa vụ của trong trong quá trình thực hiện giao dịch, hợp đồng. Vậy giữa nghĩa vụ riêng rẽ với nghĩa vụ liên đới khác nhau như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Phân biệt giữa nghĩa vụ riêng rẽ với nghĩa vụ liên đới:
1.1. Phân biệt:
Nghĩa vụ dân sự là quan hệ pháp luật dân sự mà theo đó một bên chủ thể phải thực hiện hoặc không thực hiện một công việc nhất định vì lợi ích của bên kia theo thỏa thuận hoặc phát sinh từ một sự kiện khác (nghĩa vụ dân sự ngoài hợp đồng) mà Bộ luật dân sự quy định. Nghĩa vụ liên đới và nghĩa vụ riêng rẽ đều là nghĩa vụ được quy định trong pháp luật dân sự, đều được áp dụng trong trường hợp nhiều đối tượng, đều có căn cứ phát sinh là theo thỏa thuận, hoặc phát sinh theo quy định của pháp luật tuy nhiên giữa hai loại nghĩa vụ cũng có những điểm khác biệt như sau:
* Khái niệm:
– Theo quy định nghĩa vụ riêng rẽ là nhiều người cùng thực hiện một nghĩa vụ nào đó và mỗi người trong số họ có một phần nghĩa vụ nhất định và nghĩa vụ của từng người là riêng rẽ, có nghĩa là mỗi người chỉ cấn thực hiện phần nghĩa vụ của mình với bên có quyền.
– Nghĩa vụ liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện mà theo đó Bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ, buộc những người có nghĩa vụ phải cùng nhau gánh vác toàn bộ nghĩa vụ nhằm đảm bảo quyền lợi cho chủ thể có quyền được trọn vẹn, kể cả khi có một trong số những người có nghĩa vụ không có khả năng thực hiện nghĩa vụ, ở đây có tính chất bù trừ nghĩa vụ cho nhau.
* Đặc điểm:
– Đối với nghĩa vụ riêng rẽ có những đặc điểm sau:
+ Mỗi một người trong số những người có nghĩa vụ chỉ phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình hoặc mỗi người trong số những người có quyền chỉ có thể yêu cầu người có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ cho riêng phần quyền của mình. Bản chất của loại nghĩa vụ này là giữa những người có nghĩa vụ không có sự liên quan đến nhau, và giữa những người có quyền thực hiện quyền cũng không liên quan đến nhau.
+ Khi mỗi người thực hiện xong phần nghĩa vụ của mình thì quan hệ nghĩa vụ giữa họ với người có quyền cũng sẽ chấm dứt, phần nghĩa vụ của người khác chưa thực hiện cũng không liên quan đến họ, người có quyền trong trường hợp này cũng không thể yêu cầu người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ của những người còn lại.
– Đối với nghĩa vụ liên đới có những đặc điểm sau:
+ Bên có quyền được yêu cầu bất cứ ai trong số người có nghĩa vụ thực hiện toàn bộ nghĩa vụ (bao gồm nghĩa vụ của người này và cả của những người còn lại), và khi người này thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì nghĩa vụ đó chấm dứt và phát sinh nghĩa vụ hoàn lại. Nghĩa là người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ còn lại thanh toán phần nghĩa của họ cho mình, như vậy, sự liên đới ở đây là việc thực hiện nghĩa vụ sẽ thông qua một người có nghĩa vụ do người có quyền yêu cầu, sau đó những người có nghĩa vụ còn lại hoàn trả số tiền đó cho người đã thực hiện nghĩa vụ. Mặc dù là nghĩa vụ liên đới, chủ thể nào đó đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ nhưng nghĩa vụ của mỗi người trong quan hệ nghĩa vụ đó đều phải được xác định cụ thể, để khi phát sinh quan hệ hoàn lại có thể xác định được phần phải hoàn lại.
+ Ngoài ra, nếu người có quyền đã chỉ định một người thực hiện toàn bộ nghĩa vụ, sau đó miễn cho người đó thì nghĩa vụ chấm dứt với người này và cả với những người còn lại. Nhưng nếu người có quyền chỉ miễn thực hiện nghĩa vụ cho một trong số những người có nghĩa vụ liên đới thì những người còn lại vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của họ. Đồng thời nếu gồm nhiều người có quyền thì bất kỳ chủ thể có quyền nào đều có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.
* Các trường hợp pháp sinh nghĩa vụ:
– Đối với nghĩa vụ riêng rẽ phát sinh theo thỏa thuận giữa các bên, trong trường hợp các bên không thỏa thuận, và cũng không thuộc trường hợp là liên đới thì là nghĩa vụ riêng rẽ.
– Đối với nghĩa vụ liên đới thì phát sinh theo thỏa thuận giữa các bên hoặc do pháp luật quy định chẳng hạn như: bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra, trường hợp nhiều người cùng gây ra thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại, theo đó trách nhiệm bồi thường của từng người được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được thì họ phải bồi thường theo phần bằng nhau.
1.2. Ví dụ minh hoạt về nghĩa vụ riêng rẽ và nghĩa vụ liên đới:
Ví dụ về nghĩa vụ riêng rẽ: Một nhóm bạn bao gồm A,B,C,D: A vay D 100 triệu, B vay D 100 triệu, C vay D 100 triệu. Khi đó thực hiện nghĩa vụ trả nợ riêng rẽ tức là ai vay bao nhiêu trở nợ bấy nhiêu, chỉ chịu trách nhiệm với khoản nợ của mình, thực hiện xong nghĩa của của mình thì nghĩa vụ đó chấm dứt.
Ví dụ nghĩa vụ dân sự liên đới: B,C cùng vay tiền của A là 1 tỷ. Theo hợp đồng vay tiền thì B và C phải cùng trả lại A số tiền 1 tỷ đồng theo hợp đồng. Theo đó, đến thời hạn, A có thể đòi bất kỳ B hoặc C trả toàn bộ số tiền là 1 tỷ đồng, sau đó người đã trả tiền cho A có thể yêu cầu người còn lại hoàn trả số tiền đã vay của người đó cho mình.
2. Những trường hợp phát sinh nghĩa vụ liên đới:
Theo quy định thì nghĩa vụ liên đới phát sinh theo các căn cứ: theo thỏa thuận giữa các bên có nghĩa vụ với bên có quyền, theo quy định của pháp luật. Theo Điều 275 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về các trường hợp cụ thể chịu trách nhiệm liên đới, cụ thể như sau:
– Nghĩa vụ liên đới phát sinh theo hợp đồng. Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Pháp luật dân sự luôn tôn trọng sự thỏa thuận giữa các bên, vậy nên khi các bên thỏa thuận với nhau trong hợp đồng về việc phát sinh nghĩa vụ liên đới thì nghĩa vụ này mới phát sinh. Nếu trong hợp đồng, các bên đã thỏa thuận rõ về việc nghĩa vụ sẽ được liên đới thực hiện thì phải liên đới thực hiện nghĩa vụ đó.
– Nghĩa vụ liên đới phát sinh do thực hiện hành vi pháp lý đơn phương.
– Nghĩa vụ liên đới phát sinh do thực hiện công việc không có ủy quyền
– Nghĩa vụ liên đới phát sinh do chiếm hữu, sử dụng tài sản hoặc được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.
– Nghĩa vụ liên đới phát sinh do thực hiện hành vi trái pháp luật
Ngoài ra, còn có một số các căn cứ khác do pháp luật quy định cụ thể. Như vậy, ngoài việc thỏa thuận thì nghĩa vụ liên chỉ phát sinh thông qua sau trường hợp nêu trên,trong các trường hợp khác thì nghĩa vụ liên đới không phát sinh, cụ thể đó là: Hợp đồng, Hành vi pháp lý đơn phương; Thực hiện công việc không có ủy quyền; Chiếm hữu, sử dụng tài sản hoặc được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật; Gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật và các căn cứ khác do pháp luật quy định.
Ngoài ra nếu người thực hiện nghĩa vụ liên đới chết, thì quan hệ nghĩa vụ liên đới được chuyển giao cho người thừa kế, thì phần nghĩa vụ của họ sẽ được thực hiện bởi những người thừa kế của họ. Những người thừa kế này chỉ chịu trách nhiệm về nghĩa vụ liên đới bằng và trong phạm vi tài sản thừa kế.
Những văn bản sử dụng trong bài viết:
Bộ luật dân sự năm 2015