Khiếu nại hành chính là gì? Khởi kiện hành chính là gì? Phân biệt giữa khiếu nại hành chính và khởi kiện hành chính?
Khiếu nại và khởi kiện là hai thủ tục được thực hiện khá phổ biến trong cuộc sống hàng ngày, nó là quyền của mọi công dân. Vậy, phân biệt giữa khiếu nại hành chính và khởi kiện hành chính nhưu thế nào?
Cơ sở pháp lý:
– Luật tố tụng hành chính 2015;
Dịch vụ Luật sư
Mục lục bài viết
1.Khiếu nại hành chính là gì?
Khái niệm khiếu nại được quy định rất cụ thể tại điều 2 Luật Khiếu nại 2011 như sau:
“Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.”
Theo quy định trên có thể hiểu, khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính đó trái với quy định của pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người khiếu nại thực hiện quyền quyền khiếu nại với:
– Quyết định hành chính: là văn bản do cơ quan hành chính Nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành để quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước.
– Hành vi hành chính:là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.
– Quyết định kỷ luật: là quyết định bằng văn bản của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để áp dụng một trong các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý của mình của cơ quan hành chính Nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước
Việc khiếu nại của các cá nhân, tổ chức được thực hiện bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp.
2. Khởi kiện hành chính là gì?
Mặc dù không có bất kỳ một văn bản nào quy định cụ thể về khái niệm khởi kiện là gì. Tuy nhiên,quyền khởi kiện lại là một trong những quyền cơ bản của công dân, được ghi nhận trong Hiến pháp và quy định cụ thể tại Điều 186
Do đó, ta có thể hiểu khởi kiện là việc các tổ chức, cơ quan, cá nhân bằng trực tiếp hoặc thông qua người đại diện hợp pháp đưa các sự việc có tranh chấp ra cơ quan có thẩm quyền giải quyết cụ thể là tòa án nhân dân các cấp, theo thủ tục tố tụng nhằm yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Một cá nhân, tổ chức khi tiến hành khởi kiện một vụ án tranh chấp ra tòa án thì cần phải đáp ứng đủ các điều kiện như: chủ thể khởi kiện phải có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự. Vụ án được khởi kiện phải thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Vụ án vẫn còn thời hiệu khởi kiện
3. Phân biệt giữa khiếu nại hành chính và khởi kiện hành chính:
Từ khái niệm về khiếu nại là gì và khởi kiện là gì như đã nêu ở các phần mục trên, ta có thể xác định được giữa khiếu nại hành chính và khởi kiện hành chính sẽ có những điểm khác biệt nhau. Cụ thể khiếu nại hành chính và khởi kiện hành chính có những điểm khác biệt sau đây:
Một là, về vấn đề chủ thể thực hiện:
Khởi kiện hành chính: Căn cứ theo quy định của luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định các chủ thể gồm: Người khởi kiện bao gồm cơ quan, tổ chức, cá nhân; người bị kiện; người giải quyết khởi kiện là tòa án; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Khiếu nại hành chính: Căn cứ theo quy định của Luật Khiếu nại 2011 chủ thể khiếu nại bao gồm: Người khiếu nại là cá nhân, cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức; Người bị khiếu nại; Người giải quyết khiếu nại là thủ trưởng cơ quan, tổ chức ban hành quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại đó; Người có quyền, nghĩa vụ liên quan.
Từ các quy định trên có thể thấy, điểm khác nhau cơ bản nhất về chủ thể của khiếu nại hành chính và khời kiện hành chính đó là:
Trong khởi kiện hành chính: Người bị kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân, người giải quyết vụ án trong khởi kiện là Thẩm phán và các Hội thẩm nhân dân.
Như vậy người bị kiện và người giải quyết trong khởi kiện là hai người khác nhau hoàn toàn
Còn trong khiếu nại hành chính: người bị khiếu nại chính là người giải quyết khiếu nại lần 1 là một người, người giải quyết khiếu nại là thủ trưởng cơ quan, tổ chức ban hành quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại
Hai là, về hình thức khiếu nại, khởi kiện hành chính:
Khởi kiện hành chính: Căn cứ theo quy định tại điều 117 Luật Tố tụng hành chính 2015 xác định cá nhân, tổ chức chỉ được thực hiện việc khởi kiện hành chính bằng một hình thức duy nhất đó là khởi kiện bằng đơn khởi kiện theo quy định của pháp luật,
Khiếu nại hành chính: Căn cứ theo quy định tại theo điều 8 Luật Khiếu nại thi các cá nhân, tổ chức, cơ quan khi thực hiện việc khiếu nại hành chính có thể lựa chọn một trong hai hình thức là khiếu nại trực tiếp hoặc khiếu nại bằng đơn
Ba là, về vấn đề thời hiệu:
Trong khởi kiện hành chính: Căn cứ theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 116 Luật Tố tụng hành chính 2015 có thể xác định thời hiệu khởi kiện hành chính là trong 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc.
Trong khiếu nại hành chính: Căn cứ theo quy định tại điều 9 luật khiếu nại 2011 có thể xác định thời hiệu khiếu nại hành chính là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính
Như vậy, có thể thấy thời hiệu khởi kiện hành chính đối dài hơn nhiều so với trong khiếu nại hành chính.
Bốn là, về vấn đề thẩm quyền giải quyết
Khởi kiện hành chính: Căn cứ theo quy định tại các điều 31, 32 Luật Tố tụng hành chính 2015 xác định thẩm quyền giải quyết khởi kiện hành chính là tòa án cấp huyện hoặc cấp tỉnh phụ thuộc cấp ban hành quyết định hành chính, hành vi hành chính
Khiếu nại hành chính: Căn cứ theo quy định tại các điều từ điều 17 – điều 26 Luật Khiếu nại 2011 thì:
Đối với giải quyết khiếu nại lần một: do Thủ trưởng cơ quan ban hành các quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật giải quyết
Giải quyết khiếu nại lần hai: do Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần một
Năm là, về vấn đề thời gian giải quyết:
Trong khởi kiện hành chính:
Đối với vụ án Hành chính sơ thẩm: Thời hạn chuẩn bị xét xử các vụ án là 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc trừ vụ án xét xử theo thủ tục rút gọn, vụ án có yếu tố nước ngoài và vụ án khiếu kiện về danh sách cử
Đối với vụ án hành chính phúc thẩm: Thời hạn chuẩn bị xét xử là 60 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án, Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm có thể quyết định kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều này, nhưng không được quá 30 ngày.
Trong khiếu nại hành chính:
Thời hạn giải quyết khiếu nại lần một : Căn cứ theo quy định tại điều 28 Luật Khiếu nại 2011 thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; không quá 45 ngày đối với vụ, việc phức tạp. Ở vùng sâu xa, vùng đi lại khó khăn không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý
Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai:Căn cứ theo quy định tại điều 37 Luật Khiếu nại 2011 thời hạn giải quyết khiếu nại là không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp không quá 60 ngày. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp không quá 70 ngày
Như vậy có thể thấy thời hạn trong giải quyết khởi kiện hành chính dài hơn so với thời hạn giải quyết khiếu nại.
Sáu là, khiếu nại là quyền con người được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Còn khái niệm khởi kiện không được quy định trong Hiến pháp mà chỉ được quy định trong pháp luật về tố tụng là quyền công dân và không phải là quyền con người cơ bản.
Bảy là, khiếu nại mang tính chất thương lượng còn khởi kiện mang tính chất tranh chấp. Chỉ có khiếu nại vụ việc hành chính và hành vi, quyết định trái pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào trong hoạt động tố tụng dân sự, không có khiếu nại vụ việc dân sự; còn khởi kiện có cả khởi kiện vụ án hành chính và khởi kiện vụ án dân sự.
Như vậy, từ những lập luận và phân tích như trên có thể thấy khiếu nại hành chính và khởi kiện hành chính là hai thủ tục khác nhau hoàn toàn. Dựa vào chủ thể, hình thưc thực hiện, thời hiệu, thời hạn giải quyết và thẩm quyền giải quyết ta có thể phân biệt được rất rõ về hai thủ tục này.