Sở hữu là quan hệ xã hội, thông qua đó ta xác định được tài sản thuộc về ai, do ai chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản trong xã hội. Vậy sở hữu toàn dân là gì? Sở hữu nhà nước là gì?
Mục lục bài viết
1. Phân biệt giữa khái niệm sở hữu nhà nước và sở hữu toàn dân:
1.1. Khái niệm sở hữu nhà nước:
Tại Điều 17 Hiến pháp 1992 quy định đất đai, rừng núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa và vùng trời, phần vốn và tài sản do Nhà nước đầu tư vào các xí nghiệp, công trình thuộc các ngành và lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học, kỹ thuật, ngoại giao, quốc phòng, an ninh cùng các tài sản khác mà pháp luật quy định là của Nhà nước, đều thuộc sở hữu toàn dân
Tại Điều 200 Bộ luật dân sự 2005 quy định tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước bao gồm đất đai, rừng tự nhiên, rừng trồng có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi tự nhiên ở vùng biển, thềm lục địa và vùng trời, phần vốn và tài sản do Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, công trình thuộc các ngành và lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học, kỹ thuật, ngoại giao, quốc phòng, an ninh cùng các tài sản khác do pháp luật quy định
Cả hai khái niệm về tài sản thuộc sở hữu nhà nước vừa nêu trên đều thuộc về hai văn bản pháp luật đã hết hiệu lực hiện nay đã có văn bản khác thay thế, thay cụm từ “sở hữu nhà nước” thành cụm từ “sở hữu toàn dân” do đó hiện nay không còn văn bản pháp luật nào quy định định cụ thể về khái niệm của hình thức sở hữu nhà nước nữa
Do đó hình thức sở hữu nhà nước được hiểu là việc nhà nước sở hữu một ngành, tài sản hoặc doanh nghiệp của nhà nước hoặc của một cơ quan nhà nước đại diện cho một cộng đồng
Ví dụ: Tại Điều 80 Luật nhà ở 2014 quy định các loại nhà ở thuộc sở hữu của nhà nước bao gồm 04 loại đó là nhà ở công vụ, nhà ở xã hội, nhà ở để phục vụ tái định cư, nhà ở cũ được đầu tư xây dựng bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ vốn ngân sách nhà nước hoặc được xác lập thuộc sở hữu nhà nước và đang cho hộ gia đình, cá nhân thuê theo quy định của pháp luật về nhà ở.
1.2. Sở hữu toàn dân:
Theo quy định tại Điều 197 Bộ luật dân sự 2015 quy định thì tài sản thuộc sở hữu toàn dân bao gồm:Đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, nguồn lợi ở vùng trời, vùng biển, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Tên gọi của hình thức sở hữu toàn dân được thay đổi từ tên gọi hình thức sở hữu nhà nước theo quy định của bộ luật dân sự năm 2005. Hình thức sở hữu toàn dân của điều luật này đã được sửa đổi để phù hợp với quy định tại Điều 53 Hiến pháp năm 2013: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.” Việc sửa đổi này cũng nhằm bảo đảm sự thống nhất với quy định của
Do đó theo quy định này thì sở hữu toàn dân được hiểu là một trong những hình thức sở hữu mang tính chất xã hội hóa cao nhất và hiện đại nhất của khoa học pháp lý mà toàn dân là chủ sở hữu và nhà nước là đại diện sở hữu. Tài sản thuộc sở hữu toàn dân được chia thành ba nhóm sau:
+ Nhóm 1: Là các tài sản có tính đặc biệt bởi chúng là các yếu tố cấu thành nên lãnh thổ quốc gia và không là đối tượng của các giao dịch có mục đích chuyển đổi quyền sở hữu. Ví dụ: các nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất đai, nước, tài nguyên khoáng sản, vùng biển, vùng trời,…
+ Nhóm 2: Tài sản được hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách của nhà nước đều thuộc sở hữu của toàn dân. Ví dụ: Các phương tiện giao thông vận tải, trang thiết bị làm việc, các hệ thống công trình thủy lợi,…
+ Nhóm 3: Tài sản mà pháp luật quy định là thuộc sở hữu toàn dân, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, những di sản thừa kế, người thừa kế không được quyền hưởng hoặc từ chối hưởng di sản,… Tài sản do tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước biếu, tặng, đóng góp và các hình thức chuyển giao tài sản khác cho Nhà nước
Nhà nước đại diện cho toàn thể nhân dân quản lý tài sản để phục vụ cho lợi ích của toàn dân
2. Chủ thể của sở hữu toàn dân là ai?
Tại Điều 198 Bộ luật dân sự quy định Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam là đại diện, thực hiện quyền chủ sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân. Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, mang tính định hướng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nền kinh tế quốc dân, bảo đảm sự phát triển cân bằng lợi ích giữa các thành phần kinh tế trong xã hội
Nhà nước tham gia quan hệ quyền sở hữu với cách là chủ thể đặc biệt, khác với những chủ sở hữu khác như pháp nhân, công nhân, các đoàn thể, tổ chức xã hội,…Nhà nước đại diện cho nhân dân nắm và quản lý toàn bộ những tài sản thuộc sở hữu toàn dân, đồng thời nắm toàn bộ quyền lực chính trị.
Trong hệ thống cơ quan nhà nước, Chính phủ được Quốc hội giao cho trọng trách quản lý tài sản thuộc sở hữu toàn dân bằng cách ban hành một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để giao tài sản cho các cơ quan của nhà nước chiếm hữu tài sản, quy định về mục đích sử dụng tài sản phải tiết kiệm, hiệu quả và vì lợi ích của toàn dân tộc
Nhà nước ban hành các quy định về báo cáo, kiểm kê tài sản toàn dân một cách định kỳ hoặc đột xuất hay việc ban hành chế độ thu thuế cùng với các chế tài hành chính, hình sự, dân sự là những biện pháp và cách thức cơ bản để Nhà nước thực hiện vai trò đại diện của chủ sở hữu đối với tài sản toàn dân của mình
3. Quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu toàn dân:
Những tài sản thuộc sở hữu toàn dân có tầm quan trọng rất lớn đối với lợi ích của quốc gia cũng như đối với toàn thể người dân. Chính vì thế cho nên việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt chúng cần phải tuân thủ theo đúng trình tự luật định và trong một phạm vi nhất định.
Việc xác định giá trị và xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được thực hiện theo cơ chế thị trường.
Nguồn vốn được Nhà nước đầu tư vào các công trình trọng yếu của đất nước trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, văn hóa, xã hội,.. phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan kiểm toán tiến hành kiểm tra
Chính vì thế đòi hỏi các văn bản pháp luật ban hành phải thật sự chặt chẽ, không được tạo ra các kẽ hở trong quá trình quản lý tránh tình trạng lạm dụng quyền của một số cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý tài sản, gây thất thoát tài sản thuộc sở hữu toàn dân
Ngoài ra, khi xác lập quyền sở hữu toàn dân phải được thực hiện một cách công khai, minh bạch, mọi hành vi vi phạm phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật
4. Quyền của cá nhân, pháp nhân đối với việc sử dụng, khai thác tài sản thuộc sở hữu toàn dân:
Tại Điều 203 Bộ luật dân sự 2015 quy định cá nhân, pháp nhân được sử dụng đất, khai thác nguồn lợi thủy sản, tài nguyên thiên nhiên, cũng như các tài sản khác thuộc sở hữu toàn dân đúng mục đích, có hiệu quả và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước theo quy định của Pháp luật
Mọi chủ thể đều bình đẳng về đều có quyền được sử dụng, khai thác tài sản thuộc sở hữu toàn dân
Nhà nước giao cho các cá nhân, pháp nhân khai thác, sử dụng, hưởng hoa lợi từ tài sản là đất đai, nguồn lợi thủy sản, tài nguyên thiên nhiên và các loại tài sản khác
Tuy nhiên, khi được nhà nước giao sử dụng, khai thác tài sản thì cá nhân, pháp nhân phải hoàn thành nghĩa vụ đối với nhà nước bằng việc tuân thủ các quy định của pháp luật về đóng thuế hay tham gia vào các hoạt động công ích, thiện nguyện vì lợi ích chung của cộng đồng
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết
– Hiến pháp năm 2013
– Hiến pháp năm 1992
– Bộ luật dân sự 2005
– Bộ luật dân sự 2015