Chuyển nhượng cổ phần và mua lại cổ phần là một trong những hoạt động của công ty cổ phần. hai hình thức chuyển nhượng cổ phần và mua lại cổ phần đều có chung bản chất là quan hệ mua bán. Vậy chuyển nhượng cổ phần là gì? Phân biệt với mua lại cổ phần?
Mục lục bài viết
1. Cổ phần là gì?
Hiện tại, Luật doanh nghiệp 2020, chưa có định nghĩa cổ phần là gì? Tuy nhiên, cổ phần được quy định trong phần vốn điều lệ của công ty cổ phần:“Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần”
Như vậy, căn cứ vào quy định, ta có thể hiểu cổ phần là đơn vị nhỏ nhất được chia từ vốn điều lệ. Những cá nhân hay tổ chức sở hữu cổ phần gọi là các cổ đông.
2. Chuyển nhượng cổ phần là gì?
Hiện nay, luật pháp hiện hành vẫn chưa có định nghĩa về chuyển nhượng cổ phần. Tuy nhiên căn cứ vào những quy định của pháp luật ta có thể hiểu: chuyển nhượng cổ phần là việc một bên là cổ đông doanh nghiệp và bên còn lại là các tổ chức, cá nhân và cổ đông công ty có nhu cầu nhập cuộc góp vốn vào doanh nghiệp hoặc mua thêm cổ phần thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần tuân theo những điều khiếu nại luật định mà không làm thay đổi vốn điều lệ của công ty.
3. Mua lại cổ phần là gì?
Mua lại cổ phần là trong trường hợp cổ đông biểu quyết phản đối nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình. Yêu cầu phải bằng văn bản, trong đó nêu rõ tên, địa chỉ của cổ đông, số lượng cổ phần từng loại, giá dự định bán, lý do yêu cầu công ty mua lại. Yêu cầu phải được gửi đến công ty trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày Đại hội đồng cổ đông thông qua nghị quyết về các vấn đề quy định tại khoản này.
Mua lại cổ phần trong công ty cổ phần là bao gồm 2 trường hợp
Thứ nhất: mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông (Điều 132 Luật doanh nghiệp 2020) Cổ đông biểu quyết phản đối nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình. Việc mua lại theo giá thị trường và trong thời gian quy định.
Thứ hai, mua lại cổ phần theo quyết định công ty (Điều 133 Luật doanh nghiệp 2020) không quá 30% tổng số cổ phần phổ thông đã bán, giá mua do Hội đồng quản trị quyết định và không được cao hơn giá thị trường. Quyết định mua lại cổ phần của công ty phải được thông báo bằng phương thức bảo đảm đến được tất cả cổ đông trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày quyết định đó được thông qua. Cổ đông đồng ý bán lại cổ phần phải gửi chào bán cổ phần của mình bằng phương thức bảo đảm đến được công ty trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo. Công ty chỉ mua lại cổ phần được chào bán trong thời hạn nói trên.
4. Phân biệt chuyển nhượng cổ phần và mua lại cổ phần:
a,Về sự giống nhau: thì chuyển nhượng cổ phần và mua lại cổ phần đều có bản chất là quan hệ mua bán, làm thay đổi chủ sở hữu đối với cổ phần được bán hoặc chuyển nhượng trong công ty cổ phần.
b, Về sự khác nhau: để phân biệt chuyển nhượng cổ phần và mua lại cổ phần, Luật Dương Gia sẽ căn cứ vào các quy định cụ thể để quý bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về vấn đề trên như sau:
Thứ nhất, xét về chủ thể: Chủ thể của hoạt động chuyển nhượng cổ phần bao gồm bên bán là các cổ đông và bên mua là các tổ chức, cá nhân có nhu cầu góp vốn. Còn chủ thể của hoạt động mua lại cổ phần bao gồm bên bán là cổ đông và bên mua chính là công ty phát hành cổ phần.
Thứ hai, xét về điều kiện:
- Về chuyển nhượng cổ phần
Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ 02 trường hợp bị hạn chế.
-Thứ nhất, cổ đông sáng lập trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó.
Hạn chế của quy định này không áp dụng đối với cổ phần mà cổ đông sáng lập có thêm sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp và cổ phần mà cổ đông sáng lập chuyển nhượng cho người khác không phải là cổ đông sáng lập của công ty.
-Thứ hai, cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác.
- Về mua lại cổ phần
Được thực hiện trong 03 trường hợp:
Thứ nhất, cổ đông biểu quyết phản đối quyết định về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ.
Thứ hai, hội đồng quản trị có quyền quyết định mua lại không quá 10% tổng số cổ phần của từng loại đã được chào bán trong 12 tháng.
Thứ ba, công ty có thể mua lại cổ phần của từng cổ đông tương ứng với tỷ lệ cổ phần của họ trong công ty (không quá 30% ). Trường hợp này, việc mua lại cổ phần do Đại hội đồng cổ đông quyết định.
Thứ ba, về hậu quả pháp lí:
- Việc chuyển nhượng cổ phần:
– Thứ nhất, người nhận chuyển nhượng cổ phần sẽ trở thành cổ đông công ty từ thời điểm các thông tin của họ được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông.
– Thứ hai, vốn điều lệ của công ty không đổi, số cổ phần nắm giữ, tỷ lệ sở hữu cổ phẩn của các cổ đông không đổi.
- Còn với trường hợp mua lại cổ phần
-Thứ nhất, cổ phần được mua lại được coi là cổ phần chưa bán (Cổ phần chưa bán là cổ phần được quyền chào bán và chưa được thanh toán).
-Thứ hai, công ty phải làm thủ tục điều chỉnh giảm vốn điều lệ tương ứng với tổng giá trị mệnh giá các cổ phần được công ty mua lại trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc thanh toán mua lại cổ phần, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác.
5. Trình tự thủ tục mua bán chuyển nhượng cổ phần:
Chuyển nhượng cổ phần là việc cổ đông góp vốn trong công ty cổ phần chuyển nhượng lại phần góp vốn, vốn góp của mình cho một cổ đông khác.
Trong quá trình thực hiện thủ tục mua bán chuyển nhượng cổ phần, bạn nên lưu ý thêm những điểm sau:
– Theo quy định tại khoản 3 Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2020 thì trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày doanh nghiệp được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trong trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó.
Như vậy, trong 03 năm kể từ khi bạn được cấp giấy phép đăng kí kinh doanh, cổ đông sáng lập muốn chuyển nhượng cổ phần của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập công ty thì phải được sự đồng ý của các cổ đông sáng lập còn lại. Mặt khác, nếu cổ đông sáng lập còn lại không đồng ý việc chuyển nhượng cổ phần cho người ngoài thì cổ đông dự định chuyển nhượng có quyền yêu cẩu các cổ đông còn lại hoặc công ty mua lại số cổ phần dự định chuyển nhượng đó.
Theo khoản 2 Điều 57 Nghị định 01/2021/NĐ – CP
“Việc thông báo thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập với Phòng Đăng ký kinh doanh chỉ thực hiện trong trường hợp cổ đông sáng lập chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua theo quy định tại Điều 113 Luật Doanh nghiệp. Doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện thông báo thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua.”
Theo đó không cần đăng ký thay đổi thông tin cổ đông sáng lập trong trường hợp chuyển nhượng cổ phần.
Do đó, theo quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP, các cổ đông chỉ cần thực hiện các thủ tục chuyển nhượng nội bộ công ty, không cần thực hiện thủ tục thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp tại Phòng đăng ký kinh doanh- Sở Kế hoạch và Đầu tư.
-Việc thực hiện trình tự thủ tục mua bán chuyển nhượng cổ phần được thực hiện như sau:
- Đối với cổ phần của cổ đông sáng lập
Bước 1: Bạn soạn hồ sơ chuyển nhượng. Hồ sơ chuyển nhượng cổ phần bao gồm:thông báo thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp;
Bước 2: Thực hiện việc chuyển nhượng như sau:
+ Các bên liên quan ký kết hợp đồng chuyển nhượng
+ Lập biên bản xác nhận về việc đã hoàn thành thủ tục chuyển nhượng
+ Tổ chức họp Đại Hội đồng cổ đông để thông qua việc chuyển nhượng cổ phần.
+ Tiến hành chỉnh sửa, bổ sung thông tin trong Sổ đăng ký cổ đông của công ty.
Bước 3: Nộp hồ sơ chuyển nhượng tại Sở kế hoạch và đầu tư
Bước 4: Công bố thông tin thay đổi đăng ký doanh nghiệp
Bước 5: Sau khi hoàn thành thủ tục chuyển nhượng cổ phần tại cơ quan đăng ký kinh doanh, bên chuyển nhượng cổ phần phải làm thủ tục nộp thuế thu nhập cá nhân áp dụng khi chuyển nhượng cổ phần. Mức thuế phải nộp được tính theo công thức sau:
[Thuế TNCN phải nộp] = [Giá chuyển nhượng từng lần] x [Thuế suất 0,1%]
- Đối với cổ phần phổ thông của cổ đông phổ thông
+Các bên liên quan ký kết
+Các bên lập biên bản xác nhận về việc đã hoàn thành thủ tục chuyển nhượng cổ phần.
+Chỉnh sửa, bổ sung thông tin trong Sổ đăng ký cổ đông.
+Đăng ký cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần trở lên với Cơ quan đăng ký kinh doanh (nếu có)
Như vậy, thủ tục chuyển nhượng cổ phần phổ thông của cổ đông phổ thông sẽ không có thủ tục tổ chức họp Đại Hội đồng cổ đồng. Ngoài ra, phải tiến hành đăng ký cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần trở lên với Cơ quan đăng ký kinh doanh (nếu có).