Quy định về chuyển giao nghĩa vụ? Quy định về thực hiện nghĩa vụ thông qua người thứ ba? Phân biệt chuyển giao nghĩa vụ với thực hiện nghĩa vụ thông qua người thứ ba?
Trong các hoạt động của cuộc sống khi bất cứ một giao dịch nào phát sinh đi kèm theo nó luôn là việc thực hiện quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể. Để đảm bảo lợi ích của các cá nhân, tổ chức, thông qua sự thỏa thuận giữa các đối tượng mà hợp đồng ra đời. Khi đến thời hạn được quy định thì các cá nhân, tổ chức có nghĩa vụ thực hiện đúng các yêu cầu của hợp đồng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp cụ thể, vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà chủ thể tham gia ký kết hợp đồng không thể tự mình thực hiện nghĩa vụ mà phải cần đến người thứ ba tham gia thực hiện nghĩa vụ giúp mình. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu quy định về chuyển giao nghĩa vụ, thực hiện nghĩa vụ thông qua người thứ ba và phân biệt chúng.
Luật sư
1. Quy định về chuyển giao nghĩa vụ
1.1. Quy định về chuyển giao nghĩa vụ
Theo quy định cụ thể trong hợp đồng, khi đến thời hạn phải thực hiện nghĩa vụ, nếu bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, thì bên có quyền sẽ yêu cầu bên có nghĩa vụ phải tiếp tục thực hiện đúng các nghĩa vụ của mình, trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thể thực hiện được nghĩa vụ của mình thì nên có nghĩa vụ có quyền yêu cầu hoặc chuyển giao yêu cầu cho bên thứ ba được gọi là bên thế quyền theo thỏa thuận đã có trước đó giữa các bên.
Trên thực tế, ta có thể hiểu rằng việc chuyển giao nghĩa vụ dân sự được hiểu là sự thỏa thuận giữa người có nghĩa vụ trong quan hệ nghĩa vụ dân sự với người thứ ba và phải dựa trên cơ sở có sự đồng ý của người có quyền nhằm mực đích chuyển nghĩa vụ của người có nghĩa vụ sang cho người thứ ba đó. Đối với trường hợp này, người thứ ba được gọi là người thế nghĩa vụ và người thứ ba sẽ trở thành người có nghĩa vụ mới phải thực hiện nghĩa vụ theo yêu cầu của người có quyền trong phạm vi nghĩa vụ đã được xác định trước đó trong hợp đồng giao dịch.
Việc chuyển giao nghĩa vụ được quy định cụ thể tại Điều 370 trong
“Điều 370. Chuyển giao nghĩa vụ
1. Bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý, trừ trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc pháp luật có quy định không được chuyển giao nghĩa vụ.
2. Khi được chuyển giao nghĩa vụ thì người thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ.”
Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc chuyển giao nghĩa vụ thì chủ thể sẽ được thay đổi.
Khi thực hiện việc chuyển giao nghĩa vụ thì bên chuyển giao nghĩa vụ trong trường hợp này sẽ trở thành bên có nghĩa vụ. Cần lưu ý rằng nếu muốn thực hiện việc chuyển giao nghĩa vụ thì cần tới sự đồng ý, xác nhận của bên có quyền. Đối với trường hợp nghĩa vụ đó gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ thì việc chuyển giao nghĩa vụ sẽ không thể thực hiện được.
Về bản chất, ta có thể hiểu sự chuyển giao nghĩa vụ dân sự là sự chuyển dịch nghĩa vụ pháp lý từ chủ thể có nghĩa vụ chuyển sang chủ thể nhận. Chủ thể nhận nghĩa vụ chính là người thứ ba có vai trò thay thế người có nghĩa vụ trước và trở thành bên có nghĩa vụ trong giao dịch. Khi chuyển giao nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm thì biện pháp bảo đảm đó cũng chấm dứt do sự chấm dứt tư cách chủ thể của người có nghĩa vụ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác nêu cụ thể tại hợp đồng giao dịch.
Đối với trường hợp chuyển giao nghĩa vụ cũng giống như chuyển giao quyền, việc chuyển giao nếu có biện pháp bảo đảm thì biện pháp bảo đảm đó cũng cần được chuyển giao để bên thực hiện nghĩa vụ được thực hiện một cách nhanh chóng.
1.2. Điều kiện chuyển giao nghĩa vụ
Chuyển giao nghĩa vụ dân sự sẽ làm chấm dứt quan hệ giữa bên có nghĩa vụ ban đầu với bên có quyền và từ đó làm phát sinh nghĩa vụ của người nhận chuyển giao với bên có quyền trước đó. Tuy nhiên, trong thực tế việc thực hiện nghĩa vụ đó vẫn phải gắn với lợi ích của bên có quyền nên mặc dù được chuyển giao nghĩa vụ cho người thứ ba nhưng vẫn phải thỏa mãn các điều kiện cụ thể sau đây:
– Điều kiện thứ nhất: Nghĩa vụ được chuyển giao giữa người có nghĩa vụ và bên thứ ba phải là nghĩa vụ có hiệu lực pháp lý và không thuộc những trường hợp pháp luật không cho phép chuyển giao nghĩa vụ.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, các bên không được phép chuyển giao nghĩa vụ dân sự trong trường hợp nghĩa vụ đó “gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ” hoặc pháp luật quy định không được chuyển giao (vị dụ như trường hợp nghĩa vụ đang có tranh chấp).
Đối với các trường hợp nghĩa vụ dân sự không được chuyển giao như nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc các bên đã thỏa thuận phải do chính người đó thực hiện.
– Điều kiện thứ hai: Đây là điều kiện vô cùng quan trọng trong thực tế. Việc chuyển giao nghĩa vụ dân sự phải có sự đồng ý của bên có quyền, bởi vì việc chuyển giao nghĩa vụ dân sự sẽ làm thay đổi chủ thể thực hiện nghĩa vụ và việc lựa chọn người gánh vác nghĩa vụ thay thế cho người trước đó chính là lựa chọn rủi ro cho người mang quyền. Do vậy, pháp luật Việt Nam quy định bắt buộc phải có sự đồng ý của bên có quyền nhằm loại bỏ rủi ro xảy ra trên thực tế gây ra những tranh chấp không đáng có.
2. Quy định về thực hiện nghĩa vụ thông qua người thứ ba
2.1. Nghĩa vụ dân sự là gì?
Thực hiện nghĩa vụ dân sự là việc các bên triển khai hành vi của người có nghĩa vụ trong việc chuyển giao một tài sản, thực hiện một công việc hoặc không được thực hiện một công việc bởi vì lợi ích của người có quyền.
Thông qua hành vi thực hiện nghĩa vụ của người có nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền sẽ được thỏa mãn. Nghĩa vụ có thể được phát sinh theo ý chí của các chủ thể hay phát sinh theo ý chí của Nhà nước thì người có nghĩa vụ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của mình trước người có quyền. Việc thực hiện nghĩa vụ của người có nghĩa vụ không thể được tiến hành một cách tùy tiện mà cần phải tuân theo những nguyên tắc nhất định và theo đúng quy định của pháp luật.
Các chủ thể khi thực hiện nghĩa vụ dân sự thì người có nghĩa vụ phải trung thực, không được lừa dối hoặc có những hành vi cản trở sự tiếp nhận nghĩa vụ đối với người có quyền. Để đảm bảo lợi ích hợp pháp cho người có quyền, việc thực hiện nghĩa vụ của người có nghĩa vụ phải theo tinh thần hợp tác, đúng cam kết. Pháp luật nước ta tôn trọng cam kết, thỏa thuận của các chủ thể trong quan hệ nghĩa vụ nhưng trên nguyên tắc những cam kết, thỏa thuận đó không được vi phạm điều cấm của pháp luật và không được trái đạo đức xã hội.
2.2. Quy định về thực hiện nghĩa vụ thông qua người thứ ba
Theo quy định hiện hành tại Điều 283
“Khi được bên có quyền đồng ý, bên có nghĩa vụ có thể ủy quyền cho người thứ ba thay mình thực hiện nghĩa vụ nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm với bên có quyền, nếu người thứ ba không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.”
Như vậy, theo quy định của pháp luật, ta nhận thấy việc thực hiện nghĩa vụ thông qua người thứ ba là sự thỏa thuận giữa những người có quyền với người có nghĩa vụ theo đó người có nghĩa vụ ủy quyền cho người thứ ba thay mình thực hiện nghĩa vụ dân sự.
3. Phân biệt chuyển giao nghĩa vụ với thực hiện nghĩa vụ thông qua người thứ ba
Ta có thể phân biệt chuyển giao nghĩa vụ cầu với thực hiện nghĩa vụ thông qua người thứ ba qua một số tiêu chí sau:
Thứ nhất, về nội dung của quan hệ:
Nội dung của chuyển giao nghĩa vụ là sự dịch chuyển nghĩa vụ dân sự từ người có nghĩa vụ cho người thứ ba, còn thực hiện nghĩa vụ thông qua người thứ ba là hành vi của người thứ ba, đại diện cho người có nghĩa vụ để thực hiện nghĩa vụ đó trước bên có quyền.
Thứ hai, về tư cách tham gia và thực hiện quan hệ của người thứ ba:
Tại Khoản 2, Điều 370 Bộ luật dân sự 2015 có quy định:
“Khi được chuyển giao nghĩa vụ thì người thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ”.
Như vậy, trong trường hợp chuyển giao nghĩa vụ thì người thứ ba trở thành người có nghĩa vụ gọi là người thế nghĩa vụ.
Trong khi đó, đối với trường hợp thực hiện nghĩa vụ thông qua người thứ ba:
“Bên có nghĩa vụ có thể ủy quyền cho người thứ ba thay mình thực hiện nghĩa vụ dân sự” (trích Điều 283, Bộ luật dân sự 2015)
Nên ở đây người thứ ba chỉ nhân danh người có nghĩa vụ để thực hiện trước người có quyền theo sự ủy quyền của người có nghĩa vụ.
Thứ ba, về phạm vi thực hiện nghĩa vụ:
Đối với chuyển giao nghĩa vụ, vì “người thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ” nên phạm vi nghĩa vụ là toàn bộ nghĩa vụ mà người này đã nhận.
Còn trong thực hiện nghĩa vụ thông qua người thứ ba, do người thứ ba chỉ nhân danh người có nghĩa vụ để thực hiện trước người có quyền theo sự ủy quyền của người có nghĩa vụ nên theo đó người thứ ba chỉ phải thực hiện nghĩa vụ trong phạm vi ủy quyền.
Thứ tư, về sự ràng buộc nghĩa vụ:
Khi nghĩa vụ đã được chuyển giao thì quan hệ nghĩa vụ giữa người có quyền và người có nghĩa vụ chấm dứt; phát sinh quan hệ nghĩa vụ giữa người thế nghĩa vụ với bên có quyền. Do vậy, người thế nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ và chịu trách nhiệm trước bên có quyền nếu không thực hiện nghĩa vụ đó.
Trong thực hiện nghĩa vụ thông qua người thứ ba, người có nghĩa vụ vẫn là chủ thể trong quan hệ nghĩa vụ nên:
“Vẫn phải chịu trách nhiệm với bên có quyền, nếu người thứ ba không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự” (trích Điều 283, Bộ luật dân sự 2015).