Trong hoạt động kinh doanh không thể không nhắc đến vai trò của chủ thể kinh doanh doanh. Vậy chủ thể kinh doanh là gì? Phân biệt chủ thể kinh doanh và doanh nghiệp như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Chủ thể kinh doanh là gì?
Tóm tắt câu hỏi:
Cháu chào luật sư. Luật sư có thể giúp cháu phân biệt giữa chủ thể kinh doanh và doanh nghiệp được không ạ? Cháu rất mong nhận được sự giúp đỡ của luật sư. Cháu cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Khái niệm chủ thể kinh doanh không được thể hiện rõ trong luật về mặt pháp lý nhưng nó thể hiện hành vi kinh doanh của chủ thể kinh doanh được hiểu theo nghĩa thực tế và pháp lý là những pháp nhân hay thương nhân nhân thực hiện trên thực tế những hành vi kinh doanh.
Theo quy định của Luật thương mại 2005 thì:
Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh. Thương nhân có quyền hoạt động thương mại trong các ngành nghề, tại các địa bàn, dưới các hình thức và theo các phương thức mà pháp luật không cấm.
Mặt khác, theo quy định tại Luật doanh nghiệp 2020 thì:
Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.
Mọi thương nhân đều là chủ thể kinh doanh và mọi doanh nghiệp đều là thương nhân vì đều có đăng kí kinh doanh. Còn thương nhân thì chưa chắc đã là doanh nghiệp. Một số thương nhân không phải là doanh nghiệp như hộ kinh doanh, hợp tác xã.
Thương nhân có nghĩa bao hàm rộng hơn, đồng nghĩa với chủ thể kinh doanh có nghĩa rộng hơn khái niệm doanh nghiệp.
Vậy: Chủ thể kinh doanh là tổ chức, cá nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh (hoặc giấy phép đầu tư đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) và thực hiện trên thực tế các hoạt động kinh doanh thu lợi nhuận.
Mặt khác, giữa chủ thể kinh doanh và doanh nghiệp còn một số điểm để phân biệt như sau:
– Lượng nhân công: chủ thể kinh doanh có thể có giới hạn ví dụ như kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh còn doanh nghiệp thì có thể tự do trong việc sử dụng lao động.
– Điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp có thể phải xin các giấy phép con, chủ thể kinh doanh thì có thể hạn chế hơn.
Ngoài ra, việc phân biệt này còn dựa trên một số những khía cạnh khác về tư cách pháp nhân và cơ quan quản lý.
2. Chủ thể kinh doanh đều phải đăng ký kinh doanh đúng không?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư! Cho em hỏi mọi chủ thể kinh doanh đều phải đăng ký kinh doanh trước khi tiến hành hoạt động kinh doanh có đúng không? Anh/chị trả lời giúp em với.
Luật sư tư vấn:
Khái niệm “Chủ thể kinh doanh” không được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật nhưng nó là khái niệm rộng hơn khái niệm thương nhân. Một cách khái quát, chủ thể kinh doanh có thể hiểu là tất cả các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động kinh doanh nhằm mục đích thu lợi nhuận.
Không phải mọi chủ thể kinh doanh đều phải đăng kí kinh doanh trước khi hoạt động kinh doanh bởi theo quy định tại Nghị định số 39/2007/NĐ-CP về hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên không phải đăng kí kinh doanh, thì có những chủ thể tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh thường xuyên nhưng không phải đăng ký kinh doanh. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau đây:
- Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;
- Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;
- Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;
- Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;
- Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;
- Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác
Vậy khẳng định “Mọi chủ thể kinh doanh đều phải đăng kí kinh doanh trước khi tiến hành hoạt động kinh doanh” không đúng
3. Chủ thể kinh doanh trên thị trường chứng khoán:
Ở nước ta hiện nay, khái niệm kinh doanh chứng khoán được hiểu theo nghĩa khá rộng và cơ bản tương đồng với khái niệm kinh doanh chứng khoán trong pháp luật các nước trên thế giời đặc biệt là các nước trong khu vực Đông Nam Á. Cụ thể tại khoản 19, Điều 6 Luật chứng khoán qui định: “Kinh doanh chứng khoán là việc thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh và phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, lưu kí chứng khoán, quản lý quĩ đầu tư chứng khoán và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán”.
a. Công ty chứng khoán
Công ty chứng khoán là công ty cổ phần hoặc công ty TNHH được thành lập, hoạt động theo Luật chứng khoán và các quy định khác của pháp luật để thực hiện một, một số hoặc toàn bộ nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán dưới đây theo giấy phép do Ủy ban chứng khoán Nhà nước cấp: Môi giới chứng khoán; Bảo lãnh phát hành chứng khoán; Tư vấn đầu tư chứng khoán.
b. Quỹ đầu tư chứng khoán
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, quỹ đầu tư chứng khoán là quỹ hình thành từ vốn góp của người đầu tư ủy thác cho công ty quản lý quỹ quản lý và đầu tư tối thiểu 60% giá trị tài sản của quỹ vào chứng khoán.
c. Công ty đầu tư (nhà đầu tư) chứng khoán
Công ty đầu tư chứng khoán là công ty được thành lập từ vốn góp của các nhà đầu tư và sử dụng số vốn góp đó để chủ đầu tư chủ yếu vào chứng khoán nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận.
d. Công ty quản lý quỹ
Công ty quản lý quỹ là doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty cổ phần hoặc công ty TNHH, được thành lập để hoạt động quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và một số hoạt động kinh doanh khác có liên quan.Theo khái niệm về công ty quản lý quỹ đầu tư (Fund Management) tại thị trường chứng khoán Mỹ, công ty quản lý quỹ là công ty chuyên trách thực hiện việc quản lý các quỹ đầu tư. Các quỹ đầu tư được tổ chức dưới dạng một công ty, phát hành cổ phần. Công ty đầu tư sử dụng nhà tư vấn đầu tư, hay người quản lý đầu tư đề quyết định loại chứng khoán nào sẽ đưa vào danh mục đầu tư của quỹ. Người quản lý quỹ đuợc toàn quyền quản lý danh mục đầu tư, mua bán chứng khóan phù hợp với các mục tiêu đầu tư của quỹ. Công ty quản lý quỹ được cấu trúc dưới hai dạng: quản lý quỹ đầu tư quỹ dạng đóng và quỹ dạng mở.
Ở Việt Nam, công ty quản lý quỹ thực hiện việc quản lý quỹ đầu tư chứng khoán. Quỹ đầu tư chứng khoán có thể ở dạng quỹ công chúng hoặc quỹ thành viên, và là dạng đóng.
4. Tác động của thị trường chứng khoán đối với chủ thể kinh doanh tại Việt Nam:
Thị trường chứng khoán là một mô hình đặc trưng của nền kinh tế phát triển, không giống như các hiện tượng kinh tế khác, thị trường chứng khoán Việt Nam ra đời trên cơ sở có sự hỗ trợ đắc lực từ phía Nhà nước. Thị trường chứng khoán Việt Nam có mối quan hệ mật thiết với quá trình cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước. Quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đã tạo điều kiện hết sức quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển của thị trường sơ cấp cũng như thị trường thứ cấp ở Việt Nam.
Việc phát hành cổ phiếu của các doanh nghiệp được cổ phần hóa làm sôi động hơn thị trường phát hành, chuyến hóa phần vốn tiết kiệm trong dân chúng thành vốn kinh doanh. Thực thế cho thấy, các cổ phiếu niêm yết tại thị trường tập trung trong giai đoạn đầu đều là cổ phiếu của các công ty cổ phần hình thành từ con đường cổ phần hóa, tạo đà cho các tổ chức kinh tế phi nhà nước từng bước gia nhập thị trường.
Tại Khoản 19, Điều 6 Luật chứng khoán quy định: “Kinh doanh chứng khoán là việc thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh và phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, lưu kí chứng khoán, quản lý quĩ đầu tư chứng khoán và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán”.
Các chủ thể kinh doanh chứng khoán trên thị trường chứng khoán bao gồm: công ty chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư(nhà đầu tư) chứng khoán, công ty quản lý quỹ.
Như vậy, tuy còn non trẻ, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng tỏ là một kênh dẫn vốn quan trọng, phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế của đất nước và đem lại nhiều lợi nhuận cho các chủ thể kinh doanh chứng khoán. Từ khi thị trường chứng khoán Việt nam ra đời đã chứng minh được tầm vai trò quan trọng của mình đối với các hoạt động của chủ thể kinh doanh chứng khoán, đó là:
Thứ nhất, qua việc phát hành chứng khoán trên thị trường chứng khoán, hoạt động của các doanh nghiệp được phản ánh một cách tổng hợp và chính xác, giúp cho việc đánh giá và so sánh hoạt động của doanh nghiệp được nhanh chóng và thuận tiện, từ đó cũng tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, kích thích áp dụng công nghệ mới, cải tiến sản phẩm.
Thứ hai, thị trường chứng khoán bao gồm thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp đây là mảnh đất để cho các chủ thể kinh doanh chứng khoán thu được nhiều lợi nhuận. Từ việc thực hiện các hoạt động kinh doanh chứng khoán như môi giới chứng khoán cho các nhà đầu tư sẽ đem lại nguồn thu nhập, lợi nhuận cho các công ty chứng khoán, công ty quản lí quỹ hay ngân hàng thương mại…
Thứ ba, thị trường chứng khoán phát triển cũng góp phần quan trọng trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế nói chung, đặc biệt là tái cấu trúc hệ thống doanh nghiệp nhà nước. Do đó, thị trường cũng phải hoạt động công bằng, hiệu quả để hỗ trợ trở lại cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế. Thông qua thị trường chứng khoán, Chính phủ huy động được lượng vốn lớn phục vụ cho đầu tư phát triển, cân đối ngân sách; Doanh nghiệp cũng huy động được nguồn vốn lớn để mở rộng sản xuất kinh doanh.
Thứ tư, cơ sở hạ tầng của thị trường chứng khoán bao gồm: hệ thống thông tin thị trường, hệ thống giao dịch, hệ thống lưu kí, thanh toán bù trừ ….Thị trường cơ sở hạ tầng tiên tiến và đồng bộ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện giao dịch, giảm thiểu rủi ro hệ thống. Các hoạt động trên thị trường chứng khoán đều được công khai hóa thông tin về các loại chứng khoán được đưa ra mua bán trên thị trường , tình hình tài chính, kết quả kinh doanh của các công ty, số lượng chứng khoán và giá cả đều được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Vì vậy, thông qua thị trường các chủ thể kinh doanh sẽ có sự phân tích đầy đủ và chính xác giúp các nhà đầu tư ít rủi ro hơn.
Thứ năm, nhờ tính thanh khoản của thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư có thể chuyển đổi các chứng khoán mà họ sở hữu thành tiền mặt hoặc các loại chứng khoán khác khi họ muốn. Khả năng thanh khoản là một trong những đặc tính hấp dẫn của chứng khoán đối với người đầu tư. Đây là yếu tố cho thấy tính linh hoạt, an toàn của vốn đầu tư. Thị trường chứng khoán hoạt động càng năng động và có hiệu quả thì tính thanh khoản của các chứng khoán giao dịch trên thị trường càng cao.