Tạm giữ là một trong các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự do cơ quan, người có thẩm quyền trong tố tụng hình sự tiến hành nhằm ngăn chặn hành vi phạm tội, hành vi trốn tránh pháp luật.
Theo quy định tại Điều 26 Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước, phạm vi các trường hợp mà nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự bao gồm:
1. Người bị tạm giữ mà có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự hủy bỏ quyết định tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Tạm giữ là một trong các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự do cơ quan, người có thẩm quyền trong tố tụng hình sự tiến hành nhằm ngăn chặn hành vi phạm tội, hành vi trốn tránh pháp luật, cản trở hoạt động điều tra, tạo điều kiện cho người điều tra thu thập tài liệu, chứng cứ bước đầu, xác định tính chất, mức độ của hành vi; nhân thân của người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội để từ đó có thể quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can hoặc các quyết định pháp lý cần thiết khác như: tạm giam, áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác hay trả tự do cho người bị bắt.
Điều 86 BLTTHS năm 2003 quy định về đối tượng, căn cứ và thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ. Theo quy định của điều luật này thì tạm giữ là việc cơ quan và người có thẩm quyền ra quyết định tạm thời hạn chế tự do trong thời hạn ngắn đối với những người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã. Khi cơ quan, người có thẩm quyền trong tố tụng hình sự áp dụng biện pháp này có thể xâm phạm đến quyền tự do thân thể của công dân. Do đó, để bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong tố tụng hình sự thì khi người bị tạm giữ không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và việc tạm giữ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong tố tụng hình sự gây ra thiệt hại cho người bị tạm giữ thì Nhà nước có trách nhiệm bồi thường. Hay nói cách khác, điều kiện để Nhà nước bồi thường đối với những thiệt hại do người có thẩm quyền trong tố tụng hình sự gây ra khi áp dụng biện pháp tạm giữ là:
+ Người bị tạm giữ không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
+ có quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự.
+ Việc tạm giữ đã gây ra thiệt hại cho người bị tạm giữ.
Ví dụ, Lúc tàu bay đã cất cảnh khỏi sân bay, người chỉ huy tàu bay đã ra quyết định tạm giữ đối với anh Nguyễn Văn A vì cho rằng anh nguyễn văn A chính là người đang bi truy nã và có hành vi chạy trốn, nhưng trong quá trình điều tra, biết được rằng Anh A không phải là đồi tượng bị truy nã, nên cơ quan điều tra đã ra quyết định hủy bỏ quyết đinh tạm giữ đối với anh A. Trong trường hợp này Nhà nước phải bồi thường.
2. Người bị tạm giam, người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, người đã bị kết án tử hình, người đã thi hành án tử hình mà có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội.
Tạm giam là biện pháp ngăn chặn của tố tụng hình sự do cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án áp dụng nhằm ngăn chặn bị can, bị cáo trốn tránh pháp luật. Biện pháp tạm giam được áp dụng đối với những người đã bị khởi tố về hình sự hoặc người đã bị tòa án quyết định đưa vụ án ra xét xử để đảm bảo thuận lợi cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. Tuy vậy, biện pháp tạm giam không phải áp dụng cho tất cả bị can, bị cáo mà nó chỉ được áp dụng trong một số trường hợp: Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng; Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 2 năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội…( cụ thể được quy định tại Điều 88 Bộ Luật TTHS năm 2003).
Biện pháp tạm giam là biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất trong các biện pháp ngăn chặn của tố tụng hình sự, thể hiện ở chỗ nó hạn chế quyền tự do thân thể của người bị áp dụng biện pháp này trong một thời gian khá dài, nó ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi chính trị, người bị tạm giam bị cách li với xã hội, bị hạn chế một số quyền công dân. Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng lớn đến tâm tư tình cảm của người bị tạm giam và thân nhân của họ. Do đó, để bảo vệ quyền lợi của người bị tạm giam, Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước đã quy định khi người bị tạm giam có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội thì người bị tạm giam được Nhà nước bồi thường do họ đã bị tạm giam oan.
Ngoài ra, người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, người đã bị kết án tử hình, người đã thi hành án tử hình mà có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội thì Nhà nước cũng có trách nhiệm bồi thường do họ đã bị tù oan.
Tuy nhiên, như thế nào là “không thực hiện hành vi phạm tội” . Hiện nay trên thực tế đang có nhiều cách hiểu khác nhau về quy định này. Có quan điểm cho rằng người được bồi thường phải là người hoàn toàn không thực hiện bất cứ hành vi vi phạm pháp luật nào. Quan điểm khác lại cho rằng người được bồi thường là người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nhưng hành vi đó không cấu thành tội phạm. Cá nhân em tán thành với quan điểm của Tập bài giảng Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước của Trường Đại học Luật Hà Nội khi cho rằng “ không thực hiện hành vi phạm tội” bao gồm:
Thứ nhất, là việc không có sự việc phạm tội . Đây là trường hợp người bị thiệt hại không thực hiện bất cứ hành vi vi phạm pháp luật nào hay nói cách khác họ đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự áp dụng các biện pháp ngăn chặn hoặc đã bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án oan.
Ví dụ, đó là vụ việc của cô giáo Bùi Thị Đ, trú tại TP Sơn La, tỉnh Sơn La, khi bị kết tội vì nhận tiền “ bồi thường danh dự”. Sau 23 ngày bị giam oan, đại diện VKSND TP Sơn La, CA TP Sơn La đã chính thức công khai xin lỗi chị Đ trước chính quyền địa phương và cơ quan vì đã khởi tố và bắt tạm giam oan chị về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Chị Đ – mẹ của cháu gái 13 tuổi vừa bị hãm hiếp được 3 ngày, khi đồng tình nhận số tiền bồi thường từ gia đình kẻ hãm hại con mình bỗng chốc trở thành bị can của tội ‘cưỡng đoạt tài sản”. [1]
Thứ hai, Có thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng hành vi đó không đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của bộ luật hình sự. Cơ sở của việc quy định trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong trường hợp này là do người bị thiệt hại có thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nhưng hành vi của họ chỉ đến mức xử lý về dân sự hoặc bị xử lý kỷ luật chứ chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, phải áp dụng các biện pháp của tố tụng hình sự để giải quyết. Việc áp dụng các biện pháp này là không tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm của hành vi, hệ quả của nó là dã làm hạn chế một số quyền công dân, bị cách li với xã hội thậm chí là bị tước đoạt tính mệnh mà đáng lẽ ra họ không phải gánh chịu những hậu quả này.
Ví dụ, bà Phan Thị Thanh H và bà Phan Thị T (42 tuổi, trú tại TPHCM) là hai chị em. Bà T có vay bà H 840 triệu dồng và 5 lượng vàng SJC . nhưng do làm ăn thua lỗ nên chưa có điều kiện trả. Giữa năm 2005, từ lá đơn tố cáo của bà H, thì bà T bị CQĐT CA tỉnh Bà Rịa – Vũng tàu bắt giữ để điều tra về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và bị tạm giam gần 20 tháng. Sau đó VKSND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ra cáo trạng, kết luận bà Phan Thị T đã lợi dụng lòng tin của em gái mình để chiếm đoạt số tiền hơn 840 triệu đồng và 5 lượng vàng SJC. Ngày 21-6-2006,
Tại phiên xử phúc thẩm lần, qua quá trình thẩm vấn, HĐXX phúc thẩm xác định, số tiền, vàng mà bà H gửi cho chị gái mình đã được bà T viết giấy nhận nợ. Bản thân bà T cũng thừa nhận có cầm số tiền, vàng của em gái, sau đó đã trả một phần. Nhưng do làm ăn thua lỗ nên chưa có điều kiện để trả, chứ không có ý định lừa đảo em để chiếm đoạt. Hơn nữa, bà T cũng không bỏ trốn, không chối bỏ trách nhiệm trả nợ và có tài sản đủ để thanh toán nợ. Nhận định việc giao dịch trên là quan hệ dân sự, không có cơ sở khẳng định bà T đã lạm dụng tín nhiệm của cô em gái để chiếm đoạt số tài sản trên, nên HĐXX phúc thẩm của Tòa phúc thẩm TAND TC tại TP HCM đã bác kháng cáo của bị hại, kháng nghị của VKS, tuyên bà Phan Thị T vô tội và đình chỉ việc giải quyết vụ án, khôi phục danh dự, mọi quyền và lợi ích hợp pháp cho bà T theo quy định. Trong trường hợp này bà T được nhà nước bồi thường do hành vi không cấu thành tội phạm. [2]
3. Người bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án.
Với đối tượng này, luật trách nhiệm bồi thường nhà nước chia thành các dối tượng sau:
-Người bị khởi tố, truy tố xét xử, thi hành án không bị tạm giữ, tạm giam, thi hành hình phạt tù có thời hạn mà có bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Đây là trường hợp một người tuy không bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn như tạm giữ, tạm giam hoặc không bị kết án phạt tù có thời hạn nhưng họ đã bị khởi tố truy tố xét xử và thi hành án, hay nối cách khác họ cũng bị các cơ quan tiến hành tố tụng bằng các quyết định tố tụng đặc trưng của mình khẳng định họ là người có tội và có thể đã buộc tội họ phải chịu hình phạt ( cảnh cáo, hình phạt tù cho hưởng án treo..), Do đó khi có bản án quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội thì Nhà nước có trách nhiệm bồi thường.
– Người bị khởi tố, truy tố, xét xử về nhiều tội trong cùng một vụ án, đã chấp hành hình phạt tù mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm một hoặc một số tội và hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù thì được bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù vượt quá so với mức hình phạt của những tội mà người đó phải chấp hành.
Đây là trường hợp một người theo bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị tuyên là phạm nhiều tội trong cùng một vụ án và đã chấp hành hình phạt tù nhưng sau đó bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm một hoặc một số tội. Do đó khi hình phạt mà người đó phải chấp hành ít hơn thời gian mà họ đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù thì Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù vượt quá so với mức hình phạt của những tội mà người đó phải chấp hành.
– Người bị khởi tố, truy tố, xét xử về nhiều tội trong cùng một vụ án và bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm tội bị kết án tử hình và tổng hợp hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam thì được bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam vượt quá so với mức hình phạt chung của những tội mà người đó phải chấp hành.
Ví dụ, A bị tòa án nhân dân tỉnh M tuyên phạm 2 tội : “ tội cướp giật tài sản” và “tội giết người” tổng hợp hình phạt A bị kết án tử hình. A kháng cáo, Tòa phúc thẩm tòa án nhân dân tối cao xét xử phúc thẩm xác định A không phạm tội giết người mà chỉ phạm tội cướp giật tài sản và tuyên A phải chấp hành hình phạt tù là 2 năm tù đối với tội cướp giật tài sản. A đã bị tạm giam 30 tháng. Như vậy A được nhà nước bồi thường thiệt hại tương ứng với 6 tháng tạm giam vượt quá so với mức hình phạt mà A phải gánh chịu.
– Người bị xét xử bằng nhiều bản án, tòa án đã tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đó, mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm một hoặc một số tội và hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù thì được bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù vượt quá so với mức hình phạt của những tội mà người đó phải chấp hành.
Ví dụ, Tòa án nhân dân tỉnh L tuyên phạt H 2 năm tù về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (Điều 250 Bộ luật hình sự) cộng với 3 năm tù giam về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức (Điều 267 Bộ luật hình sự) do tòa án nhân dân tỉnh M tuyên phạt. Tổng hợp hình phạt cho H là 5 năm tù giam. A chấp hành hình phạt được 4 năm thì Chánh án tòa án nhân dân Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm bản án của tòa án nhân dân tỉnh L. Tòa án nhân dân xét xử giám đốc thẩm đã hủy bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa án nhân dân tỉnh L và đình chỉ vụ án do H không thực hiện hành vi phạm tội “ tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Như vậy H chỉ phải chịu hình phạt là 3 năm tù giam do tòa án nhân dân tỉnh M tuyên phạt. H đã chấp hành hình phạt tù được 4 năm. Trong trường hợp này H được nhà nước bồi thường thiệt hại tương ứng với 1 năm vượt quá so với hình phạt mà H phải chịu.
4. Tổ chức, cá nhân có tài sản bị thiệt hại do việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu, xử lý có liên quan đến các trường hợp quy định tại các khoản 1,2 và 3 Điều 26 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì được bồi thường.
Trong tố tụng hình sự, một người không thực hiện hành vi phạm tội nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng bằng các quyết định tố tụng đặc trưng của mình khẳng định họ là người có tội, đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng hoặc hình phạt đối với họ nên làm cho họ bị thiệt hại về tài sản, thể chất hoặc tinh thần. Đối với các thiệt hại này Nhà nước có trách nhiệm bồi thường. Như vậy trong quá trình tiến hành các hoạt động tố tụng hình sự, các cơ quan, người có thẩm quyền trong tố hình sự có thể thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm (Điều 144 BLTTHS), tạm giữ đồ vật, tài liệu khi khám xét (Điều 145 BLTTHS), kê biên tài sản (Điều 146 BLTTHS), tịch thu tài sản (Điều 267 BLTTHS) nếu có căn cứ cho rằng đây là các chứng cứ liên quan trực tiếp đến vụ án, để đảm bảo thi hành án hình sự hoặc để thi hành các bản án, quyết định hình sự. Tuy nhiên khi có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội thì việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu, xử lý tài sản của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự đã gây thiệt hại đối với các tài sản của cá nhân tổ chức. Trong trường hợp này các thiệt hại về tài sản do việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu, xử lý được Nhà nước bồi thường.
Ví dụ, Anh Trần Đình T bị cơ quan điều tra khởi tố về hai tội ; Tội gây rối trật tự công cộng( Điều 245 Bộ luật hình sự) và tội trộm cắp tài sản (Điều 138 Bộ luật hình sự) và bị tịch thu tài sản về tội này, sau đó T chỉ bị xử lý về tội gây rối trật tự công cộng và được xác định là khởi tố oan về tội trộm cắp tài sản, đồng thời do việc tịch thu tài sản đã gây thiệt hại cho T, thì những thiệt hại đó T được nhà nước bồi thường.