Án treo là một trong những chế định quan trọng của luật hình sự, thể hiện chính sách nhân đạo, coi trọng tính phòng ngừa của nhà nước ta. Vậy người phạm tội 02 lần trở lên có được hưởng án treo hay không?
Mục lục bài viết
1. Phạm tội 2 lần trở lên có được hưởng án treo không?
Trước hết, pháp luật hiện nay đã có những quy định cụ thể về những trường hợp không cho hưởng án treo. Những trường hợp không cho hưởng án treo hiện nay đang được thực hiện theo quy định tại Điều 3 của Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo, cụ thể như sau:
– Người phạm tội được xem là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, có hành vi ngoan cố chống đối cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có tính chất côn đồ, sử dụng thủ đoạn xảo quyệt, có tính chất chuyên nghiệp trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi cá nhân trái quy định của pháp luật, cố tình gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trong quá trình phạm tội;
– Người phạm tội sau khi thực hiện hành vi đã bỏ trốn, bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra đề nghị truy nã;
– Người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách, người đang được hưởng án treo bị xét xử về một tội phạm khác đã được thực hiện trước khi được hưởng án treo trên thực tế;
– Người phạm tội bị xét xử trong cùng một lần về nhiều loại tội phạm khác nhau, trừ trường hợp người phạm tội được xác định là người dưới 18 tuổi;
– Người phạm tội nhiều lần theo quy định của pháp luật, trừ những trường hợp người phạm tội được xác định là người dưới 18 tuổi;
– Người phạm tội được xác định là trường hợp tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm theo quy định của pháp luật hình sự.
Như vậy có thể nói, trước đây, căn cứ theo quy định tại Điều 3 của Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo, như đã phân tích nêu trên thì người thực hiện hành vi phạm tội nếu thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần, tức là từ 02 lần trở lên thì sẽ thuộc trường hợp không được hưởng án treo trên thực tế.
Tuy nhiên, hiện nay, Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo, đã có sự thay đổi và bổ sung khoản 5 Điều 3 của Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo. Cụ thể như sau:
Người phạm tội từ 02 lần trở lên, ngoại trừ thuộc một trong những trường hợp sau đây:
+ Người phạm tội được xác định là người dưới 18 tuổi;
+ Các lần phạm tội đều được xác định là loại tội phạm ít nghiêm trọng theo Điều 9 của Bộ luật hình sự năm 2015;
+ Trong các lần phạm tội, người phạm tội được xác định là người giúp sức trong vụ án đồng phạm, với vai trò không đáng kể trong vụ án đó;
+ Các lần phạm tội đều do người phạm tội tự thú tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP, có quy định cụ thể về việc, đối với hành vi phạm tội xảy ra trước ngày Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao có hiệu lực mà vụ án đó đang trong quá trình xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét xử giám đốc thẩm hoặc xét xử tái thẩm thì sẽ áp dụng Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP để giải quyết trên thực tế.
Về vấn đề phân loại tội phạm, căn cứ theo quy định tại Điều 9 của Bộ luật hình sự năm 2015, căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của các hành vi phạm tội, tội phạm được phân loại thành 04 loại, trong đó, tội phạm ít nghiêm trọng được xác định là loại tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không cao, mức cao nhất của khung hình phạt do pháp luật hình sự quy định đối với loại tội phạm này là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù lên đến 03 năm.
Như vậy có thể nói, người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội từ 02 lần trở lên, tuy nhiên thuộc trường hợp tội phạm ít nghiêm trọng, tức là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn, mức cao nhất của khung hình phạt do pháp luật hình sự quy định đối với loại tội phạm này là phạt tiền, cải tạo không gian giữ hoặc phạt tù lên đến 03 năm, thì người phạm tội vẫn đáp ứng đầy đủ điều kiện để được hưởng án treo theo quy định của pháp luật.
2. Điều kiện rút ngắn thời gian thử thách của án treo là gì?
Người được hưởng án treo có thể được Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực quyết định rút ngắn thời gian thử thách của án treo khi có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 8 của Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo, cụ thể như sau:
– Đã chấp hành được ít nhất một nửa thời gian thử thách của án treo;
– Có nhiều tiến bộ trong quá trình thử thách, được thể hiện bằng việc trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo đã chấp hành nghiêm chỉnh và đầy đủ các quy định của pháp luật, tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ theo quy định của luật thi hành án hình sự, tích cực học tập và tích cực sửa chữa lỗi lầm, tích cực lao động sản xuất, lập thành tích lớn trong quá trình lao động sản xuất, bảo vệ an ninh tổ quốc, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng;
– Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Ủy ban nhân dân cấp xã, tổ chức được giao nhiệm vụ giám sát, giáo dục người được hưởng án treo đề nghị rút ngắn thời gian thử thách án treo bằng văn bản.
3. Mức rút ngắn thời gian thử thách của án treo là bao lâu?
Theo khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 8 của Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo, tùy trường hợp cụ thể, người được hưởng án treo được rút ngắn thời gian thử thách theo từng mức như sau:
– Mỗi năm, người được hưởng án treo sẽ chỉ được rút ngắn thời gian thử thách một lần. Người được hưởng án treo có thể được rút ngắn thời gian thử thách nhiều lần, tuy nhiên cần phải đảm bảo thời gian chấp hành thử thách là 3/4 thời gian thử thách mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là tòa án đã tuyên trước đó;
– Trong trường hợp người được hưởng án treo đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách, tuy nhiên không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là tòa án chấp nhận trên thực tế, nếu những lần tiếp theo mà họ đáp ứng đầy đủ điều kiện thì Ủy ban nhân dân cấp xã và các tổ chức được giao nhiệm vụ giám sát, giáo dục người được hưởng án treo vẫn tiếp tục đề nghị rút ngắn thời gian thử thách cho những đối tượng này;
– Những trường hợp, trong quá trình thử thách, người được hưởng án treo đã lập công, mắc các chứng bệnh hiểm nghèo (là trường hợp mà bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện cấp quân khu có kết luận rằng người đang được hưởng án treo mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng, không có phương thức chữa trị như: ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, lao giai đoạn 04 kháng thuốc, bại liệt, suy tim mức độ 03, suy thận cấp độ 04, HIV đang chuyển sang giai đoạn AIDS …), thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền là tòa án có thể sẽ ra quyết định rút ngắn thời gian thử thách.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo;
– Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo.