Phẩm hàm, tước vị là những khái niệm dùng để chỉ chức vị của những vị quan văn võ, quý tộc... trong thời kỳ phong kiến. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin cần thiết cho các bạn về chủ đề này. Mời các bạn tham khảo!
Mục lục bài viết
1. Khái niệm về phẩm hàm là gì?
Phẩm hay còn gọi là phẩm hàm thường được dùng để chỉ tước vị cho các quan lại trong thời kỳ phong kiến.
Hệ thống quan lại phong kiến Việt Nam thường được chia làm hai ban: ban văn – ban võ, được gọi là Văn giai và Võ giai và theo thứ tự cao thấp từ nhất phẩm đến cửu phẩm, trong mỗi phẩm hàm lại chia thành hai cấp bậc: Chánh (Chính) và Tòng (Tùng). Như vậy, hệ thống quan chế bao gồm tất cả 18 cấp bậc từ cao tới thấp: Chánh Nhất phẩm, Tòng Nhất phẩm, Chánh Nhị phẩm, Tòng Nhị phẩm v.v… cho đến Chánh Cửu phẩm, Tòng Cửu phẩm và mỗi cấp bậc cấp phẩm đều có hai ban văn, võ.
Trong đó, cao nhất là Quan hàm Nhất phẩm, đứng đầu các Bộ (Lại, Lễ, Hộ, Binh, Hình, Công. Sau này có thêm bộ Học) là quan Thượng thư (hàm Nhị phẩm), và đầu các vùng hành chính cũng là một chức quan hàm Nhị phẩm là Tổng đốc (phụ trách hai hay ba tỉnh thành).
Cửu phẩm là tước vị thấp nhất, thường được dùng để ban cho quan lại, không chỉ ở triều đình mà còn ở các địa phương, làng xã, trong đó, những vị quan thường được ban phẩm, nhưng cũng có một số quan không được ban phẩm, bên cạnh đó, một số người không phải là quan nhưng có công đức cao vẫn được vua ban phẩm.
Như vậy, phẩm trật được coi là thước đo tư cách đạo đức và địa vị cao thấp của quan lại trong bộ máy nhà nước thời kỳ phong kiến. Dựa trên tước vị và phẩm hàm, từ thời vua Lê Thánh Tông, nhà nước phong kiến đã quy định thứ tự cao – thấp cho các vị quan lại thành 24 bậc, mỗi bậc là một tự Quốc công có địa vị cao nhất là 24 tư, tòng cửu phẩm có địa vị thấp nhất là 1tư. Dựa trên phẩm trật, nhà vua sẽ bổ nhiệm chức vụ tương ứng cho quý tộc, quan lại đó.
2. Khái niệm về tước hiệu là gì?
Tước hiệu là tôn hiệu của vua ban cho người trong hoàng tộc hay những người có công với đất nước và triều đình ngày xưa. Quyền phong tước là đặc quyền của vua và những người được phong tước luôn coi đó là một ân điển nhất định. Theo định nghĩa của các nhà khảo cứu pháp chế sử tước là tôn hiệu danh dự, nhưng không hàm ý trách nhiệm và quyền hành.
3. Các bậc tước hiệu trong thời phong kiến:
Tước gồm nhiều bậc, chủ yếu 6 bậc Tước Vương, Tước Công, Tước Hầu, Tước Bá, Tước Tử, Tước Nam.
– Tước Vương là địa vị cao nhất, ban đầu trong lịch sử Việt Nam, Vương là xưng hiệu của Thiên tử, người đứng đầu quốc gia như: Hùng Vương, An Dương Vương, Trưng Nữ Vương, Triệu Việt Vương, Ngô Vương Quyền (Ngô Quyền), Dương Bình Vương,… Nhưng sau này, các Thiên tử Việt Nam xưng Hoàng đế để tỏ ra ngang hàng với Trung Hoa thì Vương không còn là vị trí cao nhất. Khi đó, Vương là tước vị do Hoàng đế phong tặng cho Hoàng tử – con trai của vua hoặc cho các quí tộc cao cấp, hoặc cho những người có công lao to lớn đối với triều đình, chủ yếu là những công thần khai quốc và những trường hợp đặc biệt khác.
Những người được phong Vương có thể có thực ấp hoặc chỉ có danh vị không, tùy vào tình thế thời đại và quy chế lúc bấy giờ là khác nhau. Tuy nhiên, thực tế các vị Vương nhà Lý và nhà Trần đều có thực ấp, đất phong và lực lượng riêng để gây dựng cơ nghiệp, nhưng đến thời Hậu Lê phục quốc, Triều đình áp dụng chính sách bổng lộc riêng, tước Vương và các tước vị khác chỉ là danh vị.
– Tước Công cũng là một tước vị đứng hàng đầu trong hệ thống tước vị, được phong tặng cho con cháu Hoàng tộc và bậc khai quốc công thần, gồm hai bậc là: Quốc công và Quận công. Tuy nhiên, tước Công rất ít khi phong tặng cho người ngoài hoàng tộc, hoặc chỉ phong cho người có công trạng đặc biệt to lớn, hoặc thống lĩnh quân đội hoặc nắm giữ binh quyền quan trọng trong triều đình.
– Thứ tự tiếp theo là các tước vị: Hầu, Bá, Tử, Nam, phong tặng cho các hoàng thân, quý tộc và triều thần, tùy theo quan hệ thân thiết với trong Hoàng tộc và công trạng của mỗi người đối với Quốc gia, triều đình.
3. Cơ chế tuyển dụng và sử dụng quan lại trong thời kỳ phong kiến:
3.1. Tuyển dụng quan lại:
Nhìn lại lịch sử phong kiến Việt Nam, có thể nhận thấy pháp luật rất chú trọng, quan tâm tới những người làm việc trong bộ máy nhà nước, trước hết là chế độ tuyển dụng, trọng dụng nhân tài, đề cao đạo đức và trí thức người được chọn là quan. Người làm quan phải đáp ứng được những phẩm chất như: chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ; đạo làm quan cốt ở hai điều “trên thì yêu vua, dưới thì yêu dân”. Bên cạnh đó, người làm quan phải là người có tài “dựng nước lấy học làm đầu, cần trị lấy nhân làm gốc”, thời này tài không chỉ dựa vào bằng cấp, khoa cử, mà phải được kiểm nghiệm bằng thực tế, lấy kết quả công việc để đánh giá và được phong dụng. Do đó, những người có mối quan hệ mật thiết với vua, là hoàng thân, quốc thích nhưng không có tài thì chỉ được nhà vua phong hàm, phong tước để hưởng bổng lộc của triều đình, nhưng không được giao quyền để giải quyết, điều hành các công việc. Nhờ vậy, nhà nước phong kiến Việt Nam đã rất thành công trong việc quản trị được đất nước trong những điều kiện rất khó khăn, đặc biệt là khi có giặc ngoại xâm.
Để tuyển chọn được những nhân tài dụng cho người, nhà nước phong kiến Việt Nam đã áp dụng nhiều hình thức tuyển dụng như: nhà vua đích thân đi tìm người hiền tài về cộng tác để trị nước (tiến cử); bằng con đường tiến cử hoặc cầu hiền; hoặc bằng con đường khoa cử – đây là hình thức phổ biến nhất. Với phương thức tuyển dụng này, nhà nước có thể lựa chọn tận dụng tối đa nhất để lựa chọn những vị quan lại có tài, có đức để công hiến và xây dựng bộ máy quan lại nhà nước. Tuy nhiên, cũng có những tiêu cực nhất định trong chế độ tuyển dụng này.
3.2. Phân loại, sắp xếp bố trí quan lại:
Thời phong kiến dựa vào yếu tố quyền lực, các chức vụ nhà nước phân thành hai loại: quan lại và nha lại, trong đó, quan lại chủ yếu là quan chỉ huy, điều hành như quan tổng đốc, quan tri phủ, tri huyện; nha lại là người thừa hành, phục vụ cho các quan lại tại các nha môn, mà ngày nay gọi là “cán bộ”, “nhân viên”.
Đối với đội ngũ quan lại, nhà nước phong kiến Việt Nam áp dụng chế độ thuyên chuyển, điều động quan lại, nhưng nha lại thì giữ ổn định, áp dụng chế độ “quan khứ nha tồn”. Mục đích nhằm tạo ra môi trường mới, phát huy được tính năng động, sáng tạo của người làm quan, đồng thời để tránh những trì trệ, hoặc kéo bè, kéo cánh, phe phái, tham nhũng, nhà nước phong kiến Việt Nam đã áp dụng chế độ thuyên chuyển quan lại hàng năm. Nhưng việc thuyên chuyển này chỉ thuần túy là thuyên chuyển về không gian, địa điểm làm quan, mà không chuyển tính chất công việc làm quan, ví dụ quan tri phủ ở phủ này chuyển đi làm tri phủ ở phủ khác, hoặc làm tri huyện, đây là một trong những cách làm phổ biến trong thời kỳ phong kiến để hạn chế những tiêu cực trong chế độ quan lại phong kiến.
3.3. Về biên chế, phân bổ quan lại:
Các triều đại phong kiến Việt Nam thường dựa vào tiêu chí dân số để quy định về số lượng quan lại trong từng vùng đất khác nhau, cụ thể như thời vua Lê Thánh Tông có quy định về cơ chế và số lượng tuyển dụng quan lại như sau: vùng lãnh thổ có từ 500 hộ trở lên có 5 xã trưởng; 300 hộ có 4 xã trưởng; 100 hộ có 2 xã trưởng, dưới 60 hộ cử 1 xã trưởng. Tuy nhiên, năm 1839 thời vua Minh Mạng thứ 20, lấy số lượng và nhu cầu công việc là tiêu chí cơ bản để quyết định biên chế, phân bổ số quan lại, các chức trách của quan, lại dần được chuyên môn hóa, trong đó, nhà vua ban hành “Bắc thành 11 trấn rất rộng… việc nhiều, các địa phương ấy các việc quân dân, kiện tụng, tiền lương, thuế khóa, thực là bề bộn. Cần phải chiểu theo địa hạt chia người coi giữ có chuyên trách”. Nói một cách dễ hiểu thì việc quy định số lượng quan lại sẽ phụ thuộc vào số lượng công việc cụ thể mà một vùng cần phải xử lý chứ không phụ thuộc vào số lượng hộ dân như trước đây, và đã áp dụng chế độ “công vụ theo việc làm”. Đây cũng được xem là một trong những điểm mới, tiến bộ trong chế độ quan lại thời kỳ phong kiến, nhằm đảm bảo việc quản lý và sử dụng quan lại một cách hiệu quả, tránh hiện tượng lạm dụng chức quan để phong hàm, đùn đẩy hay tham nhũng.