Quy định về các quyền của cá nhân liên quan đến hình ảnh? Mức xử phạt vi phạm hành chính và xử lý hình sự đối với hành vi đăng ảnh, nói xấu trên Facebook?
Mỗi người cần biết được các quyền lợi của mình đối với hình ảnh cá nhân. Các quyền này được luật quy định và bảo vệ họ. Do đó, khi có người đăng ảnh bạn mà chưa xen phép, bịa đặt và nói xấu bạn trên Facebook thì họ đang xâm phạm các quyền của bạn được pháp luật bảo vệ. Cùng tìm hiểu và gọi tên các quyền này theo quy định pháp luật. Đồng thời chỉ ra các vi phạm, các biện pháp xử phạt hành chính, hình sự tương ứng.
Căn cứ pháp lý:
–
–
– Nghị định 15/2020/NĐ-CP: Quyết liệt xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, CNTT và giao dịch điện tử.
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài trực tuyến 24/7: 1900.6568
Mục lục bài viết
1. Quy định về các quyền của cá nhân liên quan đến hình ảnh:
1.1. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh:
Căn cứ theo quy định tại Điều 32 của Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:
“Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh
1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
[……]
3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật“.
Phân tích quy định pháp luật:
Như vậy việc đăng ảnh của người khác khi chưa được sự cho phép của họ là đang xâm phạm quyền hình ảnh. Việc sử dụng, công bố các hình ảnh đó rộng rãi trên mạng xã hội là đang vi phạm nghiêm trọng. Các hình ảnh này có thể lan truyền với tốc độ nhanh chóng, khó kiểm soát và quản lý ở các mục đích sử dụng xấu.
1.2. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín:
Căn cứ theo quy định tại Điều 34 của Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:
“Điều 34. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín
1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.
3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.[….]”
Phân tích quy định pháp luật:
Như vậy, pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân. Đây là một trong những quyền bất khả xâm phạm trao cho từng cá nhân trong xã hội. Không ai có quyền xâm phạm, thực hiện các mục đích xấu để hạ thấp, bôi nhọ họ.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân về cơ bản phải được người đó đồng ý.
Do đó, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân kèm theo nói xấu, nói không đúng sự thật là đang vi phạm pháp luật. Nhà nước có quyền can thiệp, xử lý đối với các hành vi vi phạm tùy theo mức độ. Có thể là xử phạt hành chính hoặc hình sự về các tội danh trong cấu thành tội phạm.
Các hành vi đăng ảnh, nói xấu được thực hiện có chủ đích, có yếu tố lỗi của người thực hiện. Mục đích bôi nhọ, xỉ nhục, xúc phạm tới danh dự, nhân phẩm và uy tín của người khác là một hành vi bị pháp luật cấm thực hiện.
1.3. Đăng ảnh, nói xấu người khác trên Facebook là hành vi bị cấm:
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP:
“Điều 5. Các hành vi bị cấm
1. Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích:
d) Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;
[…..]
e) Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.”.
Phân tích quy định pháp luật:
Các hành vi này bị cấm không được thực hiện. Khi vi phạm, người thực hiện không chỉ phải chịu trách nhiệm trước người bị bôi nhọ, bị nói xấu mà còn chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo tình huống trên, việc sử dụng, phát tán những hình ảnh kèm nói xấu không được cho phép lên cộng đồng mạng xã hội facebook với nội dung bôi nhọ, xúc phạm, xuyên tạc, xỉ nhục danh dự, uy tín, nhân phẩm là một điều cấm. Nó có thể làm ảnh hưởng tới các mối quan hệ và công việc, cuộc sống riêng tư của bạn. Đặc biệt là gây ra các tổn thương về tinh thần, tổn thất gián tiếp đến công việc, các mối quan hệ và công việc, ổn định trong cuộc sống.
Hành vi này thuộc vào một trong những hành vi bị pháp luật cấm thực hiện và phải chịu chế tài theo quy định của pháp luật.
2. Xử phạt vi phạm hành chính:
Tại Khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP như sau:
“Điều 102. Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
e) Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật;
g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;”
Phân tích quy định pháp luật:
Các vi phạm này được cơ quan có thẩm quyền xử phạt. Trước đó thì người có quyền lợi liên quan có thể tố cáo các vi phạm này để cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận, xử lý theo quy định.
Các hành vi vi phạm tùy theo mức độ nghiêm trọng thực tế nhưng chưa đến mức xử lý hình sự sẽ phải chấp hành hình phạt trong khoảng từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.
Do đó nếu bạn phát hiện hình ảnh của mình đang được sử dụng sai mục đích, hoặc bị nói xấu trên mạng Facebook nói riêng, trên các phương tiện nói chung, bạn hoàn toàn có thể tố cáo vi phạm cho cơ quan nhà nước tiếp nhận, xử lý.
3. Quy định xử lý hình sự:
Ngoài ra, hành vi bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác còn có thể cấu thành hai tội hình sự trong trường hợp người thực hiện hành vi đó với lỗi cố ý. Ở đây, việc nói xấu hay sử dụng hình ảnh vào mục đích bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể cấu thành tội phạm. Các tội đó là:
3.1. Tội làm nhục người khác (Điều 155 Bộ luật hình sự 2015):
“Điều 155. Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Phân tích quy định pháp luật:
Như vậy, việc sử dụng các phương tiện, công cụ mạng máy tính là hành vi tăng nặng của tội phạm thực hiện. Căn cứ trên các tình tiết thực tế mà người phạm tội có thể phải chấp hành hình phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
3.2. Tội vu khống (Điều 156 Bộ luật hình sự 2015):
“Điều 156. Tội vu khống
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Vì động cơ đê hèn;
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Phân tích quy định pháp luật:
Căn cứ trên cấu thành tội phạm mà người thực hiện hành vi có thể đang cấu thành tội vu khống. Theo các tình tiết được chỉ ra. việc sử dụng mạng máy tính cũng là một tình tiết tăng nặng trong xác định khung hình phạt. Nếu mục đích phạm tội vì động cơ đê hèn thì có thể hành vi phạm tội của họ đang cấu thành khung hình phạt cao nhất.
Kết luận chung:
Trường hợp này, bạn muốn bảo vệ quyền lợi của mình thì bạn phải mang tất cả những thông tin, những hình ảnh mà bạn thu thập được tới cơ quan công an có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết. Yêu cầu điều tra về hành vi phạm tội này để tìm ra người đứng sau thực hiện hành vi vi phạm. Phải xác định được có âm mưu, có ý đồ xấu khi thực hiện các hành vi trên. Cũng như xác định được đồng phạm.
– Khi mà bạn chưa có đầy đủ thông tin, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của người khác thì bạn không thể kiện họ ra Tòa án được. Bạn nên nhờ tới sự can thiệp của cơ quan công an, họ sẽ có nghĩa vụ xác minh làm rõ đối tượng đã thực hiện hành vi và truy tố họ trước pháp luật.
– Nếu có thể tự thu thập được các thông tin, bằng chứng chứng minh, bạn hoàn toàn có thể tố cáo hành vi vi phạm trước pháp luật. Để đảm bảo đòi lại quyền lợi, uy tín và danh dự. Cũng có thể nhận bồi thường nếu có thiệt hại tổn thất xảy ra trên thực tế.