Phải làm gì khi một bên chủ thể hợp đồng bỏ trốn? Quyền và nghĩa vụ của chủ thể còn lại được thực hiện như thế nào?
Có rất nhiều trường hợp một bên chủ thể của hợp đồng đã bỏ đi khỏi nơi cư trú trong thời gian hợp đồng được thực hiện nhằm trốn tránh nghĩa vụ của mình. Việc bỏ đi khỏi nơi cư trú này hoàn toàn do sự cố tình, có chủ ý để nhằm trốn tránh nghĩa vụ đối với bên chủ thể còn lại. Thông thường thì khi một bên chủ thể của hợp đồng bỏ đi khỏi nơi cư trú nhằm trốn tránh nghĩa vụ thực hiện hợp đồng thì họ sẽ thay đổi địa chỉ nơi ở hiện tại, cung cấp những thông tin sai ,giả mạo và cố tình giấu địa chỉ mới. Vấn đề quan trọng hơn là khi bên chủ thể đó không thực hiện nghĩa vụ và bỏ nơi cư trú mà bên chủ thể còn lại không tìm ra thì có thể mất quyền khởi kiện tại tòa án và có nguy cơ quyền và lợi ích hợp pháp bị ảnh hưởng.
Trong trường hợp này,bên chủ thể có quyền và lợi ích hợp pháp bị ảnh hưởng sẽ phải gửi đơn khởi kiện lên Tòa án yêu cầu bị đơn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Theo Điều 163 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 sửa đổi bổ sung năm 2011 thì trong đơn khởi kiện phải có “Tên, địa chỉ của người bị kiện”. Tuy nhiên, đa số hầu hết khi bị đơn đã bỏ đi khỏi nơi cư trú nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ hợp đồng thì địa chỉ nơi cư trú hiện tại sẽ không giống với địa chỉ cung cấp cho nguyên đơn trước bỏ đi khỏi nơi cư trú nữa. Do đó mà sự sai lệch thông tin về địa chỉ của bị đơn sẽ xảy ra, gây khó khăn cho nguyên đơn khi làm hồ sơ gửi lên Tòa án. Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12-5-2006 hướng dẫn thi hành các quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết các vụ án tại Toà án cấp sơ thẩm” của BLTTDS. Tại các tiểu mục 8.5, mục 8 Phần I của Nghị quyết hướng dẫn:
“8:5. Trường hợp trong đơn khởi kiện không ghi đầy đủ cụ thể hoặc ghi không đúng tên, địa chỉ của người bị kiện; tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, thì Toà án yêu cầu người khởi kiện ghi đầy đủ và đúng tên, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nếu người khởi kiện không thực hiện, thì Toà án căn cứ vào khoản 2 Điều 169 của BLTTDS trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho họ mà không được thụ lý vụ án.Toà án cũng không được tự mình tiến hành
thông báo tìm người bị kiện, vì đây là nghĩa vụ của đương sự”.
Như vậy thì trong trường hợp này, quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện khó mà được đảm bảo.Sẽ thật là khó cho người khởi kiện khi không thể tìm được địa chỉ chính xác của người bị kiện. Nếu trong đơn khởi kiện, người đi kiện có ghi đầy đủ, cụ thể và đúng địa chỉ của người bị kiện nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú mà không thông báo địa chỉ mới cho người đi kiện, cho Tòa án nhằm mục đích giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ thì được coi là trường hợp người bị kiện cố tình giấu địa chỉ thì tại Nghị quyết này cũng có hướng dẫn như sau:
>>> Luật sư
“8.6. Đối với trường hợp trong đơn khởi kiện người khởi kiện có ghi đầy đủ cụ thể và đúng địa chỉ của người bị kiện, của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú mà không thông báo địa chỉ mới cho người khởi kiện, cho Toà án, nhằm mục đích dấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện, thì được coi là trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình dấu địa chỉ. Toà án tiến hành thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục chung”.
Do đó, khi giao kết, thực hiện hợp đồng mà một bên chủ thể của hợp đồng bỏ đi khỏi nơi cư trú nhằm trốn tránh nghĩa vụ thực hiện hợp đồng, gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của bên chủ thể còn lại thì các chủ thể còn lại đó sẽ có quyền nộp đơn khởi kiện gửi Tòa án như phía trên đã phân tích để quyền và lợi ích hợp pháp của họ được đảm bảo.