Thực trạng việc ô tô khách chở quá số người quy định hiện nay? Quy định của pháp luật về việc chở hành khách bằng ô tô? Ô tô khách chở quá số người quy định bị xử phạt như thế nào?
Chở quá số người quy định trên xe là hiện tượng diễn ra ngày càng phổ biến. Khi tham gia giao thông ta có thể dễ dàng bắt gặp được những chiếc xe nhồi nhét hành khách, chật chội và chen lấn nhau, đặc biệt vào các dịp cuối tuần hay dịp lễ được nghỉ. Hành vi đó là hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hậu quả khôn lường. Vậy nếu ô tô khách chở quá số người quy định thì bị phạt như thế nào? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây:
Mục lục bài viết
1. Thực trạng việc ô tô khách chở quá số người quy định hiện nay:
Hiện nay, khi lên các xe bus hay xe hành khách sẽ bắt gặp không ít trường hợp xe đông đúc, hành khách chen lấn nhau trên xe. Đặc biệt, trong các dịp lễ, dịp Tết những người đi học, đi làm ăn xa quê vất vả đặt vé xe trước hàng tháng nhưng vẫn gặp phải tình trạng nhồi nhét, hết chỗ khi lên xe.
Vì lợi ích vật chất, các chủ phương tiện thừa biết rõ quy định của pháp luật về số người tối thiểu hay tối đa trên các phương tiện nhưng vẫn cố tình nhồi nhét hành khách để thu lợi nhuận. Những hành vi như vậy tiềm tàng những nguy hiểm khi điều khiển xe tham gia giao thông, bởi mỗi chiếc xe thiết kế đều chỉ có một trọng lượng nhất định, chở số người tối đa theo đúng tiêu chuẩn của nhà thiết kế. Nếu như cố tình nhồi nhét tăng thêm trọng lượng thì điều khiển xe rất khó khăn, bác tài hoàn toàn có thể cảm nhận được độ lún và độ ì của xe, xe rất dễ rơi vào trạng thái lật xe khi gặp vật cản trở hoặc đi quá nhanh không kiểm soát được tốc độ.
Bên cạnh đó, các bộ phận trên xe cũng không hoạt động được một cách tốt nhất nên rất kém hiệu quả, ví dụ như phanh không ăn khi gặp những tình huống gấp thì rất là nguy hiểm. Phần bánh xe bị ma sát với mặt đường nhiều hơn, hao mòn nhanh hơn, nếu căng hơi còn thế thể bị nổ lốp giữa đường,… Như vậy có thể thấy, việc chở số người quá tiêu chuẩn của xe cũng như quy định của pháp luật có thể gây ra hậu quả rất nguy hiểm. Do đó, người điều khiển xe hay phía bên kinh doanh vận tải hành khách cần có ý thức trong việc tuân thủ quy định của pháp luật.
2. Quy định của pháp luật về việc chở hành khách bằng ô tô:
2.1. Nguyên tắc về việc chở hành khách bằng ô tô:
Căn cứ theo Điều 68
– Thực hiện việc đón, trả khách đúng nơi quy định.
– Không được chở hành khách trên mui, trong khoang chở hành lý hoặc để cho hành khách đu, bám bên ngoài xe.
– Tuyệt đối không được chở những hàng nguy hiểm, hàng có mùi hôi thối hoặc các động vật, hàng hóa khác có gây ảnh hưởng đến sức khỏe của các hành khách.
– Đảm bảo chở hành khách, hành lý, hàng hóa không được vượt quá trọng tải hay số người theo đúng quy định của pháp luật.
– Không vận chuyển hàng hóa trong khoang chở hành khách, luôn đảm bảo vệ sinh an toàn, sạch sẽ trên xe.
2.2. Quyền và nghĩa vụ của trong kinh doanh vận tải hành khách:
Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định về quyền, nghĩa vụ của người kinh doanh vận tải hành khách và trách nhiệm của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe ô tô vận tải hành khách như sau:
Thứ nhất, quyền và nghĩa vụ của phía bên kinh doanh vận tải hành khách:
* Về quyền của phía bên kinh doanh vận tải hành khách, gồm:
– Được quyền thu cước phí vận tải.
– Được quyền từ chối vận chuyển trước khi phương tiện rời bến xe, rời vị trí đón, trả hành khách theo hợp đồng vận chuyển những người đã có vé hoặc người trong danh sách hợp đồng có hành vi gây rối trật tự công cộng, gây cản trở công việc của người kinh doanh vận tải, ảnh hưởng đến sức khoẻ, tài sản của người khác, gian lận vé hoặc hành khách đang bị dịch bệnh nguy hiểm.
* Về nghĩa vụ của phía bên kinh doanh vận tải hành khách, gồm:
– Mua bảo hiểm cho hành khách và phí bảo hiểm sẽ được tính vào giá vé hành khách mua.
– Đảm bảo thực hiện đầy đủ các cam kết về chất lượng vận tải, hợp đồng vận tải.
– Giao vé đầy đủ cũng như các chứng từ thu cước, phí vận tải cho hành khách. Vé và chứng từ thu cước, phí vận tải hành khách sẽ do Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định.
– Chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người làm công, người đại diện gây ra khi đang thực hiện các công việc được người kinh doanh vận tải giao cho.
– Nếu như người làm công, người đại diện gây ra hậu quả trong khi thực hiện yêu cầu của người kinh doanh vận tải trái với các quy định của pháp luật thì người kinh doanh vận tải phải có trách nhiệm bồi thường.
3. Ô tô khách chở quá số người quy định bị xử phạt như thế nào?
3.1. Mức phạt đối với người điều khiển phương tiện:
Căn cứ theo quy định tại Điều 23
– Phạt tiền từ 400 nghìn đồng đến 600 nghìn đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 75 triệu đồng trong trường hợp người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người (trừ xe buýt) thực hiện hành vi vi phạm:
+ Đối với xe đến 09 chỗ: chở quá từ 02 người trở lên.
+ Đối với xe 10 chỗ đến 15 chỗ: chở quá từ 03 người trở lên.
+ Đối với xe 16 chỗ đến xe 30 chỗ: chở quá từ 04 người trở lên.
+ Đối với xe trên 30 chỗ: chở quá từ 05 người trở lên.
– Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 75 triệu đồng trong trường hợp người điều khiển xe ô tô chở khách chạy tuyến có cự ly lớn hơn 300km thực hiện hành vi:
+ Đối với xe đến 09 chỗ: chở quá từ 02 người trở lên.
+ Đối với xe 10 chỗ đến 15 chỗ: chở quá từ 03 người trở lên.
+ Đối với xe 16 chỗ đến xe 30 chỗ: chở quá từ 04 người trở lên.
+ Đối với xe trên 30 chỗ: chở quá từ 05 người trở lên.
– Ngoài bị phạt tiền theo mức ở trên, người điều khiển phương tiện còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng đối với trường hợp vượt trên 50% đến 100% số người quy định được phép chở của phương tiện.
Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng trong trường hợp vượt trên 100% số người quy định được phép chở của phương tiện.
– Bên cạnh đó, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải bố trí phương tiện khác để chở số hành khách vượt quá quy định được phép chở của phương tiện.
3.2. Mức phạt đối với chủ phương tiện:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 và Khoản 6 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 123/2021/NĐ-CP, mức phạt đối với chủ phương tiện như sau:
* Đối với xe ô tô chở hành khách, xe ô tô chở người và các loại xe tương tự (chạy tuyến cự ly nhỏ hơn 300km) chở quá số người:
– Trường hợp chủ phương tiện là cá nhân: Phạt tiền từ 400 nghìn đồng đến 600 nghìn đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 75 triệu đồng.
– Trường hợp chủ phương tiện là tổ chức giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm: phạt tiền từ 800 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 150 triệu đồng.
* Đối với xe ô tô chở hành khách, xe ô tô chở người và các loại xe tương tự (chạy tuyến cự ly trên 300km) chở quá số người quy định:
– Trường hợp chủ phương tiện là cá nhân: Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 75 triệu đồng.
– Trường hợp chủ phương tiện là tổ chức giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm: phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 150 triệu đồng.
– Bên cạnh đó, chủ phương tiện vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng nếu như trường hợp chủ phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện chở vượt trên 50% đến 100% số người quy định được phép chở của phương tiện.
Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng nếu trường hợp chủ phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện chở vượt trên 100% số người quy định được phép chở của phương tiện.
Bị tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) từ 01 tháng đến 03 tháng (nếu có) trong trường hợp chở vượt trên 50% số người quy định được phép chở của phương tiện.