Ô nhiễm môi trường đất đang vấn nạn đáng báo động ở trên toàn thế giới. Theo đó, sự ô nhiễm nguồn đất có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như hủy hoại môi trường sống, gây mất mĩ quan, ảnh hưởng đến sức khỏe con người,... Chính vì vậy, việc bảo vệ môi trường đất là cực kỳ quan trọng . Bài viết dưới đây sẽ phân tích vấn đề trên.
Mục lục bài viết
- 1 1. Ô nhiễm môi trường đất là gì?
- 2 2. Ô nhiễm môi trường đất trên thế giới diễn ra như thế nào?
- 3 3. Thực trạng ô nhiễm môi trường đất tại Việt Nam:
- 4 4. Nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường đất là gì?
- 5 5. Hệ quả từ việc ô nhiễm môi trường đất:
- 6 6. Những giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất
1. Ô nhiễm môi trường đất là gì?
Đất là nguồn tài nguyên quý giá trong cuộc sống. Ô nhiễm môi trường đất là tình trạng các tính chất của đất bị thay đổi. Theo đó, quá trình này được tạo ra từ các hoạt động như: Các loại chất thải từ những hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt của con người khi chưa được xử lý đúng cách và khoa học đã xả thẳng ra ngoài môi trường, từ đó ngấm sâu vào trong lòng đất. Theo thời gian, môi trường đất sẽ bị nhiễm các chất độc từ chất thải này và làm ảnh hưởng xấu đến đời sống của động thực vật, con người.
2. Ô nhiễm môi trường đất trên thế giới diễn ra như thế nào?
Ô nhiễm môi trường đất không phải là vấn đề của riêng một quốc gia hay vùng lãnh thổ nào mà nó là một thực trạng nhức nhối ở trên toàn thế giới. Hiện nay, tình trạng ô nhiễm đất ở trên thế giới đang bị suy thoái nghiêm trọng do các hiện tượng như: xói mòn, rửa trôi, bạc màu, đất nhiễm mặn, nhiễm phèn , biến đổi khí hậu,…
Trên khắp thế giới, nhiều quốc gia đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm nặng nề của đất đai. Ở Anh, đã xác định có tới 300 vùng bị ô nhiễm với diện tích lên đến 10.000 ha, trong khi ở Mỹ có khoảng 25.000 vùng bị ảnh hưởng và Hà Lan cũng đang đối mặt với 6000 vùng bị ô nhiễm. Những con số này đáng báo động và là dấu hiệu cho thấy tình trạng ngày càng trầm trọng.
Sự phát triển vượt bậc của các ngành công nghiệp hóa và hiện đại hóa đã góp phần làm tăng nguy cơ ô nhiễm đất đai do kim loại nặng độc hại từ các chất thải trực tiếp xả vào môi trường đất. Một ví dụ điển hình là sự kiện vỡ đập tại bang Minas Gerais, Brazil, khiến 60 triệu m3 bùn đất chứa chất thải độc hại từ quá trình khai thác quặng sắt tràn ra và nhấn chìm ngôi làng, gây ra hiện tượng ô nhiễm nặng nề.
Trung Quốc, một quốc gia phát triển mạnh và hàng đầu thế giới, cũng không thoát khỏi tình trạng ô nhiễm đất nông nghiệp. Đã có ⅕ diện tích đất nông nghiệp của nước này bị ô nhiễm nghiêm trọng sau nhiều năm thực hiện các chính sách công nghiệp hóa một cách quyết liệt.
Những thảm họa như động đất – sóng thần tại nhà máy Fukushima vào tháng 3/2011 cũng gây ra những tác động tiêu cực không nhỏ tới hàng trăm km² đất nông nghiệp và lâm nghiệp. Điều này đã buộc người dân tại những khu vực này phải rời đi để đảm bảo an toàn cho cuộc sống hàng ngày của họ.
Tình trạng ô nhiễm đất đai đã trở thành một vấn đề cấp bách đòi hỏi sự hợp tác giữa các quốc gia và các biện pháp bảo vệ môi trường hiệu quả để bảo vệ tài nguyên quý giá này cho thế hệ tương lai.
3. Thực trạng ô nhiễm môi trường đất tại Việt Nam:
Tại Việt Nam, vấn đề ô nhiễm đất đai cũng là một thực trạng báo động và là thực trạng đang được quan tâm hiện nay. Nước ta có khoảng 33 triệu ha diện tích đất tự nhiên, trong đó đang sử dụng khoảng hơn 22 triệu ha, chiếm đến 68,83% tổng quỹ đất, phần còn lại hơn 10 ha đất chưa sử dụng, chiếm 33,04% diện tích đất tự nhiên và đất nông nghiệp chỉ có hơn 8 triệu ha chiếm 26,1% diện tích đất tự nhiên.
Theo báo cáo và đánh giá của Cục Môi trường nước ta, hành năm chất lượng đất đai tại các khu vực đô thị của Việt Nam hầu hết đang bị ô nhiễm nghiêm trọng mà nguyên nhân lý giải cho điều này là do lượng chất thải từ các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp xây dựng và sinh hoạt bị xả trực tiếp qua môi trường một cách bất hợp pháp. Ngày nay, khi đi dọc trên các con phố bạn cũng có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những túi rác thải bị vứt bừa bãi làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị cũng như chất lượng đất xung quanh nơi đó.
Bên cạnh đó, do điều kiện tự nhiên nước ta, Việt Nam là nước nằm trong vùng nhiệt đới, mưa nhiều, có nhiệt độ không khí cao cùng với quá trình khoáng hóa diễn ra rất mạnh, vậy nên đất rất dễ bị rửa trôi, xói mòn, ít chất hữu cơ, ít chất dinh dưỡng dẫn đến tình trạng thoái hóa đất nghiêm trọng.
Ô nhiễm đất ở Việt Nam giờ đây không chỉ diễn ra ở các khu vực thành thị đông dân cư như ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh mà còn lan rộng ra cả các vùng nông thôn và các tỉnh có ngành công nghiệp phát triển. Theo đó, ở Hà Nội, ô nhiễm môi trường đất nguyên nhân chủ yếu là do các hàm lượng kim loại nặng từ quá trình sản xuất công nghiệp, nhất là ở những khu vực đô thị và các làng nghề như An Khánh, Làng nghề dệt vải Hà Động, Khu đô thị Nam Thăng Long,… Cũng tương tự, tại TP. Hồ Chí Minh, vấn đề ô nhiễm môi trường đất cũng không được mấy tích cực hơn khi hàm lượng chất thải từ sản xuất, sinh hoạt, nông nghiệp,… vẫn còn rất khá cao, cụ thể, tại Hóc Môn, theo một khảo sát mà chúng tôi được biết thì trong một vụ trồng rau, lượng thuốc bảo vệ thực vật được phun ra ngoài khoảng 10 – 25 lần gây ảnh hưởng nghiệm trọng đến môi trường đất. Do đó, theo tính toán, trong 1 năm thì lượng thuốc sử dụng cho khoảng 1 ha đất sẽ có thể đạt tới mức 100 – 150 lít và lượng nước thải mỗi ngày xả ra ngoài môi trường có thể đạt tới 600.000 m3.
4. Nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường đất là gì?
Ô nhiễm môi trường đất bắt nguồn từ rất nhiều những nguyên nhân khác nhau, nhưng một vài nguyên nhân chủ yếu có thể kể đến dưới đây:
– Do lượng chất thải từ các hoạt động sản xuất công nghiệp ra môi trường đất. Hiện nay, có rất nhiều nhà máy và khu công nghiệp bất chấp các quy định về an toàn nước thải mà xả thẳng chúng ra bên ngoài môi trường khi chưa được qua xử lý dẫn đến những hệ lụy vô cùng nguy hại cho môi trường đất như: hiện tượng ô nhiễm chất thải, ô nhiễm chất kim loại. Chẳng hạn như tại các nhà máy nhiệt điện, lượng than hằng ngày được đốt cháy rất nhiều, khi này sẽ có một số chất không phân hủy được sẽ tồn tại dưới dạng tro rồi thẩm thấu xuống lòng đất, lâu dần sẽ tích tụ và biến thành các chất thải độc hại cho con người và ngành nông nghiệp xung quanh.
– Do chất thải từ các hoạt động nông nghiệp. Quá trình canh tác trong nông nghiệp thường xuyên phải sử dụng đến các loại hóa chất như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ có hàm lượng chất độc lớn, tuy nó là phương pháp khá hiệu quả đối với người nông dân, thế nhưng các loại độc tính ở trong các loại hóa chất này có thể gây ra các ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường khi lượng chất độc hại này không được sử dụng hết mà ngấm vào đất. Bên cạnh đó, các hóa chất khi ngấm vào trong lòng đất cũng có thể sẽ ngấm xuống các mạch nước ngầm và làm cho toàn bộ nguồn nước bị ô nhiễm, điều này sẽ đặc biệt nguy hại đối với những hộ gia đình đang sử dụng các nguồn nước giếng xung quanh vùng đất nông nghiệp đó.
– Do tình trạng đất nhiễm mặn, đất nhiễm phèn lan rộng, đây là hiện tượng thường diễn ra ở những tỉnh có vùng đất mặn. Nước nhiễm mặn là do lượng muối ở trong biển, nước thủy triều dâng cao hay từ các mỏ muối, khi này nồng độ Na, Cl, Kali cao làm tăng áp suất thẩm thấu và gây hại cho giới thực vật phát triển. Bên cạnh đó, nguồn nước nhiễm phèn thì được cho là do nước đã bị nhiễm sắt, làm cho độ Ph ở trong môi trường đất giảm dẫn đến tình trạng ngộ độc cho cây và những động vật sinh sống ở trong môi trường đó
5. Hệ quả từ việc ô nhiễm môi trường đất:
Ô nhiễm môi trường đất gây ra những hậu quả nặng nề tới đất đai cũng như đời sống và sức khỏe của con người. Dưới đây là một vài những hậu quả nghiêm trọng:
– Ảnh hưởng đến môi trường đất đai: làm cho cấu tạo đất bị thay đổi, dễ bị xói mòn và làm mất đi các chất dinh dưỡng cần thiết, nên khi có mưa lớn, nghiêm trọng hơn có thể làm mất đi những chất cần thiết của đất, gây hiện tượng sạt lở, thiên tai.
– Ảnh hưởng đến sức khỏe: Tiếp xúc với môi trường đất bị ô nhiễm trong mội thời gian dài thể gây ra những căn bệnh nguy hiểm như ung thư, bạch cầu, nhiễm độc gan,… Ở trẻ em có thể làm tăng nguy cơ bị dị tật bẩm sinh, rối loạn hô hấp và các bệnh ngoài da khác.
– Ảnh hưởng đến nguồn nước: Nguồn nước ngầm dưới những tầng đất nên theo cơ chế thẩm thấu mà tình trạng ô nhiễm môi trường đất còn làm ảnh hưởng xấu đến các mạch nước ngầm, luôn tiềm tàng những tác nhân gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, bởi hiện nay hầu hết lượng nước được sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày đều đến từ nguồn nước ngầm.
– Ảnh hưởng tới các loài động vật: Khi đất bị ô nhiễm, nhiều loại động vật phải di cư và tìm cách thích nghi với môi trường mới, nhưng cũng sẽ có rất nhiều loài không thể thích nghi được và bị chết.
6. Những giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất
Hiện nay cũng chưa có một biện pháp nào có thể xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường đất mà chỉ có các giải pháp để hạn chế cũng như giảm thiểu những ảnh hưởng nghiêm trọng cho vấn đề này như:
– Các bộ ban ngành cần thực hiện những công tác tư tưởng, giáo dục cần thiết để người dân có thể hiểu về những tác hại của ô nhiễm môi trường đất và giúp họ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường nói chung cũng như môi trường đất nói riêng.
– Hạn chế sử dụng các loại thuốc trừ sâu cũng như các chất hóa học trong sản xuất nông nghiệp
– Trồng cây, phủ xanh đồi trọc nhằm làm tăng diện tích đất được phủ xanh, hạn chế sự xói mòn, rửa trôi của đất.