Việt Nam là một đất nước có truyền thống làm nông nghiệp nên nông sản là đối tượng đặc biệt quan trọng để giúp người dân Việt Nam sản xuất, kinh doanh nhằm phục vụ đời sống và phát triển kinh tế đất nước. Vậy nông sản là gì? Cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản là gì? Quy định của pháp luật về cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Nông sản là gì?
Theo khoản 7 Điều 3 của Nghị định số 57/2018/NĐ-CP thì nông sản được quy định là sản phẩm của các ngành nghề nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, diêm nghiệp (nghề làm muối). Theo đó, nông sản được quy định cụ thể bao gồm:
– Nông sản của ngành nông nghiệp bao gồm: lúa gạo, ngô, khoai, sắn, cà phê, hồ tiêu, thịt lợn, thịt và trứng gia cầm,…
– Nông sản của ngành lâm nghiệp bao gồm: gỗ khai thác, củi, tre, nhựa thông, trám, đước,…
– Nông sản của ngành thủy sản bao gồm: tôm, cá, cá biển, ruốc, hàu, trai, tép,…
– Nông sản của ngành diêm nghiệp bao gồm: muối được sản xuất.
2. Cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản là gì?
Cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản là cơ sở chuyên sản xuất, chế biến và kinh doanh sản phẩm của các ngành nông, lâm, ngư nghiệp và ngành công nghiệp gia công chế muối (hay còn gọi là ngành diêm nghiệp). Do mức tiêu thụ nông sản hiện nay khá lớn, không chỉ có người dân trong nước có nhu cầu tiêu thụ mà cả những người dân của những quốc gia khác cũng có nhu cầu được sử dụng nông sản. Vì vậy mà các cơ sở sản xuất và kinh doanh nông sản phải cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo sản xuất đủ lượng nông sản phục vụ cho nhu cầu của người tiêu dùng. Hơn nữa, do nhu cầu tiêu dùng lớn nên khi thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản thì cơ sở đó phải đảm bảo về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và phải đảm bảo các điều kiện cần thiết khác để hoạt động cơ sở sản xuất và kinh doanh.
3. Quy định của pháp luật về cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản:
Căn cứ theo quy định tại Hướng dẫn kỹ thuật về đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các cơ sở chế biến nông sản được ban hành kèm theo Quyết định số 742/QĐ-CBTTNS-CB, để hoạt động cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản thì cơ sở kinh đó đó phải đảm bảo được các điều kiện đầu tư kinh doanh và đặc biệt là điều kiện về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến. Cụ thể các điều kiện đó được quy định như sau:
3.1. Điều kiện để mở cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản:
Căn cứ theo Quyết định số 724/QĐ-CBTTNS-CB và Điều 21
3.1.1. Về nhân lực của cơ sở sản xuất, kinh doanh:
Theo quy định trên thì chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh và người trực tiếp sản xuất nông sản phải đáp ứng yêu cầu:
– Có giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
– Phải đáp ứng yêu cầu về sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế ban hành.
3.1.2. Về địa điểm mở cơ sở sản xuất, chế biến nông sản:
Cơ sở chế biến nông sản phải được đặt ở nơi tách biệt khu vực ô nhiễm môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố theo quy định của pháp luật hiện hành, phải tách biệt với các khu tập trung, xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, bệnh viện.
3.1.3. Về nhà xưởng vận hành sản xuất, chế biến nông sản:
– Nhà xưởng, dây chuyền sản xuất, khu vực phụ trợ phải bố trí theo quy tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng được sản xuất. Phải đảm bảo chặt chẽ việc phân luồng riêng đối với sản phẩm, phụ gia, vật liệu bao gói, phế thải;
– Nhà xưởng sản xuất phải tách biệt khu vực kho nguyên liệu, kho thành phẩm với khu vực sơ chế, chế biến, đóng gói thực phẩm và khu vực vệ sinh và khu thay đồ bảo hộ và khu vực phụ trợ liên quan. Như vậy, nhà xưởng phải bố trí cách khu riêng và tách biệt nhau để tránh nhầm lẫn trong quá trình sản xuất. Đặc biệt cơ sở sản xuất phải có nhà vệ sinh tách biệt với khu vực sản xuất thực phẩm, cửa nhà vệ sinh không mở thông vào khu vực sản xuất; có phòng thay trang phục bảo hộ lao động
– Nền, trần, tường, cửa của cơ sở sản xuất làm bằng vật liệu không thấm nước, chống chịu ăn mòn của các chất tẩy rửa, khử trùng. Cửa ra vào, cửa sổ kín, ngăn chặn được động vật, côn trùng, vi sinh vật gây hại xâm nhập;
– Cơ sở sản xuất phải có hệ thống chiếu sáng bảo đảm kiểm soát được các thông số về chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy trình công nghệ; bóng đèn chiếu sáng trong khu vực chế biến phải được che chắn bằng hộp, lưới bảo đảm mảnh vỡ không rơi vào thực phẩm;
– Cơ sở sản xuất phải có nước sạch sử dụng cho sơ chế, chế biến đáp ứng các quy định kỹ thuật tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2009/BYT về chất lượng nước ăn uống. Đối với nước để vệ sinh nhà xưởng, trang thiết bị, dụng cụ đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 02:2009/BYT về chất lượng nước sinh hoạt. Theo đó, đường ống nước dùng để sản xuất hơi nước, làm lạnh, phòng cháy, chữa cháy bố trí riêng, để phân biệt bằng màu sắc và tách biệt với hệ thống nước sử dụng cho sản xuất thực phẩm;
– Nhà xưởng của cơ sở sản xuất phải có hệ thống thông gió bảo đảm thông thoáng, gió phải được thổi từ khu vực có yêu cầu vệ sinh cao sang khu vực có yêu cầu vệ sinh thấp hơn, không thổi từ khu vực vệ sinh sang khu vực sản xuất. Đối với hệ thống thoát nước thì cần có hệ thống thoát nước thải chảy từ khu vực yêu cầu vệ sinh cao sang khu vực yêu cầu vệ sinh thấp hơn.
– Cơ sở sản xuất phải đảm bảo có thiết bị khí nén sử dụng cho sản xuất thực phẩm được xử lý, tách cặn bẩn, mùi;
3.1.4. Về thiết bị, dụng cụ được sử dụng tại cơ sở chế biến:
– Có thiết bị rửa tay, khử trùng, ủng và bao tay. Cần lưu ý ở nơi rửa tay có nước sạch, xà phòng, nước sát trùng, khăn hoặc giấy lau tay sử dụng một lần hoặc có máy sấy khô;
– Có thiết bị, dụng cụ sơ chế, chế biến, chứa đựng, bao bì đóng gói nông sản phải đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 12-1:2011/BYT, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 12-2:2011/BYT và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 12-3:2011/BYT;
– Có thiết bị ngăn ngừa côn trùng và động vật gây hại xâm nhập vào cơ sở sản xuất nông sản;
– Có thiết bị, dụng cụ để giám sát và đánh giá sát sao các chỉ tiêu chất lượng, an toàn sản phẩm tương ứng với quy trình công nghệ sản xuất nông sản;
– Dụng cụ thu gom chất thải rắn có nắp đậy và lưu trữ ở khu vực riêng biệt và dụng cụ chứa đựng chất thải nguy hại phải có ký hiệu và chỉ thị màu sắc để phân biệt chất thải nguy hại với chất thải khác.
3.2. Điều kiện về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ sở chế biến nông sản:
Do đặc thù của ngành chế biến thực phẩm, ở đây là nông sản nên rất cần được quan tâm đến yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó để đảm bảo hoạt động sản xuất và kinh doanh nông sản thì cơ sở sản xuất phải đảm bảo đáp ứng được yêu cầu về an toàn thực phẩm. Theo Quyết định số 742/QĐ-CBTTNS-CB và Điều 19, Điều 20 của Luật An toàn thực phẩm năm 2010 thì cơ sở sản xuất nông sản phải đảm bảo được các yêu cầu sau:
– Cơ sở sản xuất nông sản phải có địa điểm hoạt động phù hợp, diện tích nhà xưởng thích hợp, có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm và các yếu tố gây hại khác;
– Cơ sở sản xuất phải có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất, chế biến;
– Có đủ trang thiết bị phù hợp để xử lý nguyên liệu, chế biến, đóng gói, bảo quản và vận chuyển các sản phẩm; có đủ trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện rửa và khử trùng, nước sát trùng, thiết bị phòng, chống côn trùng và động vật gây hại;
– Có hệ thống xử lý chất thải và được vận hành thường xuyên theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
– Duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm và các tài liệu khác về toàn bộ quá trình sản xuất;
– Tuân thủ quy định về sức khoẻ, kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản xuất;
– Nơi bảo quản và phương tiện bảo quản phải có diện tích đủ rộng để bảo quản từng loại thực phẩm riêng biệt, có thể thực hiện kỹ thuật xếp dỡ an toàn và chính xác, bảo đảm vệ sinh trong quá trình bảo quản. Bên cạnh đó nơi bảo quản và phương tiện bảo quản phải ngăn ngừa được ảnh hưởng của nhiệt độ, độ ẩm, côn trùng, động vật, bụi bẩn, mùi lạ và các tác động xấu của môi trường; bảo đảm đủ ánh sáng. Lưu ý ở nơi bảo quản phải có thiết bị chuyên dụng điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm và các điều kiện khí hậu khác, thiết bị thông gió và các điều kiện bảo quản đặc biệt khác theo yêu cầu của từng loại thực phẩm.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Luật An toàn thực phẩm năm 2010;
– Nghị định số 66/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; giống cây trồng; nuôi động vật rừng thông thường; chăn nuôi; thuỷ sản; thực phẩm;
– Nghị định số 57/2018/NĐ-CP quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;
– Quyết định số 724/QĐ-CBTTNS-CB của Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản ban hành tài liệu hướng dẫn kỹ thuật vệ đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các cơ sở chế biến nông sản.