Nơi cấp giấy xác nhận số chứng minh nhân dân? Xác nhận hai chứng minh nhân dân khác tỉnh là của một người như thế nào?
Nơi cấp giấy xác nhận số chứng minh nhân dân? Xác nhận hai chứng minh nhân dân khác tỉnh là của một người như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư! Luật sư cho tôi hỏi: Tháng 11/2005 tôi được công an Hưng Yên cấp số CMND 145.023.xxx – Tháng 4.2011 tôi chuyển khẩu lên Hà nội và được công an Hà nội cấp số CMND 017.299.xxx. Lần này công an Quận Hà đông thu lại chứng minh thư cũ Hưng yên của tôi nhưng ko có kèm bất kỳ giấy xác nhận nào – Tháng 6.2014 tôi chuyển chứng minh thư 9 số Hà nội (017.299.xxx) thành chứng minh thư 12 số 033.071.xxxxxx, Lần này có giấy xác nhân 2 số CMND của cùng 1 người (số 017.299.xxx và số 033.071.xxxxxx) Vậy bây giờ tôi cần giấy xác nhận 2 số chứng mình nhân dân số 145.023.xxx và số 033.071.xxxxxx là của cùng 1 người thì đến đâu để xin cấp lại, công an Hà Đông hay nơi nào? Cảm ơn luật sư!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Nội dung tư vấn:
Chứng minh nhân dân theo Điều 1 Nghị định 05/1999/NĐ-CP là một loại giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan Công an có thẩm quyền chứng nhận về những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân trong độ tuổi do pháp luật quy định, nhằm bảo đảm thuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong đi lại và thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.
Các trường hợp cấp đổi chứng minh nhân dân theo Điều 5 Nghị định 05/1999/NĐ-CP gồm:
-Chứng minh nhân dân hết thời hạn sử dụng;
– Chứng minh nhân dân hư hỏng không sử dụng được;
– Thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh;
– Thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
– Thay đổi đặc điểm nhận dạng.
Thủ tục cấp đổi chứng minh nhân dân theo điểm b khoản 1 Điều 6 Nghị định 05/1999/NĐ-CP và điểm 2, điểm 3 Mục II Thông tư 04/1999/TT-BCA như sau:
Hồ sơ:
– Đơn trình bầy rõ lý do đổi CMND hoặc cấp lại, có xác nhận của Công an phường, xã, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, ảnh dán vào đơn và đóng dấu giáp lai;
– Xuất trình hộ khẩu thường trú (Sổ hộ khẩu gia đình hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể). Ở những địa phương chưa cấp hai loại sổ hộ khẩu trên Công an nơi làm thủ tục cấp CMND căn cứ vào sổ đăng ký hộ khẩu, chứng nhận đăng ký hộ khẩu thường trú của Công an xã, phường, thị trấn;
– Đối với những trường hợp thay đổi họ tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh, đổi lại CMND phải xuất trình Quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho phép thay đổi các nội dung trên đây;
– Chụp ảnh (như trường hợp cấp mới);
– Kê khai tờ khai cấp chứng minh nhân dân theo mẫu;
– Vân tay hai ngón trỏ có thể in vào tờ khai theo mẫu hoặc cơ quan Công an thu vân tay hai ngón qua máy lấy vân tay tự động để in vào tờ khai và CMND;
– Nộp lệ phí;
Hồ sơ nộp tại cơ quan công an quận, huyện nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.
>>> Luật sư tư vấn xác nhận chứng minh nhân dân qua tổng đài: 1900.6568
Đối với việc cấp giấy xác nhận số chứng minh nhân dân khi thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú thì phải thực hiện cấp đổi chứng minh nhân dân. Đối với việc cấp đổi và xin giấy xác nhận hai số chứng minh cũ và mới bạn có yêu cầu, cơ quan công an nơi nhận hồ sơ cấp đổi chứng minh nhân dân mới vẫn có thể cấp giấy xác nhận cho bạn. Nơi cấp giấy xác nhận là cơ quan công an thành phố Hà Nội theo quy định tại Điều 15 Thông tư 07/2016/TT-BCA quy định thu, nộp, xử lý chứng minh nhân dân khi công dân chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang thẻ Căn cước công dân và xác nhận số Chứng minh nhân dân cho công dân.
"Điều 15. Thu, nộp, xử lý Chứng minh nhân dân khi công dân chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang thẻ Căn cước công dân và xác nhận số Chứng minh nhân dân cho công dân
Khi công dân làm thủ tục chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang thẻ Căn cước công dân thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thu Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số do công dân nộp, sau đó tiến hành như sau:
1. Đối với Chứng minh nhân dân 9 số:
a) Trường hợp Chứng minh nhân dân 9 số còn rõ nét (ảnh, số Chứng minh nhân dân và chữ) thì cắt góc phía trên bên phải mặt trước của Chứng minh nhân dân đó, mỗi cạnh góc vuông là 2cm, ghi vào hồ sơ và trả Chứng minh nhân dân đã được cắt góc cho người đến làm thủ tục. Ngay sau khi nhận Chứng minh nhân dân đã cắt góc hoặc sau đó, nếu công dân có yêu cầu thì cơ quan tiến hành cắt góc Chứng minh nhân dân 9 số có trách nhiệm cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân cho công dân;
b) Trường hợp Chứng minh nhân dân 9 số bị hỏng, bong tróc, không rõ nét (ảnh, số Chứng minh nhân dân và chữ) thì thu, hủy Chứng minh nhân dân đó, ghi vào hồ sơ và cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân cho công dân.
2. Đối với Chứng minh nhân dân 12 số, cắt góc phía trên bên phải mặt trước của Chứng minh nhân dân đó, mỗi cạnh góc vuông là 1,5cm, ghi vào hồ sơ trả Chứng minh nhân dân đã cắt góc cho người đến làm thủ tục.
3. Trường hợp công dân mất Chứng minh nhân dân 9 số mà làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân thì khi công dân có yêu cầu, cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân có trách nhiệm cấp giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân 9 số đã mất cho công dân."