Tại Việt Nam, vị trí của các điều ước quốc tế chỉ xếp sau Hiến pháp, có thể thấy điều ước quốc tế đóng vai trò là nguồn luật to lớn đối với pháp luật Việt Nam. Để cụ thể hóa những quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia thì việc nội luật hóa đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Mục lục bài viết
1. Nội luật hóa là gì?
Nội luật hóa là chuyển hóa quy định trong điều ước quốc tế thành quy phạm pháp luật có giá trị bắt buộc thực hiện đối với tổ chức, cá nhân ở một quốc gia. Việc nội luật hóa được tiến hành sau khi cơ quan có thẩm quyền của quốc gia chính thức xác nhận quy định trong điều ước quốc tế ràng buộc đối với quốc gia đó.
2. Nội luật hóa điều ước quốc tế là gì?
Nội luật hóa điều ước quốc tế là chuyển hóa các điều ước quốc tế thành quy phạm pháp luật trong nước và thi hành các điều ước quốc tế đó trên cơ sở các quy phạm pháp luật trong nước vốn là quy phạm của điều ước quốc tế.
Nội luật hóa điều ước quốc tế tiếng Anh là “Internalize international treaties”.
3. Cách thức nội luật hóa điều ước quốc tế:
Việc nội luật hóa được tiến hành sau khi cơ quan có thẩm quyền của quốc gia chính thức xác nhận quy định trong điều ước quốc tế ràng buộc đối với quốc gia đó (phê chuẩn). Thực chất, nội luật hóa điều ước quốc tế là quá trình chuyển hóa hiệu lực, cụ thể hóa quy định ghì trong điều ước quốc tế mà quốc gia đã kí kết để áp dụng không chỉ đối với quốc gia, mà còn đối với cả pháp nhân, thể nhân thuộc quốc gia đó. Do đó, tuỳ thuộc vào từng điều ước quốc tế mà quốc gia thành viên có thể áp dụng nhiều hình thức để nội luật hóa điều ước quốc tế, cụ thể có các hình thức:
– Hình thức ban hành văn kiện nhà nước quy định các quy định trong điều ước quốc tế có hiệu lực áp dụng ở quốc gia thành viên.
Đây là hình thức đơn giản nhất để nội luật hóa điều ước quốc tế. Tuy nhiên, do các quy định trong điều ước quốc tế xác lập nhằm điều chỉnh hành vi của quốc gia thành viên nên thường không đủ cụ thể để điều chỉnh hành vi của pháp nhân, thể nhân khi có các hoạt động liên quan.
– Hình thức ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc sửa đổi, bổ sung quy định trong các văn bản pháp luật để cụ thể hóa các quy định trong điều ước quốc tế.
Hình thức này tạo ra văn bản quy phạm pháp luật mới trong hệ thống pháp luật quốc gia hoặc làm thay đổi nội dung điều chỉnh của một số quy định trong văn bản pháp luật hiện hành.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 6
– Hình thức bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật hoặc một số quy định trong văn bản pháp luật quốc gia để phù hợp với quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Đây là hình thức khắc phục sự mâu thuẫn trong nội dung điều chỉnh của pháp luật quốc gia theo yêu cầu của quy định trong điều ước quốc tế.
4. Đặc điểm của nội luật hóa điều ước quốc tế:
Tính thích nghi tùy biến
Tính thích nghi tùy biến thể hiện ở việc nội luật hóa ĐƯQT không diễn ra một cách tuần tự, cố định, đều đặn, lặp đi lặp lại mà nó chỉ xuất hiện khi có yêu cầu nội luật hóa. Điều quan trọng hơn, quá trình ấy không chỉ thuần túy phụ thuộc vào yêu cầu nội luật hóa mà còn chịu sự chi phối của rất nhiều yếu tố kinh tế – chính trị, lịch sử – địa lý khác. Nội luật hóa ĐƯQT do đó có sự biến động khó lường theo cả không gian và thời gian.
Tính đa dạng chủ thể
Ở góc độ quốc tế, chủ thể nội luật hóa ĐƯQT phải là quốc gia thành viên của điều ước đó, sự chuyển hóa quy phạm điều ước dù bằng phương thức nào cùng đều nhằm thực thi một cách thực chất các cam kết mà quốc gia đã chấp nhận sự ràng buộc.
Ở góc độ quốc gia, chủ thể nội luật hóa ĐƯQT là những cá nhân, cơ quan, tổ chức trong nước có thẩm quyền liên quan đến các thao tác nội luật hóa được xác định trong pháp luật quốc gia. Chủ thể nội luật hóa ĐƯQT thường là những chủ thể có thẩm quyền lập pháp, hành pháp hoặc tư pháp nhưng được giao thêm nhiệm vụ nội luật hóa trong phạm vi chức năng của mình chứ không phải là một cơ quan chuyên trách về công tác nội luật hóa.
Tính mâu thuẫn nội tại
Một trong những mục tiêu quan trọng của quá trình nội luật hóa là việc làm triệt tiêu những xung đột nào đó trong việc lựa chọn áp dụng luật quốc tế hay luật quốc gia, nhưng ngược lại nó cũng rất dễ dẫn đến việc tạo ra những xung đột mới. Những xung đột, mâu thuẫn mới vô tình được tạo ra trong quá trình nội luật hóa thậm chí còn có thể xuất hiện ngay trong bản thân hệ thống pháp luật quốc gia. Với nội dung hoàn toàn giống nhau, quy phạm gốc trong điều ước sẽ được áp dụng theo nguyên tắc về sự ưu tiên.
Ở một góc độ khác, nội luật hóa ĐƯQT vừa là quá trình làm cho pháp luật quốc gia tương thích với pháp luật quốc tế nhưng đồng thời cũng là quá trình làm cho pháp luật quốc tế tương thích với pháp luật quốc gia.
Tính ý chí quốc gia
Chuyển hóa các quy phạm điều ước vào pháp luật quốc gia là một quá trình thể hiện rất rõ ý chí của quốc gia. Quốc gia thể hiện ý chí của mình ở việc có đặt ra vấn đề nội luật hóa hay không, có quy định các thủ tục để tiến hành nội luật hóa hay không. Dù chuyển hóa không phải là một nghĩa vụ bắt buộc từ phía quốc tế nhưng thông qua pháp luật quốc gia, mỗi nước có thể tự đặt ra nghĩa vụ cho mình. Một khi thủ tục nội luật hóa đã được quy định trong luật, các cơ quan có thẩm quyền cùng mọi cá nhân, tổ chức liên quan đều bắt buộc phải thực hiện.
Tính ý chí được thể hiện ở việc nhà làm luật xác định điều kiện để một ĐƯQT có thể được nội luật hóa.
Tính ý chí thể hiện ở việc quốc gia có ý thức trong việc giám sát sự thi hành các quy phạm “sau nội luật hóa” và xử lý các vi phạm. Nói cách khác, tính ý chí nằm ở tính tự giác trong việc thực hiện pháp luật quốc tế của mỗi quốc gia sau khi đã tiến hành các thao tác nội luật hóa.
Tính ảnh hưởng quốc tế
Ký kết, gia nhập, thực hiện các ĐƯQT nói chung luôn gắn bó mật thiết với các yếu tố chính trị quốc tế, do vậy, hoạt động nội luật hóa dù được tiến hành bởi các chủ thể trong nước và thông qua các thao tác quy định bởi luật trong nước cũng vẫn luôn đưa tới những tác động vượt ra khỏi biên giới quốc gia.
Về nguyên tắc, một khi quốc gia đã tự quy định nghĩa vụ nội luật hóa cho mình thì phải có những biện pháp tích cực, khả thi để thực hiện nghiêm chỉnh những quy định được chuyển hóa ấy.
Trong quá trình nội luật hóa, việc không chuyển tải được chính xác nội dung của quy phạm điều ước (dịch sai, hiểu sai, giải thích sai) cũng có thể dẫn đến việc quốc gia cố ý hoặc vô ý vi phạm luật quốc tế.
Nguy cơ này ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, vị thế của quốc gia trên trường quốc tế. Bởi vậy, việc thực hiện ĐƯQT nói chung và nội luật hóa ĐƯQT nói riêng cần phải được thực hiện một cách khéo léo và thận trọng.
5. Tình hình nội luật hóa pháp luật quốc tế trong một số lĩnh vực tại Việt Nam:
Trong lĩnh vực thương mại, ngoại thương
Năm 2007, Việt Nam chính thức tham gia Tổ chức thương mại quốc tế (WTO). Để thực hiện các cam kết của WTO, trong 02 năm trước và sau thời điểm gia nhập WTO (2006 – 2007), Việt Nam đã sửa trên 60 văn bản luật để thực thi cam kết WTO và hàng trăm nghị định, thông tư hướng dẫn cũng đã được sửa đổi. Trong đó, đặc biệt, phải kể đến Luật Quản lý ngoại thương năm 2017. Luật điều chỉnh chủ yếu công tác quản lý nhà nước về ngoại thương bao gồm:
– Các biện pháp quản lý, điều hành hoạt động ngoại thương có liên quan đến mua bán hàng hóa quốc tế;
– Không điều chỉnh, can thiệp vào các hoạt động cụ thể của thương nhân, giữa các thương nhân với nhau;
– Chỉ điều chỉnh đối tượng là hàng hóa mà không điều chỉnh đối tượng là dịch vụ.
Luật có nhiều điều khoản dẫn chiếu đến áp dụng điều ước quốc tế. Việc ban hành Luật này nhằm hoàn thiện chính sách quản lý nhà nước về thương mại, đặc biệt là thương mại quốc tế. Luật Quản lý ngoại thương có hơn 30 điều, khoản viện dẫn áp dụng điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Trong lĩnh vực hình sự
Ngày 28/11/2014, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Nghị quyết số 83/2014/QH13 phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (Công ước Chống tra tấn). Theo Nghị quyết số 83/2014/QH13, Việt Nam xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm phù hợp với các quy định của Công ước Chống tra tấn. Để nội luật hóa các quy định này, trong lĩnh vực tố tụng hình sự, vấn đề bảo vệ quyền con người, quyền công dân được quan tâm đặc biệt.
– Bổ sung tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là “tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục phẩm giá nạn nhân” vào tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (điểm b khoản 3 Điều 157, mức hình phạt từ năm năm tù đến 12 năm tù)
– Bổ sung hành vi khách quan “dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào” vào tội dùng nhục hình (Điều 373).
Điều luật cũng quy định nếu người phạm tội làm nạn nhân tự sát thì bị phạt tù từ bảy năm đến 12 năm (khoản 3); làm người bị nhục hình chết thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân (khoản 4).
– Bổ sung tình tiết tăng nặng định khung vào tội bức cung (Điều 374).
Trường hợp “dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm người bị lấy lời khai, hỏi cung” sẽ bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm (khoản 2); phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Làm người bị bức cung chết; dẫn đến làm oan người vô tội; dẫn đến bỏ lọt tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân (khoản 4).
Trong các vấn đề về quyền con người
Ngày 13/12/2006, Liên Hợp Quốc thông qua Công ước về quyền của người khuyết tật và Việt Nam đã ký ngày 22/11/2007, phê chuẩn ngày 05/02/2015. Nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện công ước và yêu cầu hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực liên quan đến người khuyết tật, đến nay, Việt Nam đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm nội luật hóa các quyền của người khuyết tật. Về cơ bản, các quy định liên quan đến người khuyết tật của Việt Nam tương đối phù hợp với Công ước về quyền của người khuyết tật.
Ngày 18/12/1979, Liên Hợp Quốc đã thông qua Công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (Công ước CEDAW). Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ký tham gia Công ước này vào ngày 29/7/1980 và phê chuẩn vào ngày 27/11/1981. Để nội luật hóa các quy định của Công ước CEDAW, Việt Nam đã ban hành một số luật, trong đó đáng chú ý là Luật Bình đẳng giới. Nhiều quy định của Luật Bình đẳng giới đã được xây dựng theo hướng nội luật hóa các quy định của điều ước quốc tế về chống phân biệt đối xử và bình đẳng giới, đảm bảo thể chế hóa các quy định của các điều ước quốc tế này để thực hiện
Ví dụ, Luật đã đưa vào những nội dung rất mới như quy định về việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (Điều 21), thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới (Điều 22)…