Các tình huống cơ bản dẫn đến tổ chức điều tra vụ án hình sự, nội dung và yêu cầu của tổ chức điều tra vụ án hình sự hiện nay và các nghiệp vụ cần biết.
Mục lục bài viết
1. Các tình huống cơ bản dẫn đến tổ chức điều tra vụ án hình sự:
a/ Tổ chức điều tra vụ án mà trước đó đã tiến hành các hoạt động thu thập tài liệu. Trường hợp này thường có những đặc điểm sau đây:
– Bước vào điều tra vụ án đã có một số lượng tài liệu, chứng cứ làm cơ sở cho đặt kế hoạch, giả thiết điều tra.
– Đã có các hoạt động khác nhau được tiến hành trước đó cho nên phải tính tới trong các hoạt động điều tra và nội dung điều tra sau này.
– Thu hẹp được số lượng các hoạt động điều tra, chủ động trong việc điều tra vụ án, thực hiện có kế hoạch mối quan hệ phối hợp, giảm bớt các giả thiết điều tra, đặc biệt là các giả thiết điều tra cơ bản.
b/ Tổ chức điều tra vụ án xảy ra đột xuất. Trường hợp này xảy ra 2 khả năng :
– Có sự kiện phạm tội xảy ra song chưa phát hiện được kẻ gây án.
– Có sự kiện phạm tội xảy ra và đã phát hiện, bắt giữ kẻ gây án.
Do tình huống đột xuất nên có những yếu tố sau đây ảnh hưởng đến tổ chức điều tra:
– Số lượng tài liệu thu được làm căn cứ cho nêu giả thiết, đặt kế hoạch ban đầu rất ít, nhất là tài liệu về nhân thân kẻ có hành vi phạm tội.
– Ngay từ đầu phải áp dụng hàng loạt biện pháp cấp bách để thu thập tài liệu, chứng cứ và do vậy mà khối lượng công việc điều tra, số giả thiết điều tra lớn hơn, kể cả những giả thiết cơ bản.
– Mức độ chủ động trong công tác tổ chức điều tra bị hạn chế. Mối quan hệ giữa các lực lượng trong quá trình điều tra lúc đầu có thể bị động.
Thường có điều tra tại hiện trường (và khám nghiệm hiện trường) trong giai đoạn đầu tổ chức điều tra vụ án. Một số trường hợp phải tổ chức truy chức truy tìm ngay thủ tim phạm gây án.
2. Nội dung, yêu cầu của tổ chức điều tra vụ án hình sự:
Thực chất của tổ chức điều tra là việc xây dựng kế hoạch và tiến hành một cách hợp lý, có hiệu quả lao động của điều tra viên. Nó chính là tổ chức lao động của điều tra viên trong quá trình điều tra vụ án.
Nội dung và yêu cầu điều tra vụ án gồm:
1. Soạn thảo trước một kế hoạch phối hợp hoạt động điều tra của các cơ quan đơn vị tiến hành hoặc tham gia điều tra vụ án. Trường hợp đột xuất có thể cần một đội điều tra tiến hành điều tra tại hiện trường.
2. Điều tra vụ án có các hoạt động nghiệp vụ thì cần phải có kế hoạch củng cố tài liệu, chứng cứ thu được.
3. Tính toán trước quan hệ phối hợp giữa cơ quan điều tra với các đơn vị khác như cơ quan điều tra ban đầu, viện kiểm sát.
4. Đảm bảo sự lãnh đạo hợp lý và thường xuyên của nhóm điều tra đã được thành lập.
5. Phân công hợp lý và rõ ràng trách nhiệm cho từng thành viên tham gia nhóm điều tra.
6. Tổ chức các cuộc họp nghiệp vụ thảo luận kết quả điều tra và đề ra nhiệm vụ sẽ phải tiếp tục giải quyết.
7. Tiến hành trao đổi có hệ thống và thường xuyên các thông tin cần thiết cho các thành viên tham gia nhóm.
8. Các điều tra viên xây dựng kế hoạch điều tra phân việc mà mình đảm nhiệm.
9. Đảm bảo cơ sở vật chất kỹ thuật và các điều kiện cần thiết khác cho quá trình điều tra.
10. Sử dụng hợp lý các phương tiện, biện pháp hỗ trợ quá trình điều tra.
11. Lựa chọn những văn bản, tài liệu cần thiết cho quá trình điều tra
12. Áp dụng những thủ đoạn, biện pháp hữu hiệu đảm bảo không lộ bí mật các tài liệu, tin tức trong quá trình điều tra.
13. Tiến hành các phương pháp cần thiết khác đảm bảo phát hiện thành công tội phạm, phục vụ tốt yêu cầu điều tra, xử lý các yêu cầu cần thiết khác.
a/ Tổ chức điều tra vụ án theo nhóm:
Trong điều tra vụ án, có thể tùy thuộc vào đặc điểm vụ án mà tổ chức điều tra theo nhóm hoặc một điều tra viên tiến hành. Dưới đây là cách tổ chức điều tra theo nhóm.
– Nhóm điều tra được thành lập để điều tra toàn bộ vụ án hoặc chỉ để tiến hành một hoạt động điều tra. Thành phần của nhóm điều tra có thể thay đổi trong quá trình điều tra vụ án.
– Số lượng của nhóm điều tra phụ thuộc vào số lượng các giả thiết phải kiểm tra; số lượng người phải truy cứu trách nhiệm hình sự, số lượng các hoạt động điều tra và các hoạt động nghiệp vụ khác phải tiến hành.
– Thành phần và nhiệm vụ của các thành viên trong nhóm.
Nhóm trưởng: Nhóm trưởng là người được phân công chỉ huy nhóm. Nhóm trưởng thụ lý điều tra vụ án, thống nhất lãnh đạo toàn bộ công tác điều tra, duy trì quan hệ tiếp xúc giữa các thành viên trong nhóm, tiến hành các hoạt động điều tra phức tạp nhất, phân công và quản lý công việc cho các thành viên trong nhóm, tổ chức quan hệ với các đơn vị khác, đảm bảo những điều kiện bình thường cho nhóm hoạt động, kiểm tra công việc của các thành viên.
Thành viên của nhóm: Mỗi thành viên có nhiệm vụ tìm hiểu diễn biến vụ án và đi sâu vào phần việc mình được phân công. Cần thường xuyên duy trì sự tiếp xúc và trao đổi thông tin với các thành viên trong nhóm. Các thành viên cũng có thể được huy động tham gia vào các hoạt động điều tra phức tạp của thành viên khác.
Khi thấy cần thiết hoặc theo lịch quy định có thể tổ chức họp toàn nhóm thảo luận kết quả, phân tích tài liệu, nêu những nhận định mới, bổ sung hay thay đổi kế hoạch. phối hợp cùng các lực lượng khác làm rõ vụ án.
Lịch công tác: Dựa trên cơ sở lịch chung của toàn nhóm mỗi thành viên cần có lịch công tác riêng của mình. Trong lịch đó cần tính tới mối quan hệ với các thành viên khác của nhóm, đảm bảo sự hài hòa công việc của bản thân cũng như toàn nhóm.
b/ Giả thiết điều tra:
* Khái niệm: Quá trình điều tra là quá trình nhận thức chân lý, xác định sự thật của sự việc xảy ra trong quá khứ, trên cơ sở những dấu vết còn lại được phát hiện, đó là quá trình đi từ phán đoán đến hiện thực. Những giả định, phán đoán về sự biến, về sự kiện phạm tội, về kẻ gây án, về các tình tiết của vụ án được điều tra viên đưa ra và kiểm tra trong quá trình điều tra vụ án là giả thiết điều tra.
Có giả thiết điều tra sẽ giúp xác định được hướng điều tra, phạm vi các vấn đề cần làm rõ trong quá trình điều tra vụ án.
* Đặc điểm của giả thiết điều tra: Giả thiết điều tra có giả thiết chung và giả thiết thể (bộ phận):
+ Giả thiết chung là giả thiết cơ bản như có sự kiện phạm tội xảy ra hay không? tội gì? ai gây ra?
+ Giả thiết cụ thể là giả thiết hướng vào các tình tiết của vụ án chưa được làm sáng tỏ. Giả thiết cụ thể thường chiếm một khối lượng lớn trong quá trình điều tra vụ án.
* Tính hiện thực của giả thiết điều tra: Trong vụ án có thể đặt ra nhiều giả thiết, song tính hiện thực của chúng cũng khác nhau. Tính hiện thực của giả thiết được đưa ra phụ thuộc trước hết vào tài liệu làm căn cứ xây dựng giả thiết đó. sau nữa là phương pháp xây dựng giả thiết của điều tra viên. Có những giả thiết điều tra đối lập nhau, phủ định nhau.
* Xây dựng giả thiết điều tra: Những căn cứ để xây dựng giả thiết điều tra.
– Tài liệu của ngành công an.
– Tài liệu điều tra ban đầu.
– Các tài liệu khác và tình hình có liên quan đến vụ án trong điều tra.
– Những tài liệu về kinh nghiệm điều tra vụ án cùng loại đã được tổng kết.
* Các phương pháp xây dựng giả thiết điều tra: Các giai đoạn:
Giai đoạn 1: thu thập tài liệu.
Giai đoạn 2: Phân tích logic các tài liệu đã thu được.
Giai đoạn 3 : Đưa các sự kiện, tài liệu đã được phân tích vào một hệ thống.
Giai đoạn 4 : Hình thành các giả thiết điều tra. Các phương pháp cụ thể:
+ Phương pháp phân tích.
+ Phương pháp tổng hợp.
+ Phương pháp quy nạp.
+ Phương pháp diễn dịch.
+ Phương pháp tương tự.
+ Phương pháp so sánh đối chiếu.
* Kiểm tra giả thiết điều tra: Có thể dùng mọi biện pháp cho phép để kiểm tra giả thiết điều tra. Tuy nhiên chủ yếu vẫn phải bằng các hoạt động điều tra. Các giả thiết điều tra phải được điều tra theo một thứ tư logic, hợp lý:
– Theo tính chất cấp bách của vấn đề cần làm rõ.
– Theo thứ tự thời gian và diễn biến sự việc.
– Theo logic kiểm tra giả thiết này để tạo điều kiện cho kiểm tra giả thiết khác.
Những giả thiết đòi hỏi kiểm tra trong một thời gian dài cần phải được kiểm tra trước.
c/ Kế hoạch hoá điều tra:
* Khái niệm và nội dung: Điều tra vụ án là một công việc phức tạp, bị điều chỉnh bởi luật hình và luật tố tụng hình sự. Kế hoạch hóa điều tra đảm bảo cho các hoạt động điều tra được tiến hành bình thường và có chuẩn bị chu đáo, dự kiến được các khả năng xảy ra và kết quả của nó.
Kế hoạch hóa điều tra gồm có kế hoạch hóa điều tra toàn bộ vụ án và kế hoạch hóa từng hoạt động điều tra cụ thể. Nội dung kế hoạch hóa điều tra gồm:
– Xác định nhiệm vụ điều tra vụ án
– Phân tích nội dung các giả thiết điều tra với tất cả các tình tiết phải kiểm tra từ các giả thiết đó
– Xác định các hoạt động điều tra và những biện pháp khác, kiểm tra các giả thiết đã đưa ra, làm rõ các vấn đề xuất hiện từ các giả thiết đó; xác định những vấn đề cần chứng minh làm rõ trong vụ án.
– Xác định người sẽ thực hiện những biện pháp nếu trên, thời gian, địa điểm thực hiện các biện pháp đó.
* Yêu cầu của kế hoạch hóa điều tra: Kế hoạch hóa điều tra phải đảm bảo :
– Tính riêng biệt của kế hoạch.
– Mỗi vụ án được điều tra, ngoài những đặc điểm chung còn có những đặc điểm điều tra riêng không lặp lại. Do vậy xây dựng kế hoạch điều tra vụ án phải đảm bảo những nét riêng có của nó.
– Tính năng động của kế hoạch hóa điều tra.
– Kế hoạch hóa được tiến hành từ khi bắt đầu điều tra vụ án và quá trình điều tra. Cơ sở của kế hoạch hóa là tài liệu, chứng cứ thu được từ vụ án đã xảy ra. Vì vậy, không thể hoàn chỉnh kế hoạch ngay từ đầu. Sự hoàn chỉnh đi theo tiến trình điều tra vụ án. Bởi vậy kế hoạch phải luôn luôn được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế khách quan.
– Tính hiện thực của kế hoạch hóa điều tra.
– Kế hoạch hóa phụ thuộc vào giả thiết điều tra được đưa ra. Vì vậy muốn cho kế hoạch hóa điều tra có tính hiện thực cao, cần xây dựng được những giả thiết điều tra có tính hiện thực cao.
– Tính cụ thể của kế hoạch hóa điều tra.
– Xác định rõ ràng và chặt chẽ mục tiêu và nhiệm vụ của điều tra.
– Phân tích một cách chi tiết, cụ thể nội dung các giả thiết điều tra và hình thành những vấn đề cần chứng minh trong vụ án.
– Xác định cụ thể các biện pháp điều tra, các biện pháp khác cần áp dụng để kiểm tra các giả thiết đó.
* Xây dựng kế hoạch điều tra: Kế hoạch điều tra được xây dựng gồm kế hoạch điều tra vụ án, kế hoạch từng hoạt động điều tra. Có thể ở giai đoạn điều tra ban đầu chưa xây dựng được kế hoạch điều tra bằng văn bản mà chỉ phác họa được một số nét trong tư duy. Nhờ kết quả của những hoạt động điều tra cấp bách ban đầu mà điều tra viên có khả năng bắt tay vào xây dựng kế hoạch điều tra dưới hình thức văn bản.
Nội dung xây dựng một văn bản kế hoạch gồm:
– Các giả thiết điều tra.
– Các tình tiết của vụ án cần làm rõ.
– Các hoạt động điều tra và các hoạt động khác cần được áp dụng.
– Thời gian, trình tự thực hiện các hoạt động điều tra.
– Người thực hiện các hoạt động điều tra.
– Những điều kiện cần thiết đảm bảo cho việc tiến hành các hoạt động điều tra bình thường (vật chất, kỹ thuật, tinh thần cho cuộc điều tra).
– Những bất trắc có thể xảy ra và cách giải quyết (các phương án).
Trình tự xây dựng kế hoạch.
– Nghiên cứu tài liệu và các giả thiết.
– Áp dụng các biện pháp cần thiết thu thập bổ sung tài liệu cho việc xây dựng kế hoạch.
– Phân tích các tài liệu, các giả thiết và tính toán các khả năng cụ thể.
– Dự thảo kế hoạch, trong trường hợp có nhóm điều tra thì cần thảo luận dự thảo kế hoạch đó với sự tham gia của các thành viên.
– Viết bản chính và trình lãnh đạo.
* Kế hoạch hóa từng hoạt động điều tra: Kế hoạch hóa từng hoạt động điều tra là cụ thể hóa kế hoạch điều tra vụ án và phải làm những việc sau đây.
– Nghiên cứu tài liệu đã có.
– Xác định các nhiệm vụ cần phải giải quyết trong quá trình tiến hành hoạt động điều tra.
– Xác định trình tự giải quyết các nhiệm vụ.
– Lựa chọn các thủ đoạn, chiến thuật có hiệu quả.
– Xác định các phương tiện kỹ thuật cần thiết.
– Giải quyết vấn đề sử dụng các tài liệu và phương tiện kỹ thuật trong quá trình điều tra.
– Xác định những người tham gia và chức năng nhiệm vụ cụ thể của họ.
– Quy định thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động điều tra.
– Dự kiến các tình huống bất trắc xảy ra và cách giải quyết.
– Hình thành kế hoạch viết.
3. Mối quan hệ phối hợp trong điều tra vụ án hình sự:
1. Tính tất yếu của mối quan hệ phối hợp trong quá trình điều tra vụ án.
2. Bọn tội phạm hoạt động tinh vi, xảo quyệt và bí mật, lớn lút : luôn luôn tìm cách che giấu và đối phó điều tra. Bởi vậy phối hợp các lực lượng và phương tiện trong quá trình điều tra nhằm phát hiện có hiệu quả tội phạm đã xảy ra là cần thiết.
3. Quá trình phát hiện tội phạm diễn ra theo những giai đoạn nhất định. Chuyển từ một giai đoạn điều tra khác sang công khai điều tra vụ án theo tố tụng tất yếu phải có mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng khác và lực lượng điều tra.
4. Trong quá trình điều tra có những giả thiết điều tra và giả thiết khác trùng nhau, cho nên cần phối hợp các lực lượng và phương tiện để kiểm tra các giả thiết này.
5. Điều tra, truy tố, xét xử có mối quan hệ mật thiết với nhau. Do vậy phối hợp giữa cơ quan điều tra, viện kiểm sát,
6. Đặc điểm mối quan hệ phối hợp trong điều tra vụ án.
6. Mối quan hệ trong điều tra vụ án mạng đặc điểm đa dạng, nhiều chiều và phức tạp.
7. Mối quan hệ này mang đặc điểm tố tụng hình sự và cả không tố tụng hình sự.
8. Mối quan hệ phối hợp trong điều tra xuyên suốt quá trình điều tra vụ án và bị điều chỉnh bởi đặc điểm và tính chất vụ án đang điều tra.
9. Tập trung mối quan hệ phối hợp trong điều tra thường ở giai đoạn đầu và giai đoạn cuối của cuộc điều tra.
10. Nội dung mối quan hệ phối hợp trong điều tra vụ án hình sự.
11. Quan hệ phối hợp trên lĩnh vực vạch kế hoạch điều tra.
12. Quan hệ phối hợp trên lĩnh vực thông tin và xử lý tin.
13. Quan hệ phối hợp trên lĩnh vực tiến hành các hoạt động điều tra.
14. Quan hệ phối hợp trên lĩnh vực soạn thảo và chuẩn bị các tài liệu cho điều tra vụ án.
15. Quan hệ phối hợp trên lĩnh vực tiến hành các cuộc họp.
16. Quan hệ phối hợp trên lĩnh vực chuẩn bị các phương tiện kỹ thuật, vật chất, đảm bảo điều kiện bình thường cho quá trình điều tra vụ án. Nội dung mối quan hệ phối hợp tùy thuộc ở đặc điểm và tính chất vụ án đang điều tra.