Nội dung kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với từng gói thầu? Văn bản trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT?
Kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật đấu thầu được lập ra cho toàn bộ dự án, dự toán mua sắm. Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được lập trên các nguyên tắc nhất định và phải đáp ứng các nội dung quy định theo quy định của Luật đấu thầu. Vậy nội dung kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với từng gói thầu được luật đấu thầu và các văn bản liên quan quy định như thế nào?
Cơ sở pháp lý:
– Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết về kế hoạch lựa chọn nhà thầu do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành.
Mục lục bài viết
1. Nội dung kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với từng gói thầu:
Kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật đấu thầu là bản kế hoạch được thực hiện theo quy định bao gồm các nội dung về tên gói thầu, giá gói thầu, nguồn vốn, hình thức và phương thức lựa chọn nhà thầu, thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu, loại hợp đồng, thời gian thực hiện hợp đồng, kế hoạch lựa chọn nhà thầu là căn cứ để lựa chọn nhà thầu và phê duyệt dự án.
Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được lập cho toàn bộ dự án, dự toán mua sắm. Với nguyên tắc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu thì nếu chưa đủ điều kiện lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho toàn bộ dự án, dự toán mua sắm thì lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho một hoặc một số gói thầu để thực hiện trước. Trong quá trình lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu thì trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải ghi rõ số lượng gói thầu và nội dung của từng gói thầu.
Theo đó thì việc phân chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu để lựa chọn nhà thầu đối với từng gói thầu phải căn cứ theo tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện; bảo đảm tính đồng bộ của dự án, dự toán mua sắm và quy mô gói thầu hợp lý.
Nội dung kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với từng gói thầu được quy định tại Điều 5 Luật Đấu thầu 2013 bao gồm các nội dung như sau:
– Tên gói thầu: kế hoạch lựa chọn nhà thầu cần phải có tên gói thầu. Trong đó tên gói thầu thể hiện tính chất, nội dung và phạm vi công việc của gói thầu, phù hợp với nội dung nêu trong dự án, dự toán mua sắm.
Trường hợp gói thầu cần lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu gồm nhiều phần riêng biệt, trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu cần nêu tên thể hiện nội dung cơ bản của từng phần để thể hiện rõ tính chất và nội dung của từng phần.
– Giá gói thầu:
Trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu thì cần ghi rõ giá gói thầu, trong đó giá gói thầu được xác định trên cơ sở tổng mức đầu tư hoặc dự toán (nếu có) đối với dự án; dự toán mua sắm đối với mua sắm thường xuyên.
Yêu cầu đối với giá gói thầu như sau: Giá gói thầu phải được tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế để lập một kế hoạch lựa chọn nhà thầu chính xác, tránh lệch giá. Giá gói thầu được cập nhật trong thời hạn 28 ngày trước ngày mở thầu nếu bên lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu muốn thay đổi giá gói thầu.
Riêng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi thì yêu cầu về giá gói thầu như sau: giá gói thầu được xác định trên cơ sở các thông tin về giá trung bình theo thống kê của các dự án đã thực hiện trong khoảng thời gian xác định; ước tính tổng mức đầu tư theo định mức suất đầu tư; sơ bộ tổng mức đầu tư;
Trong quá trình lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, rường hợp gói thầu gồm nhiều phần riêng biệt thì ghi rõ giá ước tính cho từng phần trong giá gói thầu.
– Nguồn vốn: Trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu cần ghi rõ nguồn vốn đối với gói thầu. Theo đó thì đối với mỗi gói thầu, bên lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải nêu rõ nguồn vốn hoặc phương thức thu xếp vốn, thời gian cấp vốn để thanh toán cho nhà thầu chi tiết để kế hoạch được hoàn chỉnh; trường hợp gói thầu sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi thì phải ghi rõ tên nhà tài trợ và cơ cấu nguồn vốn, bao gồm vốn tài trợ, vốn đối ứng trong nước.
– Hình thức và phương thức lựa chọn nhà thầu: Trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu cần phải ghi rõ hình thức và phương thức lựa chọn nhà thầu. Theo đó đối với mỗi gói thầu phải nêu rõ hình thức và phương thức lựa chọn nhà thầu; lựa chọn nhà thầu trong nước hay quốc tế.
– Thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu: Trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu bắt buộc phải ghi thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu. Cụ thể thì thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu được tính từ khi phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, được ghi rõ theo tháng hoặc quý trong năm. Trường hợp đối với gói đấu thầu rộng rãi có áp dụng thủ tục lựa chọn danh sách ngắn, thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu được tính từ khi phát hành hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển.
– Loại hợp đồng: Trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải xác định rõ loại hợp đồng theo quy định tại Điều 62 của Luật Đấu thầu 2013 (Hợp đồng trọn gói, Hợp đồng theo đơn giá cố định, Hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, Hợp đồng theo thời gian) để làm căn cứ lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; ký kết hợp đồng.
– Thời gian thực hiện hợp đồng: Trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải ghi rõ thời gian thực hiện hợp đồng đấu thầu. Cụ thể thì thời gian thực hiện hợp đồng là số ngày tính từ ngày hợp đồng có hiệu lực đến ngày các bên hoàn thành nghĩa vụ theo quy định trong hợp đồng, trừ thời gian thực hiện nghĩa vụ bảo hành (nếu có).
2. Văn bản trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu:
Theo Điều 4 Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết về kế hoạch lựa chọn nhà thầu do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành thì văn bản trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu được quy định cụ thể như sau:
– Về nguyên tắc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu thì nguyên tắc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu được thực hiện theo quy định tại Điều 33
– Về căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu như sau: Căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu được thực hiện theo quy định tại Điều 34 Luật đấu thầu số 43/2013/QH13.
– Văn bản trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu được lập theo Mẫu số 1 kèm theo Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết về kế hoạch lựa chọn nhà thầu do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành, trong đó bao gồm các nội dung sau:
+ Văn bản trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cần có nội dung phần công việc đã thực hiện bao gồm nội dung công việc liên quan đến chuẩn bị dự án, các gói thầu thực hiện trước với giá trị tương ứng và căn cứ pháp lý để thực hiện nhằm thể hiện rõ các công việc trong kế hoạch.
+ Văn bản trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cần phải có các nội dung như sau: Phần công việc không áp dụng được một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu bao gồm: hoạt động của ban quản lý dự án, tổ chức đền bù giải phóng mặt bằng, trả lãi vay; các công việc do chủ đầu tư tự tiến hành bao gồm lập, thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu và các công việc khác không áp dụng được các hình thức lựa chọn nhà thầu với giá trị tương ứng;
+ Phần công việc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải ghi rõ số lượng gói thầu và nội dung của từng gói thầu trong đó bao gồm nội dung quy định tại Điều 5 của Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết về kế hoạch lựa chọn nhà thầu do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành và giải trình cho các nội dung đó. Trong phần này phải nêu rõ cơ sở của việc chia dự án thành các gói thầu. Luật đấu thầu quy định trong quá trình lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu thì nghiêm cấm việc chia dự án thành các gói thầu trái với quy định của Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 nhằm mục đích chỉ định thầu hoặc hạn chế sự tham gia của các nhà thầu. Riêng đối với gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi và loại hợp đồng trọn gói không phải giải trình lý do áp dụng;
+ Văn bản trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cần phải có các nội dung phần công việc chưa đủ điều kiện lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu (nếu có): trường hợp tại thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, dự án có những phần công việc chưa đủ điều kiện để lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu thì cần nêu rõ nội dung và giá trị của phần công việc này;
+ Phần tổng hợp giá trị của các phần công việc đã nêu trên, trong đó yêu cầu tổng giá trị của phần này không được vượt tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt;
+ Kiến nghị.