Theo quy định hiện nay thì nội dung giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được thực hiện như thế nào? Nội dung giám sát giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam ra sao? Phương thức giám sát giao dịch chứng khoán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quy định như nào? Cùng tìm hiểu nhé
Mục lục bài viết
- 1 1. Nội dung giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước:
- 2 2 Nội dung giám sát giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam:
- 3 3. Phương thức giám sát giao dịch chứng khoán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước:
- 4 4. Chủ thể và đối tượng giám sát giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán:
1. Nội dung giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước:
Nội dung giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được quy định theo Điều 5 Thông tư 95/2020/TT-BTC trong đó bao gồm:
- Trên cơ sở báo cáo của các thành viên giao dịch, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, kết quả giám sát tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các nguồn thông tin khác, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ có trách nhiệm tiến hành phân tích, làm rõ dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với giao dịch nghi vấn để có biện pháp ngăn chặn, xử lý theo quy định.
- Giám sát các hoạt động của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con trong việc tổ chức và giám sát giao dịch chứng khoán tại từng khu vực thị trường được giao quản lý, vận hành theo quy định tại Mục 2 Chương II Thông tư 95/2020/TT-BTC.
- Giám sát các hoạt động của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam trong việc quản lý giới hạn vị thế áp dụng trên thị trường chứng khoán phái sinh, giám sát tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ hoặc việc nộp ký quỹ yêu cầu theo quy định tại Mục 3 Chương II Thông tư 95/2020/TT-BTC.
- Chủ trì và phối hợp với Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con, thành viên giao dịch, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam phân tích làm rõ các giao dịch có khả năng tác động đến thị trường chứng khoán, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, đảm bảo tính ổn định của thị trường.
- Giám sát việc cung cấp các dịch vụ liên quan đến giao dịch chứng khoán của các đối tượng được thực hiện theo quy định tại điểm b, c, d, đ, g, h khoản 2 Điều 2 Thông tư 95/2020/TT-BTC như sau:
+ Thành viên giao dịch và thành viên giao dịch đặc biệt;
+ Thành viên của Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam trong đó bao gồm thành viên lưu ký và thành viên bù trừ;
+ Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán;
+ Sở giao dịch chứng khoán, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán tại Việt Nam khi tham gia cung cấp các dịch vụ liên quan đến giao dịch, bù trừ, thanh toán chứng khoán;
+ Ngân hàng giám sát và ngân hàng thương mại cung cấp dịch vụ mở tài khoản tiền gửi đầu tư chứng khoán;
+ Các đối tượng khác có liên quan.
2 Nội dung giám sát giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam:
Căn cứ theo quy định tại Điều 17 Thông tư 95/2020/TT-BTC quy định về nội dung giám sát giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam như sau:
– Giám sát các thành viên của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam trong triển khai các hoạt động nghiệp vụ liên quan đến bù trừ và thanh toán chứng khoán theo quy định pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
– Giám sát tỷ lệ sử dụng các tài sản ký quỹ hoặc việc nộp ký quỹ yêu cầu theo từng tài khoản của nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán phái sinh, theo từng thành viên bù trừ đối với thị trường chứng khoán cơ sở.
– Giám sát về việc giới hạn vị thế của nhà đầu tư khi tham gia giao dịch chứng khoán phái sinh.
3. Phương thức giám sát giao dịch chứng khoán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước:
Phương thức thực hiện trong việc giám sát giao dịch chứng khoán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định tại Điều 6 Thông tư 95/2020/TT-BTC như sau:
- Giám sát các giao dịch chứng khoán dựa trên thông tin từ các nguồn:
+ Báo cáo giám sát của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con, thành viên giao dịch, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán tại Việt Nam, thành viên của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;
+ Báo cáo của các tổ chức niêm yết và tổ chức đăng ký giao dịch;
+ Báo cáo, thông tin phản ánh của các tổ chức, cá nhân khi tham gia giao dịch trên thị trường chứng khoán;
+ Các nguồn tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và tin đồn liên quan đến giao dịch chứng khoán;
+ Các nguồn thông tin khác.
- Căn cứ vào báo cáo, thông tin nêu tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 95/2020/TT-BTC, dữ liệu giao dịch do Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam cung cấp, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phân tích, làm rõ các giao dịch có dấu hiệu vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
- Kiểm tra bất thường đối với các đối tượng giám sát thông qua việc phát hiện các giao dịch nghi vấn theo báo cáo của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con, thành viên giao dịch, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, thành viên của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và của các tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch, cung cấp các dịch vụ giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán.
4. Chủ thể và đối tượng giám sát giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán:
4.1. Chủ thể giám sát giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán:
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 95/2020/TT-BTC quy định về chủ thể giám sát giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán bao gồm:
- Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;
- Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam;
- Các công ty con của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam trong đó bao gồm Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi chung là Sở giao dịch chứng khoán);
- Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;
- Thành viên giao dịch (không bao gồm thành viên giao dịch đặc biệt trên thị trường chứng khoán phái sinh và thị trường trái phiếu Chính phủ).
4.2. Đối tượng giám sát giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán:
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư 95/2020/TT-BTC quy định đối tượng giám sát là các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình giao dịch, cung cấp các dịch vụ liên quan đến giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán, gồm:
- Tổ chức niêm yết và tổ chức đăng ký giao dịch;
- Thành viên giao dịch, thành viên giao dịch đặc biệt;
- Thành viên của Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam trong đó bao gồm thành viên lưu ký và thành viên bù trừ;
- Công ty về quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán;
- Sở giao dịch chứng khoán, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán tại Việt Nam khi tham gia cung cấp các dịch vụ liên quan đến giao dịch, bù trừ, thanh toán chứng khoán;
- Nhà đầu tư tham gia giao dịch chứng khoán;
- Ngân hàng giám sát, ngân hàng thương mại cung cấp dịch vụ mở tài khoản tiền gửi đầu tư chứng khoán;
- Các đối tượng khác có liên quan.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Thông tư 95/2020/TT-BTC hướng dẫn về giám sát giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán do Bộ Tài chính ban hành.
THAM KHẢO THÊM: