Nội dung của quyền được suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự. Xác định đúng, đầy đủ các nội dung của quyền được suy đoán vô tội được thể hiện trong Bộ luật TTHS với tư cách là một nguyên tắc, một quyền cơ bản của luật TTHS.
Quy định này thể hiện quan điểm của Nhà nước ta trong việc tôn trọng, bảo vệ những giá trị cao quý của con người trong xã hội và nhằm mục đích thực hiện các nguyên tắc của Công ước quốc tế năm 1966, trong đó có quyền được suy đoán vô tội mà Việt Nam đã gia nhập năm 1982.
Nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN cùng với việc cải cách tư pháp ở nước ta trong giai đoạn mới, Hiến pháp năm 2013 đã thừa nhận các quyền con người bên cạnh các quyền cơ bản của công dân. Bên cạnh đó, Hiến pháp năm 2013 đã bổ nhiều nguyên tắc hiến định mới. Điều 31 Hiến pháp quy định:
1. Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực.
2. Người bị buộc tội phải được
3. Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm.
4. Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam … có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.
5. Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại… Vấn đề đặt ra: Cần xác định nội hàm của quyền được suy đoán vô tội trong Hiến pháp năm 2013 và các nội dung (yêu cầu) cụ thể của quyền được suy đoán vô tội được thể hiện trong BLTTHS với tư cách là một quyền quan trọng trong Luật TTHS Việt Nam. Đây là vấn đề có nhiều quan điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Nội hàm của quyền được suy đoán vô tội trong Hiến pháp năm 2013 bao hàm cả 5 khoản được quy định tại Điều 31.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Nội dung của quyền được suy đoán vô tội trong Hiến pháp năm 2013 bao gồm: Quyền được đưa ra xét xử đối với người bị tình nghi phạm tội cũng đồng nghĩa với trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh hành vi phạm tội của người đó theo một trình tự luật định và nhanh chóng đưa ra xét xử đảm bảo đúng thời hạn; việc tuyên án phải công khai.
Quan điểm thứ ba cho rằng: Nội hàm của quyền được suy đoán vô tội chỉ bao gồm nội dung quy định tại Khoản 1 Điều 31 Hiến pháp năm 2013, cụ thể: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật”. Các nội dung, quy định còn lại tại Điều 31 Hiến pháp không thuộc nội hàm của quyền được suy đoán vô tội mà thuộc nội hàm của các quyền khác trong Luật TTHS, bao gồm: quyền được xét xử công bằng, công khai; quyền bào chữa; pháp chế XHCN; …
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ ba nêu trên khi nói đến nội hàm của quyền được suy đoán vô tội.
Quyền con người, quyền của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013 nói chung và quyền được suy đoán vô tội nói riêng là những tư tưởng chỉ đạo, cơ sở pháp lý mang tính định hướng cho hoạt động lập pháp nói chung và xây dựng Bộ luật TTHS nói riêng. Mặt khác, việc cụ thể hoá nội dung của các quyền hiến định này trong Bộ luật TTHS sẽ là căn cứ pháp lý để hoàn thiện hệ thống pháp luật TTHS nói chung và các quy định về quyền được suy đoán vô tội nói riêng. Như tác giả đã đề cập ở trên, nội hàm của quyền được suy đoán vô tội trong Hiến pháp năm 2013 quy định tại Khoản 1 Điều 31. Điều này đòi hỏi phải xác định đúng, đầy đủ các nội dung của quyền được suy đoán vô tội được thể hiện trong Bộ luật TTHS với tư cách là một nguyên tắc, một quyền cơ bản của luật TTHS Việt Nam.
Từ những phân tích ở trên, nội dung của quyền được suy đoán vô tội trong TTHS bao gồm các nội dung sau:
Nội dung thứ nhất, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo được suy đoán vô tội cho đến khi có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.
Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo được suy đoán vô tội là một suy đoán pháp lý, một giả thiết được pháp luật quy định và được coi là đúng cho đến khi xuất hiện những tình tiết, sự kiện nhất định. Trong trường hợp này, giả thiết do pháp luật đặt ra: người bị buộc tội là người không có tội. Đây là chân lý cho đến khi có sự kiện – Bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Khi chưa xảy ra sự kiện này thì khi đó giả thiết trên vẫn còn tồn tại, được thừa nhận là đúng. Như vậy, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không đồng nghĩa với người có tội hay người phạm tội. Vấn đề xác định người bị buộc có tội hay không, tại thời điểm khởi tố bị can chưa giải quyết được. Bản án của Toà án đã có hiệu lực pháp luật là cơ sở pháp lý quan trọng xác nhận một người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà luật hình sự quy định là tội phạm là “có tội”. Nói một cách khác, đây là hậu quả pháp lý thể hiện một trong những nội dung quan trọng của trách nhiệm hình sự mà người phạm tội phải gánh chịu. Trách nhiệm hình sự bắt đầu khi bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, không phải từ thời điểm có quyết định khởi tố bị can và đồng thời pháp luật cũng không quy định khi khởi tố bị can thì phải chứng minh đầy đủ lỗi của bị can mà chỉ quy định căn cứ khởi tố bị can là khi có đủ căn cứ xác định mối quan hệ của người bị khởi tố với các hành vi có dấu hiệu tội phạm xảy ra.
Tố tụng hình sự là hoạt động áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi tội phạm xảy ra; nó được pháp luật tố tụng hình sự quy định và mang tính hệ thống. Các giai đoạn tố tụng hình sự khác nhau, diễn ra liên tục, kế tiếp nhau. Các giai đoạn tố tụng hình sự có tính độc lập tương đối, tuy nhiên giữa các giai đoạn có mối quan hệ hữu cơ, tác động qua lại lẫn nhau tạo thành hoạt động tố tụng hình sự chung, thống nhất, trong đó giai đoạn trước là tiền đề cho việc thực hiện giai đoạn sau; giai đoạn sau có tác dụng bổ sung, kiểm tra giai đoạn trước đó.
Để làm sáng tỏ bản chất của vụ án hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp cưỡng chế nhằm thu thập và ghi nhận chứng cứ. Bao gồm: khám người, khám chỗ ở, địa điểm, thu giữ thư tín, bưu điện, bưu phẩm; biện pháp cưỡng chế như: áp giải bị can, bị cáo; các biện pháp ngăn chặn như: bắt người trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, bắt bị can, bị cáo để tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lãnh, đặt tiền hoặc tài sản để bảo đảm;… Các biện pháp mà các cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng trong quá trình chứng minh nói trên đều được quy định trong pháp luật tố tụng hình sự.
Người bị buộc tội có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự như đã nêu ở trên, nhưng cần phân biệt với người có tội là người phải chịu trách nhiệm hình sự ở những điểm sau:
Thứ nhất, trách nhiệm hình sự bao gồm các hình thức: hình phạt, các biện pháp tư pháp và các biện pháp pháp lý hình sự khác được áp dụng đối với người đã có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, trong khi đó là biện pháp cưỡng chế có thể được áp dụng đối với người bị buộc tội là bị can, bị cáo hoặc đối với người chưa bị khởi tố.
Thứ hai, chủ thể áp dụng trách nhiệm hình sự là Toà án, bởi lẽ, cơ sở của trách nhiệm hình sự là “chỉ người nào phạm một tội được Bộ luật hình sự quy định thì mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Còn chủ thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự có thể là cơ quan, người có thẩm quyền.
Thứ ba, mục đích của việc áp dụng trách nhiệm hình sự không chỉ trừng trị người phạm tội mà còn nhằm mục đích giáo dục người đó trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống. Còn các biện pháp cưỡng chế hình sự nhằm mục đích ngăn chặn tội phạm, bảo đảm cho việc tiến hành hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thị hành án.
Thứ tư, căn cứ áp dụng trách nhiệm hình sự là tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trong khi đó, căn cứ để áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự là để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội, cũng như việc để bảo đảm thi hành án.
Nội dung thứ hai, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh mình vô tội.
Cơ sở lý luận của nội dung trên đã được hình thành trong Luật La Mã cổ đại: trách nhiệm chứng minh thuộc về người khẳng định chứ không thuộc về người phủ định. Các cơ quan tiến hành tố tụng khẳng định một người phạm tội thì phải có trách nhiệm chứng minh. Người bị buộc tội là người phủ định mình không có tội, không có trách nhiệm chứng minh. Các cơ quan tiến hành tố tụng trên cơ sở chức năng, quyền hạn, trách nhiệm của mình có nghĩa vụ chứng minh tội phạm. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, trong trường hợp nếu không chứng minh được tội phạm thì phải coi người bị buộc tội không phạm tội.
Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, quyền được suy đoán vô tội còn thể hiện ở nội dung: người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền chứ không buộc phải chứng minh sự vô tội của mình. Để thực hiện quyền chứng minh bản thân vô tội, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có thể sử dụng những quyền năng của mình được luật tố tụng hình sự quy định, cụ thể như quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa, quyền được đưa ra chứng cứ và yêu cầu, quyền được tranh tụng bình đẳng tại Toà án… Đây là những quyền mà pháp luật hình sự quy định cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng là phải bảo đảm cho người bị buộc tội được thực hiện những quyền đó của mình. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo chứng minh mình vô tội không chỉ bảo đảm quyền lợi của người bị buộc tội mà còn giúp các cơ quan tiến hành tố tụng xác định sự thật khách quan của vụ án, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm cũng như không làm oan người vô tội.
Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh mình vô tội còn có nghĩa là trong mọi trường hợp, họ không có khả năng, điều kiện chứng minh bản thân mình vô tội thì đây không phải là trách nhiệm của họ mà là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tiến hành tố tụng. Nếu buộc người bị tạm giữ, bị can, bị cáo phải chứng minh mình vô tội sẽ dẫn đến việc các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ chú ý tới việc chứng minh tội phạm, chú ý những chứng cứ buộc tội mà bỏ qua nhiệm vụ thu thập những chứng cứ gỡ tội, bỏ qua nhiệm vụ quan trọng trong tố tụng hình sự là không làm oan người vô tội.
Việc người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không có nghĩa vụ chứng minh về việc mình không có tội, có nghĩa: 1) họ không bị buộc phải đưa ra lời khai hoặc phải nêu về những chứng cứ mà họ có; 2) việc họ nhận tội không được coi là chứng cứ và có thể được sử dụng làm căn cứ để buộc tội, chỉ khi được khẳng định bằng hệ thống những chứng cứ trong vụ án; 3) việc từ chối không tham gia vào việc chứng minh không dẫn đến những hậu quả tiêu cực đối với việc thừa nhận một phần lỗi của mình, cũng như đối với việc xác định biện pháp trách nhiệm hình sự.
Nội dung thứ ba: mọi nghi ngờ về lỗi của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nếu không được loại trừ theo trình tự, thủ tục do pháp luật tố tụng hình sự quy định thì phải được giải thích theo hướng có lợi cho họ.
Nghi ngờ là trạng thái tâm lý thiếu tự tin, lưỡng lự không nhất quán về sự đúng đắn hay không đúng đắn của một tình huống, giả thiết nào đó. Nguồn gốc của việc nghi ngờ là sự thiếu thông tin, phản ánh chưa đầy đủ, chưa toàn diện, chính xác, khách quan về bản chất của sự vật, hiện tượng. Có thể nói, nghi ngờ là một dạng của tình huống nhận thức chưa đầy đủ.
Trong hoạt động nhận thức, nghi ngờ có tác dụng buộc chủ thể hoạt động nhận thức phải thận trọng với những kết luận quá sớm, còn mang tính vội vã khi thông tin chưa đầy đủ, chưa xác thực, đồng thời nó còn là động lực cho hoạt động nhận thức tiếp theo để bổ sung cho những thông tin còn thiếu.
Trong các giai đoạn tố tụng điều tra, truy tố, xét xử thường xảy ra nhiều tình huống thông tin, chứng cứ về các sự kiện, tình tiết cụ thể của vụ án liên quan đến lỗi của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có mâu thuẫn nên không thể kết luận, khẳng định một cách dứt khoát về tình tiết, sự kiện đó. Những nghi ngờ này tồn tại, nhưng trong quá trình chứng minh, các cơ quan tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm làm rõ. Mọi sự nghi ngờ, cũng như các vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án hình sự và các tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án tồn tại một cách khách quan, độc lập với ý thức của những người tiến hành tố tụng. Vì vậy cần phải nhận thức đúng đắn về chúng. Nếu những người tiến hành tố tụng nhận thức không đúng, chủ quan, suy diễn về lỗi của người bị buộc tội thì những tài liệu phản ánh nhận thức của họ sẽ không có thuộc tính khách quan, không được công nhận là chứng cứ. Điều này đòi hỏi Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án khi giải quyết vụ án hình sự phải xuất phát từ thực tế của vụ án để nhận thức chúng, không lấy ý chí chủ quan để áp đặt, phải tôn trọng sự thật khách quan, tránh thái độ chủ quan, nóng vội, phiến diện, định kiến, không trung thực. Mọi sự nghi ngờ về lỗi của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo phải được làm rõ bằng các chứng cứ để xác định sự thật của vụ án hình sự và phải được các cơ quan tiến hành tố tụng xác minh, làm rõ theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật tố tụng hình sự quy định.
Nội dung thứ tư: Bản án kết tội của Toà án không được dựa trên những giả định.
Bản án hình sự là văn bản pháp lý thể hiện kết quả hoạt động áp dụng pháp luật về xét xử vụ án hình sự của Tòa án. Bản án hình sự chứa đựng nội dung rất quan trọng của hoạt động xét xử. Bán án kết tội của Toà án đúng pháp luật, công bằng là tiền đề, điều kiện để đạt được các mục đích của hình phạt, có khả năng cải tạo và giáo dục người bị kết án trở thành người có ích cho xã hội, phòng ngừa tội phạm. Ngược lại, nếu Bản án kết tội không đúng pháp luật, không công bằng thì tất yếu sẽ không có khả năng đạt được các mục đích đó. Bản án kết tội không đúng pháp luật, không công bằng được hiểu là Bản án tuyên một người phạm tội không tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, hình phạt quá nhẹ hoặc là quá nặng.
Một nội dung khác có liên quan đến quyền được suy đoán vô tội đó là “Quyền im lặng” của người bị buộc tội. Tác giả cho rằng, “quyền im lặng” của người bị buộc tội là sự cụ thể hoá nội dung của quyền được suy đoán vô tội và cần thể hiện trong các quy định cụ thể của Bộ luật TTHS về quyền và nghĩa vụ của người bị buộc tội. Tuy nhiên, đây là một vấn đề nhạy cảm và đang được dư luận, xã hội đặc biệt quan tâm với nhiều luồng ý kiến khác nhau. Nhiều người ủng hộ việc ghi nhận rõ quyền quyền này trong Bộ luật TTHS nhưng cũng nhiều quan điểm không đồng ý vấn đề này. Tác giả đồng tình với đa số quan điểm cho rằng nội dung quy định trong Bộ luật TTHS năm 2015 về quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo: “Được tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình hoặc buộc phải nhận là mình có tội” (các điều 58 – 61 BLHS 2015) đã thể hiện đầy đủ quyền của người bị buộc tội. Thực chất, đó chính là “quyền im lặng”. Việc quy định như vậy là rõ ràng, minh bạch, giúp bị can, bị cáo thấy rõ quyền của mình, người tiến hành tố tụng thấy được trách nhiệm của mình; bên cạnh đó khắc phục được tình trạng ép cung, mớm cung, dùng nhục hình, … đồng thời tránh được sự lạm dụng việc hiểu không đúng quyền trên thực tiễn.