Nội dung của nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp xã: Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng; Công tác tuyển dụng; Công tác sử dụng, giám sát, thanh tra cán bộ, công chức.
Mục lục bài viết
1. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng:
Xây dựng quy hoạch và kế hoạch biên chế để phát triển đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã nói riêng là một công việc thường xuyên và quan trọng, đây là quy trình quen thuộc được thực hiện hằng năm. Quy hoạch tốt, bảo đảm tính khoa học và phù hợp với thực tế khách quan thì góp phần cho sự phát triển, ngược lại sẽ gây lãng phí.
Quy hoạch cán bộ, công chức là quá trình thực hiện đồng bộ các chủ trương, biện pháp tạo nguồn để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, là việc bố trí, lập kế hoạch trong dài hạn, là sự sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức đang làm trong các cơ quan hành chính hoặc nguồn dự bị nhằm đảm bảo chủ động nguồn nhân lực cho chất lượng, lấp chỗ trống trong các cơ quan hành chính hay thay thế đội ngũ cán bộ, công chức đương nhiệm nhằm bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian nhất định.
Đào tạo, bồi dưỡng công chức là quá trình trang bị cho công chức những kiến thức, kỹ năng cần thiết, trước hết là những kiến thức về nhà nước. Đây là một nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa quan trọng, góp phần tích cực trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác, chất lượng và hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức; hướng tới mục tiêu tạo được sự thay đổi về chất trong thực thi nhiệm vụ chuyên môn.
Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã thời kỳ hiện nay trở thành những người có đạo đức cách mạng trong sáng, có kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ cao, năng động và sáng tạo đáp ứng yêu cầu của nền hành chính hiện đại. Nâng cao trình độ chính trị, thấm nhuần các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trung thành với chế độ, tận tụy với công việc, đáp ứng yêu cầu của việc kiện toàn và nâng cao hiệu quả của bộ máy quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, để đội ngũ công chức cấp cơ sở có thể tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức thì chính sách đào tạo, bồi dưỡng của Nhà nước có vai trò tác động rất quan trọng. Chất lượng của công tác đào tạo, bồi dưỡng lại phụ thuộc vào các vấn đề như: hệ thống các cơ sở đào tạo, chương trình, giáo trình, đội ngũ giảng viên; chế độ cho người đi học như tiền ăn ở, đi lại, học phí, thời gian học; cơ chế đảm bảo sau đào tạo để tránh lãng phí.
2. Công tác tuyển dụng:
Tuyển dụng công chức là một hoạt động công, do cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền thực hiện và chịu sự điều chỉnh của các quy phạm pháp luật. Thông qua tuyển dụng để tạo nguồn công chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, tổ chức.
Tuyển dụng công chức là một trong những nội dung quan trọng quyết định chất lượng của đội ngũ công chức hiện tại cũng như tương lai. Mục đích của việc tuyển dụng công chức là nhằm tìm được những người đủ tài và đức, đủ phẩm chất tốt để đảm nhiệm công việc. Tuyển dụng công chức là tiền đề hết sức quan trọng của việc xây dựng và phát triển đội ngũ công chức nhà nước trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội để đảm đương những nhiệm vụ được giao.
Để có được đội ngũ công chức cấp xã chất lượng cao thì việc tuyển dụng phải được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ nhằm hạn chế những tiêu cực nảy sinh trong quá trình tuyển chọn. Các tiêu chuẩn tuyển dụng phải xuất phát trên cơ sở yêu cầu tiêu chuẩn chức danh đảm nhận, phải bám sát yêu cầu của tổ chức và bám sát định hướng chung của công tác tổ chức cán bộ là phải trẻ hóa đội ngũ công chức, nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
3. Công tác sử dụng cán bộ, công chức:
Việc sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã phải xuất phát từ nhiều yếu tố, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, công việc của từng cơ quan, đơn vị. Đối với đội ngũ cán bộ, công chức xã, 02 (hai) căn cứ quan trọng để bố trí, sử dụng là yêu cầu của công vụ và điều kiện nhân lực hiện có của tổ chức, cơ quan, đơn vị. Sử dụng cán bộ, công chức xã phải căn cứ vào mục tiêu, có nguyên tắc, phù hợp với chế độ, phụ cấp công vụ, cơ cấu nhân lực của đơn vị,… Đặc biệt, phải kể đến quá trình đề bạt, bổ nhiệm phải chú ý coi trọng việc lấy phiếu tín nhiệm để đề bạt theo hướng mở rộng đối tượng tham gia, bảo đảm những người tham gia bỏ phiếu phải là những người biết việc, hiểu người, tránh bè phái, cục bộ, định kiến, hẹp hòi, thiếu tính xây dựng.
Cơ chế bố trí, phân công công tác. Trong quá trình xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức xã việc bố trí, sử dụng đúng cán bộ luôn là vấn đề được đặc biệt quan tâm và có thể nói đây là một trong những nhân tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công chức xã. Quá trình bố trí, phân công và sử dụng công chức là một chuỗi các mắt xích công việc quan trọng liên quan đến người công chức từ khâu tuyển dụng đầu vào, hướng dẫn tập sự, bổ nhiệm vào ngạch công chức, phân công công tác phù hợp với tiêu chuẩn ngạch, bậc và vị trí công tác phù hợp với ngạch được bổ nhiệm. Việc sắp xếp đúng chỗ, đúng việc sẽ tạo điều kiện phát huy tinh thần hăng say làm việc, phát huy được năng lực, sở trường, rèn luyện kỹ năng thành thạo công việc khuyến khích tinh thần học tập và rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần chủ yếu đảm bảo cho việc hoàn thành công vụ của cơ quan. Vì vậy, công tác phân công, bố trí công việc, vị trí việc làm có ảnh hưởng rất lớn đối với chất lượng của đội ngũ công chức xã.
4. Công tác đánh giá:
Đánh giá cán bộ, công chức là hoạt động công vụ được thực hiện từ phía cơ quan, đơn vị, tổ chức, người sử dụng, tập thể lao động nhằm xem xét chất lượng cán bộ, công chức dựa trên cơ sở thực tiễn công tác của cán bộ, công chức và yêu cầu nhiệm vụ được cơ quan, đơn vị, tổ chức đề ra đối với cán bộ, công chức.
Đánh giá đúng công chức thì toàn bộ quy trình công tác cán bộ sẽ chính xác, hiệu quả trong chọn người, tạo điều kiện cho công chức phát huy được sở trường, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời không bỏ sót nhân lực chất lượng, chọn nhầm nhân lực kém chất lượng. Ngược lại, đánh giá không đúng thì không những bố trí, sử dụng cán bộ, công chức không đúng mà quan trọng hơn là mai một dần động lực phát triển, có khi làm thui chột những tài năng, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Việc đánh giá cán bộ, công chức được thực hiện hằng năm, trước khi bổ nhiệm, quy hoạch, điều động, đào tạo, bồi dưỡng, khi kết thúc thời gian luân chuyển, biệt phái. Khi đánh giá phải bảo đảm tính khách quan, toàn diện, tính lịch sử – cụ thể; trên cơ sở thực hiện tự phê bình và phê bình; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; công khai đối với cán bộ, công chức được đánh giá. Phát huy đầy đủ trách nhiệm của tập thể và cá nhân, lấy kết quả, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo chủ yếu trong đánh giá công chức.
5. Công tác thanh tra:
Thanh tra cán bộ, công chức nói chung, cán bộ, công chức cấp xã nói riêng nhằm nắm chắc thông tin diễn biến tư tưởng, tiến trình tiến hành công việc, giúp cho lãnh đạo cơ quan, đơn vị phát hiện những vấn đề nảy sinh, kịp thời uốn nắn sửa chữa những sai sót của cán bộ, công chức, hạn chế sự lãng phí nguồn nhân lực. Thanh tra để đánh giá năng lực của từng cán bộ, công chức cấp xã, từ đó có hướng bố trí công việc phù hợp hơn hoặc sắp xếp, đề bạt hợp lý, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã có năng lực kém, kịp thời đáp ứng công việc.
Kiểm tra để phát hiện những ưu điểm cũng như hạn chế khuyết điểm của cán bộ, công chức cấp xã, loại trừ những người thiếu năng lực, bị thoái hóa, biến chất. Kết quả kiểm tra là cơ sở khách quan điều chỉnh và tác động, làm cho cán bộ, công chức cấp xã luôn hoạt động đúng hướng, đúng nguyên tắc. Qua đó vận dụng hình thức thưởng phạt nghiêm minh, ngăn chặn những tiêu cực, phát huy nhân tố tích cực, tạo dựng lòng tin của nhân dân đối với Đảng, đối với nhà nước.
Tăng cường công tác quản lý, thanh tra đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã mới nắm được thực trạng chất lượng và những biến động của đội ngũ này để xây dựng chiến lược và quy hoạch đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã; kịp thời khen thưởng những thành tích, tiến bộ và xử lý những sai phạm, tạo lập lòng tin của nhân dân đối với chính quyền. Mặt khác, tăng cường quản lý, kiểm tra, luân chuyển cán bộ, thay thế những cán bộ yếu kém, tăng cường cán bộ có chất lượng cho những nơi phát sinh điểm nóng, mất đoàn kết nội bộ, hoặc phong trào mọi mặt đều yếu.