Nội dung của hợp đồng học nghề? Giao kết hợp đồng học nghề? Hợp đồng học nghề theo quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật giáo dục nghề nghiệp 2014.
Mục lục bài viết
1. Nội dung của hợp đồng học nghề:
Nội dung của hợp đồng học nghề có thể được hiểu theo hai mức độ. Ở mức độ chung nhất, tất cả những gì phản ánh trong hợp đồng học nghề đều được gọi là nội dung của hợp đồng học nghề. Nhưng nếu xét về thực chất thì nội dung của hợp đồng học nghề chỉ bao gồm những điều khoản tạo thành quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên trong quan hệ học nghề.
Về phương diện pháp luật, Nhà Nước đòi hỏi các bên khi giao kết hợp đồng học nghề phải thỏa thuận đầy đủ các nội dung chủ yếu đã được quy định. Tùy thuộc vào cách thức tổ chức dạy và học nghề trên thực tế của từng loại cơ sở dạy nghề mà Nhà nước quy định những nội dung chủ yếu cho phù hợp. Trong những trường hợp thông thường, hợp đồng học nghề theo quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật giáo dục nghề nghiệp 2014, phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
– Tên nghề học hoặc các kỹ năng nghề đạt được; – Địa điểm học; – Thời hạn hoàn thành khóa học; – Mức học phí và phương thức thanh toán học phí, – Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của mỗi bên khi vi phạm hợp đồng; – Thanh lý hợp đồng; – Các thỏa thuận khác không trái với pháp luật và đạo đức xã hội.
Trường hợp doanh nghiệp tuyển người vào học để làm việc cho doanh nghiệp thì hợp đồng học nghề ngoài những nội dung nêu trên thì theo quy định tại Khoản 3 Điều 39 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 còn có các nội dung sau đây:
– Cam kết của người học về thời hạn làm việc cho doanh nghiệp; – Cam kết của doanh nghiệp về việc sử dụng lao động sau khi học xong.
– Thỏa thuận về thời gian và mức tiền công cho người học trực tiếp hoặc tham gia làm ra sản phẩm cho doanh nghiệp trong thời gian đào tạo;
Như vậy, trường hợp học nghề tại doanh nghiệp, ngoài những nội dung chủ yếu như các trường hợp thông thường, trong hợp đồng học nghề phải thỏa thuận thêm nội dung về tiền lương của người học; như: mức lương trả cho người học và thời điểm bắt đầu trả lương. Thực chất trong trường hợp này người học nghề đóng “hai vai”: vừa là người học nghề, vừa là người lao động tạo ra sản phẩm mang lại doanh số và lợi nhuận cho doanh nghiệp. Vì vậy, hao phí sức lao động mà người học nghề phải tiêu tốn để tạo ra thu nhập cho doanh nghiệp cũng phải được bù đắp. Song hoạt động tạo ra thu nhập cho doanh nghiệp cũng đồng thời là quá trình tích lũy kiến thức nghề nghiệp của người học. Vì vậy, mức lương trả cho người học nghề sẽ do các bên tự thỏa thuận không có quy định mức cụ thể.
Hình thức hợp đồng học theo hình thức kèm cặp nghề tại doanh nghiệp là một trong những hình thức học nghề được người lao động lựa chọn nhiều hiện nay bởi tính khả thi có được việc làm của người học sau khi kết thúc khóa học. Người học sẽ là người lao động chính thức của doanh nghiệp khi họ đạt tới kỹ năng nghề mà doanh nghiệp yêu cầu. Quá trình học nghề trong trường hợp này mang tính chất vừa học vừa làm. Sau khi học nghề một thời gian, trong một chừng mực nhất định, người học có thể làm ra sản phẩm cho doanh nghiệp bằng tay nghề của mình.
Để đảm bảo quyền lợi cho người học nghề trong việc bỏ sức lao động tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp, ngoài những nội dung chủ yếu thì hợp đồng học nghề phải quy định rõ thời gian bắt đầu người học được trả công và mức tiền công trả cho người học theo từng thời gian. Việc trả công này để bù đắp và tái tạo phần sức lao động của người học; đồng thời mang ý nghĩa động viên và tạo cho quan hệ dạy và học nghề trở nên gần gũi giữa doanh nghiệp với người học; song hoạt động tạo ra thu nhập cho doanh nghiệp cũng đồng thời là quá trình tích lũy kiến thức nghề nghiệp của người học nên mức lương trả cho người học nghề không nhất thiết phải ngang bằng với mức trả cho người lao động làm việc chính thức trong đơn vị ở công việc cùng loại. Mức tiền lương trả cho người học nghề do hai bên thỏa thuận tùy thuộc vào mức độ làm lợi của người học cho doanh nghiệp nhưng không được thấp hơn 70% mức lương cấp bậc của công việc đó”.
2. Giao kết hợp đồng học nghề:
Đối với người học nghề: Học nghề là quyền tự do của mỗi cá nhân, nhưng quyền này chỉ được thừa nhận khi cá nhân đó thỏa mãn những điều kiện nhất định về tuổi đời, sức khỏe và phạm vi tham gia quan hệ học nghề. Thông thường người học nghề phải đủ tử 14 tuổi trở lên, có đủ sức khỏe, đáp ứng yêu cầu của nghề mà mình theo học. Đủ 14 tuổi và có sức khỏe là điều kiện để người học nghề có thể tiếp cận được những kiến thức của nghề theo học, khả năng tư duy, nhận biết những nội dung được truyền đạt cho ngành nghề mà mình theo học, có khả năng nhận thức và tự chịu trách nhiệm ở mức độ nhất định khi tham gia quan hệ học nghề. Đồng thời, đây cũng là giai đoạn mà người học nghề bắt đầu chuẩn bị những điều kiện cần thiết để tham gia quan hệ lao động, đáp ứng những điều kiện cần và đủ của người lao động. Ở một số ngành nghề nhất định, theo danh mục do Nhà nước quy định, tuổi học nghề có thể dưới 14 tuổi.
Mục đích của người học khi tham gia quan hệ học nghề là để trang bị cho bản thân kỹ năng thực hành một nghề nhất định để tìm kiếm việc làm bằng cách giao kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động khác hay tự tạo việc làm cho mình. Độ tuổi 14 là giai đoạn bắt đầu cho người học có thể tiếp thu những kiến thức nghề nghiệp một cách đầy đủ, đồng thời đây cũng là giai đoạn người học nghề bắt đầu chuẩn bị những điều kiện cần thiết để tham gia quan hệ lao động, đáp ứng những điều kiện cần và đủ của người lao động. Song việc quy định độ tuổi tham gia học nghề ở một khía cạnh nào đó cũng chỉ mang tính chất tương đối đối với quan hệ dạy và học nghề.
Độ tuổi là hình thức phản ánh khả năng nhận thức của con người, nhưng để tham gia quan hệ học nghề thì người học nghề cần đảm bảo sức khỏe để tiếp thu kiến thức và rèn luyện kỹ năng thực hành nghề. Do vậy, yếu tố sức khỏe cũng là một yêu cầu đặt ra đối với chủ thể là người học nghề khi giao kết hợp đồng học nghề. Độ tuổi và sức khỏe là điều kiện cần và đủ để cá nhân có thể tham gia quan hệ học nghề. Sự kết hợp hai yếu tố này được biểu hiện ra bên ngoài mà người sử dụng lao động có thể nhận biết được như: chiều cao, cân nặng, hình dáng...Tùy từng loại nghề, tiêu chuẩn về tuổi và sức khỏe đặt ra đối với người học khác nhau. Trong các ngành nghề khi doanh nghiệp tuyển người học nghề sau khi học xong vào làm tại doanh nghiệp thì những tiêu chuẩn về thể lực luôn được đặt ra như: tiêu chuẩn của lái xe, tiêu chuẩn của thuyền viên, tiêu chuẩn của tiếp viên hàng không, tiêu chuẩn của thợ hàn...Những yêu cầu đó chính là cơ sở để tuyển chọn lao động của doanh nghiệp sau khi người học hoàn thành xong khóa học nhằm đảm bảo hiệu quả của quá trình học, mặt khác đảm bảo an toàn cho người học, tránh xảy ra các sự cố nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người học nghề.
Học nghề là quyền tự do của mỗi cá nhân nhưng quyền này chỉ được thừa nhận khi cá nhân đó thỏa mãn những điều kiện pháp luật quy định. Không vi phạm nghề cấm như là một điều kiện đương nhiên đặt ra đối với người học nghề. Phạm vi cấm cần được đặt ra đối với tất cả mọi người học nghề hoặc đối với từng trường hợp cụ thể. Ví dụ: như những người nhiễm HIV/AIDS sẽ không được tham gia học nghề mà những công việc cụ thể có khả năng lây nhiễm cho người khác nhằm bảo vệ người học nghề, cơ sở đào tạo nghề và lợi ích chung của xã hội.
Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Hợp đồng học nghề được giao kết bởi hai bên chủ thể. Nếu như một bên chủ thể là cá nhân người học tham gia vào quan hệ học nghề thì bên chủ thể còn lại có thể là cá nhân hay tổ chức đào tạo nghề thông qua cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tổ chức theo các loại hình sau đây:
Cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập là cơ sở giáo dục nghề nghiệp | thuộc sở hữu Nhà nước do Nhà nước đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất; Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp và trường cao đẳng do Nhà nước thành lập;
Cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục là cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc sở hữu của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân hoặc cá nhân, do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân hoặc cá nhân đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp và trường cao đẳng do tổ chức, cá nhân thành lập;
Cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm cơ sở giáo dục nghề nghiệp 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài; sơ sở giáo dục nghề nghiệp liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài;
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp và trường cao đẳng do các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thành lập
Để tham gia quan hệ pháp luật về dạy và học nghề, cơ sở dạy giáo dục nghề nghiệp phải có đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi.
Năng lực pháp luật của cơ sở dạy nghề là khả năng được pháp luật quy định cho các quyền nhất định để tham gia vào quan hệ dạy và học nghề. Không có được quyền đó thì tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không thể thực hiện các hoạt động tuyển dụng. Tư cách pháp lý của cơ sở dạy nghề được dựa trên những yếu tố là: sự cho phép thành lập của Nhà nước, sự thành lập của Nhà nước và sự công nhận thành lập của Nhà nước. Trong đó các quy định chung (Hiến pháp, các đạo luật và văn bản pháp luật khác) là cơ sở ban đầu và các quyết định đơn hành hoặc sự mặc nhiên thừa nhận là cơ sở trực tiếp tạo nên tư cách pháp lý của cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Chẳng hạn như trường hợp công nhận tư cách pháp lý của cơ sở giáo dục nghề nghiệp X thuộc doanh nghiệp Y. Trước hết, dựa vào quy định của Hiến pháp, Luật doanh nghiệp,
Luật giáo dục nghề nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương cho phép thành lập cơ sở dạy nghề X thuộc doanh nghiệp Y.
Theo quy định chung, các cơ sở giáo dục nghề được phép thành lập hoặc cho phép thành lập khi có đề án thành lập đáp ứng các điều kiện theo quy định của Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp Trung ương và phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được phê duyệt.
Theo đó, Nghị định của Chính phủ vừa ban hành có quy định: điều kiện được thành lập, cho phép thành lập của cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
Phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp Việt Nam; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (bộ); quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Ủy ban Nhân Dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (UBND). Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập khi thành lập phải cam kết hoạt động theo cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập do Chính phủ quy định.
Quy mô đào tạo: a) Đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp: Quy mô đào tạo trình độ sơ cấp tối thiểu 150 học sinh/năm; b) Đối với trường trung cấp: Quy mô đào tạo trình độ trung cấp tối thiểu 250 học sinh/năm; c) Đối với trường cao đẳng: Quy mô đào tạo trình độ cao đẳng và trình độ trung cấp tối thiểu là 500 học sinh, sinh viên/năm.
Có địa điểm xây dựng cơ sở vật chất bảo đảm diện tích đất sử dụng tối thiểu đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp là 1.000 m2; đối với trường trung cấp là 20.000 m; đối với trường cao đẳng là 50.000 m.
Vốn đầu tư thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đầu tư bằng nguồn vốn hợp pháp, không bao gồm giá trị về đất đai, cụ thể như sau: Đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp tối thiểu là 5 tỷ đồng; đối với trường trung cấp tối thiểu là 50 tỷ đồng; đối với trường cao đẳng tối thiểu là 100 tỷ đồng.
Đáp ứng các điều kiện đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định tại Nghị định này (dự kiến về cơ cấu tổ chức, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; chương trình, giáo trình đào tạo; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý).
Quan hệ dạy và học nghề được thực hiện theo quy định pháp luật khi cơ sở dạy nghề vừa có năng lực pháp luật đồng thời có năng lực hành vi. Nếu như năng lực pháp luật là những quyền năng mà Nhà nước ban hành thì năng lực hành vi là khả năng thực tế của cơ sở dạy nghề trong việc tạo lập, thực | hiện quyền và nghĩa vụ trong quá trình đào tạo nghề. Tuyển dụng là hành động thể hiện năng lực hành vi đầu tiên của quá trình đào tạo của cơ sở dạy nghề. Hành vi này thể hiện khả năng tuyển chọn người học nghề để giáo dục và đào tạo thông qua các hoạt động đánh giá, tổng hợp, nghiên cứu hồ sơ, ký kết hợp đồng học nghề. Người đứng đầu cơ sở đào tạo nghề sẽ đại diện cho trung tâm, doanh nghiệp ký hợp đồng học nghề với người học. Sau khi tuyển chọn được, cơ sở đào tạo phải thực hiện các hành vi khác như: phân lớp theo ngành nghề mà người học lựa chọn, bố trí người dạy... đảm bảo các điều kiện để người học thoải mái và học tập tốt nhất, tổ chức quản lý quá trình học của học viên, đánh giá kết quả học tập, trả công theo quy định trong hợp đồng học nghề nếu người học nghề trực tiếp hoặc tham gia làm ra sản phẩm cho doanh nghiệp trong thời gian học nghề...
Tóm lại, chủ thể của quan hệ học nghề dù là người học hay cơ sở giáo dục nghề nghiệp điều phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi. Giữa hai loại năng lực đó thì năng lực hành vi là yếu tố quyết định. Để hợp đồng học nghề có hiệu lực pháp luật thì các chủ thể phải đáp ứng được những quy định nêu trên.