Khái quát về quyền dân sự và bảo vệ quyền dân sự? Phương thức bảo vệ quyền dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự?
Quyền dân sự là thuật ngữ thường xuyên được áp dụng trong đời sống hàng ngày cũng như trong khoa học pháp lý. Sự xuất hiện của quyền dân sự gắn với sự ghi nhận của nhà nước thông qua các quy định của pháp luật, cũng như được xây dựng dựa trên sự thỏa thuận giữa các chủ thể trong một quan hệ pháp luật nhất định trong mối tương quan với nghĩa vụ của chủ thể khác. Khi tìm hiểu về quyền dân sự, một trong những nội dung thiết thực và quan trọng nhất là “bảo vệ quyền dân sự”, vì vậy, trong bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ tập trung phân tích nội dung của các phương thức bảo vệ quyền dân sự theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành.
Cơ sở pháp lý:
1. Khái quát về quyền dân sự và bảo vệ quyền dân sự?
Khái niệm quyền dân sự đã được Luật Dương Gia thống nhất đưa ra trong phần lớn các tài liệu của mình, theo đó, quyền dân sự là cách xử sự được phép của người có quyền năng. Quyền dân sự của các chủ thể trong các quan hệ pháp luật dân sự cụ thể khác nhau thì có nội dung khác nhau, tức là những xử sự khác nhau phù hợp với nội dung của quan hệ đó.
Quyền dân sự được coi là một khái niệm được bao hàm trong nội dung của quyền con người, được pháp luật quốc tế cũng như pháp luật Việt Nam thừa nhận và bảo vệ, “quyền dân sự ở một khía cạnh nhất định chính là những lợi ích mà các chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự mong muốn đạt được, đó có thể là những quyền lợi liên quan đến vật chất hoặc/ và những lợi ích về tinh thần”.
Khi quyền dân sự bị vi phạm (xâm phạm), chủ thể có thể sử dụng các biện pháp bảo vệ mà pháp luật cho phép hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền dân sự của mình khi quyền đó bị xâm hại.
“Bảo vệ” (Protection) được hiểu là điều kiện hoặc trách nhiệm của Nhà nước trong việc giữ an toàn khỏi thiệt hại, tai nạn hoặc mất mát. Trong pháp lý, bảo về quyền dân sự là cách thức hoạt động của một tập hợp các yếu tố như: hệ thống pháp luật về quyền dân sự, quản lý nhà nước về bảo vệ quyền dân sự, chế tài nếu có vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền dân sự và các thiết chế khác.
Bảo vệ quyền dân sự là tổng hợp các phương thức theo quy định của pháp luật mà cá nhân, pháp nhân tự mình hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện để việc bảo đảm cho các quyền về nhân thân và quyền về tài sản liên quan đến các giao dịch dân sự tránh khỏi những xâm phạm nhất định.
2. Phương thức bảo vệ quyền dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự?
Phương thức bảo vệ quyền dân sự được ghi nhận tại Điều 11 Bộ luật dân sự, cụ thể:
“Khi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền:
1. Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của mình.
2. Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm.
3. Buộc xin lỗi, cải chính công khai.
4. Buộc thực hiện nghĩa vụ.
5. Buộc bồi thường thiệt hại.
6. Hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.
7. Yêu cầu khác theo quy định của luật.“
Luật Dương Gia sẽ phân tích nội dung các phương thức bảo vệ quyền dân sự trong các tiểu mục dưới đây:
2.1. Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của mình.
Ngay từ Điều 2, Bộ luật dân sự đã ghi nhận nội dung của phương thức này cũng như được xem là nguyên tắc của Bộ luật dân sự, đây được xem là phương thức đầu tiên, cơ bản, thể hiện đúng tinh thần của cá nhân, pháp nhân khi tồn tại trong “tổng hòa các mối quan hệ xã hội”, theo đó, quyền dân sự phải được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Ví dụ cho phương thức này: Cá nhân có quyền kết hôn, ly hôn, quyền bình đẳng của vợ chồng, quyền xác định cha, mẹ, con, quyền được nhận làm con nuôi, quyền nuôi con nuôi,…được mọi người tôn trọng, công nhận và được pháp
Tuy nhiên, theo đánh giá chủ quan, phương thức công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự không phải là phương thức hữu hiệu, là mức độ nhẹ nhất trong các phương thức để bảo vệ quyền khi bị xâm hại, nhưng đâu đó, phương thức này lại có hàm ý bao trùm các phương thức còn lại.
2.2. Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm.
Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm là phương thức bảo vệ thứ hai được ghi nhận tại Điều 11. Đây là phương thức khá điển hình và được nhiều người sử dụng. Việc buộc chấm dứt hành vi xâm phạm nhằm tránh tình trạng tiếp tục gây ra những thiệt hại cho người mang quyền. Về nguyên tắc, mọi chủ thể được thực hiện các hành vi theo ý chí của mình những không được gây thiệt hại, ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng và quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Do vậy, trong quá trình thực hiện các phương thức này, chủ thể ó quyền thực hiện thông báo, nhắc nhở, yêu cầu chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi đó. Ưu điểm của phương thức này là khả năng bảo vệ quyền dân sự một cách nhanh chóng, kịp thời, trong nhiều trường hợp có thể tránh được thiệt hại xảy ra. Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm thể hiện rõ trong các quy định về bảo vệ quyền sở hữu.
2.3. Buộc xin lỗi, cải chính công khai.
Buộc xin lỗi, cải chính công khai là phương thức mà chủ thể bị xâm hại về quyền nhân thân, phương thức này thường được áp dụng đồng thời với phương thức buộc chấm dứt hành vi xâm phạm, tuy nhiên lại khó áp dụng hiệu quả. Vì khi người bị xâm phạm quyền nhân thân trong trường hợp này chủ yếu liên quan đến quyền hình ảnh, quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩn, uy tín hoặc bị mật đời tư, được thực hiện qua các hành vi đăng tải hình ảnh, video nhạy cảm, hoặc tung tin đồn sai sự thật nhằm bôi nhọ, nói xấu cá nhân và tổ chức trên báo, …tốc độ lan truyền thông tin rất nhanh chóng, đặc biệt là trong môi trường mạng xã hội.
Có thể thấy, nếu người bị xâm phạm quyền nhân thân đã trực tiếp yêu cầu người xâm phạm phải chấm dứt hành vi, xin lỗi, cải chính công khai mà người này vẫn không thực hiện thì người bị xâm phạm có quyền yêu cầu Tòa án buộc người có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính.
Buộc xin lỗi: người xâm phạm có thể trực tiếp gặp người bị xâm phạm để xin lỗi hoặc xin lỗi dưới các hình thức khác nhau theo yêu cầu cảu người bị xâm phạm (đăng báo, đăng trên website,…).
Cải chính (là chữa cho đúng sự thật và tuyên bố trước đông người) công khai:Tương tự như hành vi buộc xin lỗi, người có hành vi xâm phạm sẽ phải cải chính lại các thông tin trước đây mình đã đưa ra, việc cải chính này có thể thực hiện trực tiếp những cũng có thể cải chính thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
2.4. Buộc thực hiện nghĩa vụ.
Trong các quan hệ pháp luật dân sự thuần túy, quyền của bên này là nghĩa vụ tương ứng đối với bên kia và ngược lại. Ví dụ, trong hợp đồng mua bán tài sản, bên mua có nghĩa vụ trả tiền theo thời hạn, địa điểm và mức tiền được quy định trong hợp đồng, trong trường hợp bên mua không thực hiện đúng nghĩa vụ trả tiền thì phải trả lãi trên số tiền chậm trả. Như vậy, nghĩa vụ là cái ràng buộc cực kỳ lớn, nó mang tính bắt buộc mà dù trong tình huống nào (trừ trường hợp bất khả kháng, trở ngại khách quan) thì người có nghĩa vụ cũng phải thực hiện nhằm bảo đảm quyền cho bên còn lại. Nghĩa vụ phải thực hiện có thể do thỏa thuận hoặc do pháp luật ấn định. Buộc thực hiện nghĩa vụ có thể do cá nhân, pháp nhân tự bảo vệ hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước bảo vệ.
2.5. Buộc bồi thường thiệt hại.
Biện pháp này được áp dụng trong trường hợp đã có thiệt hại về sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín, xảy ra. Yêu cầu bồi thường thiệt hại thường có thể áp dụng độc lập hoặc kết hợp với các phương thức khác như buộc chấm dứt hành vi xâm phạm. Thiệt hại có thể là thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần, ví dụ như làm hư hỏng một phần hoặc toàn bộ, tài sản bị tiêu hủy, hủy hoại,…Việc xác định mức bồi thường hoàn toàn phụ thuộc vào người mang quyền trên cơ sở thỏa thuận, đồng ý từ người được yêu cầu bồi thường cũng như các chứng từ, giấy biên nhận hợp lệ về các khoản chi phí đã bỏ ra để khắc phục thiệt hại. Buộc bồi thường thiệt hại thường được cá nhân, pháp nhân yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng trong trường hợp có thiệt hại về quyền tài sản.
Việc buộc bồi thường thiệt hại phải có đầy đủ các căn cứ: (1) Có thiệt hại xảy ra; (2) Có hành vi trái pháp luật xâm phạm quyền dân sự; (3) Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật xâm phạm quyền dân sự với thiệt hại xảy ra; (4) Có lỗi của người gây thiệt hại
2.6. Hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.
Phương thức hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền chỉ có thể được thực hiện bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, bởi cá nhân, pháp nhận không thể tự thực hiện phương thức này để bảo vệ quyền dân sự của mình.
Quyết định cá biệt là loại quyết định được ban hành trên cơ sở các quyết định chủ đạo, quyết định quy phạm với mục đích giải quyết các công việc cụ thể được áp dụng một lần. Quyết định cá biệt trực tiếp làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt một quan hệ pháp luật cụ thể. Tính đặc trưng của quyết định cá biệt thể hiện: (1) Chỉ áp dụng một lần. Giá trị pháp lý của quyết định cá biệt sẽ kết thúc khi quyết định được thực hiện. (2) Có đối tượng áp dụng cụ thể. Chỉ có đối tượng được nêu đích danh phải tuân thủ quyết định hành chính cá biệt tương ứng.
Tính trái pháp luật của quyết định cá biệt có thể xuất phát từ việc ban hành không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hoặc nội dung trái với quy định của pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người bị áp dụng quyết định.
Để bảo vệ quyền dân sự của mình, cá nhân, pháp nhân phải yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy quyết định cá biệt mà mình cho là trái pháp luật thông qua đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
Để tạo sự thông thoáng và linh hoạt hơn trong các phương thức bảo vệ quyền dân sự, pháp luật cho phép có các yêu cầu khác theo quy định của pháp luật, đây cũng là sự thể hiện đồng bộ trong toàn hệ thống pháp luật.