Vào năm 1982 tại Vịnh Montego, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) đã được ban hành, tập trung vào giải quyết các vấn đề liên quan đến việc khai thác các đại dương và các vấn đề chủ quyền liên quan.
Biển và đại dương là môi trường liên thông, cấp độ, quy mô và tính dễ lây lan của ô nhiễm biển nói chung và ô nhiễm biển do rác thải nhựa nói riêng khiến cho việc bảo vệ và gìn giữ môi trường biển không chỉ là vấn đề thuộc về quyền tài phán của quốc gia ven biển mà là nghĩa vụ chung của tất cả các quốc gia.
Vấn đề ô nhiễm môi trường biển đã được điều chỉnh trong rất nhiều điều ước quốc tế hoặc các nguồn luật quốc tế khác. Ô nhiễm môi trường biển xuất phát từ nhiều nguồn và mỗi nguồn cụ thể đều có điều ước quốc tế điều chỉnh một cách trực tiếp. Tuy nhiên, hiện nay, trên thế giới vẫn chưa có một văn bản quốc tế nào quy định trực tiếp, dành riêng về vấn đề ô nhiễm môi trường biển do rác thải nhựa.
Cùng với sự phát triển của Luật biển quốc tế và xu hướng tiến ra biển của các nước, một nhận thức chung của cộng đồng thế giới đó là: biển là môi trường đồng nhất, là tài sản chung của nhân loại, đòi hỏi phải có một sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia nhằm giữ biển và môi trường biển trong lành. Được thông qua vào năm 1982 tại Vịnh Montego, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) tập trung vào giải quyết các vấn đề liên quan đến việc khai thác các đại dương và các vấn đề chủ quyền liên quan. Tuy nhiên, UNCLOS 1982 cũng áp dụng một số cách tiếp cận nhằm ngăn chặn, giảm thiểu, và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, đặc biệt là từ Điều 192 trở đi.
Mục lục bài viết
1. Phạm vi điều chỉnh của Công ước Luật biển năm 1982:
Phạm vi điều chỉnh của UNCLOS 1982 chủ yếu là điều chỉnh hoạt động vận chuyển chứ không phải để bảo vệ môi trường. Do đó, ngay cả với các cách tiếp cận liên quan đến ô nhiễm, vấn đề môi trường được đề cập tới trong UNCLOS 1982 nhằm khai thác hợp lý, bền vững các nguồn lợi thủy sản. Rõ ràng mục tiêu quan trọng của UNCLOS 1982 là bảo vệ tài nguyên biển. Do đó, UNCLOS 1982 chủ yếu tập trung vào trữ lượng thuỷ sản, không phải với quan điểm bảo vệ môi trường biển, mục đích nhằm tạo điều kiện duy trì nguồn thuỷ sản, đảm bảo cho việc khai thác tài nguyên biển trong tương lai
2. Nội dung của Công ước Luật biển năm 1982:
UNCLOS 1092 đã cung cấp một khuôn khổ pháp lý toàn diện để bảo vệ và gìn giữ môi trường biển theo Phần XII. Từ đó tạo ra công cụ pháp lý đầu tiên, mang tính toàn diện về bảo vệ môi trường biển, là cơ sở cho phòng ngừa ô nhiễm biển do rác thải nhựa hiện nay. Đặc biệt xét từ góc độ ô nhiễm môi trường biển theo Khoản 4, Điều 1: “Ô nhiễm môi trường biển là việc con người trực tiếp hoặc gián tiếp đưa các chất liệu hoặc năng lượng vào môi trường biển, bao gồm cả các cửa sông, khi việc đó gây ra hoặc có thể gây ra những tác hại như gây tổn hại đến nguồn lợi sinh vật, và đến hệ động vật và hệ thực vật biển, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, gây trở ngại cho các hoạt động ở biển, kể cả việc đánh bắt hải sản và các việc sử dụng biển một cách hợp pháp khác, làm biến đổi chất lượng nước biển về phương diện sử dụng nó và làm giảm sút các giá trị mĩ cảm của biển”. Định nghĩa này cho phép các quan hệ pháp lý liên quan đến ô nhiễm biển do rác thải nhựa được đặt trực tiếp dưới sự bảo vệ của UNCLOS 1982.
Bên cạnh đó UNCLOS 1982 đã xác định được các nguồn gây ra ô nhiễm: từ đất liền; từ tàu thuyền; từ việc thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển; từ các thiết bị, phương tiện khác hoạt động trong môi trường biển…
Hơn nữa, Điều 210 của UNCLOS 1982 quy định rằng “Các quốc gia thông qua các luật và quy định để phòng ngừa, hạn chế và chế ngự ô nhiễm môi trường biển do sự nhận chìm. Các quốc gia thi hành tất cả các biện pháp khác có thể cần thiết để ngăn ngừa, hạn chế và chế ngự ô nhiễm này. Các luật và quy định cũng như các biện pháp quốc gia không được kém hiệu lực hơn các quy tắc và quy phạm có tính chất thế giới để ngăn ngừa, hạn chế và chế ngự ô nhiễm này”. Điều này có nghĩa là UNCLOS, với tư cách là một công cụ pháp lý ràng buộc, áp đặt nghĩa vụ đối với các quốc gia phải ban hành, thi hành các công cụ của quốc gia. Điều này tạo ra hiệu ứng bắt buộc đối với các quốc gia và khu vực. Điều này cung cấp một biện pháp bảo vệ lớn, không chỉ bằng cách đưa ra các cách tiếp cận mới và cụ thể hơn, mà còn bằng cách khuyến khích các quốc gia thông qua các quy định quốc tế này để có thể tác động đến các quy định của pháp luật quốc gia.
Theo Điều 235 UNCLOS 1982 cũng quy định: “Các quốc gia có trách nhiệm quan tâm đến việc hoàn thành các nghĩa vụ quốc tế của mình về vấn đề bảo vệ và gìn giữ môi trường biển. Các quốc gia có trách nhiệm theo đúng luật quốc tế”. Cùng với việc thành lập toà án quốc tế về Luật biển (ITLOS) điều này có nghĩa là UNCLOS 1982 bao gồm một số công cụ để giải quyết tranh chấp và áp đặt các biện pháp khắc phục.
Mặc dù không phải là công ước quốc tế đầu tiên về luật biển và thậm chí để bảo vệ chống ô nhiễm môi trường biển, UNCLOS vẫn là công ước đầu tiên có tầm quan trọng nhất đối với sự phát triển của luật biển quốc tế và các công ước liên quan sau này. Hơn nữa, nó đã hệ thống hóa các nguyên tắc cơ bản, chẳng hạn như bảo vệ môi trường biển, là luật tục quốc tế, và “bao gồm các quy tắc tham chiếu đến các quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế được chấp nhận chung liên quan đến việc giữ gìn và bảo vệ môi trường biển”.
Đối với vấn đề mang tính chất cụ thể như phòng ngừa ô nhiễm biển do rác thải nhựa, UNCLOS 1982 không quy định trực tiếp, nhưng như đã đề cập mục đích chính của UNCLOS 1982 là giải quyết các vấn đề chủ quyền trên các vùng biển và đại dương. Những khía cạnh pháp lý đó có thể ảnh hưởng đến ô nhiễm biển do rác thải nhựa. Ví dụ xét từ góc độ nghĩa vụ khắc phục ô nhiễm biển do rác thải nhựa từ các vùng biển quốc tế liên quan trực tiếp đến những người có thẩm quyền về nó. Do đó vấn đề thẩm quyền tài phán của các quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
UNCLOS 1982 quy định rất rõ về cách thức phân định và quy chế pháp lý của từng vùng biển. Lãnh hải kéo dài đến 12 hải lý tính từ đường cơ sở (Điều 3); “Trong một vùng tiếp giáp với lãnh hải của mình, gọi là vùng tiếp giáp, quốc gia ven biển có thể thi hành sự kiểm soát cần thiết” được mở rộng quá 24 hải lý kể từ đường cơ sở ( Điều 33); “Vùng đặc quyền về kinh tế (EEZ) không được mở rộng ra quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở” (Điều 57). Ngoài ra UNCLOS 1982 cũng xác định thềm lục địa và các khu vực tương ứng; cuối cùng là biển cả được để ngỏ cho tất cả các quốc gia, dù có biển hay không có biển (Điều 87). Từ đó UNCLOS 1982 đưa ra quy chế pháp lý của từng vùng biển như: tại nội thủy, quốc gia ven biển có chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối như đối với lãnh thổ đất liền của mình; Các quốc gia ven biển có chủ quyền đối với lãnh hải của mình; Quốc gia ven biển cũng có quyền thi hành sự kiểm soát cần thiết trong vùng tiếp giáp lãnh hải để trừng trị việc vi phạm các luật và quy định nói trên xảy ra trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình; Với vùng đặc quyền kinh tế quốc gia ven biển có quyền tài phán đối với việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị, công trình; nghiên cứu khoa học biển; bảo vệ và giữ gìn môi trường biển; Biển cả được để ngỏ cho tất cả các quốc gia…
Như đã phân tích ở trên, tất cả các khu vực đó đều liên quan đến ô nhiễm biển do rác thải nhựa, tuy nhiên, nguồn gốc ô nhiễm biển do rác thải nhựa chủ yếu từ đất liền, từ các con sông, mới ra nội thuỷ, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, đặc quyền kinh tế và biển cả, do đó đòi hỏi nghĩa vụ nhiều hơn từ các quốc gia và khu vực hơn là nghĩa vụ chung của quốc tế. Hơn nữa nó gắn trực tiếp với quyền tài phán của các quốc gia ở các vùng biển đó
Điều 91, 92 UNCLOS 1982 quy định về quyền hàng hải và điều kiện pháp lý của tàu thuyền, theo đó các quốc gia có quyền cấp quốc tịch cho tàu thuyền, và tàu đó phải thuộc quyền tài phán của quốc gia mà tàu mang cờ. Do đó đặt ra nghĩa vụ của các quốc gia trong việc ngăn chặn, kiểm soát, xử lý ô nhiễm biển do rác thải nhựa từ tàu mang cờ của quốc gia mình.