Bộ Quốc triều hình luật thời Hậu Lê và bộ Hoàng Việt luật lệ triều Nguyễn đều quy định việc kết hôn chỉ được thực hiện khi có cha mẹ hoặc một người tôn thuộc đứng đầu làm chủ hôn.
Mục lục bài viết
1. Quy định về kết hôn:
1.1. Các điều kiện kết hôn:
‘ a) Kết hôn phải có sự đồng ý của hai bên cha mẹ
Điều kiện này xuất phát từ quan điểm phong kiến cho rằng hôn nhân là loại quan hệ phải xuất phát từ quyền lợi của gia đình, dòng họ nhằm giao hiếu giữa hai dòng họ và kế truyền dòng dõi tông tộc. Do vậy, vấn đề hôn nhân phải được đặt dưới sự xem xét và quyết định của người gia trưởng, loại trừ sự tự do cá nhân của hai bên nam nữ. Cả hai Bộ QTHL và HVLL đều quy định việc kết hôn chỉ được thực hiện khi có cha mẹ hoặc một người tôn thuộc đứng đầu làm chủ hôn. Tuy nhiên, HVLL có quy định 2 trường hợp biệt lệ có chú trọng đến sự ưng thuận của hai bên kết hôn: đó là trường hợp kết hôn do hai bên nam nữ quyết định vì họ chỉ còn bà con xa hoặc trong trường hợp họ ở xa nhà.
Mặc dù không dùng từ chủ hôn nhưng trong Điều 314 QTHL có quy định được hiểu rằng việc kết hôn nhất thiết phải được sự đồng ý của hai bên cha mẹ, nếu cha mẹ đã chết cả thì phải được sự đồng ý của bậc thân thuộc bề trên hoặc của trường làng, có thể coi đây là điều kiện cơ bản nhất, loại trừ hẳn quyền kết hôn tự do của hai đương sự.
Lệ 1 Điều 94 HVLL cũng có quy định: Cưới gả đều do ông bà, cha mẹ làm chủ hôn. Nếu không có ông bà, cha mẹ thì do những người thân thuộc khác làm chủ hôn. Con gái đã đến tuổi lấy chồng mà cha đã chết thời mẹ làm chủ hôn.
b) Việc kết hôn không được vi phạm những điều mà pháp luật cấm. Pháp luật quy định các trường hợp sau không được phép kết hôn
Về nội dung này, quy định của QTHL và HVLL về cơ bản có cùng quan điểm. Việc cấm kết hôn trong pháp luật nhà Lê và nhà Nguyễn được quy định xuất phát từ nhiều lý do khác nhau: vì luân thường đạo lý, thuần phong mỹ tục, vì sức khỏe nòi giống, vì lý do chính trị, ... Cụ thể như sau:
– Cấm kết hôn khi đang có tang cha, mẹ hoặc tang chồng (Điều 317 QTHL và Điều 98 HVLL). Sự cấm đoán này xuất phát từ việc đề cao đạo hiếu của con cái đối với cha mẹ và chữ tiết của vợ đối với chồng. So với quy định trong QTHL thì HVLL quy định rộng hơn về đối tượng được để tang. QTHL chỉ cấm cử hành hôn lễ trong thời kì cư tang cha mẹ và tang chồng, còn HVLL quy định cả đối với tang của ông bà, chú bác, cô dì hay anh em ruột. Tuy nhiên, về phần chế tài thì QTHL khắt khe hơn khi bắt buộc chấm dứt hôn nhân còn HVLL hôn nhân vẫn được chấp nhận sau khi chịu chế tài.
– Cấm kết hôn khi ông bà, cha mẹ bị giam cầm, tù tội (Điều 318 QTHL và Điều 99 HVLL). Tuy nhiên, sự cấm đoán này không tuyệt đối, bởi vì nếu được sự cho phép của chính bản thân người đang bị giam cầm thì việc kết hôn có thể được tiến hành, nhưng không được tổ chức linh đình. Chế tài trong trường hợp không được sự đồng ý của ông bà cha mẹ thì HVLL mềm dẻo hơn QTHL: đó là không mang tính chất tuyệt đối bắt buộc phải ly dị.
– Cấm kết hôn giữa những người trong họ hàng thân thích.
Để bảo vệ tôn ti thứ bậc trong dòng họ, Pháp luật nhà Lê sơ và nhà Nguyễn đều quy định cấm kết hôn giữa những người có họ hàng với nhau. Điều 319 QTHL quy định: Người vô loại lấy cô, dì, chị em gái, kế nữ con riêng của vợ, người thân thích đều phỏng theo luật gian dâm mà trị tội. Ở đây có thể hiểu là tất cả mọi người trong cùng một họ, tức là cùng thờ chung một ông tổ, dù quan hệ huyết thống xa hay gần, kể cả những người ngoài phạm vi để tăng, đều không được kết hôn với nhau.
Điều cấm này HVLL quy định chi tiết hơn QTHL: không những quy định cấm kết hôn giữa những người cùng họ và cùng chung một ông tổ, kể cả giữa những người trong họ bậc trên và bậc dưới, cầm lấy vợ cả và vợ lẽ của bà con làm vợ mình (Điều 100, Điều 101, Điều 102). Nếu kết hôn thuộc một trong 3 trường hợp trên thì bắt buộc ly dị và phải chịu chế tài. Ví dụ trường hợp lấy người cùng họ đồng tông: Phàm cưới người cùng dòng họ thì chủ hôn và trai gái, mỗi người bị phạt 60 trượng, bắt phải ly dị, phụ nữ đưa về tông tộc, tiền cưới cho quan [36, tr.434]. Ngoài mục đích giữ gìn sự ổn định trong gia đình, quy định này cũng xuất phát từ việc nhận thức được hậu quả của hành vi giao cấu giữa những người có quan hệ huyết thống, những đứa trẻ sinh ra thường bị dị tật hoặc thiếu năng lực nhận thức.
Ngoài các quy định về cấm kết hôn nói trên, trong QTHL còn quy định một số trường hợp khác không được kết hôn khi việc kết hôn đó có thể gây ảnh hưởng tới vương quyền, trật tự đẳng cấp xã hội, xâm phạm những nguyên tắc đạo đức chính yếu trong xã hội đó là:
– Cấm anh lấy vợ góa của em, em lấy vợ góa của anh, trò lấy vợ góa của thầy. Nếu phạm phải đều xử tội lưu, người đàn bà bị xử giảm một bậc và phải ly dị. (Điều 324 QTHL).
– Cấm quan lại lấy con gái địa phương mà mình đương chức, nếu vi phạm bị xử phạt 70 trượng, biếm ba tư và cách chức (Điều 316). Để ngăn ngừa sự lạm dụng quyền thế cưỡng hôn, Điều 316 QTHL đã quy định: Các quan ty ở trấn ngoài mà lấy đàn bà con gái ở trong hạt mình, thì xử phạt 70 trượng, biếm ba tư và bãi chức.
– Cấm con của quan trấn giữ biên ải kết hôn với con của tù trưởng địa phương (Điều 334). Điều cấm này nhằm ngăn ngừa sự cấu kết giữa quan trấn thủ với tù trưởng địa phương để gây uy thế, phản loạn.
– Người vợ có sự ảnh hưởng đến sự thịnh suy, đến danh dự, uy tín, địa vị của gia đình nên đòi hỏi người vợ phải có tư cách đạo đức phù hợp với giáo lý đạo Nho đó là công, dung, ngôn, hạnh. Vì vậy không phải bất cứ người phụ nữ nào cũng có thể được lấy làm vợ. Điều 339 QTHL quy định những người đàn bà có tội đang trốn tránh mà che giấu để được làm vợ cả, vợ lẽ thì bị xử tội, người mối lái thì bị xử nhẹ hơn một bậc. Luật cũng cấm lấy đàn bà con gái hát xướng làm vợ. Điều 323 cấm các quan lại và thuộc lại lấy đàn bà, con gái hát xướng làm vợ, dù là vợ cả hay vợ lẽ đều không được, nếu lấy phải ly dị và bị phạt 70 trượng, biếm ba tư. Thậm chí, con cháu của quan lại mà lấy những người đàn bà này cũng không được, bị phạt 60 trượng và đều phải ly dị. Nhà nước và pháp luật phong kiến đòi hỏi quan lại phải gương mẫu, phải lựa chọn người vợ xứng đáng theo tiêu chuẩn đạo đức Nho giáo để có đủ tư cách giáo hóa và làm gương cho dân chúng trong việc xây dựng nền tảng gia đình vững chắc.
– Cấm các quyền thế ức hiếp để lấy con cái kẻ lương dân (Điều 338). Điều 338 QTHL quy định: Những nhà quyền thế mà ức hiếp để lấy con gái kẻ lương dân, thì xử tội phạt, biếm hay đồ. Quy định này đã thể hiện tư tưởng nhân đạo của pháp luật nhà Lê, một mặt bảo vệ người dân lành yếu thế, một mặt mang tính răn đe sự hống hách ngang ngược của những nhà quyền thế.
Bên cạnh đó, HVLL cũng quy định rất chặt chẽ và cụ thể:
– Cấm quân cưới phụ nữ bộ dân làm thê thiếp (Điều 103 HVLL) nếu vi phạm hai bên sẽ phải ly dị và chịu hình phạt. Quy định này thể hiện sự phân biệt đẳng cấp xã hội trong việc ngăn cấm quan lại có quan hệ với thường dân.
Bên cạnh đó làm tránh sự lạm dụng quyền thế của các quan cưỡng ép lấy con gái nhà lành hoặc gia đình nhà gái lợi dụng hôn nhân chi phối quan quyền.
– Cấm nô tì lấy dân tự do (Điều 107 HVLL). Dưới thời Nguyễn việc phân biệt các tầng lớp xã hội để thể hiện quan điểm đẳng cấp được thể hiện rõ thông qua các quy định pháp luật. Việc ngăn cản nô tỳ lấy dân tự do đã phần nào thể hiện tư tưởng đó.
– Cấm sư nam, đạo sĩ kết hôn (Điều 106 HVLL). Theo quan niệm Nho giáo, người theo đạo lấy vợ thì không còn giữ được giới luật, không còn xứng đáng làm tăng đạo nên buộc phải hồi tục. Người con gái đã lấy họ sau khi ly dị thì về với cha mẹ, tiền cưới sẽ phải nộp vào quan,
– Cưỡng chiếm vợ con lương dân (Điều 105 HVLL). Quy định này một mặt trừng phạt sự hống hách, ngang ngược, ỷ thế của những gia đình giàu, có quyền lực, mặt khác bênh vực những người dân lành yếu thế bị ức hiếp. Từ đó thể hiện tư tưởng nhân đạo của pháp luật nhà Nguyễn.
– Cám cưới phụ nữ phạm tội chạy trốn (Điều 104 HVLL). Vì sự tôn nghiêm của luật pháp, nhà làm luật đặt ra các chế tài thích đáng đối với những ai biết phụ nữ phạm tội chạy trốn mà vẫn kết hôn với người phụ nữ đó. Việc cưới phụ nữ phạm tội chạy trốn là trái luật nên phải ly dị và chịu các chế tài. Đối với những người phụ nữ phạm vào tội có hình phạt chết mà kết hôn, nhà trai sẽ được giảm một bậc so với tội chết, còn như người phụ nữ có hình phạt khác thì nhà trai sẽ bị xử theo tội của người phụ nữ đã phạm lúc chạy trốn, người phụ nữ sẽ chịu hình phạt nặng hơn.
– Cấm lừa dối trong hôn nhân (Điều 94, 95 HVLL): Nhà gái lừa dối trong hôn nhân chủ nhân bị phạt 80 trượng. Nếu nhà trai lừa dối tội tăng thêm 1 bậc phạt 90 trượng, nhà gái không phải trả lễ vật. Đã thành hôn rồi thì cho ly dị. (Các trường hợp như mạo con nuôi thành con đẻ, mạo trá con tật nguyền, mạo trá anh chị em, chồng đem thê thiếp mạo nhận làm chị, em cho người khác làm thê thiếp …).
– Cấm mệnh phụ phu nhân cải giá (Điều 98 HVLL). Tuy đã hết tang chồng nhưng những người phụ nữ được vua ban giấy khen phong làm Mệnh phụ phu nhân mà tái giá thì xử tội như đàn bà đang cư tang chồng mà lại đi lấy chồng.
c) Nam nữ kết hôn phải đến độ tuổi nhất định
Tuy trong hai Bộ luật không quy định rõ về độ tuổi mà pháp luật cho phép hai bên nam nữ kết hôn, nhưng trong văn bản khác cùng thời quy định về điều kiện này, là Hồng Đức hôn giá lễ nghi có quy định rõ: Con trai từ 18 tuổi, con gái từ 16 tuổi trở lên mới có thể thành hôn. Đây là một quy định vừa nhằm thỏa mãn được nhu cầu sớm có người chăm sóc cha mẹ, thờ phụng tổ tiên, vừa tránh tệ nạn tảo hôn thường thấy ở thời phong kiến lúc bấy giờ. Điều 94 HVLL có quy định Việc hôn nhân của nam nữ có tuổi đã định nhưng không ghi rõ giá thú được bao nhiêu. Trong các lời chú thích Điều 94 các nhà làm luật triều Nguyễn cũng không đề cập đến vấn đề này.
Ngoài các trường hợp kết hôn bị vô hiệu nói trên, HVLL còn có quy định về trường hợp tráo hôn hay võng mạc (bị lừa dối). Đây là điểm mới, tiến bộ của HVLL so với QTHL. Điều 94 HVLL quy định người con gái bị tàn tật mà nhà gái bảo chị hay em ra để nhà trai xem mặt thầy và khi cưới lại gả người tàn tật thì gọi là võng mạo và bị phạt tăng một bậc. Trong trường hợp việc kết hôn chưa thành thì các bên phải thực hiện đúng như hôn thú hoặc tự ước, nếu việc kết hôn đã thành thì phải ly dị. Như vậy, nếu xét về sự nhầm lẫn hoặc bị lừa dối trong việc kết hôn thì luật pháp chỉ xét theo sự ưng thuận của hai bên kết hôn, điều này cũng cho thấy rõ pháp luật chú trọng đến quyền lợi của gia đình hơn là quyền lợi của hai bên kết hôn.
Trong các trường hợp hôn nhân vi phạm một trong các điều cấm trên đây thì hai bên kết hôn buộc phải ly dị và phải chịu những hình phạt nhất định tùy từng trường hợp cụ thể.
2. Hình thức và thủ tục kết hôn:
Qua tinh thần và nội dung của QTHL và HVLL cho thấy hình thức và thủ tục kết hôn có hai giai đoạn:
a) Giai đoạn 1: Đính hôn (hứa hôn)
QTHL chỉ coi là đính hôn sau khi nhà trai đã nộp đủ sính lễ cho nhà gái, tức là phải có sự hứa hôn của hai họ, việc nạp sính lễ mang tính chất long trọng, cùng với sự cáo tổ trước từ đường hai họ, là bằng chứng công khai và chắc chắn cho việc hứa hôn. Thời Lê sơ thì sính lễ ngoài tiền ra có thể bằng lụa, vàng bạc hay lợn, rượu (Điều 315 QTHL).
Khác với quy định trong QTHL, HVLL quy định sau lễ đính hôn phải có Hôn thư hoặc đã trao nhận sính lễ thì hôn nhân mới có giá trị về pháp luật. Hôn thư là văn bản có ký nhận rõ ràng của người chủ hôn hai gia đình. Còn sính lễ phải là một số tiền, tùy thuộc vào gia cảnh mà gia đình nhà trai trao cho nhà gái khi hỏi cưới. (Điều 94 HVLL).
Theo quan niệm nho giáo, pháp luật đặc biệt coi trọng chữ tín, do đó việc bội ước, bội hôn bị coi là hành vi phạm pháp. Cả hai bộ luật QTHL và Hoàng Việt luật lễ đều có chế tài rõ ràng với việc vi phạm giao ước đính hôn:
Điều 315 QTHL quy định nếu nhà trai đã nạp sính lễ rồi mà không làm lễ cưới nữa thì phải phạt 80 trượng và mất đồ sính lễ; nếu nhà gái hối hôn, đổi ý không muốn gả nữa thì phải phạt 80 trượng.… Tuy nhiên, Điều 322 QTHL quy định sự đính hôn sẽ bị tiêu hủy nếu một trong hai bên nam nữ sắp cưới bị ác tật hoặc phạm tội, vì theo Nho giáo thì người bị ác tật (Bị bệnh phong thì không thể thừa hành việc phụng tự dòng họ, còn người phạm tội thì không xứng đáng làm chủ gia đình, do vậy pháp luật cho phép bên kia được từ hôn.
Điều 94 HVLL quy định sau khi đã đính hôn mà nhà gái hoặc nhà trai đổi ý không gả nữa thì người chủ hôn bị phạt 50 roi, nếu hứa gả cho người thứ ba thì phạt 70 trường, đã thành hôn với người này rồi thì phạt 80 trượng. Những việc giải quyết các mối quan hệ sau đó thì không hoàn toàn giống nhau:
Đối với việc bãi hứa của nhà gái, dù chưa hay đã thành hôn với người thứ ba thì đều phải đưa về chồng trước. Nếu người chồng trước không ưng thuận thì truy thu gấp đôi số tiền lễ lạt trả lại, còn người con gái cho lấy chồng sau. Nếu đã biết rõ sự tình thì người chủ hôn của gia đình người thứ ba cũng bị phạt giống như chủ hôn nhà gái, sính lễ bị đem sung công, nếu không biết thì không có tội.
Đối với sự bãi hôn của nhà trai thì có phần khác. Chưa thành hôn thì phải lấy người con gái trước, người con gái hỏi sau cho lấy chồng khác; Không truy thu tiền lễ lạt.
Ngoài ra HVLL còn quy định thêm về hai chế tài: Chế tài về ép cưới của nhà trai và trì hoãn cưới của nhà gái và Chế tài về trì hoãn cưới của nhà trai. Cụ thể:
Điều 94 quy định: Trường hợp đáng được kết hôn, tuy đã nộp đủ sinh lẽ nhưng kỳ hạn chưa đến mà bên nhà trai cưỡng bức cưới xin hoặc đến kỳ hạn rồi mà bên gái cố tình trì hoãn thì người chủ hôn bên trái và bên gái) đều bị xử phạt 50 roi . Hôn nhân là chuyện hệ trọng của hai gia đình. Việc nhận lời hứa gả con cháu, kết thành thông gia không giống với những lời nói giao tiếp bình thường. Khi đã giao ước hôn nhân, hai gia đình luôn phải giữ chữ tín với nhau. Bởi vậy nhà làm luật thời Nguyễn đã đặt ra chế tài đối với hành vi ép cưới của nhà trai khi chưa đến ngày cưới đã định và hành vi trì hoãn cưới của nhà gái. Trong QTHL của nhà Lê không có quy định này.
Chế tài về việc trì hoãn cưới của nhà trai được quy định tại Điều 108 lệ 2: Kì ước đã đến năm năm không có lỗi lầm gì mà lại không cưới ... thì cho phép trình bảo lên quan ti chiểu theo luật lệ cho cái giá, cũng không bắt truy hồi tiền của sính lễ . Chế tài này nhằm bảo vệ quyền lợi Xuân thì của người con gái, nhà làm luật đã quy định thời hạn tối đa giữa lễ đính hôn và lễ thành hôn là 5 năm.
Bên cạnh đó, HVLL còn quy định 2 trường hợp làm chấm dứt hiệu lực đính hôn. Trường hợp thứ nhất, một trong hai người đã hứa hôn mà lại đi gian dâm với người khác hoặc trộm cướp thì người còn lại được quyền đổi ý. Điều 94 quy định: Nếu như trai gái chưa làm lễ thành hôn mà phạm tội gian dâm, trộm cướp (con trai phạm tội thì người con gái được phép đi lấy chồng khác. Con gái phạm tội thì người con trai được phép lấy vợ khác). Trường hợp thứ 2 là một trong hai người hứa hôn đã chết. Điều 94 Lệ 1 quy định: Nếu như đã định hôn nhưng chưa thành hôn mà đôi bên trai gái lỡ có người bị chết thì không truy thu tiền sính lễ.
Như vậy, các quy định về sự hứa hôn được HVLL quy định chi tiết và chặt chẽ hơn QTHL. Trong QTHL không quy định về cưỡng ép và trì hoãn cưới, các chế tài về sự bãi hôn có phần nặng hơn so với HVLL. Sự khác nhau này không nhằm nhấn mạnh pháp luật thời đại nào coi trọng hiệu lực của sự hứa hôn hơn mà để thấy được sự khác nhau trong tư tưởng, nhận thức của các nhà lập pháp đối với việc quy định chế tài hình sự trong lĩnh vực hôn nhân.
b) Giai đoạn hai: Thành hôn
Nhà Lê quy định, việc kết hôn phải qua đính hôn rồi đến thành hôn mà không cần phải lập văn tự hôn thú, chứng tỏ nhà làm luật triều Lê đã rất chú trọng tới phong tục tập quán của người Việt. Chỉ từ khi thành hôn cuộc hôn nhân mới có giá trị thực tế. Bộ luật Hồng Đức không quy định thủ tục thành hôn, có lẽ nhà làm luật dành vấn đề này cho phong tục tập quán hoặc do thủ tục thành hôn cũng đã được quy định tỉ mỉ trong Lê Hồng Đức hôn giá.
HVLL cũng không quy định nghi thức lễ cưới mà cho phép căn cứ và lễ nghi truyền thống. Luật chỉ quy định về thời hạn tối đa giữa lễ đính hôn và lễ cưới là 5 năm, người con gái không có lỗi mà nhà trai không chịu cưới, quá hạn cho phép trình quan cho đi cái giá, nhà trai không được đòi tiền sính lễ.