Hiện nay, do thiếu hiểu biết mà nhiều người khi tham gia giao thông trên các phương tiện công cộng thường có những hành vi nói đùa gây ra hâu quả vô cùng nghiêm trọng. Chẳng hạn hành vi nói đùa có bom trên máy bay thì bị xử phạt như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Nói đùa có bom trên máy bay thì bị xử phạt như thế nào?
Hành vi nói đùa trên máy bay có bom là hành vi có tính chất đe dọa nghiệm trọng đến an ninh, an toàn hàng không và sẽ đều bị xử lý nghiêm khắc. Nhiều trường hợp sau khi có hành vi này đã bị Cục hàng không ra văn bản thống báo cấm vận chuyển hành khách trong một thời gian nhất định. Nguyên nhân xảy ra những hành vi vi phạm này chính là xuất phát từ việc nhận thức thấp của các hành khách, coi lời dọa bom là lời nói đùa, để mua vui, giải trí.
Lĩnh vực hàng không là lĩnh vực đặc biệt, trường hợp xảy ra sự cố về hàng không thì hậu quả sẽ rất thảm khốc và vô cùng nặng nề. Vậy nên pháp luật nước ta có những quy định hết sức nghiêm ngặt, chặt chẽ về hoạt động hàng không. Hành vi nói đùa có bom trên máy bay nếu chỉ dừng lại ở lời nói mà xác minh thì chưa gây ra nguy hiểm cho xã hội, hành khách sẽ bị xử phạt hành chính. Nhưng nếu việc nói đùa nhằm thực hiện mục đích vi phạm pháp luật khác hoặc qua xác minh thấy đây là hành vi gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tùy thuộc vào các quy định của pháp luật, căn cứ vào những đánh giá về tính chất mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm gây ra đối với xã hội mà cơ quan có thẩm quyền sẽ tiền hành xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
1.1. Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi nói đùa có bom trên máy bay:
Căn cứ khoản 7, khoản 8 Điều 26 Văn bản hợp nhất số 09/VBHN-BGTVT ngày 24/03/2022 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng quy định mức xử phạt đối với những hành vi phạm quy định về an ninh hàng không tại cảng hàng không, sân bay; trên chuyến bay; tại nơi có công trình, trang bị, thiết bị hàng không như sau:
– Hành vi tung tin hoặc cung cấp thông tin sai về việc có súng, đạn, bom, mìn, vật liệu nổ, chất nổ, chất phóng xạ, vũ khí sinh, hóa học gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hoạt động hàng không dân dụng mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
– Hành vi tung tin hoặc cung cấp thông tin sai về việc có súng, đạn, bom, mìn, vật liệu nổ, chất nổ, chất phóng xạ, vũ khí sinh, hóa học hoặc các thông tin khác có thể gây uy hiếp an toàn của tàu bay đang bay, người trên tàu bay đang bay thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
1.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi nói đùa có bom trên máy bay:
Như ở phân tích ở trên, tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả nguy hiểm của hành vi nói đùa có bom trên máy bay mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hinh sự. Đồng thời cũng tùy vào tính chất và mức độ của hành vi phạm tội mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các khung hình phạt khác nhau.
Trước hết hành vi nói đùa có bom trên máy bay có thể cấu thành tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318 Văn bản hợp nhất số:
– Tại khoản 1: Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì:
+ Bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng
+ Phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm
+ Phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
– Tại khoản 2 phạt tù từ 02 năm đến 07 năm nếu phạm tội có một trong các tình tiết sau: Có tổ chức; Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; Xúi giục người khác gây rối; Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; Tái phạm nguy hiểm.
Ngoài ra, người có hành vi nói đùa có bom trên máy còn có thể cấu thành tội cản trở giao thông đường không theo quy định tại Điều 278 Văn bản hợp nhất số: 01/VBHN-VPQH năm 2017 hợp nhất Bộ luật hình sự, với các khung hình phạt tùy thuộc mức độ phạm tội. Chẳng hạn như tại khoản 1 Điều này có quy định người nào…cung cấp thông tin sai đến mức gây uy hiếp an toàn của tàu bay, an toàn của hành khách, tổ bay, nhân viên mặt đất hoặc người khác tại cảng hàng không, sân bay hoặc công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng…nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì sẽ phải chịu một trong những hình phạt như:
+ Bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng,
+ Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm
+ Phạt tù từ 01 năm đến 05
2. Thẩm quyền xử phạt hành vi nói đùa có bom trên máy bay:
Căn cứ chương III Văn bản hợp nhất số 09/VBHN-BGTVT ngày 24/03/2022 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng thì thẩm quyền xử phạt được quy định như sau:
– Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ có thẩm quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 500.000 đồng. Có quyền áp dung biện pháp tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 1.000.000 đồng. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh.
– Chánh Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam, trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Cục Hàng không Việt Nam có thẩm quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 50.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn. Có quyền áp dụng biện pháp tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 100.000.000 đồng; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
– Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Bộ Giao thông vận tải có quyền phạt cảnh cáo hoặc hạt tiền đến 70.000.000 đồng; tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Có quyền áp dụng biện pháp tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 140.000.000 đồng. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định.
– Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 100.000.000 đồng; tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn. Có quyền áp dụng biện pháp tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định.
– Trưởng đại diện Cảng vụ hàng không có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 10.000.000 đồng. Có quyền áp dụng biện pháp tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 20.000.000 đồng.
– Giám đốc Cảng vụ hàng không có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 50.000.000 đồng; Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Có quyền áp dụng biện pháp tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 5.000.000 đồng. Có quyền áp dụng biện pháp . Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 1.000.000 đồng. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 50.000.000 đồng; Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn. Có quyền áp dụng biện pháp tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 100.000.000 đồng; Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Có quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này.
– Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh gồm: Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Trưởng phòng Cảnh sát cơ động, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 20.000.000 đồng; Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn. Có quyền áp dụng biện pháp tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt quy định trên. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định.
– Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 50.000.000 đồng; Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn. Có quyền áp dụng biện pháp tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định.
– Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Tư lệnh Cảnh sát cơ động có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 100.000.000 đồng; tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn. Có quyền áp dụng biện pháp tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định.
– Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh có thẩm quyền xử phạt như Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và có quyền quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.
Những văn bản sử dụng trong bài viết:
Văn bản hợp nhất số 09/VBHN-BGTVT ngày 24/03/2022 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng
Bộ luật Dân sự năm 2015
Văn bản hợp nhất số: 01/VBHN-VPQH năm 2017 hợp nhất Bộ luật hình sự