Về chất lượng đào tạo? Các yếu tố ảnh hưởng đến nâng cao chất lượng đào tạo?
Giáo dục luôn là quốc sách của mỗi quốc gia trên thế giới. Chất lượng giáo dục luôn phải đảm bảo những yếu tố cơ bản nhất và đồng thời luôn hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục. Việc nâng cao chất lượng giáo dục phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và không ngừng nghỉ. Việc nâng cao chất lượng giáo dục liên quan tới rất nhiều các yếu tố khác nhau. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ cung cấp thông tin về một số yếu tố liên quan đến chất lượng giáo dục.
1. Về chất lượng đào tạo
Chất lượng là “tổng thể những tính chất, thuộc tính cơ bản của sự vật (sự việc)… làm cho sự vật (sự việc) này phân biệt với sự vật (sự việc) khác” (Từ điển tiếng Việt phổ thông, NXB Giáo dục 1998). Khi đánh giá chất lượng của một đối tượng, ta phải xét và chỉ xét đến mọi đặc tính của đối tượng có liên quan đến sự thỏa mãn những nhu cầu cụ thể. Nhu cầu có thể được công bố rõ ràng dưới dạng các quy định, tiêu chuẩn nhưng cũng có những nhu cầu không thể miêu tả rõ ràng, người sử dụng chỉ có thể cảm nhận chúng, hoặc có khi chỉ phát hiện được trong chúng trong quá trình sử dụng.
Chất lượng luôn là vấn đề rất được quan tâm và việc phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo bao giờ cũng được xem là nhiệm vụ quan trọng nhất của tất cả các cơ sở đào tạo nói chung và cơ sở đào tạo nghề nói riêng. Việc nâng cao chất lượng đào tạo được xem là nhiệm vụ quan trọng của các cơ sở đào tạo nói chung. Kết quả của quá trình đào tạo và được thể hiện ở các phẩm chất, giá trị nhân cách, năng lực của người học tương ứng với mục tiêu đào tạo.
Chất lượng đào tạo là sự đáp ứng mục tiêu đề ra của trường học. Mục tiêu trong định nghĩa này được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm sứ mạng, các mục đích, đặc điểm của chương trình đào tạo. Mục tiêu phải phù hợp với chức năng nhiệm vụ và các nguồn lực của nhà trường nhưng đồng thời mục tiêu đào tạo phải đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế-xã hội đất nước.
2. Các yếu tố ảnh hưởng đến nâng cao chất lượng đào tạo
* Các yếu tố về cơ chế, chính sách của nhà nước
Cơ chế chính sách của Nhà nước ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển đào tạo nghề cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng đào tạo. Cơ chế, chính sách của Nhà nước tác động tới chất lượng đào tạo như việc khuyến khích hay kìm hãm cạnh tranh nâng cao chất lượng; tạo ra môi trường bình đẳng cho các cơ sở đào tạo cùng phát triển nâng cao chất lượng hay không. Bên cạnh đó thì các chính sách giáo dục có thể khuyến khích hoặc kìm hãm huy động các nguồn lực để cải tiến nâng cao chất lượng, việc mở rộng liên kết hợp tác quốc tế. Ngoài ra còn rất nhiều chính sách tác động đến chất lượng giáo dục như: Các chính sách về đầu tư, về tài chính với các cơ sở có đào tạo, quy định về các chuẩn mực về chất lượng đào tạo. Chính sách về việc đánh giá, kiểm định chất lượng đào tạo, quy định về quản lý chất lượng đào tạo và cơ quan chịu trách nhiệm giám sát việc kiểm định chất lượng đào tạo; chính sách về lao động, việc làm và tiền lương của lao động sau đào tạo,….
* Các yếu tố về môi trường
Yếu tố về môi trường được đề cập đến ở đây không hướng tới là môi trường tự nhiên, mà đó chính là môi trường xã hội, môi trường kinh tế,… Các yếu tố về môi trường có thể tác động đến chất lượng giáo dục có thể kể đến như: Xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, việc toàn cầu hóa và hội nhập đòi hỏi chất lượng đào tạo giáo dục của Việt Nam phải được nâng lên để sản phẩm tạo ra đáp ứng yêu cầu của thị trường, của khu vực và trên thế giới. Đồng thời toàn cầu hóa cũng tạo ra cơ hội cho giáo dục Việt Nam nhanh chóng tiếp cận trình độ tiên tiến. Hay việc phát triển khoa học, công nghệ yêu cầu con người phải nắm bắt kịp thời và thường xuyên học tập. Kinh tế xã hội phát triển làm cho nhận thức của xã hội và công chúng về giáo dục được tăng lên, người học ngày càng khẳng định được vị thế, vai trò của mình trong sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước.
* Mục tiêu và chương trình đào tạo
Mục tiêu đào tạo hay sản phẩm đào tạo chính là người học tốt nghiệp với nhân cách đã được phát triển, hoàn thiện thông qua quá trình dạy học mà được đánh giá dựa trên tiêu chí là nhân cách và năng lực. Chương trình đào tạo là hệ thống các môn học thể hiện mục tiêu đào tạo, quy định chuẩn kiến thức, kỹ năng, phẩm chất đạo đức (thái độ), phạm vi và cấu trúc nội dung đào tạo, phương pháp và hình thức đào tạo, cách thức đánh giá kết quả đào tạo đối với mỗi môn học, ngành học, trình độ đào tạo của bậc đào tạo. Nó là chuẩn mực để đánh giá chất lượng đào tạo trong các đơn vị nhà trường. Chương trình đào tạo phải đảm bảo mục tiêu đào tạo, phải đảm bảo thiết kế sao cho vừa cả điều kiện chung (chương trình khung) là phần cứng do cơ quan chủ quản cấp trên đã phê duyệt và thống nhất.
* Đội ngũ giáo viên
Đội ngũ giáo viên đóng vai trò quyết định trong việc đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo của các đơn vị nhà trường. Giáo viên là người truyền thụ kiến thức, thiết kế và tổ chức các hoạt động của người học, hướng nghiệp và khơi nguồn cảm hứng, hứng thú trong quá trình học tập của học sinh. Giáo viên còn có vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển kích thích khả năng sáng tạo của học sinh, giúp HSSV hình thành những kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Để người lao động đáp ứng được đòi hỏi của thị trường lao động thì các yếu tố đầu vào phải tốt. Trong đó chất lượng, năng lực và trình độ của đội ngũ giáo viên là điều kiện tiên quyết. Do vậy, các trường sẽ có biện pháp cụ thể để nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên trên cơ sở đó sẽ nâng cao chất lượng đầu ra.
* Quy mô đào tạo
Quy mô đào tạo có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo. Hàng năm trên cơ sở về nhu cầu của thị trường lao động thì chỉ tiêu tuyển sinh cũng sẽ tăng theo. Bên cạnh đó, để tăng thêm thu nhập cho đội ngũ giáo viên các trường cũng sẽ tăng quy mô đào tạo. Việc tăng quy mô đào tạo sẽ dẫn đến việc lớp quá đông khi trường chưa bố trí đủ giáo viên giảng dạy, giáo viên sẽ không bao quát và không thể đánh giá kết quả học tập của mỗi thành viên trong lớp; không đủ thiết bị cho HSSV thực hành… điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo
* Cơ sở vật chất – trang thiết bị
Cơ sở vật chất – trang thiết bị giảng dạy có vai trò tích cực trong việc hỗ trợ người dạy và người học để nâng cao chất lượng đào tạo. Việc nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật là yêu cầu cấp thiết trong công tác đào tạo ở nước ta hiện nay.
* Tài liệu giảng dạy
Sách giáo khoa, Giáo trình là tài liệu môn học, thông qua bài giảng kết hợp với giáo trình môn học giúp người học có thể tiếp thu bài giảng sâu hơn. Hiện nay ngoài sách giáo khoa, giáo trình tham khảo thì các nhà trường còn khuyến khích tất cả giáo viên tham gia giảng dạy viết tài liệu tham khảo lưu hành nội bộ. Các tài liệu giảng dạy đạt chuẩn thì đòi hỏi người biên soạn phải có kinh nghiệm, có trình độ. Giáo án là kế hoạch chuẩn bị bài giảng của người dạy. Thông qua giáo án người dạy sẽ truyền thụ kiến thức đến với học sinh vì vậy việc chuẩn bị giáo án phải được thực hiện một cách nghiêm túc và cẩn thận nếu như muốn nâng cao chất lượng đào tạo.
* Phương pháp giảng dạy
Dạy học là quá trình người dạy truyền đạt cho người học hệ thống những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo nhằm phát triển năng lực trí tuệ và hình thành thế giới quan cho họ. Đối tượng của quá trình dạy học là người học- con người với sự đa dạng về nhận thức, quan điểm, tình cảm…làm cho quá trình dạy học trở thành hoạt động rất khó khăn, phức tạp. Vì vậy, đối với giáo viên, thời gian và kinh nghiệm giảng dạy là một vốn quý, có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Giảng dạy là quá trình truyền thụ kiến thức, người dạy phải nắm vững kiến thức. Mục tiêu của việc giảng dạy là phải làm cho kiến thức của người dạy trở thành kiến thức của người học, có nghĩa là trò phải tiếp thu tốt kiến thức của thầy. Điều này có quan hệ mật thiết đến phương pháp giảng dạy. Để đạt được mục đích đó, những con người khác nhau sẽ chọn những phương pháp khác nhau phù hợp với năng lực tiếp thu của người học.
* Đội ngũ học sinh, sinh viên
Người học là nhân tố quan trọng nhất, có tính chất quyết định đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực. Trình độ văn hóa, sự hiểu biết, tâm lý cá tính, khả năng tài chính, quỹ thời gian, khả năng tự học… của bản thân người học đều ảnh hưởng sâu sắc tới quy mô và chất lượng đào tạo. Người học cũng phải đạt được những tiêu chuẩn nhất định. Quan trọng nhất là ý thức của người học phải cao, điều này đồng nghĩa với việc người học phải có sự quyết tâm trong quá trình học, đặt ra mục tiêu “học để làm gì”, đây chính là yếu tố quyết định trực tiếp đến chất lượng giảng dạy.