Thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, thực trạng và những đề xuất pháp lý hoàn thiện hiệu quả công tác xét xử.
1. Thực trạng
Từ khi BLTTHS năm 2003 được có hiệu lực, với phần quy định khá chặt chẽ về thẩm quyền xét xử sơ thẩm thì việc áp dụng các quy định đó đã đạt được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu thì vấn đề thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự của Tòa án vẫn còn tồn tại một số điểm bất cập cần phải khắc phục hằm đảm bảo cho quá trình xét xử được diễn ra một cách thuận lợi và chính xác nhất. Cụ thể:
Một là, khoản 2 Điều 170 quy định Tòa án nhân dân tỉnh và Tòa án quân sự quân khu có thẩm quyền xét xử: “…những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp dưới mà mình lấy lên để xét xử.” Khi đọc những từ diễn đạt một điều luật mà có cảm giác như là văn nói, từ “mình” được sử dụng có thể nói là không hợp lí, nó dễ gây cho người đọc có cảm giác quy định mang tính chủ quan hơn chứ không phải là khách quan. Hơn nữa, quy định này không chỉ cụ thể những vụ án như thế nào thì Tòa án cấp trên có quyền lấy lại từ Tòa án cấp huyện để xét xử và cũng không có văn bản nào hướng dẫn thi hành. Trên thực tế, các Tòa án thường căn cứ vào Thông tư liên ngành số 02/TTLN ngày 12/1/1989 của TANDTC; nhưng văn bản này đã hết hiệu lực. Đây là một lỗ hổng trong quy định pháp luật dẫn đến những khó khăn, vướng mắc, thiếu thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, nhiều Tòa án áp dụng tùy tiện, thiếu tính khách quan.
Hai là, Điều 171 quy định về việc phân định thẩm quyền theo lãnh thổ. Hiện nay, các cơ quan tiến hành tố tụng đang rất lúng túng trong việc xác định thẩm quyền xét xử vụ án có yếu tố nước ngoài. Khoản 2 Điều 171 chỉ quy định về vụ án xẩy ra ở nước ngoài mà không quy định những vụ án khác có yếu tố liên quan đến nước ngoài như bị can, bị cáo, người bị hại là người nước ngoài; trường hợp tội phạm vừa phạm tội ở nước ngoài vừa phạm tội ở trong nước…Đoạn 2 khoản 2 Điều 171 quy định: “Bị cáo phạm tội ở nước ngoài, nếu thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự thì do Tòa án quân sự cấp quân khu trở lên xét xử theo quyết định của Chánh án Tòa án quân sự trung ương”. Từ “trở lên” trong câu này không được sử dụng chính xác; nếu xét kĩ chúng ta sẽ thấy có một mâu thuẫn trong quy định này với quy định chung về cấp xét xử sơ thẩm. Theo quy định của pháp luật TTHS nước ta thì cấp xét xử sơ thẩm không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án quân sự trung ương. Mặt khác, cấp Tòa án cao hơn Tòa án quân sự quân khu là Tòa án quân sự trung ương. Vậy, cấp “trở lên” này là cấp nào?
Ba là, Điều 174 quy định về việc chuyển vụ án có câu: “chỉ được chuyển vụ án cho Tòa án khác khi vụ án chưa được xét xử” và ở đoạn dưới lại có câu: “nếu vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án quân sự hoặc Tòa án cấp trên thì vụ án đã được đưa ra xét xử vẫn phải chuyển cho Tòa án có thẩm quyền”. Với cách diễn đạt như thế này sẽ tạo mâu thuẫn trong điều luật, làm cho người sử dụng dễ bị nhầm lẫn, hiểu sai tư tưởng của điều luật dẫn đến áp dụng không chính xác gây hậu quả bất lợi. Hơn nữa, không có quy định trong BLTTHS và văn bản hướng dẫn nào hướng dẫn về trình tự, thủ tục chuyển vụ án hình sự dẫn đến việc thực hiện quy định này thiếu thống nhất. Có trường hợp Tòa án trả về cho Viện kiểm sát để Viện kiểm sát chuyển cho cấp có thẩm quyền truy tố; có trường hợp Tòa án chuyển thẳng cho Tòa án có thẩm quyền.
Bốn là, BLTTHS không phân định rõ thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự. Trong pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự có quy định về thẩm quyền của Tòa án quân sự
Một vấn đề nữa, mặc dù trong Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự có quy định về việc phân biệt thẩm quyền xét xử giữa Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự tuy nhiên đây lại là một văn bản có hiệu lực pháp lý thấp. Hơn nữa, việc xác định thẩm quyền xét xử các vụ án có yếu tố liên quan đến nước ngoài cũng đang gây ra không ít khó khăn và lúng túng cho các Tòa án.
Sở dĩ còn tồn tại một số bất cập xuất phát từ nhiều lý do. Một số nội dung liên quan đến vấn đề này mới chỉ được tìm thấy ở một số văn bản dưới luật, chứ chưa được đưa vào BLTTHS năm 2003, việc các văn bản dưới luật có hiệu lực pháp luật không cao cũng gây cản trở cho việc thực hiện thẩm quyền của các Tòa án. Ngoài ra, do pháp luật luôn đi sau cuộc sống nên có một số trường hợp có thể diễn ra trong thực tế nhưng vẫn chưa được quy định trong BLTTHS năm 2003. Mặt khác, nhận thức pháp luật của một số chủ thể tiến hành tố tụng chưa cao, ý thức trách nhiệm chưa tốt và việc liên tục cập nhật các văn bản mới cũng đang là vấn đề thiếu sót đối với một số chủ thể. Sự liên kết, phối hợp giữa các Tòa án vẫn chưa tốt dẫn đến việc xét xử gặp nhiều khó khăn cản trở.
2. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định về thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự.
2.1 Hoàn thiện Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003
Về cơ bản thì BLTTHS năm 2003 là văn bản pháp luật cơ bản quy định về vấn đề thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Toà án các cấp. Việc hoàn thiện các quy định của pháp luật tố về thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Toà án được thực hiện theo các hướng:
Hoàn thiện quy định về thẩm quyền xét sử sơ thẩm: Hiện nay ở nước ta đang trong giai đoạn thực hiện cải cách tư pháp với trọng tâm là việc xây dựng một hệ thống Toà án không phụ thuộc vào đơn vị hành chính. Vấn đề đặt ra là phải phân định hợp lý thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Toà án gắn với tổ chức Toà án sơ thẩm.
Hoàn thiện quy định của pháp luật về việc chuyển giao vụ án, tạo nên sự thống nhất về nhận thức cũng như thực hiện thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Toà án các cấp.
Hoàn thiện quy định về tranh chấp thẩm quyền xét xử giữa Toà án nhân dân và Toà án quân sự. Trong thực tế đã có văn bản quy định tuy nhiên cần có sự bổ sung các quy định này vào trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 nhằm có được hiệu lực pháp lý cao nhất.
Hoàn thiện các quy định về thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự.
Hiện nay, ở nước ta đang trong quá trình cải cách tư pháp với trọng tâm là việc xây dựng một hệ thống Tòa án không phụ thuộc vào đơn vị hành chính. Tòa án nhân dân được phân thành tòa án sơ thẩm khu vực, tòa án phúc thẩm và tòa án nhân dân tối cao.
Hoàn thiện các quy định về thẩm quyền xét xử, trước hết là phải phân định hợp lý thẩm quyền xét xử sơ thẩm của tòa án gắn với tổ chức và hoạt động của tòa án các cấp thì tổ chức hệ thống tòa án với mô hình mới khác với mô hình trước đây, đang đặt ra nhiều vấn đề quan trọng cần phải xử lý, nhất là đối với việc thành lập tòa án sơ thẩm khu vực.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Về vấn đề liên quan đến quan điểm chỉ đạo đối với việc thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực: Thành lập tòa án sơ thẩm khu vực phải căn cứ vào các chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và cải cách tư pháp nói chung về đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án nói riêng.
Việc thành lập tòa án sơ thẩm khu vực phải trên cơ sở đảm bảo thực hiện nguyên tắc tổ chức quyền lực Nhà nước ta, phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của Tòa án, phải phù hợp với các điều kiện kinh tế xã hội của đất nước, phải đảm bảo tính đồng bộ với cải cách hành chính, đổi mới công tác lập pháp và gắn với đổi mới phương thức lão đạo của Đảng, đảm bảo thực hiện nguyên tắc Tòa án thực hiện chế độ hai cấp xét xử là xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm, đặc biệt trong quá trình khi xét xử phẩm và hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Việc thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực không được phụ thuộc vào đơn vị hành chính cấp huyện, tạo tiền đề để hoàn thiện toàn bộ hệ thống cơ quan tư pháp; tạo điều kiện cho việc khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay trong tổ chức và hoạt động của Tòa án.
Nguyên tắc thành lập tòa án sơ thẩm khu vực: theo nguyên tắc bảo đảm sự thành lập của cấp ủy Đảng và sự giám sát của cơ quan dân cử địa phương đối với tổ chức và hoạt động của Tòa án.
2.2 Hoàn thiện quy định về tranh chấp thẩm quyền xét xử
Hiện nay, tranh chấp về thẩm quyền xét xử chủ yếu xảy ra giữa Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực. Việc giải quyết tranh chấp về thẩm quyền của chánh án tòa án nhân dân tối cao. Tuy nhiên không phải mọi tranh chấp về thẩm quyền trong bất kì giai đoạn tố tụng nào cũng có thể được báo cáo chánh án tòa án nhân dân tối cao và được giải quyết kịp thời. Do vậy, cần quy định một cơ chế đơn giản, mềm dẻo trong phát hiện và giải quyết tranh chấp thẩm quyền xét xử sơ thẩm. Cụ thể:
Thứ nhất, Điều 170 nên có hướng dẫn những vụ án có tính chất như thế nào thì Tòa án nhân dân tỉnh và Tòa án quân sự khu vực được lấy từ Tòa án cấp dưới lên để xét xử tránh xẩy ra sự tùy tiện trong công tác xét xử, không đánh giá được hết tính chất của một vụ án mà việc lấy lên xét xử là cần thiết; thiếu đồng nhất trong việc áp dụng điều luật giữa các Tòa án. Nên để cho Tòa án cấp huyện có quyền tự quyết vụ việc nào thì cần đến sự xét xử của Tòa án cấp trên, vì chỉ có chính Tòa án cấp huyện khi nghiên cứu vụ việc mới thấy hết được tính chất phức tạp của vụ việc và khi thấy mình không đủ điều kiện để giải quyết thì được yêu cầu Tòa án cấp trên xem xét lấy lên xét xử. Từ “mình” trong cụm từ: “…những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp dưới mà mình lấy lên để xét xử.” quy định tại khoản 2 Điều 170 nên được bỏ đi để giọng điệu của điều luật mang tính chất khách quan hơn. Góp ý sửa như sau: “…những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp dưới mà Tòa án lấy lên để xét xử”.
Thứ hai, phải xác định lại các cấp Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự trong hệ thống Tòa án. Quy định tại khoản 1 Điều 170 đã hạn chế thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện, không còn phù hợp với trình độ, cơ sở vật chất của đa số Tòa án cấp huyện hiện nay nữa. Nhiều Tòa án cấp huyện có khả năng xét xử tốt các tội phạm quy định ở Điều luật này như tội xâm phạm an ninh quốc gia thuộc tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng hoặc các tội tại Điều 93, 95, 96, 222, 224, 225, 226, 293, 294, 295, 296, 322 và 323. Nếu mở rộng hơn phạm vi thẩm quyền xét xử sơ thẩm cho Tòa án cấp huyện thì sẽ tận dụng, phát huy được nguồn nhân lực và cơ sở vật chất; tránh lãng phí, tồn đọng án ở Tòa án cấp tỉnh.
Thứ ba, nên quy định riêng giữa thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân với Tòa án quân sự để tránh mâu thuẫn trong cách phân định giữa BLTTHS với Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng xét xử; hạn chế các hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, tranh chấp về thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự; hơn nữa, ảnh hưởng tới lợi ích của bị can, bị cáo và những người liên quan.
Thứ tư, Điều 171 cần quy định đầy đủ, chi tiết hơn các trường hợp vụ việc có yếu tố nước ngoài, quy định rõ thẩm quyền xét xử sơ thẩm các vụ án đó tránh tình trạng lúng túng trong việc xác định thẩm quyền xét xử gây ra những hậu quả xấu cho công tác tố tụng hạn chế sự lúng túng, đùn đẩy trách nhiệm khi có vụ án có yếu tố nước ngoài. Đồng thời nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án Việt Nam trong thời kì hội nhập như hiện nay, đảm bảo xây dựng, phát triển pháp luật Việt Nam nói chung và công tác xét xử nói riêng phù hợp hơn với pháp luật thế giới.
Thứ năm, nên bỏ từ “trở lên” trong đoạn 2 khoản 2 Điều 171: “Bị cáo phạm tội ở nước ngoài, nếu thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự thì do Tòa án quân sự cấp quân khu trở lên xét xử theo quyết định của Chánh án Tòa án quân sự trung ương”. Từ đó có những sửa đổi cho phù hợp và có sự thống nhất hơn với các quy định khác của BLTTHS.
Thứ sáu, nên thống nhất Tòa án nhân dân hoặc Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử toàn bộ vụ án hình sự nếu vụ án hình sự đó vừa có tội phạm, bị can, bị cáo thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân vừa có tội phạm, bị can, bị cáo thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự. Vì khi tách vụ án ra để xét xử thì không đảm bảo được tính thống nhất của một cụ việc. Cho dù có sự tách bạch rõ ràng giữa hành vi phạm tội và tội danh của các bị can, bị cáo thì tính chất của một vụ việc vẫn có sự thống nhất và liên quan nhất định của nó. Quy định tách ra để xét xử theo thẩm quyền vô hình chung làm phức tạp vụ việc lên, gây tốn kém và cũng gây nhiều khó khăn cho bị can, bị cáo và những người liên quan. Nên để cho Tòa án nhân dân xét xử vụ án loại này và có sự tham gia cùng xét xử của thẩm phán Tòa án quân sự ngang cấp.
Thứ bảy, Điều 174 nên được chỉnh sửa lại ngôn từ rõ ràng hơn tránh gây sự nhầm lẫn như Điều luật hiện hành. : “chỉ được chuyển vụ án cho Tòa án khác khi vụ án chưa được xét xử” và ở đoạn dưới lại có câu: “nếu vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án quân sự hoặc Tòa án cấp trên thì vụ án đã được đưa ra xét xử vẫn phải chuyển cho Tòa án có thẩm quyền”. Đoạn 2 Điều 174 nên được sửa như sau: “Được chuyển vụ án cho Tòa án khác khi vụ án chưa được xét xử. Trong trường hợp này, việc chuyển vụ án do Chánh án Tòa án quyết định. Vụ án đã được đưa ra xét xử mới phát hiện thuộc thẩm quyền của Tòa án cùng cấp hoặc cấp dưới thì không phải chuyển. Nếu vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án quân sự hoặc Tòa án cấp trên thì vụ án đã được đưa ra xét xử vẫn phải chuyển cho Tòa án có thẩm quyền. Trong trường hợp này, việc chuyển vụ án do Hội đồng xét xử quyết định.”
Thứ tám, cần phải có một quy định cụ thể về trình tự, thủ tục chuyển vụ án hình sự tránh sự tùy tiện, thiếu thống nhất trong việc chuyển vụ án ở các Tòa án khác nhau. Nên quy định khi Tòa án nhận thấy vụ án hình sự không thuộc thẩm quyền xét xử của mình thì trả lại cho Viện kiểm sát để Viện kiểm sát chuyển cho Viện kiểm sát đúng thẩm quyền tránh tình trạng “chuyển” “trả” lẫn lộn không theo một trình tự, thủ tục chung nào.