Những tài sản thuộc đối tượng được xác lập quyền sở hữu toàn dân? Những tài sản thuộc đối tượng được xác lập quyền sở hữu toàn dân?
Tài sản là những đồ vật mang giá trị nhỏ hoặc lớn, giá trị tinh thần hoặc giá trị tiền bạc. Do vậy tài sản hiện nay rất nhiều và được con người quan tâm. Và bên cạnh những tài sản thuộc quyền sở hữu riêng thì còn tồn tại tài sản thuộc quyền sở hữu toàn dân. Theo đó những tài sản thuộc đối tượng xác lập quyền sở hữu toàn dân bao gồm các loại tài sản nào? Hy vọng bài viết dưới đây có thể giúp bạn đọc hiểu hơn về vấn đề trên.
Căn cứ pháp lý:
- Nghị định 29/2018/NĐ-CP trình tự thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.
Tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.6568
Mục lục bài viết
1. Những tài sản thuộc đối tượng được xác lập quyền sở hữu toàn dân:
Căn cứ tại Điều của Nghị định 29/2018/NĐ-CP quy định các loại tài sản sau đây thuộc đối tượng được xác lập quyền sở hữu toàn dân, cụ thể:
Thứ nhất, tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật bao gồm các loại tài sản:
– Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu như xe máy, ô tô có hành vi vi phạm giao thông, biển hiệu quảng cáo, bàn ghế, nguyên liệu chế biến của các hàng quán kinh doanh không có giấy phép,…
– Vật chứng vụ án, tài sản khác bị tịch thu theo quy định của pháp luật về hình sự, pháp luật về tố tụng hình sự. Ví dụ: Điện thoại, dao, kéo, xe máy giúp các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội như giết người, đua xe, gây thương tích cho người khác…
Thứ hai, Tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy, tài sản không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước theo quy định của Bộ luật dân sự; hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan, gồm:
– Bất động sản vô chủ hoặc không xác định được chủ sở hữu được xác lập quyền sở hữu toàn dân (sau đây gọi là bất động sản vô chủ).
– Tài sản bị đánh rơi, bỏ quên không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận được xác lập quyền sở hữu toàn dân (sau đây gọi là tài sản bị đánh rơi, bỏ quên).
– Tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được phát hiện hoặc tìm thấy thuộc đất liền, các hải đảo và vùng biển Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán mà tại thời điểm phát hiện hoặc tìm thấy không có hoặc không xác định được chủ sở hữu theo quy định của pháp luật (sau đây gọi là tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm).
– Tài sản là di sản không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có người thừa kế nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản hoặc hết thời hiệu yêu cầu chia di sản kể từ thời điểm mở thừa kế mà không có người chiếm hữu theo quy định của pháp luật về dân sự (sau đây gọi là di sản không người thừa kế).
– Tài sản là hàng hóa tồn đọng được lưu giữ tại khu vực cảng, kho, bãi thuộc địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan sau đây gọi chung là hàng hóa tồn đọng.
Thứ ba, tài sản của quỹ xã hội, tài sản của quỹ từ thiện bị giải thể nhưng không có quỹ khác có cùng mục đích hoạt động nhận tài sản chuyển giao hoặc bị giải thể do hoạt động vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thuộc về Nhà nước theo quy định của Bộ luật dân sự (sau đây gọi là tài sản của quỹ bị giải thể). Đây thông thường là những tài sản có giá trị thấp, đã được sử dụng trong một thời gian dài.
Ví dụ: Quỹ từ thiện A hay tổ chức các sự kiện, tuyên truyền để tìm các nhà hảo tâm, mạnh thường quân giúp đỡ bằng tiền bạc hoặc vật chất có giá trị cho những em nhỏ mồ coi, bị bỏ rơi. Tuy nhiên tổ chức này đã lợi dụng để trục lợi cho bản thân. Những tài sản như giường, chiếu, bàn ghế của tổ chức sau khi bị xử lý sẽ bị tịch thu và giao cho tổ chức khác sử dụng chung mục đích là phục vụ quá trình sinh sống, sinh hoạt của các em nhỏ.
Thứ tư, tài sản do tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ nhưng chưa hạch toán ngân sách nhà nước và hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác cho Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là tài sản do chủ sở hữu tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước). Ví dụ: Đợt dịch bệnh Covid diễn ra vừa rồi nhiều mạnh thường quân đã ủng hỗ Nhà nước tiền hoặc máy ô xi nhằm phục vụ cho người bệnh có thêm cơ hội để chữa bệnh và sống sót.
Thứ năm, tài sản do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước Việt Nam theo cam kết sau khi kết thúc thời hạn hoạt động.
Thứ sáu, tài sản được đầu tư theo hình thức đối tác công tư được chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam theo hợp đồng dự án.
Đây là những loại tài sản được xác lập quyền sở hữu của toàn dân. Những loại tài sản này đều được sử dụng để phục vụ cho lợi ích của người dân. Chính vì vậy những loại tài sản này xuất hiện rất nhiều trong đời sống hắng ngày. Và vì là tài sản thuộc quyền sở hữu toàn dân nên bất kỳ cá nhân, công dân Việt Nam đều có thể được sử dụng. Tuy nhiên việc sử dụng phải nhằm đáp ứng cho nhu cầu sử dụng vì lợi ích chung của nhân dân.
2. Quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản:
Căn cứ theo quy định tại Điều 7 của Nghị định 29/2018/NĐ-CP thẩm quyền xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản sẽ được chia theo từng đối tượng tài sản mà có có quan quản lý, ban hành khác nhau. Cụ thể:
Thứ nhất, thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ tài chính quyết định xác lập quyền ở hữu toàn dân về tài sản đối với:
- Tài sản do tổ chức, cá nhân chuyển giao quyền sở hữu cho nhà nước Việt Nam nhưng không thể xác định cụ thể cơ quan, tổ chức, hay đơn vị nào sẽ tiếp nhận tài sản để phục vụ cho hoạt động, nhiệm vụ, công việc của mình. Trừ những tài sản thuộc quyền sở do Bộ trưởng Bộ quốc phòng quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản đối với tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng thuộc lĩnh vực quốc phòng do tổ chức, cá nhân chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước Việt Nam hoặc tài sản chuyên dùng trong lĩnh vực an ninh do tổ chức, cá nhân chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước Việt Nam.
- Tài sản do tổ chức, cá nhân chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước Việt Nam là bất động sản, xe ô tô, các tài sản khác (không phải là bất động sản, xe ô tô) có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản chuyển giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý theo đề nghị của bộ, cơ quan trung ương. Ngoại trừ các loại tài sản thuộc quyền sở do Bộ trưởng Bộ quốc phòng quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản đối với tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng thuộc lĩnh vực quốc phòng do tổ chức, cá nhân chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước Việt Nam hoặc tài sản chuyên dùng trong lĩnh vực an ninh do tổ chức, cá nhân chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước Việt Nam.
Thứ hai, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản đối với tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng thuộc lĩnh vực quốc phòng do tổ chức, cá nhân chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước Việt Nam. Ví dụ trong trường hợp người dân vô tình khai thác hoặc tìm thấy bom mìn, vũ khí chiến tranh, hoặc những loại tài sản được sử dụng để bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Thứ ba, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản đối với tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng thuộc lĩnh vực an ninh do tổ chức, cá nhân chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước Việt Nam. Ví dụ như súng, vũ khí phục vụ cho quá trình đảm bảo an ninh trật tự được người dân nhặt được, vô tình tìm thấy.
Thứ tư, Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản đối với tài sản của quỹ xã hội, tài sản của quỹ từ thiện do Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định giải thể.
Thứ năm, người đứng đầu cụ thể là Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản do tổ chức, cá nhân chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước Việt Nam chuyển giao cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương không thuộc phạm vi quyết định và phân công của Bộ tài chính, Bộ quốc phòng, Bộ công an và đối với tài sản chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam theo hợp đồng dự án đối tác công tư đối với trường hợp cơ quan ký hợp đồng dự án thuộc trung ương quản lý sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính.
Thứ sáu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người có thẩm quyền được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản đối với:
– Tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm; bất động sản vô chủ; bất động sản không có người thừa kế; tài sản bị đánh rơi, bỏ quên là di tích lịch sử – văn hóa; tài sản của các vụ việc xử lý quy định tại Khoản này bao gồm cả bất động sản hoặc di tích lịch sử – văn hóa và động sản.
– Tài sản do tổ chức, cá nhân chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước Việt Nam chuyển giao cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của địa phương, trừ các tài sản quy định tại các Khoản 2 và 3 Điều này.
– Tài sản do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước Việt Nam theo cam kết sau khi kết thúc thời hạn hoạt động.
– Tài sản của quỹ xã hội, tài sản của quỹ từ thiện do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giải thể hoặc do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giải thể theo ủy quyền.
– Tài sản chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam theo hợp đồng dự án đối tác công tư đối với trường hợp cơ quan ký hợp đồng dự án thuộc địa phương quản lý.
Thứ bảy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản đối với tài sản bị đánh rơi, bỏ quên, di sản không người thừa kế không thuộc ài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm; bất động sản vô chủ; bất động sản không có người thừa kế; tài sản bị đánh rơi, bỏ quên là di tích lịch sử – văn hóa; tài sản của các vụ việc xử lý quy định tại Khoản này bao gồm cả bất động sản hoặc di tích lịch sử – văn hóa và động sản.
Thứ tám, Cục trưởng Cục Hải quan quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản đối với hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan.
Như vậy, với quy định nêu trên chúng ta nhận thấy đối với từng loại tài sản khác nhau sẽ dựa theo từng mục đích, bản chất sẽ có cơ quan quản lý cụ thể phù hợp với đúng lĩnh vực của mình, tránh việc đùng đẩy trách nhiệm, không phân rõ quyền hạn mà gây ảnh hưởng đến tài sản và quyền lợi sở hữu của người dân. Hiện nay số lượng tài sản thuộc quyền sở hữu toàn dân khá rộng và nhiều. Nhiều tài sản vẫn chưa thể xác định được cơ quan quản lý và ban hành quyết định xác lập tài sản. Từ đó gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Dương Gia về những tài sản thuộc đối tượng xác lập quyền sở hữu toàn dân. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ theo thông tin bên dưới để được hỗ trợ cụ thể.