Quyền tác giả là quyền được Nhà nước bảo hộ để bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ của tác giả tạo nên tác phẩm được tạo ra. Vậy những tác phẩm nào hiện nay được thực hiện đăng ký bảo hộ quyền tác giả?
Mục lục bài viết
1. Quy định pháp luật về quyền tác giả:
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Văn bản hợp nhất Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 thì quyền tác giả được quy định là quyền của cá nhân hay tổ chức đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
Nhìn nhận dưới góc độ khách thì quyền tác giả có thể được hiểu là tổng hợp những quy phạm pháp luật nhằm xác nhận và bảo vệ quyền của tác giả, của chủ sở hữu quyền tác giả để từ đó xác định được nghĩa vụ của các chủ thể khác trong việc sử dụng các tác phẩm đã được bảo hộ.
Nhìn nhận dưới góc độ chủ quan thì có thể thấy quyền tác giả là một loại quyền dân sự cụ thể của chủ sở hữu là tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả với tác phẩm nhất định. Quyền này bao gồm quyền tài sản và quyền nhân thân. Theo đó:
– Quyền nhân thân được xác định bao gồm các quyền sau:
+ Quyền đặt tên cho tác phẩm;
+ Quyền được đứng tên thật hoặc dùng bút danh trên tác phẩm và khi tác phẩm được công bố;
+ Được quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm của mình;
+ Bảo vệ toàn vẹn tác phẩm.
– Quyền tài sản:
+ Làm tác phẩm phái sinh;
+ Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
+ Sao chép tác phẩm;
+ Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
+ Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;
+ Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.
2. Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả phải đáp ứng những điều kiện nào để được bảo hộ quyền tác giả?
Để được bảo hộ quyền tác giả đối với với tác phẩm của mình tạo ra hoặc sở hữu thì tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả phải đáp ứng được các điều kiện được quy định tại Điều 13 Văn bản hợp nhất Luật sở hữu trí tuệ năm 2022. Cụ thể điều kiện như sau:
– Đối tượng là chủ sở hữu quyền tác giả: Cá nhân, tổ chức có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả bao gồm:
+ Chủ sở hữu quyền tác giả chính là tác giả của tác phẩm được bảo hộ là người đã sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất- kỹ thuật của mình để tạo ra tác phẩm có các quyền nhân thân và quyền tài sản;
+ Chủ sở hữu quyền tác giả là các đồng tác giả là những người cùng nhau sáng tác ra tác phẩm có chung các quyền nhân thân và quyền tài sản;
+ Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng cùng với tác giả tạo ra sản phẩm;
+ Chủ sở hữu quyền tác giả là người thừa kế theo quy định của pháp luật về thừa kế;
+ Chủ sở hữu quyền tác giả là người được chuyển giao một, một số hoặc toàn bộ quyền;
+ Chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước.
– Điều kiện đối với các chủ sở hữu quyền tác giả:
+ Cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà trước đó chưa được công bố ở bất kỳ quốc gia nào hoặc tác phẩm đó được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tác phẩm đó lần đầu tiên được công bố ở quốc gia khác;
+ Cá nhân, tổ chức nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
3. Những tác phẩm nào được đăng ký bảo hộ bản quyền tác giả?
Căn cứ theo quy định tại Điều 14 Văn bản hợp nhất luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 thì các loại hình tác phẩm sau được bảo hộ quyền tác giả là những tác phẩm văn học, khoa học và nghệ thuật. Cụ thể bao gồm:
– Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và các tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác. Ký tự khác ở đây có thể hiểu là sử dụng ký tự chữ nổi cho người khiếm thị, ký hiệu khác thay cho chữ viết mà các đối tượng tiếp cận được những tác phẩm này có thể sao chép được bằng nhiều hình thức khác nhau;
– Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác. Đây là những tác phẩm được thể hiện bằng ngôn ngữ nói và được lưu trữ bằng các hình thức được quy định tại Điều 2 Công ước Berne như ghi âm, ghi hình, điêu khắc, chạm trổ…(còn gọi là hình thức vật chất);
– Tác phẩm là báo chí. Tác phẩm này được thể hiện dưới các loại hình như: phóng sự, tường thuật, phỏng vấn, ký báo chí, ghi nhanh, bình luận, xã luận…chẳng hạn như phóng sự của VTV 24 về cơ sở làm xúc xích bẩn;
– Tác phẩm âm nhạc. Tác phẩm này là tác phẩm được thể hiện bằng bản nhạc thông qua các nốt nhạc hoặc những ký tự âm nhạc hoặc được ghi âm, ghi hình…;
– Tác phẩm sân khấu. Đây là tác phẩm thuộc loại hình biểu diễn nghệ thuật như múa rối, cải lương, chèo, hài sân khấu, xiếc, múa rối,… và những loại hình nghệ thuật biểu diễn trên sân khấu khác;
– Tác phẩm điện ảnh. Đây là tác phẩm được thể hiện dưới dạng hình ảnh động kết hợp hoặc không kết hợp với âm thanh và được thể hiện dưới dạng ngôn ngữ điện ảnh;
– Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng. Theo đó:
+ Tác phẩm tạo hình được thể hiện dưới dạng đường nét tạo hình, màu sắc, bố cục và hình khối như: hội hoạ, đồ hoạ, nghệ thuật điêu khắc và những tác phẩm thể hiện dưới dạng độc bản;
+ Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng là tác phẩm được thể hiện dưới dạng hình khối, đường nét nhưng được ứng dụng hữu ích đến đời sống xã hội như: thiết kế thời trang, thiết kế nội thất, thiết kế đồ trang trí,…;
– Tác phẩm kiến trúc. Tác phẩm này bao gồm các loại hình kiến trúc như: Công trình kiến trúc và Bản vẽ thiết kế kiến trúc về công trình, nội thất, phong cảnh;
– Tác phẩm nhiếp ảnh. Đây là tác phẩm thể hiện bằng hình ảnh, thể hiện thế giới quan thông qua hình ảnh được tạo ra từ phương tiện bắt sáng, máy ảnh hay có thể được tạo ra bằng phương pháp kỹ thuật điện tử khác. Theo đó, tác phẩm điện ảnh có thể có hoặc không có chú thích;
– Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian. Đây được xác định là tác phẩm được sáng tạo tập thể trên nền tảng truyền thống của các cá nhân hoặc nhóm các cá nhân với mục đích phản ánh khát vọng của cộng đồng, thể hiện các tiêu chuẩn và giá trị truyền thống được lưu truyền lại. Việc lưu truyền này được thực hiện thông qua các hình thức như:
+ Điệu hát, làn điệu dân ca âm nhạc;
+ Truyện, thơ, câu đố, câu đối;
+ Nghi thức, nghi lễ và các trò chơi dân gian;
+ Sản phẩm nghệ thuật đồ hoạ, hội hoạ, điêu khắc, nhạc cụ, hình mẫu kiến trúc và các loại hình nghệ thuật khác được thể hiện dưới bất kỳ hình thức vật chất nào…
– Tác phẩm đăng ký bảo hộ là bản hoạ đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc và công trình khoa học;
– Chương trình máy tính và sưu tập dữ liệu. Cụ thể các loại tác phẩm này là:
+ Chương trình máy tính được xác định là những tác phẩm được thể hiện dưới dạng các mã hoá, lược đồ, lệnh hoặc các dạng khác khi gắn vào thiết bị máy tính có thể đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc cụ thể;
+ Sưu tập dữ liệu được xác định là tập hợp có tính sáng tạo thể hiện sự tuyển chọn, sắp xếp của tác giả dưới dạng điện tử hoặc ở dạng khác.
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 14 Văn bản hợp nhất Luật sở hữu trí tuệ năm 2019 thì những tác phẩm được bảo hộ đã phân tích trên phải lưu ý một số điểm sau:
– Không được gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh;
– Tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả phải do tác giả trực tiếp sáng tạo ra bằng sức lao động của mình, bằng trí tuệ mà không được sao chép từ tác phẩm của người khác.
4. Đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 15 Văn bản hợp nhất Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 thì những tác phẩm sau không được đăng ký bảo hộ quyền tác giả:
– Tin tức thời sự được đưa tin thuần tuý;
– Hệ thống, phương pháp hoạt động, quy trình, khái niệm, nguyên lý và số liệu;
– Các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, các văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và những bản dịch chính thức của những văn bản pháp luật đó.
Những tác phẩm trên là những tác phẩm mang tính truyền thông, được công bố và áp dụng cho hầu hết mọi đối tượng được điều chỉnh bắt buộc nên không thuộc phạm vi được bảo hộ quyền tác giả theo quy định của pháp luật hiện hành.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết: Văn bản hợp nhất luật Sở hữu trí tuệ năm 2022.