Những hiểu biết về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành
Về bồi thường thiệt hại, pháp luật hiện hành của Việt Nam có hai văn bản: Luật số 35/2009/QH 12 về Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Bộ luật Dân sự (BLDS) Việt Nam đã dành hẳn một chương – Chương XXI, với 27 điều ( từ Điều 604 – 630) để quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Ngoài những điều đã được quy định trong Bộ luật dân sự 2005 cần phải tham chiếu đầy đủ Luật về Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, đặc biệt là những quy định tại Chương V.
Khi áp dụng các quy định của pháp luật về mức bồi thường thiệt hại, cần phải xem xét thực tế và tùy vào từng trường hợp cụ thể mà quyết định: mức độ lỗi của người gây ra thiệt hại và người bị thiệt hại, khả năng kinh tế thực tế của người gây thiệt hại để Tòa án quan tâm xem có nên giảm mức bồi thường hay giữ nguyên mức bồi thường, như vậy thì quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự mới được bảo đảm tuyệt đối. Người gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do lỗi cố ý mà mình gây ra, còn nếu vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài thì có thể được giảm mức bồi thường hoặc có thể chỉ phải bồi thường thấp hơn mức thiệt hại của người bị thiệt hại cũng có lỗi.
Việc xét mức bồi thường thiệt hại như thế nào cũng là một vấn đề cần bàn đến, đó là khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì các đương sự có quyền làm đơn yêu cầu thay đổi mức bồi thường. Thông thường những khoản mà đương sự đưa ra đề nghị được thay đổi là thu nhập bị mất, thu nhập bị giảm sút, tiền cấp dưỡng. Trong Luật dân sự 2005 thì tiền cấp dưỡng là khoản tiền kéo dài theo thời gian ( có trường hợp cho đến khi trưởng thành, có trường hợp cho đến khi chết) cho nên không thể tính toán được chính xác trong một thời gian dài như vậy được, trường hợp yêu cầu thay đổi mức bồi thường có thể xảy ra do yêu cầu của người gây thiệt hại, có thể do yêu cầu của người bị thiệt hại.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Đối với trường hợp người gây thiệt hại vì một lý do khách quan họ có thể có thu nhập cao hơn thời điểm xét xử hoặc có thể được thừa kế tài sản… nên người bị thiệt hại có quyền yêu cầu người gây thiệt hại đền bù một khoản tương xứng với hậu quả đã gây ra. Ngược lại, nếu người gây thiệt hại lâm vào hoàn cảnh khó khăn phải nuôi dưỡng bố mẹ già, con nhỏ dại,… họ có quyền được yêu cầu giảm mức bồi thường để vừa có khả năng chấp hành bản án vừa đảm bảo được cuộc sống cho gia đình. Theo khoản 2 Điều 609 Bộ luật dân sự 2005 “Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.”
Và khoản 2 Điều 610 Bộ luật dân sự 2005 đã quy định về tổn thất về tinh thần “Người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Ðiều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định” .
Như vậy, Luật dân sự 2005 chỉ mới quy định mức bồi thường tối đa không quá 30 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định đối với bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm và không quá 60 tháng lương tối thiểu đối với bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm. Điều luật chỉ quy định mức tối đa mà không quy định mức tối thiểu là bao nhiêu cho nên khi quyết định mức bồi thường cho từng vụ án rất khó khăn, một vụ án khi quyết định mức bồi thường khởi điểm là bao nhiêu. Từ đó, dẫn đến nhiều vụ án có mức bồi thường chênh lệch rất xa nhau. Do đó, cần phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định mức bồi thường tối thiểu bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm, mức bồi thường tối thiểu bù đắp tổn thất về tinh thần do tính mạng bị xâm phạm một cách cụ thể hơn. Tạo nhiều điều kiện trong áp dụng pháp luật.