Khái quát về giám đốc thẩm và phiên toà giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự? Những người tham gia phiên toà giám đốc thẩm theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự?
Giám đốc thẩm là thủ tục đặc biệt trong tố tụng dân sự nhằm xét lại bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị giám đốc thẩm khi thoả mãn các căn cứ luật định, nhằm đảm bảo quyền lợi cho đương sự, lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước. Chính vì là thủ tục đặc biệt, do đó, so với hai cấp xét xử là sơ thẩm và phúc thẩm, phiên toà giám đốc thẩm sẽ có những đặc trưng khác biệt, trong đó phải kể đến quy định về những người tham gia phiên toà giám đốc thẩm. Đây cũng là nội dung trọng tâm, sẽ được Luật Dương Gia phân tích và bình luận trong bài viết dưới đây: Những người tham gia phiên tòa giám đốc thẩm dân sự.
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
1. Khái quát về giám đốc thẩm và phiên toà giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự?
Theo Từ điển Tiếng Việt, “giám đốc” là “giám sát và đôn đốc”, “thẩm” là “xét kỹ”, “giám đốc thẩm” là “Toà án có thẩm quyền xét lại các bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp dưới khi bị kháng nghị trên cơ sở phát hiện có sai lầm trong việc điều tra, xét xử vụ án”.
Trong lĩnh vực khoa học pháp lý, các tác giả đã đưa ra những khái niệm khác nhau với những góc độ tiếp cận, quan điểm, nhìn nhận về căn cứ, phạm vi, đối tượng, mục đích của giám đốc thẩm khác nhau.
Dưới góc độ pháp lý, khái niệm giám đốc thẩm được đưa ra tại Điều 325 Bộ luật tố tụng dân sự, theo đó, “giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị giám đốc thẩm khi có căn cứ quy định tại Điều 326 của Bộ luật này.”
Giám đốc thẩm dân sự là một hình thức kiểm tra, giám đốc xét xử đặc biệt có nhiệm vụ kiểm tra và hủy bỏ các bản án, quyết định dân sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nếu bán án, quyết định đó không đảm bảo tính hợp pháp. Tòa án có thẩm quyền không xử lạ vụ việc mà chỉ đối chiếu bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật với quy định của pháp luật xem có phù hợp với tinh thần điều luật hay không, việc xét xử có đúng thủ tục tố tụng hay không.
Cần lưu ý rằng, đối tượng giám đốc thẩm dân sự là bản án, quyết định của Tòa án mà không phải là các vụ án, đặc biệt, các bản án, quyết định dân sự của Tòa án là đã có hiệu lực pháp luật. Đối tượng của thủ tục giám đốc thẩm ở các nước sẽ có những nét khác nhau, tùy thuộc vào quan điểm và lịch sử lập pháp của nước đó. Chẳng han, đối tường của việc xem xét lại vụ án của Tòa án tối cao Hoa Kỳ là các phán quyết cuối cùng của Tòa phúc thẩm liên bang hoặc Tòa án cao nhất của bang. Ở pháp, bên cạnh các bản án chung thẩm thì các biện pháp thẩm cứu hoặc một biện pháp tạm thời cũng là đối tượng của thủ tục giám đốc thẩm.
Phiên tòa giám đốc thẩm là hình thức hoạt động xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị của Tòa án. Bản chất của phiên tòa không được biểu hiện nhiều dưới hình thức phiên tòa giám đốc thẩm.
Hiểu rõ hơn thì, phiên tòa giám đốc thẩm dân sự là phiên tòa do Ủy ban Thẩm phán
2. Những người tham gia phiên toà giám đốc thẩm theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự?
Điều 338 Bộ luật tố tụng dân sự quy định như sau:
“1. Phiên tòa giám đốc thẩm phải có sự tham gia của Viện kiểm sát cùng cấp.
2. Trường hợp xét thấy cần thiết, Tòa án triệu tập đương sự hoặc người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác có liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa giám đốc thẩm; nếu họ vắng mặt tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm vẫn tiến hành phiên tòa.”
Trong thủ tục giám đốc thẩm dân sự thì sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát là nguyên tắc có tính chất bắt buộc. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao hoặc kiểm sát viên được Viện trưởng uỷ quyền tham gia phiên tòa giám đốc thẩm của Uỷ ban thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao. Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao hoặc Kiểm sát viên được Viện trưởng uỷ quyền tham gia phiên tòa giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Trong quá trình tham gia phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát phải thực hiện các hoạt động nhất định như thay mặt Viện kiểm sát phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động giám đốc thẩm của tòa án. Tại phiên tòa, kiểm sát viên phát biểu ý kiến của viện kiểm sát về quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Trong trường hợp kháng nghị giám đốc thẩm do Viện trưởng Viện kiểm sát ban hành thì kiểm sát viên phát biểu để làm rõ, bảo vệ kháng nghị giám đốc thẩm.
Nhìn chung, sự có mặt của Viện kiểm sát tại phiên tòa giám đốc thẩm có ý nghĩa trong việc kiểm soát hoạt động tố tụng của tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm, vì vậy nếu đã là nguyên tắc thì nếu vắng mặt đại diện Viện kiểm sát thì phải hoãn phiên tòa.
Hầu hết các phiên tòa giám đốc thẩm không có mặt những người tham gia tố tụng như nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng,….Tuy nhiên, điều này không mang tính tuyệt đối, trong trường hợp cần thiết Tòa án vẫn có thể triệu tập các chủ thể này.
Trong thủ tục sơ thẩm sự có mặt của nguyên đơn là bắt buộc, trong thủ tục phúc thẩm sự thì sự tham gia của nguyên đơn, bị đơn cũng là nguyên tắc được đề cao nhưng mức độ đã giảm so với thủ tục sơ thẩm. Trong thủ tục giám đốc thẩm dân sự thì sự tham gia của nguyên đơn, bị đơn rất hạn chế. Thông thường, họ chỉ gửi đơn khiếu nại, tài liệu bổ sung thong qua đường bưu điện cho Tòa án, trong trường hợp thật đặc biệt mới được đại diện Tòa án, Viện kiểm sát gắp gỡ để trình bày trực tiếp.
Việc pháp luật tố tụng không đề cao vai trò của nguyên đơn, bị đơn do đặc thù của giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật chứ không phải xét xử vụ án. Mặt khác, các bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật đã được xét xử qua ít nhất là một lần, nhiều là hai lần, cho nên về mặt chứng cứ, tài liệu đã có điều kiện để tạp hợp, phân tích đầy đủ.
Chính vì vai trò của đương sự trong phiên tòa giám đốc thẩm mờ nhạt làm cho việc giải quyết vụ án ở giai đoạn giám đốc thẩm nhiều khi còn mang tính chất một chiều, cơ quan tiến hành tố tụng không lắng nghe được ý kiến đa chiều của đương sự để có phân tích đánh giá thật khách quan để đưa ra phân tích chính xác.
Đối với người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, sự tham gia và vai trò của chủ thể này trong thủ tục giám đốc thẩm không được xác lập và đề cao như ở giai đoạn sơ thẩm, phúc thẩm. Hoạt động của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự ở giai đoạn giám đốc thẩm không được coi trọng.
Tuy nhiên, ở một chừng mức nhất định, có thể thấy đây là sự hạn chế, bởi vai trò của “luật sư” trong tố tụng dân sự là rất quan trọng, sự tham gia của họ vào quá trình giải quyết vụ án dân sự là nhân tố để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, đồng thời tạo điều kiện để Tòa án giải quyết vụ án dân sự một cách chính xác. Vai trò hạn chế của luật sư đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng chuyên môn trong giai đoạn giám đốc thẩm.
Vai trò hoạt động mờ nhạt của luật sư trong giai đoạn giám đốc thẩm sẽ là một thiệt thòi cho các bên đương sự, đồng thời là một khó khắn cho cơ quan tiến hành tố tụng khi đưa ra phán quyết vì phán quyết được đưa ra không có sự phản biện dân chủ và khách quan của luật sự nên nhiều khi mang tính phiến diên, một chiều, dễ xảy ra sai lầm.
Pháp luật tố tụng một số nước trên thế giới cho phép sự tham gia tích cực của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự như Pháp, Hoa Kỳ,…Điều này có thể là tác động trong sự thay đổi quan điểm của nhà làm luật trong việc sửa đổi, bổ sung quy định về sự tham gia của người tham gia tố tụng đặc biệt ở Việt Nam.
Tuy nhiên, những người tham gia tố tụng như người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự cũng chỉ là người gắn với đương sự, sự thay đổi trước hết phải là sự có mặt của đương sự trong phiên toà giám đốc thẩm khi đó mới dẫn đến những sự thay đổi tiếp theo.