Pháp luật quy định nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của phạm nhân và người chấp hành xong hình phạt tù. vậy những nghĩa vụ của người chấp hành xong án phạt tù được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Những nghĩa vụ của người chấp hành xong án phạt tù:
Căn cứ Điều 62 Luật Thi hành án hình sự 2019 thì nghĩa vụ của người chấp hành xong án phạt tù bao gồm những nghĩa vụ sau (áp dụng đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện):
– Thực hiện nghiêm chính cam kết trong việc tuân thủ pháp luật, nghĩa vụ công dân, các nội quy, quy chế của nơi cư trú, nơi làm việc, học tập.
– Trình diện và cam kết theo đúng quy định, cụ thể:
+ Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày chấp hành xong án phạt tù, người chấp hành xong án phạt tù (người được tha tù trước thời hạn có điều kiện) sẽ phải trình diện Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội đã được giao quản lý để cam kết chấp hành nghĩa vụ, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan. Trường hợp hết thời hạn 05 ngày mà người chấp hành xong án phạt tù (người được tha tù trước thời hạn có điều kiện) mà không trình diện, Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội triệu tập người đó đến trụ sở để người đó cam kết việc chấp hành nghĩa vụ. Trường hợp người đó không có mặt theo đúng thời hạn triệu tập hoặc không thực hiện cam kết thì Công an cấp xã, đơn vị quân đội lập biên bản vi phạm nghĩa vụ.
+ Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, báo cáo lên cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu về kết quả việc trình diện và cam kết của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.
– Chịu sự quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội đã được giao quản lý.
– Chấp hành quy định khi mà vắng mặt tại nơi cư trú, cụ thể:
+ Người chấp hành xong án phạt tù (người được tha tù trước thời hạn có điều kiện ) có thể được vắng mặt tại nơi cư trú nếu có lý do chính đáng và phải xin phép theo quy định của pháp luật, phải thực hiện khai báo tạm vắng theo quy định của pháp luật về cư trú hiện hành. Thời gian vắng mặt tại nơi cư trú được tính vào thời gian thử thách nhưng mỗi lần sẽ không được quá 60 ngày và tổng số thời gian vắng mặt tại nơi cư trú không được vượt quá một phân ba của thời gian thử thách, trừ trường hợp người này bị bệnh phải điều trị tại cơ sở y tế theo chỉ định của bác sỹ và phải có xác nhận điều trị của cơ sở y tế đó.
+ Người chấp hành xong án phạt tù (người được tha tù trước thời hạn có điều kiện) khi mà vắng mặt tại nơi cư trú phải có đơn xin phép và được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã, của đơn vị quân đội mà đã được giao quản lý, trường hợp không đồng ý thì Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội phải trả lời bằng văn bản cho người đó và nêu rõ lý do. Người chấp hành xong án phạt tù (người được tha tù trước thời hạn có điều kiện) khi mà đến nơi cư trú mới phải trình báo với Công an cấp xã nơi mình đến tạm trú, lưu trú; khi đã hết thời hạn tạm trú, lưu trú phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc là của Công an cấp xã nơi tạm trú, lưu trú. Trường hợp người chấp hành xong án phạt tù (người được tha tù trước thời hạn có điều kiện) có vi phạm pháp luật, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đến tạm trú, lưu trú phải gửi thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý.
+ Người chấp hành xong án phạt tù (người được tha tù trước thời hạn có điều kiện) không được xuất cảnh trong thời gian thử thách.
– Hằng tháng, người chấp hành xong án phạt tù (người được tha tù trước thời hạn có điều kiện) sẽ phải báo cáo bằng văn bản với Ủy ban nhân dân cấp xã, với đơn vị quân đội được giao quản lý về tình hình chấp hành các nghĩa vụ của mình. Trường hợp vắng mặt thì khi đã hết thời hạn vắng mặt sẽ phải báo cáo về tình hình chấp hành nghĩa vụ của mình.
2. Quyền của người chấp hành xong án phạt tù:
2.1. Quyền được thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng:
– Thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng nhằm để định hướng, khuyến khích cộng đồng xã hội tham gia giáo dục, giúp đỡ, xóa bỏ về định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chấp hành xong hình phạt tù; nâng cao về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa việc tái phạm tội, có vi phạm pháp luật của người chấp hành xong hình phạt tù.
– Nội dung của thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng:
+ Chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tái hòa nhập cộng đồng đối với những người chấp hành xong hình phạt tù;
+ Quyền và nghĩa vụ của công dân, quyền và nghĩa vụ của người chấp hành xong hình phạt tù đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật;
+ Biện pháp, kinh nghiệm tốt, mô hình, điển hình tiên tiến ở trong quản lý, giáo dục, giúp đỡ, đấu tranh xóa bỏ về định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chấp hành xong hình phạt tù;
+ Nhân tố tích cực tham gia thực hiện những biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng và những gương hoàn lương, tiến bộ tiêu biểu;
+ Các nội dung khác mà có liên quan đến việc bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù.
– Hình thức của thông tin, truyền thông, giáo dục:
+ Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở, mạng internet, các trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức có liên quan;
+ Phát hành những ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền;
+ Thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt cộng đồng, tư vấn, giáo dục cá biệt do báo cáo viên, do tuyên truyền viên, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể ở địa phương tổ chức;
+ Thông qua những loại hình văn hóa truyền thống, văn hóa quần chúng, sáng tác văn học, nghệ thuật;
+ Những hình thức thông tin, truyền thông giáo dục khác.
2.2. Trợ giúp về tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý:
– Trợ giúp về tâm lý nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù xây dựng được niềm tin, nghị lực, ý chí phấn đấu tái hòa nhập cộng đồng và phòng tránh những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật. Nội dung trợ giúp về tâm lý gồm có: tư vấn xóa bỏ mặc cảm tự ti; rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng hòa nhập cộng đồng; nâng cao về khả năng tự giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong những quan hệ xã hội. Trợ giúp về tâm lý được thực hiện ngay khi mà người chấp hành xong hình phạt tù trở về nơi cư trú, thông qua các hình thức sau:
+ Tổ chức về tư vấn riêng, tư vấn nhóm;
+ Cung cấp các thông tin, tài liệu trên cơ sở nhu cầu cần được trợ giúp của người chấp hành xong hình phạt tù;
+ Thông qua các buổi nói chuyện, sinh hoạt cộng đồng, diễn đàn với chủ đề về những nội dung người chấp hành xong hình phạt tù cần được trợ giúp;
+ Tư vấn thông qua mạng xã hội, trang thông tin điện tử, email, điện thoại và những phương tiện thông tin, truyền thông khác.
– Người chấp hành xong hình phạt tù được hỗ trợ, hướng dẫn những thủ tục pháp lý cần thiết khi là người tham gia tố tụng hình sự; là đương sự tham gia trong tố tụng dân sự, hành chính; khi thực hiện những giao kết hợp đồng dân sự; làm thủ tục đề nghị Tòa án ra quyết định xóa án tích, đề nghị được cấp Phiếu lý lịch tư pháp và thực hiện các thủ tục hành chính khác theo quy định của pháp luật.
2.3. Đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm cho những người chấp hành xong hình phạt tù:
– Người chấp hành xong hình phạt tù tham gia đào tạo nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, dưới 03 tháng sẽ được miễn, giảm học phí, hưởng chính sách nội trú, được hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn và tiền đi lại nếu như thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp theo các quy định của pháp luật hiện hành. Trường hợp người chấp hành xong hình phạt tù mà không thuộc đối tượng hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định của pháp luật thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho các đối tượng này.
– Người chấp hành xong hình phạt tù được vay vốn đào tạo nghề nghiệp theo các quy định của pháp luật về tín dụng đối với học sinh, sinh viên; được vay vốn tạo việc làm từ ở Quỹ quốc gia về việc làm, được ưu tiên đăng ký tham gia các chính sách việc làm công theo quy định của pháp luật về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm. Căn cứ vào tình hình kinh tế – xã hội của địa phương, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với những cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sử dụng những nguồn tín dụng khác để hỗ trợ cho vay ưu đãi đối với những người chấp hành xong hình phạt tù để phát triển sản xuất, tạo việc làm.
– Người chấp hành xong hình phạt tù dưới 18 tuổi được ưu tiên đào tạo nghề và được hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm; trẻ em chấp hành xong hình phạt tù được thực hiện những biện pháp hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ phù hợp theo quy định của pháp luật.
– Căn cứ nhu cầu của người chấp hành xong hình phạt tù và thực tiễn thị trường lao động, khi đó Trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí cho những người chấp hành xong hình phạt tù; theo dõi, báo cáo về tình trạng việc làm của người chấp hành xong hình phạt tù do trung tâm giới thiệu với các cơ quan quản lý nhà nước về dịch vụ việc làm.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Thi hành án hình sự 2019.
– Nghị định 49/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thi hành án Hình sự về tái hòa nhập cộng đồng.