Ngành học là gì? Quy định về học phí? Những ngành học mà sinh viên được miễn, giảm học phí?
Với mục đích bảo tồn, duy trì và phát triển những ngành học có tính đặc thù hoặc những ngành học theo thống kê là ít thu hút các thí sinh nên nhà nước cũng như một số cơ sở giáo dục đào tạo cũng đã xây dựng nên các chính sách về hỗ trợ học phí và các hỗ trợ khác dành cho những sinh viên lựa chọn học những ngành đó. Vậy những ngành học mà sinh viên được miễn, giảm học phí là những ngành học nào?.
Căn cứ pháp lý:
– Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý và chính sách giảm học phí;
Luật sư
Mục lục bài viết
1. Ngành học là gì?
Ngành học hay còn gọi là ngành đào tạo, ngành học chính là tập hợp những kiến thức và kỹ năng chuyên môn kể cả lý thuyết lẫn thực tế của một lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp nào đó. Trong một ngành học sẽ có những chuyên ngành đào tạo khác nhau và các chuyên ngành đào tạo đó chính là tập con của ngành học. Chuyên ngành đào tạo là một tập hợp những kiến thức và kỹ năng chuyên môn được đào tạo chuyên sâu của một ngành đào tạo.
Trong các trường giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học (đại học, cao đẳng, trung cấp,..) sẽ thực hiện các mục đích, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đó là đào tạo các ngành học và chuyên ngành học khác nhau. Một số ví dụ về các ngành học như là: Ngành học Quản trị kinh doanh; ngành học Luật; ngành Thiết kế thời trang; ngành Công nghệ thông tin.
2. Quy định về học phí:
2.1. Học phí là gì?
Học phí chính là một khoản tiền mà người học phải chi trả cho cơ sở giáo dục mà mình đang theo học. Học phí là một trong những khoản tiền nằm trong giá dịch vụ lĩnh vực giáo dục đào tạo. Tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý và chính sách giảm học phí quy định:
“1. Giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo là số tiền người sử dụng dịch vụ phải trả cho từng dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, bao gồm: học phí (theo các cấp học và trình độ đào tạo) và giá các dịch vụ khác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (giá dịch vụ tuyển sinh; giá dịch vụ kiểm định chất lượng giáo dục; giá cấp phát các loại phôi văn bằng, chứng chỉ; giá dịch vụ hỗ trợ đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực thông qua việc nghiên cứu xây dựng chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch về đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội; giá dịch vụ điều tra, phân tích và dự báo nhu cầu nhân lực thông qua việc kết nối cơ sở đào tạo với đơn vị sử dụng lao động nhằm khai thác các nguồn lực cho hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực; giá dịch vụ bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; giá dịch vụ tư vấn cho các tổ chức, cá nhân xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, tham gia bồi dưỡng phát triển các kỹ năng cần thiết cho người học; giá các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo)”.
Như vậy, khi một sinh viên theo học tại các cơ sở đào tạo ngành học, họ không những phải chi trả học phí cho các cơ sở đó mà họ còn phải chi trả những những khoản phí khác nữa như chi phí về xây dựng kế hoạch, chi phí về cấp phát các loại phôi bằng, chứng chỉ,…cho cơ sở đào tạo.
Tại khoản 2 Điều 3 Nghị định này cũng quy định:
“Học phí là khoản tiền mà người học phải nộp để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo. Mức học phí được xác định theo lộ trình bảo đảm chi phí dịch vụ giáo dục, đào tạo quy định tại Nghị định này”.
2.2. Nguyên tắc xác định học phí tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập và cơ sở giáo dục dân lập, tư thục:
Giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo bao gồm cả học phí sẽ được điều chỉnh dựa theo lộ trình phù hợp tương xứng với chất lượng dịch vụ giáo dục, đào tạo tuy nhiên tỷ lệ tăng mức giá dịch vụ không được vượt quá 15%/năm.
– Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập:
+ Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên sẽ phải xác định mức học phí tại cơ sở mình theo nguyên tắc không được vượt quá mức trần học phí theo quy định của pháp luật. Mức trần học phí năm học 2022-2023, cụ thể như sau:
– Nhóm ngành nghề khoa học xã hội nhân văn, nghệ thuật, giáo dục và đào tạo, báo chí, thông tin và kinh doanh: mức trần là 1.248.000 đồng/sinh viên/tháng
– Nhóm ngành Khoa học, pháp luật và toán: mức trần là 1.326.000 đồng/sinh viên/tháng
– Nhóm ngành nghề Kỹ thuật và công nghệ thông tin: mức trần là 1.870.000 đồng/sinh viên/tháng
– Nhóm ngành nghề Sản xuất, chế biến và xây dựng: mức trần là 1.794.000 đồng/sinh viên/tháng
– Nhóm ngành nghề Nông, lâm, ngư nghiệp và thú y: mức trần là 1.287.000 đồng/sinh viên/tháng
– Nhóm ngành nghề Sức khỏe: mức trần là 2.184.000 đồng/sinh viên/tháng
– Nhóm ngành nghề Dịch vụ, du lịch và môi trường: mức trần là 1.560.000 đồng/sinh viên/tháng
– Nhóm ngành nghề An ninh, quốc phòng: mức trần là 1.716.000 đồng/sinh viên/tháng
+ Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên được xác định mức thu học phí của từng ngành dựa theo hệ số điều chỉnh so với mức trần học phí được quy định đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên
+ Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được tự mình xác định mức thu học phí để đảm bảo bù đắp chi phí, có tích lũy theo quy định của pháp luật.
– Đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập:
+ Các cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và các cơ sở giáo dục đại học công chưa tự bảo đảm chi thường xuyên được xác định mức học phí không được vượt mức trần học phí mà pháp luật quy định. Mức trần học phí năm 2022-2023, cụ thể như sau:
– Đối với khối ngành I: Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên: mức trần là 1.250.000 đồng/sinh viên/tháng
– Đối với Khối ngành II: Nghệ thuật: mức trần là 1.200.000 đồng/sinh viên/tháng
– Đối với Khối ngành III: Kinh doanh và quản lý, pháp luật: mức trần là 1.250.000 đồng/sinh viên/tháng
– Đối với Khối ngành IV: Khoa học sự sống, khoa học tự nhiên: mức trần là 1.350.000 đồng/sinh viên/tháng
– Đối với Khối ngành V: Toán và thống kê, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sản xuất và chế biến, kiến trúc và xây dựng, nông lâm nghiệp và thủy sản, thú y: mức trần là 1.450.000 đồng/sinh viên/tháng
– Đối với Khối ngành VI.1: Các khối ngành sức khỏe khác: mức trần là 1.850.000 đồng/sinh viên/tháng
– Đối với Khối ngành VI.2: Y dược: mức trần là 2.450.000 đồng/sinh viên/tháng
– Đối với Khối ngành VII: Nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, du lịch, khách sạn, thể dục thể thao, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường: mức trần là 1.200.000 đồng/sinh viên/tháng.
+ Các cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được tự xác định mức thu học phí của từng ngành theo hệ số điều chỉnh so với mức trần học phí được quy định đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên.
+ Đối với các chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học công lập mà đạt mức kiểm định chất lượng của chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hoặc đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn của nước ngoài hoặc tương đương thì các cơ sở giáo dục đại học được tự mình xác định mức thu học phí của chương trình đó dựa trên cơ sở định mức kinh tế – kỹ thuật mà nhà nước ban hành và cơ sở giáo dục phải tự thực hiện công khai giải trình với người học, xã hội.
– Đối với cơ sở giáo dục dân lập, tư thục: Các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục được tự quyền chủ động xây dựng lên mức thu học phí cho cơ sở mình và giá các dịch vụ khác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo để bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý, các cơ sở giáo dục này phải có trách nhiệm công khai minh bạch, giải trình với người đăng ký học và xã hội về mức thu học phí, giá các dịch vụ do cơ sở của mình quyết định.
3. Những ngành học mà sinh viên được miễn, giảm học phí?
3.1. Các ngành học sinh viên được miễn học phí:
Căn cứ điều 15 Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý và chính sách giảm học phí, thì những ngành học sau đây sẽ được miễn phí cho các sinh viên:
– Chuyên ngành Tư tưởng Hồ Chí Minh và Mác-Lê nin;
– Các chuyên ngành về Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y tâm thần, Giám định pháp Y, Giải phẫu bệnh tại các cơ sở giáo dục đào tạo công lập theo chỉ tiêu đặt hàng của Nhà nước.
3.2. Các ngành học sinh viên được giảm học phí:
Ngoài những ngành học được liệt kể ở trên sinh viên được miễn hoàn toàn học phí thì còn có những ngành học khác được giảm học phí lên đến 70% cho các sinh viên, cụ thể tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý và chính sách giảm học phí thì những ngành học được giảm 70% bao gồm:
– Các ngành về nghệ thuật truyền thống và đặc thù tại các cơ sở giáo dục mà có đào tạo về văn hóa – nghệ thuật:
+ Ngành Nhạc công kịch hát dân tộc;
+ Ngành Nhạc công truyền thống của Huế;
+ Ngành Đờn ca tài tử Nam Bộ;
+ Ngành Diễn viên sân khấu kịch hát;
+ Ngành nghệ thuật biểu diễn dân ca;
+ Ngành nghệ thuật ca trù;
+ Ngành nghệ thuật bài chòi;
+ Ngành biểu diễn nhạc cụ truyền thống.
– Các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, tuồng, chèo, cải lương, múa, xiếc.
– Các ngành nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với giáo dục nghề nghiệp nằm trong danh mục nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành.
Ngoài ra, tại các cơ sở giáo dục đào tạo cũng có thể tự đưa ra các chính sách riêng quy định miễn giảm học phí cho từng ngành của cơ sở mình, ví dụ như:
– Từ năm học 2022-2023 trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra chính sách hỗ trợ 35% học phí cho 09 ngành như ngành Triết học, ngành Tôn giáo học, ngành Lịch sử, ngành Địa lý, ngành Thông tin – thư viện, ngành Lưu trữ học, ngành ngôn ngữ Italia, Tây Ban Nha và Nga.
– Từ năm học 2022-2023 trường Đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra chính sách hỗ trợ cấp học bổng toàn phần 100% và học bổng 50% cho năm học đầu tiên thuộc các ngành Vật lý học; ngành Hải dương học; ngành Kỹ thuật hạt nhân; ngành Địa chất học; ngành Kỹ thuật địa chất; ngành Khoa học môi trường; ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường.