Các giấy tờ cần mang theo khi tham gia giao thông? Mức phạt khi không mang đủ giấy tờ khi tham gia giao thông?
Tai nạn giao thông luôn là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, hàng ngày mỗi khi ra đường hay nghe tin tức, chúng ta thật đau lòng khi phải tiếp nhận những tin tức đau thương về tai nạn giao thông cướp đi mạng sống của biết bao con người, thiệt hại về người và tài sản là những nỗi đau không thế nào thống kê hết được. Để ngăn chặn tối thiểu những vụ việc đau lòng do tai nạn giao thông gây ra, pháp luật ngày càng xử phạt nghiêm những hành vi vi phạm để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Rất nhiều người khi tham gia giao thông mà không chấp hành đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là lỗi không mang đủ giấy tờ. Vậy khi tham gia giao thông cần mang theo những giấy tờ nào? Không mang đủ giấy tờ sẽ bị xử lý ra sao? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc có câu trả lời cho những băn khoăn đó.
Căn cứ pháp lý:
–
– Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng
–
– Thông tư 12/2017/TT-BGVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Mục lục bài viết
- 1 1. Các giấy tờ cần mang theo khi tham gia giao thông:
- 2 2. Mức phạt khi không mang đủ giấy tờ khi tham gia giao thông:
- 2.1 2.1. Mức phạt tiền khi không mang Giấy phép lái xe:
- 2.2 2.2. Mức phạt khi không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự:
- 2.3 2.3. Mức phạt tiền khi không mang Giấy đăng ký xe:
- 2.4 2.4. Mức phạt khi không mang theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường:
- 2.5 2.5. Mức phạt đối với người điều khiển xe máy chuyên dùng không mang giấy tờ xe:
1. Các giấy tờ cần mang theo khi tham gia giao thông:
Tham gia giao thông là việc người điều khiển phương tiện giao thông và các phương tiện tham gia giao thông được phép lưu thông trên các làn đường, tuyến đường theo quy định của pháp luật và đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Chủ phương tiện cần đảm bảo an toàn, chấp hành đúng pháp luật, đi theo tín hiệu đèn và cần mang theo các loại giấy tờ cần thiết.
Khi tham gia giao thông, có những loại giấy tờ người điều khiển phương tiện bắt buộc phải luôn mang theo bên mình. Trong trường hợp thiếu hoặc không có giấy tờ, chủ phương tiện có thể bị CSGT kiểm tra, và lỗi không mang giấy tờ sẽ khiến lái xe bị phạt hành chính. Theo Luật Giao thông đường bộ 2008, có 3 loại giấy tờ mà bất cứ người điều khiển phương tiện giao thông nào cũng phải mang theo:
– Giấy đăng ký xe: Đây là loại giấy tờ chứng minh một chiếc xe chính chủ của người sở hữu. Giấy đăng ký xe ghi rõ những thông tin nhất định của chiếc xe và chủ chiếc xe đó đồng thời được trưởng công an tỉnh ký xác nhận và chứng thực.
– Giấy phép lái xe (Bằng lái xe): Đây là loại chứng chỉ do cơ quan có thẩm quyền cấp cho một người cụ thể cho phép người đó được phép vận hành, lưu thông, tham gia giao thông bằng xe cơ giới (xe mô tô, xe ô tô, xe tải,…). Giấy phép lái xe được phân thành giấy phép lái xe không thời hạn và giấy phép lái xe có thời hạn tùy thuộc vào kiểu loại, công suất động cơ, tải trọng và công dụng của xe cơ giới,
Điều 59
– Hạng A1 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3;
– Hạng A2 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 175 cm3 trở lên và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1;
– Hạng A3 cấp cho người lái xe mô tô ba bánh, các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1
– Người khuyết tật điều khiển xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật được cấp giấy phép lái xe hạng A1.
– Giấy phép lái xe có thời hạn gồm các hạng sau đây:
Hạng A4, Hạng B1, Hạng B2, C,D, E ,Giấy phép lái xe hạng FB2, FD, FE cấp cho người lái xe đã có giấy phép lái xe hạng B2, D, E để lái các loại xe quy định cho các giấy phép lái xe hạng này khi kéo rơ moóc hoặc xe ô tô chở khách nối toa; hạng FC cấp cho người lái xe đã có giấy phép lái xe hạng C để lái các loại xe quy định cho hạng C khi kéo rơ moóc, đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc.
-Giấy phép lái xe có giá trị sử dụng trong phạm vi toàn lãnh thổ Việt Nam và lãnh thổ của nước hoặc vùng lãnh thổ mà Việt Nam ký cam kết công nhận hiệu lực giấy phép lái xe của nhau.
– Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (Giấy chứng nhận bảo hiểm):
Giấy bảo hiểm lái xe là bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự giữa chủ xe cơ giới với doanh nghiệp bảo hiểm. Theo đó, nếu người điều khiển xe gây tai nạn làm thiệt hại về người hoặc tài sản, công ty bảo hiểm sẽ có trách nhiệm phải gánh chịu một phần thiệt hại cùng lái xe. Hiện nay bảo hiểm xe được quy định tại Nghị định 03/2021/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, phí bảo hiểm ô tô, xe máy bắt buộc có giá dao động từ 55.000 đồng đến 3.200.000 tùy vào từng loại phương tiện.
Không chỉ vậy, đối với những loại xe cơ giới được quy định, người điều khiển phương tiện còn phải mang theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, thường được gọi là Giấy chứng nhận kiểm định).Qua đó xác nhận xe cơ giới đã được kiểm định và thỏa mãn các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định về chất lượng An toàn kỹ thuật và Bảo vệ môi trường.
Theo Thông tư 70/2015/TT-BGTVT thì việc đăng kiểm xe không áp dụng đối với: các loại xe mô tô, xe gắn máy, máy kéo và các loại xe tương tự; Xe cơ giới của quân đội, công an sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh. Như vậy, người điều khiển ô tô, xe máy chuyên dùng buộc phải mang theo Giấy chứng nhận kiểm định.
Khi tham gia giao thông, lái xe phải mang theo bản gốc của các loại giấy tờ trên, không tính bản sao. Các loại giấy tờ trên phải được cấp đúng theo quy định của pháp luật,do cơ quan có thẩm quyền cấp, giấy tờ phải còn thời hạn (đối với những loại giấy có thời hạn) và không có dấu hiệu bị tẩy xóa.
2. Mức phạt khi không mang đủ giấy tờ khi tham gia giao thông:
2.1. Mức phạt tiền khi không mang Giấy phép lái xe:
Theo quy định tại điểm c khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì:
– Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô và các loại xe tương tự xe mô tô không mang theo Giấy phép lái xe, trừ hành vi vi phạm sau:
+ Có Giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp (trừ Giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp) nhưng không mang theo Giấy phép lái xe quốc gia;
+ Có Giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp (trừ Giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp) nhưng không mang theo Giấy phép lái xe quốc gia.
– Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không mang theo Giấy phép lái xe, trừ hành vi sử dụng Giấy phép lái xe không hợp lệ (Giấy phép lái xe có số phôi ghi ở mặt sau không trùng với số phôi được cấp mới nhất trong hệ thống thông tin quản lý Giấy phép lái xe).
2.2. Mức phạt khi không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự:
Theo quy định tại điểm a khoản 2 và điểm b khoản 4 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì:
– Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực;
– Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.
2.3. Mức phạt tiền khi không mang Giấy đăng ký xe:
Theo quy định tại điểm b khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì:
– Người điều khiển xe gắn máy, xe mô tô, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy tham giao thông không mang theo Giấy đăng ký xe bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng;
– Người điều khiển máy kéo, xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô không mang theo Giấy đăng ký xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng.
2.4. Mức phạt khi không mang theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường:
Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không mang theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định, kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).
2.5. Mức phạt đối với người điều khiển xe máy chuyên dùng không mang giấy tờ xe:
Theo quy định tại Điều 22 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì người điều khiển xe máy chuyên dùng bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với các vi phạm sau:
– Người điều khiển xe máy chuyên dùng không mang theo bằng (hoặc chứng chỉ) điều khiển, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ;
– Người điều khiển xe máy chuyên dùng không mang theo Giấy đăng ký xe;
– Người điều khiển xe máy chuyên dùng không mang theo Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định).
Vậy, tùy theo loại xe mà người điều khiển phương tiện sử dụng và loại giấy tờ người đó không mang theo mà mức xử phạt dành cho người điều khiển phương tiện giao thông sẽ là khác nhau theo quy định của pháp luật.
Trên đây là các loại giấy tờ mà người tham gia giao thông phải mang theo khi lưu thông, mọi người khi tham gia giao thông cần chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, mang theo đủ các giấy tờ theo quy định, chấp hành hiệu lệnh của biển báo, tín hiệu đèn giao thông. Khi điều khiển phương tiện giao thông cần lái xe bằng lý trí tỉnh táo để bảo vệ tính mạng của chính bản thân mình và của những người đang tham gia giao thông, góp phần xây dựng văn hóa giao thông an toàn, văn minh.