Pháp luật về thuế nhập khẩu đang ngày càng phát triển và hoàn thiện hơn, phần nào đã đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển kinh tế.
Pháp luật về thuế nhập khẩu đang ngày càng phát triển và hoàn thiện hơn, phần nào đã đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển kinh tế cũng như đảm bảo được việc thực hiện chức năng quản lý hoạt động xuất nhập khẩu cũng như chức năng quản lý nền kinh tế của nhà nước trong bối cảnh hội nhập nhiều cơ hội nhưng cũng đầy khó khăn và thách thức.
Năm 2005 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2005 được ra đời và đi vào thực tiễn đời sống từ đó khắc phục được những hạn chế trong Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 1991 và đạt được những kết quả không nhỏ như sau:
– Thứ nhất, thuế nhập khẩu góp phần huy động nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Thuế đóng vai trò quan trọng của nguồn thu ngân sách nhà nước đặc biệt là thuế thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chiếm một tỉ trọng lớn đặc biệt là thu từ thuế nhập khẩu.
Bảng 1. Tổng thu ngân sách nhà nước từ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu 2007-2010
(Đơn vị: Tỉ đồng)
| 2007 | 2008 | 2009 | 2010 |
Tổng thu ngân sách nhà nước | 315.915 | 416.783 | 442.340 | 558.158 |
Tổng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu | 60.381 | 90.922 | 105.664 | 130.100 |
Tỉ trọng so với tổng thu ngân sách nhà nước (%) | 19,11 | 21,82 | 23,89 | 23,30 |
Có thể thấy được số tiền thu được từ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu chiếm khoảng 20% tổng thu ngân sách nhà nước và liên tục qua các năm từ 2007 – 2010. Do vậy có thể thấy được rằng khoản thu ngân sách nhà nước từ thuế xuất, nhập khẩun chiếm vai trò không nhỏ trong tổng thu ngân sách nhà nước.
– Thứ hai, thuế nhập khẩu góp phần thúc đẩy hoạt động buôn bán và mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế.
Những điều chỉnh trong Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2005 để đáp ứng những yêu cầu của quá trình hội nhập trong những năm qua đã thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ mua bán hàng hóa giữa nước ta với các nước trên thế giới. Hiện nay Việt Nam đang có quan hệ nhập khẩu hàng hóa với hơn 170 quốc gia trên thế giới. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, trong năm 2010 kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt hơn 84 tỷ USD, tăng 20,1% so với năm 2009. Đặc biệt năm 2011 , trị giá hàng hoá nhập khẩu là 106,75 tỷ USD, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước và vượt 14,2% kế hoạch của cả năm. Kim ngạch nhập khẩu quyết định trực tiếp đến số thu từ thuế của ngàng hải quan. Chính bởi vậy, qua con số ấn tượng của kim ngạch nhập khẩu năm 2011 vừa qua có thể thấy, số thu từ thuế của ngành Hải quan nói chung và số thu từ thuế nhập khẩu nói riêng đã đạt thành tựu lớn trong việc đóng góp vào tổng thu ngân sách của ngành Hải quan cũng như ngân sách nhà nước.
Số liệu thống kê của tổng cụ Hải quan mới nhất cho thấy tổng kim ngạch nhập khẩu từ đầu năm đến hết ngày 29/02/2012 đạt 15,47 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2011, đem lại tổng thu từ thuế trong 2 tháng đầu năm ước tính là 28.000 tỷ đồng, đạt 13% dự toán của năm 2012. (Theo số liệu thống kê của tổng cục hải quan, đăng trên website Hải quan).
– Thứ ba, bảo hộ sản sản xuất trong nước.
Trong bối cảnh thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn do suy giảm kinh tế toàn cầu và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm trong nước còn chưa đủ mạnh nên vấn đề bảo hộ sản xuất trong nước là cần thiết.
Việc bảo hộ sản xuất trong nước sẽ tạo công ăn việc làm cho người lao động, duy trì động lực phát triển và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tạo thêm giá trị gia tăng và bền vững, cải thiện cơ cấu thương mại và tăng thu NSNN, cũng như để tìm kiếm chỗ đứng và vị thế cao hơn của nền kinh tế và doanh nghiệp đất nước trong tổng sắp chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong bối cảnh thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn do suy giảm kinh tế toàn cầu và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm trong nước còn chưa đủ mạnh thì các chính sách bảo hộ nền sản xuất trong nước là cần thiết và có vai trò quan trọng. Trên cơ sở các cam kết quốc tế và quy định của WTO, trong thời gian qua, chính sách thuế nhập khẩu đã được tận dụng tối đa để hỗ trợ cho những ngành sản xuất trong nước phát triển đặc biệt là những ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn nhằm tạo lập và nâng cao khả năng cạnh tranh.
Minh chứng cho điều này thời gian gần đây, thép loại phi 6 và phi 8 có chứa nguyên tố hợp kim vi lượng Bo-ron (Bo), hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi tới 0% đang được nhập khẩu ồ ạt do rẻ hơn thép sản xuất trong nước khoảng 300 nghìn đồng/tấn, khiến thị phần của các doanh nghiệp thép Việt Nam ở khu vực phía Nam bị giảm mạnh tới 30-40% so với trước đây. Trước tình hình này, Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) đã gửi công văn đề nghị Tổng cục Hải quan, Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) và Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cần có biện pháp khẩn cấp, kiểm tra lại các lô thép cuộn chứa nguyên tố hợp kim vi lượng Bo có được thực hiện đúng quy định đăng ký nhập khẩu tự động, nhằm kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu, các cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Trước đây, Bộ tài chính thép xây dựng nhập khẩu vào Việt Nam chịu mức thuế suất 15%, thép hợp kim nhập khẩu làm thép xây dựng chịu thuế suất 10%, thép hợp kim có chứa nguyên tố Bo để sản xuất que hàn thuế suất là 0%. Quy định này đã dẫn đến tình trạng không ít doanh nghiệp cố tình nhập khẩu thép có chứa Bo và khai là để sản xuất que hàn để hưởng mức thuế suất 0% nhưng thực tế lại bán ra làm thép xây dựng. Do đó giá bán thép nhập khẩu thấp hơn giá thép trong nước khiến cho nhiều doanh nghiệp sản xuất thép lâm vào tình trạng khó khăn. Để giải quyết tình trạng này, ngày 11/7/2011, Bộ tài chính đã ban hành Thông tư 103/2011/TT-BTC tăng mức thuế suất đối với đối với thép có chứa Bo lên 10%.
Như vậy, tăng cường bảo hộ sản xuất trong nước để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế phát triển theo hướng hiệu quả, chuyên môn hóa, sản xuất quy mô lớn, phát huy tốt hơn các lợi thế so sánh về lao động, tài nguyên. Các dự án đầu tư sản xuất thay thế nhập khẩu dựa trên bảo hộ cao sẽ phải định hướng lại sản xuất; tạo điều kiện để thu hút đầu tư nước ngoài, tăng niềm tin với các nhà đầu tư về định hướng mở cửa và tiềm năng phát triển của Việt Nam.
– Thứ tư, thực hiện các cam kết quốc tế
Trong quá trình đàm phán, tham gia, ký kết các điều ước quốc tế, hiệp định thương mại hợp tác kinh tế, thương mại trong khuôn khổ ASEAN, APECT, ASEM, hiệp định thương mại Việt – Mỹ, cam kết gia nhập WTO… Việt Nam đã đưa ra một loạt các cam kết về thuế đặc biệt là cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu. Để thực hiện những cam kết đó, trong thời gian vừa qua, những quy định về thuế nhập khẩu đã có những điều chỉnh đáng kể
Theo cam kết với WTO, Việt Nam cam kết ràng buộc toàn bộ Biểu thuế nhập khẩu hiện hành gồm 10.600 dòng thuế. Thuế suất cam kết cuối cùng có mức bình quân giảm 23% so với mức thuế bình quân hiện hành (từ 17,4% xuống còn 13,4%), thời gian thực hiện sau 5-7 năm. Trong toàn bộ Biểu cam kết, Việt Nam sẽ cắt giảm thuế với khoảng 3.800 dòng thuế (chiếm 35,5%), ràng buộc ở mức thuế hiện hành với khoảng 3.700 dòng thuế (chiếm 35,4%), ràng buộc theo mức thuế trần-cao hơn mức thuế suất hiện hành với 3.170 dòng thuế (chiếm 30%).
Đặc biệt, năm 2012 là năm có sự thay đổi lớn, theo đó Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi năm 2012 gồm 9.558 dòng thuế, tăng 1.258 dòng thuế so với năm 2011 trong đó 945 dòng thuế theo cam kết WTO cho năm 2012 với mức cắt giảm chủ yếu từ 1-3%, gồm các mặt hàng thủy hải sản, hoa quả, thực phẩm chế biến, bánh kẹo, rượu, thuốc lá…
Việc thực hiện các cam kết quốc tế về thuế nhập khẩu giúp Việt Nam trở thành thị trường đầy tiềm năng, tạo ra môi trường đầu tư an toàn thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài và góp phần thúc đẩy sự phát triển quan hệ ngoại giao nâng cao vị thế của mình trong trường quốc tế.
Mọi thắc mắc pháp lý cần tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ, quý khách hàng vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 1900.6568 hoặc gửi thư về địa chỉ email: [email protected].
——————————————————–
THAM KHẢO CÁC DỊCH VỤ CÓ LIÊN QUAN CỦA LUẬT DƯƠNG GIA: