Tại sao cần thiết phải quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kiến trúc? Những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kiến trúc?
Hoạt động kiến trúc là hoạt động có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của con người, mà biểu hiện của nó thể hiện rõ nét qua các công trình xây dựng. Nhà nước luôn chú trọng, tạo điều kiện để các cá nhân có thể thoải mái sáng tạo, phát triển kiến trúc. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng quy định rõ ràng các hành vi bị nghiêm cấm thực hiện trong hoạt động kiến trúc. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ cung cấp các thông tin về những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kiến trúc này.
Luật sư
1. Tại sao cần thiết phải quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kiến trúc?
Hành vi được hiểu là sự thể hiện ý chí của con người ra bên ngoài. Hành vi của cá nhân có thể được thể hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động.
Nghiêm cấm là việc không cho phép một hoạt nhiều chủ thể trong xã hội thực hiện một hoạt động hoặc không thực hiện một hoạt động nào đó.
Như vậy, có thể hiểu hành vi bị nghiêm cấm chính là hoạt động của chủ thể dưới dạng hành động hoặc không hành động được pháp luật quy định là không được phép thực hiện. Còn hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kiến trúc chính là hoạt động của chủ thể trong hoạt động kiến trúc được thể hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động được pháp luật quy định là không được phép thực hiện
Tại Khoản 1 Điều 3 Luật Kiến trúc năm 2019 quy định: “Kiến trúc là nghệ thuật và khoa học, kỹ thuật về tổ chức không gian, tạo lập môi trường sống bền vững đáp ứng nhu cầu của con người và xã hội.” Từ quy định này, có thể dễ dàng nhận ra tầm ảnh hưởng của kiến trúc đến đời sống con người. Kiến trúc phải đáp ứng các tiêu chuẩn về kỹ thuật cũng như mỹ quan để con người có một môi trường sống đẹp và bền vững. Kiến trúc có tốt thì sẽ đáp ứng được mục tiêu của kiến trúc đặt ra.
Kiến trúc được xây dựng trên những tiêu chuẩn chung và thực hiện theo những tiêu chuẩn đó. Những hành vi cố tình làm lệch lạc những tiêu chuẩn sẽ gây ảnh hưởng đến kiến trúc. Pháp luật với vai trò là nền tảng của xã hội, cần thiết phải nêu ra những hành vi sai lệch, có khả năng gây nguy hại lớn đến xã hội và cấm các chủ thể là cá nhân, cơ quan, tổ chức trong xã hội không được thực hiện các hành vi đó, nhằm đảm bảo tính ổn định, hoạt động có hiệu quả của các hoạt động kiến trúc.
2. Những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kiến trúc
Điều 9 Luật Kiến trúc năm 2019 quy định những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kiến trúc bao gồm 9 hành vi, cụ thể như sau:
Thứ nhất, cản trở hoạt động quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc.
Hoạt động quản lý kiến trúc là hoạt động của chủ thể có thẩm quyền nhằm kiểm soát hoạt động trong kiến trúc. Những hành vi cản trở gây khó khăn cho việc quản lý, khiến cho việc quản lý không đạt được mục đích ban đầu, từ đó gây ra những hậu quả khôn lường. Bên cạnh đó việc cản trở hành nghề kiến trúc cũng là hành vi bị nghiêm cấm. Hành nghề kiến trúc là quyền tự do của các cá nhân, chỉ trong những trường hợp luật định hoặc có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì việc hành nghề kiến trúc của cá nhân mới bị dừng lại. Vì vậy, không một cá nhân, cơ quan, tổ chức nào được cản trở hoạt động hành nghề kiến trúc.
Thứ hai, lợi dụng hành nghề kiến trúc gây ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, trật tự xã hội, môi trường sống, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Quốc phòng, an ninh là vấn đề cốt lõi của mỗi quốc gia mà bất kì quốc gia nào cũng đưa vấn đề này lên hàng đầu. Vì vậy, mà pháp luật đã nghiêm cấm các hành vi có lợi dụng kiến trúc mà gây ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, bởi khi quốc phòng, an ninh có được đảm bảo thì các lĩnh vực khác, trong đó cả kiến trúc mới được đảm bảo phát triển. Bên cạnh quốc phòng an ninh, thì kiến trúc cũng luôn phải hướng tới lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, trật tự xã hội, môi trường sống, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác trong xã hội- đây chính là các yếu tố tiên quyết trong bất kì hoạt động nào của con người.
Thứ ba, đưa hối lộ, nhận hối lộ, thực hiện hành vi móc nối, trung gian trái pháp luật trong hoạt động kiến trúc.
Hối lộ nói chung và hối lộ trong kiến trúc nói riêng là hành vi bị nghiêm cấm. Từ hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ có tác động tiêu cực, là nguyên nhân gây ra các hành vi vi phạm khác trong kiến trúc như cố tình làm sai lệch, không tuân theo những tiêu chuẩn kiến trúc, hay có thể là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các tội phạm rửa tiền, tham nhũng,… Bên cạnh đó, hành vi hối lộ, liên quan đến hành vi hối lộ, trung gian, móc nối gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến con người, không đảm bảo được sự minh bạch, khách quan trong kiến trúc. Việc vi phạm hành vi này sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật hình sự và pháp luật hành chính.
Thứ tư, tiết lộ tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước; tiết lộ thông tin kinh doanh do khách hàng cung cấp, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.
Tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước là những thông tin được bảo mật, không được tiết lộ cho bất cứ một chủ thể khác ngoài các chủ thể có liên quan trực tiếp đến quan hệ kiến trúc. Các bên biết được tài liệu đó có nghĩa vụ phải đảm bảo sự bí mật của các tài liệu, nên hành vi tiết lộ những tài liệu này đương nhiên là các hành vi bị nghiêm cấm. Bên cạnh những tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước cần phải giữ bí mật, thì thông tin kinh doanh do khách hàng cung cấp cũng phải được bảo mật. Việc bảo mật những thông tin kinh doanh này nhằm bảo mật sự riêng tư của khách hàng- quyền cơ bản của con người. Do vậy, chỉ được tiết lộ những thông tin này khi các khách hàng cung cấp khi được sự cho phép của các chủ thể này.
Thứ năm, xây dựng công trình kiến trúc không đúng với thiết kế kiến trúc đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc giấy phép xây dựng.
Các thiết kế kiến trúc được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp giấy phép xây dựng là các thiết kế đã trải qua quá trình dài thẩm định, kiểm tra, đánh giá các yếu tố liên quan của kiến trúc với thực tiễn, chỉ khi thỏa mãn các yêu cầu luật định thì mới được phê duyệt và cấp giấy phép xây dựng. Việc phê duyệt này thể hiện sự cho phép của nhà nước, và yêu cầu các chủ thể phải nghiêm túc thực hiện theo, khi có sự sửa đổi, bổ sung thì phải tiến hành xin phép, đề nghị phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Thứ sáu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động kiến trúc.
Quyền sở hữu trí tuệ là quyền được Nhà nước và pháp luật bảo hộ. Việc sử dụng các sản phẩm sở hữu trí tuệ phải được sự cho phép của các chủ thể là quyền sở hữu trí tuệ đó. Bất kì các hành vi sao chép, đạo nhái, sử dụng trái phép sản phẩm của sở hữu trí tuệ cũng là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, hình ảnh của các tác giả, chủ sở hữu trí tuệ. Do vậy, pháp luật đã quy định rõ ràng việc cấm các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Thứ bảy, cung cấp tài liệu, số liệu giả hoặc sai sự thật; lập hồ sơ thiết kế kiến trúc và xây dựng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Đây là các hành vi xâm phạm trực tiếp đến việc hình thành và thực hiện một sản phẩm kiến trúc. Các hành vi này sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng đến sản phẩm của kiến trúc. Từ đó, gây ảnh hưởng đến đời sống của con người, kinh tế, văn hóa, xã hội. Do vậy, pháp luật đã quy định về nghĩa vụ trung thực khi cung cấp các tài liệu, số liệu và nghiêm túc thực hiện hoạt động lập hồ sơ thiết kế.
Thứ tám, gian lận trong việc sát hạch, cấp, sử dụng chứng chỉ hành nghề kiến trúc. Chứng chỉ hành nghề kiến trúc là chứng chỉ để cho phép cá nhân khi thỏa mãn các yêu cầu luật định. Việc sát hạch, cấp, sử dụng chứng chỉ này phải được thực hiện theo quy trình của pháp luật, khi đó thì mới đảm bảo được ý nghĩa của việc cấp chứng chỉ. Nên pháp luật đã quy định nghiêm cấm về các hành vi gian lận là hoàn toàn hợp lý.
Thứ chín, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm trong quản lý kiến trúc. Quản lý kiến trúc là hoạt động của cơ quan có thẩm quyền. Các cá nhân khi tiến hành thực hiện quản lý kiến trúc phải đảm bảo đúng thẩm quyền, quyền hạn, phạm vi và đúng trách nhiệm. Các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ quyền hạn trong quản lý kiến trúc là hành vi vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến các đơn vị kiến trúc cũng như ảnh hướng đến quyền lực nhà nước. Do vậy, pháp luật quy định đây là hành vi bị nghiêm cấm là hoàn toàn hợp lý.