Hiện nay, hoạt động đường sắt tại nước ta ngày càng phát triển mạnh mẽ. Nhà nước đã đưa ra những quy định về việc quản lý hoạt động đường sắt tại nước ta. Dưới đây là bài phân tích về những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đường sắt.
Mục lục bài viết
1. Nguyên tắc hoạt động đường sắt:
Theo quy định tại Điều 4 Luật đường sắt 2017, các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đường sắt bao gồm:
– Nguyên tắc 1: Bảo đảm hoạt động giao thông vận tải đường sắt thông suốt, trật tự, an toàn, chính xác và hiệu quả; phục vụ nhu cầu đi lại thuận tiện của người dân, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.
– Nguyên tắc 2: Phát triển đường sắt theo quy hoạch, kế hoạch, gắn kết với các loại hình giao thông vận tải khác và hội nhập quốc tế, bảo đảm văn minh, hiện đại và đồng bộ.
– Nguyên tắc 3: Điều hành thống nhất, tập trung hoạt động giao thông vận tải đường sắt.
– Nguyên tắc 4: Tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, giữa kinh doanh kết cấu hạ tầng với kinh doanh vận tải trên đường sắt do Nhà nước đầu tư.
– Nguyên tắc 5: Bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia kinh doanh đường sắt.
Đây là các nguyên tắc cơ bản nhất mà các tổ chức, cá nhân cần đảm bảo khi tham gia hoạt động đường sắt nhằm giúp đảm bảo duy trì an toàn đường sắt, hạn chế đến mức tối đa những rủi ro có thể xảy ra.
2. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đường sắt:
Điều 9 Luật đường sắt 2017 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đường sắt như sau:
– Nhà nước nghiêm cấm hành vi phá hoại công trình đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt.
– Các cá nhân, tổ chức không được thực hiện hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt.
– Người dân không được tự mở lối đi qua đường sắt; xây dựng trái phép cầu vượt, hầm chui, cống hoặc công trình khác trong phạm vi đất dành cho đường sắt; khoan, đào trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt.
– Pháp luật nghiêm cấm hành vi làm sai lệch công trình, hệ thống báo hiệu trên đường sắt; làm che lấp hoặc làm sai lạc tín hiệu giao thông đường sắt.
– Các hành vi ngăn cản việc chạy tàu, tùy tiện báo hiệu hoặc sử dụng các thiết bị để dừng tàu, trừ trường hợp phát hiện có sự cố gây mất an toàn giao thông đường sắt cũng bị pháp luật nghiêm cấm.
– Người dân không được thực hiện các hành vi sau đây: vượt rào, vượt chắn đường ngang, vượt qua đường ngang khi có tín hiệu cấm; vượt rào ngăn giữa đường sắt với khu vực xung quanh; xả chất thải không bảo đảm vệ sinh môi trường lên đường sắt; để vật chướng ngại, đổ chất độc hại, chất phế thải lên đường sắt; để chất dễ cháy, chất dễ nổ trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và hành lang an toàn giao thông đường sắt; chăn thả súc vật, họp chợ trên đường sắt, trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và hành lang an toàn giao thông đường sắt.
– Người dân không được đi, đứng, nằm, ngồi hoặc hành vi khác trên nóc toa xe, đầu máy, bậc lên xuống toa xe; đu bám, đứng, ngồi hai bên thành toa xe, đầu máy, nơi nối giữa các toa xe, đầu máy; mở cửa lên, xuống tàu, đưa đầu, tay, chân và vật khác ra ngoài thành toa xe khi tàu đang chạy, trừ nhân viên đường sắt, lực lượng chức năng đang thi hành nhiệm vụ; không được đi, đứng, nằm, ngồi hoặc hành vi khác trên đường sắt, trừ nhân viên đường sắt, lực lượng chức năng đang thi hành nhiệm vụ.
– Các cá nhân, tổ chức tuyệt đối không được thực hiện hành vi ném đất, đá hoặc vật khác lên tàu hoặc từ trên tàu xuống.
– Luật đường sắt 2017 quy định về việc nghiêm cấm hành vi mang, vận chuyển hàng hóa cấm lưu thông, động vật có dịch bệnh vào ga, lên tàu; mang, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, chất phóng xạ, chất dễ cháy, chất dễ nổ và hàng nguy hiểm khác vào ga, lên tàu; mang, vận chuyển thi hài, hài cốt vào ga, lên tàu đường sắt đô thị.
– Các cá nhân, tổ chức không được làm, tiêu thụ vé giả; bán vé trái quy định.
– Người dân không được đưa phương tiện giao thông đường sắt, trang thiết bị không bảo đảm an toàn kỹ thuật vào hoạt động phục vụ giao thông đường sắt; sử dụng toa xe chở hàng để vận chuyển hành khách; tự ý thay đổi kết cấu, hình dáng, tính năng sử dụng của phương tiện giao thông đường sắt; giao hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường sắt; nối vào tàu khách các toa xe vận tải động vật, hàng hoá có mùi hôi thối, chất dễ cháy, chất dễ nổ, chất độc hại và hàng nguy hiểm khác; không được điều khiển tàu chạy quá tốc độ quy định.
– Nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu trong khi làm nhiệm vụ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn hoặc có chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng cũng là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đường sắt.
Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đường sắt là quy chuẩn chung, buộc tất cả người dân phải tuân thủ thực hiện. Các quy định này nhằm mục đích đảm bảo an toàn trong hoạt động đường sắt, hạn chế đến mức tối đa những rủi ro, thiệt hại có thể xảy đến.
3. Chính sách của Nhà nước về phát triển đường sắt:
Hiện nay, Nhà nước ngày càng đẩy mạnh xây dựng các chính sách phát triển đường sắt. Theo quy định tại Điều 5 Luật đường sắt 2017, các chính sách của Nhà nước về phát triển đường sắt bao gồm:
– Nhà nước đẩy mạnh việc ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển, nâng cấp, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị để bảo đảm giao thông vận tải đường sắt đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống giao thông vận tải cả nước.
– Nhà nước Việt Nam luôn khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư, kinh doanh đường sắt.
– Nhà nước dành quỹ đất theo quy hoạch để phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, công trình công nghiệp đường sắt.
– Khuyến khích, hỗ trợ phát triển công nghiệp đường sắt, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực để phát triển đường sắt hiện đại cũng là một trong các chính sách phát triển giao thông đường sắt mà cơ quan Nhà nước hướng đến.
– Nhà nước luôn đẩy mạnh việc khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển hệ thống đường sắt chuyên dùng; Ưu tiên phân bổ ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm với tỉ lệ thích đáng để bảo đảm phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy hoạch.
– Hằng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc thực hiện chính sách phát triển giao thông vận tải đường sắt và việc sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho giao thông vận tải đường sắt.
4. Các ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động đường sắt:
Theo quy định của Luật đường sắt 2017, tổ chức, cá nhân hoạt động đường sắt được hưởng ưu đãi, hỗ trợ như sau:
– Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị; miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt chuyên dùng, công trình công nghiệp đường sắt;
– Nhà nước cho vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư ưu đãi từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước hoặc được cấp bảo lãnh Chính phủ về vốn vay theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công đối với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị; đầu tư mua sắm phương tiện giao thông đường sắt, máy móc, thiết bị phục vụ duy tu bảo dưỡng đường sắt; phát triển công nghiệp đường sắt căn cứ vào khả năng nguồn lực thực tế.
– Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh đường sắt đô thị, công nghiệp đường sắt được hưởng ưu đãi về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;
– Tổ chức, cá nhân hoạt động đường sắt được miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện giao thông đường sắt, nguyên liệu, vật tư dùng để chế tạo máy móc, thiết bị hoặc để chế tạo linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng của máy móc, thiết bị cần thiết cho hoạt động đường sắt và vật tư cần thiết cho xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt mà trong nước chưa sản xuất được.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Luật đường sắt 2017.