Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi nguy hiểm cho xã hội, bởi các đối tượng lừa đảo thực hiện dưới nhiều chiêu trò tinh vi khác nhau, có tổ chức nên gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc rà soát và xử lý vi phạm, nhất là trường hợp lừa đảo từ các đối tượng ở nước ngoài, nổi bật là các đường dây lừa đảo tại Campuchia đang được quan tâm gần đây.
Mục lục bài viết
- 1 1. Những chiêu trò lừa đảo của người nước ngoài:
- 1.1 1.1. Gửi tiền để nhận quà từ người bạn nước ngoài.
- 1.2 1.2. Giả mạo là cơ quan chức yêu cầu nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính hoặc đang bị điều tra hình sự:
- 1.3 1.3. Hack Facebook nhắn tin mượn tiền:
- 1.4 1.4. Gửi link độc để đánh cắp thông tin ngân hàng:
- 1.5 1.5. Chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng:
- 1.6 1.6. Kêu gọi đầu tư tài chính, tiền ảo:
- 1.7 1.7. Đường dây buôn bán người núp danh công ty chuyên cung cấp dịch vụ xuất khẩu lao động:
- 2 2. Khi bị người nước ngoài lừa tiền thì phải giải quyết như thế nào?
1. Những chiêu trò lừa đảo của người nước ngoài:
1.1. Gửi tiền để nhận quà từ người bạn nước ngoài.
Trường hợp này, các đối tượng lừa đảo sẽ tiếp cận nạn nhân thông qua các trang mạng xã hội như facebook, instagram, zalo, telegram làm quen khi đã lấy được lòng tin của nạn nhân những người này hứa sẽ gửi quà tặng cho mình. Tuy nhiên, để nhận được quà bạn sẽ phải chuyển một khoản tiền thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất nhập khẩu hoặc các loại chi phí liên quan vào tài khoản ngân hàng cho người tặng quà để hoàn tất hồ sơ.
Các đối tượng lừa đảo thường sẽ lợi dụng những người thiếu thốn về tình cảm ví dụ như: du học sinh, người lao động làm việc ở nước ngoài hoặc trong các hội nhóm đồng hương ở nước ngoài,…tạo mối quan hệ để lấy lòng tin và thực hiện hành vi lừa đảo.
1.2. Giả mạo là cơ quan chức yêu cầu nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính hoặc đang bị điều tra hình sự:
Những đối tượng này sẽ giả danh công an liên lạc với nạn nhân qua điện thoại báo nạn nhân có hành vi vi phạm về hành chính hoặc đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu không chuyển tiền sẽ bị tạm giam. Sau đó, yêu cầu nạn nhân sẽ gọi video trực tiếp với đối tượng này để lấy lời khai. Khi nạn nhân gọi video với những đối tượng này thì vẫn thấy những đối tượng có mặt trang phục của các cơ quan chức năng có thẩm quyền nhưng thực tế mục đích của các đối tượng này không phải lấy lời khai mà là quét nhận diện gương mặt nhằm vào những mục đích xấu.Ví dụ như: Mở tài khoản ngân hàng hoặc mở sim trả sau.
Các đối tượng lừa đảo sẽ nhắm vào những người dân thiếu hiểu biết về quy trình giải quyết vụ án hình sự của các cơ quan chức năng và lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, tâm lý lo lắng của nạn nhân khi có liên quan đến các vấn đề về vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, bạn cần phải cảnh giác trước những thông tin mà những đối tượng lạ cung cấp để tránh mất tiền và bị lộ thông tin cá nhân của bản thân.
1.3. Hack Facebook nhắn tin mượn tiền:
Một trong những hình thức lừa đảo phổ biến là việc những đối tượng lừa đảo sẽ tiến hành ăn cắp tài khoản Facebook, Zalo, Instagram, Telegram của nạn nhân. Sau đó nhắn tin với những người thân thích của nạn nhân yêu cầu người thân cho mượn tiền chuyển qua tài khoản do đang cần tiền trong tài khoản và hẹn thời gian sẽ trả lại sau. Tuy nhiên, sau khi đã lừa được tiền thì không liên lạc được nữa.Vì vậy trong trường hợp phát hiện mình bị hack tài khoản cá nhân bạn cần nhanh chóng thông báo tới người thân của mình cảnh giác không bị lừa đảo chuyển tiền.
Đối với người thân khi tham gia vào bất cứ giao dịch chuyển tiền qua tài khoản nào cũng cần phải xác minh được chính xác thông tin yêu cầu chuyển khoản kia có đúng là người thân của mình hay không? Bạn có thể dễ dàng xác định bằng việc yêu cầu người thân gọi điện qua video để xác minh. Nếu như bạn thấy đối tượng này từ chối việc gọi video hoặc đưa ra những lý do chẳng hạn như đang trong tình trạng bất tiện nên không thể gọi video được cho bạn thì bạn tuyệt đối không được chuyển tiền cho đối tượng này để tránh tiền mất tật mang.
1.4. Gửi link độc để đánh cắp thông tin ngân hàng:
Bạn cần cảnh giác với chiêu trò lừa đảo của kẻ gian có thể gửi qua email hoặc tin nhắn giả mạo ngân hàng cho bạn một link độc yêu cầu bạn điền thông tin để xác thực tài khoản, nâng cấp tài khoản hoặc tài khoản của bạn đang bị khóa do thực hiện giao dịch trái pháp luật và bạn cần điền thông tin xác thực để mở lại tài khoản. Sau khi bạn nhấp vào đường link kẻ gian sẽ đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân, thậm chí là mật khẩu tài khoản của bạn. Sau đó các đối tượng này sẽ tiến hành chiếm đoạt toàn bộ số tiền ở trong tài khoản ngân hàng hiện có tới lúc bạn phát hiện ra thì chúng đã rút được số tiền trong tài khoản ngân hàng của bạn. Nếu rơi vào tình huống này bạn cần nhanh chóng thông báo với bên chi nhánh Ngân hàng gần nhất để tiến hành khóa hoặc phong tỏa tài khoản ngân hàng ngay khi phát hiện ra mình bị lừa đảo. Sau đó bạn sẽ ra trình báo với cơ quan chức năng để được giải quyết.
1.5. Chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng:
Nhiều trường hợp kẻ gian giả vờ gửi một số tiền vào tài khoản ngân hàng của bạn và yêu cầu bạn chuyển tiền lại do chuyển nhầm tiền nếu không chuyển lại tiền thì bọn chúng sẽ tố cáo bạn ra công an về tội chiếm giữ trái phép tài sản của người khác. Trường hợp này bạn không nên chuyển lại số tiền ngay theo yêu cầu của đối tượng lừa đảo mà cần ra chi nhánh ngân hàng gần nhất để truy xuất thông tin biến động số dư và nguồn tiền chuyển đến. Tuy nhiên trên thực tế không phải tài khoản ngân hàng của bạn được cộng thêm số tiền mà bên lừa đảo chuyển đến mà do những đối tượng này đã tạo ảnh và chỉnh sửa thông báo chuyển khoản thành công của ngân hàng cho bạn khiến bạn tin tưởng rằng đối tượng này đã thực sự chuyển nhầm vào tài khoản của bạn. Vì nắm bắt tâm lý của nạn nhân không muốn gặp rắc rối và các vấn đề liên quan đến vi phạm pháp luật nên bạn đã chuyển lại số tiền bị chuyển nhầm này cho đối tượng lừa đảo nhưng khi chuyển tiền xong mới phát hiện tiền trong tài khoản của mình bị trừ chứ không phải số tiền chuyển nhầm. Do đó, trước khi thực hiện bất cứ giao dịch nào, hãy chắc chắn rằng về thông tin người được nhận tiền để đảm bảo rằng người mình chuyển tiền Không phải là những đối tượng lừa đảo.
1.6. Kêu gọi đầu tư tài chính, tiền ảo:
Đầu tư tài chính hay tiền ảo qua online là một trong những hình thức đầu tư phổ biến trong những năm gần đây. Tuy nhiên, việc này cũng đã khiến cho các đối tượng lừa đảo lợi dụng sự thiếu hiểu biết về đầu tư tài chính, tiền ảo của người dân để thuyết phục, lôi kéo và dụ dỗ người dân thực hiện đầu tư sinh lợi cao trong thời gian ngắn, cách thức tham gia đơn giản. Nhiều người vì lòng tham nên đã sa bẫy của những website mạo danh những công ty tài chính hoặc đầu tư tiền ảo hợp pháp. Ban đầu có thể bạn sẽ được nhận số tiền lãi như lời dụ dỗ của đối tượng lừa đảo nhưng sau khi số tiền bạn đầu tư nhiều hơn, sinh lợi lớn hơn các đối tượng này sẽ liên tục thúc ép bạn phải nộp thêm tiền để hoàn tất hồ sơ rút tiền thì mới lấy được lại số tiền gốc và lãi từ việc đầu tư tài chính. Do đó, vì tiếc số tiền đã đầu tư nhiều người vẫn tiếp tục tin tưởng và đầu tư thêm số tiền như bên lừa đảo yêu cầu chỉ đến khi bạn không còn đủ khả năng tài chính để chuyển tiền thêm nữa thì mới nhận ra là mình bị lừa đảo và số tiền mà bạn đã chuyển cả gốc và lãi sẽ không được hoàn trả như đã hứa hẹn.
1.7. Đường dây buôn bán người núp danh công ty chuyên cung cấp dịch vụ xuất khẩu lao động:
Hiện nay xuất khẩu lao động là nhu cầu của nhiều người dân có con em đang mong muốn được đi xuất khẩu lao động. Lợi dụng nhu cầu này nhiều công ty, xuất khẩu lao động cam kết sẽ đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài hợp pháp trong thời gian ngắn với chi phí thấp. Các công ty này đều hứa hẹn khi người lao động sang nước ngoài sẽ được nhận khoản thu nhập lớn mà không yêu cầu phải có trình độ, bằng cấp nhất định. Bên cạnh đó còn được chu cấp tiền xuất cảnh qua biên giới bằng đường mòn để không bị các cơ quan chức năng phát hiện.
Tuy nhiên, một khi đã bước chân vào biên giới của nước khác những người lao động này sẽ bị các đối tượng lừa đảo thu giữ các phương tiện liên lạc với người thân trong gia đình, bắt ép phải làm những công việc nặng nhọc chẳng hạn như làm việc trong những casino, các trang mạng lừa đảo và yêu cầu một ngày phải lừa được người khác số tiền nhất định thì mới được trả về nước hoặc tống tiền người nhà nạn nhân phải đưa tiền thì mới trả con họ về nước. Các đối tượng này đối xử với nạn nhân vô cùng tàn nhẫn nạn nhân có thể bị bỏ đói, bỏ khát hoặc đánh đập dã man nếu không làm việc theo yêu cầu..
2. Khi bị người nước ngoài lừa tiền thì phải giải quyết như thế nào?
Căn cứ quy định tại Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và Điều 5 Thông tư liên tịch số 01/2017 cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm.
Theo đó khi bị lừa đảo nạn nhân có thể trực tiếp trình báo tới cơ quan Công an hoặc Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm.
Quy trình tố cáo tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện theo các bước cơ bản sau đây:
Bước 1: Chuẩn bị đơn tố cáo và các tài liệu chứng cứ chứng minh vấn đề bị lừa đảo ví dụ như các đoạn tin nhắn trao đổi giữa đối tượng lừa đảo với bạn, bản sao kê của ngân hàng mà bạn đã chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo
Lưu ý: Nếu bạn không nắm rõ được thông tin các nhân của các đối tượng lừa đảo bạn có thể cung cấp các thông tin cơ bản mà mình nắm được ví dụ như số tài khoản ngân hàng mà đối tượng lừa đảo sử dụng để lừa đảo hoặc số điện thoại mà bên lừa đảo đã dùng để liên lạc với bạn và yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành xác minh thông tin của người bị tố cáo.
Bước 2: Nộp đơn tố cáo và các tài liệu chứng cứ kèm theo tại cơ quan công an có thẩm quyền.
Bước 3: Lấy lời khai và chờ thông báo tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm.
Các văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015;
– Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.