Đôi khi chúng ta bận rộn với cuộc sống, quên đi những chi tiết nhỏ bé hàng ngày. Nhưng những chi tiết ấy lại chứa đựng giá trị và ý nghĩa sâu sắc cho cuộc sống của chúng ta. Câu chuyện sau đây sẽ cho chúng ta thấy điều đó.
Mục lục bài viết
1. Câu chuyện “Cái kết cho sự khinh thường”:
Tiều phu cùng học giả đi chung một chiếc thuyền ở giữa sông. Học giả tự nhận mình hiểu biết sâu rộng nên đề nghị chơi trò đoán chữ cho đỡ nhàm chán, đồng thời giao kèo, nếu mình thua sẽ mất cho tiều phu mười đồng. Ngược lại, tiều phu thua sẽ chỉ mất năm đồng thôi. Học giả coi như mình nhường tiều phu để thể hiện trí tuệ hơn người. Đầu tiên, tiều phu ra câu đố:
“Vật gì ở dưới sông nặng một ngàn cân, nhưng khi lên bờ chỉ còn có mười cân?”.
Học giả vắt óc suy nghĩ vẫn tìm không ra câu trả lời, đành đưa cho tiều phu mười đồng. Sau đó, ông hỏi tiều phu câu trả lời là gì.
“Tôi cũng không biết!“, tiều phu đưa lại cho học giả năm đồng và nói thêm:
“Thật ngại quá, tôi kiếm được năm đồng rồi.” Học giả vô cùng sửng sốt.
Bài học:
Chẳng ai sinh ra đã hoàn hảo, càng tỏ vẻ khinh thường người khác thì càng chứng tỏ bạn là một người ngu dốt. Chẳng ai dám vỗ ngực nhận mình biết nhiều thứ bởi lẽ còn vô vàn thứ mà chúng ta vẫn chưa được biết đến. Càng tỏ ra thông minh thì sẽ càng bị thông minh hại. Cũng như người tiều phu trong câu chuyện mặc dù không học nhiều như học giả nhưng lại biết cách tính toán để cho mình có thể vẫn kiếm được một chút. Còn về phía học giả đã bị chính sự khinh thường và chấp tiều phu mà mất đi một khoản tiền oan. Đừng khinh thường người khác vì cái kết nhận lại lúc nào cũng rất đau đớn.
2. Câu chuyện số 10: Giá trị của hòn đá:
Có một học trò hỏi thầy mình rằng:
– Thưa thầy, giá trị của cuộc sống là gì ạ?
Người thầy lấy một hòn đá trao cho người học trò và dặn:
– Con đem hòn đá này ra chợ nhưng không được bán nó đi, chỉ cần để ý xem người ta trả giá bao nhiêu.
Vâng lời thầy, người học trò mang hòn đá ra chợ bán. Mọi người không hiểu tại sao anh lại bán một hòn đá xấu xí như vậy. Ngồi cả ngày, một người bán rong thương tình đã đến hỏi và trả giá hòn đá một đồng. Người học trò mang hòn đá về và than thở:
– Hòn đá xấu xí này chẳng ai thèm mua. Cũng may có ngườihỏi mua với giá một đồng thầy ạ.
Người thầy mỉm cười và nói:
– Tốt lắm, ngày mai con hãy mang hòn đá vào tiệm vàng và bán cho chủ tiệm, nhớ là dù chủ cửa hàng vàng có mua thì cũng không được bán.
Người học trò rất bất ngờ khi chủ tiệm vàng trả giá hòn đá là 500 đồng. Anh háo hức hỏi thầy tại sao lại như vậy. Người thầy cười và nói:
– Ngày mai con hãy đem nó đến chỗ bán đồ cổ. Nhưng tuyệt đối đừng bán nó, chỉ hỏi giá mà thôi.
Làm theo lời thầy dặn, sau một hồi xem xét thì anh vô cùng ngạc nhiên khi chủ hiệu trả giá hòn đá là cả gia sản hiện có. Anh vẫn nhất quyết không bán và vội về kể lại với thầy. Lúc này người thầy mới chậm rãi nói:
– Hòn đá thực chất chính là một khối ngọc cổ quý giá, đáng cả một gia tài, và giá trị cuộc sống cũng giống như hòn đá kia, có người hiểu và có người không hiểu. Với người không hiểu và không thể cảm nhận thì giá trị cuộc sống chẳng đáng một xu, còn với người hiểu thì nó đáng giá cả một gia tài. Hòn đá vẫn vậy, cuộc sống vẫn thế, điều duy nhất tạo nên sự khác biệt là sự hiểu biết của con và cách con nhìn nhận cuộc sống.
Bài học:
Bài học rút ra từ câu chuyện này là giá trị cuộc sống không phải là điều gì đó có thể được đo lường bằng tiền bạc hay vật chất. Điều quan trọng là cách chúng ta nhìn nhận và đánh giá cuộc sống, cách chúng ta trân trọng và tận hưởng những điều xung quanh mình. Điều này còn áp dụng cho việc đánh giá giá trị của một người, một vật phẩm hoặc một tình huống. Sự hiểu biết và cách nhìn nhận của mỗi người sẽ là yếu tố quyết định cho giá trị thực sự của chúng.
3. Câu chuyện “Cảm ơn bố đã cho con thấy chúng ta nghèo như thế nào!”
Một ngày nọ, người bố giàu có dẫn cậu con trai của mình thăm thú một ngôi làng. Người bố muốn cho con trai của mình thấy một người nghèo có thể nghèo đến mức nào. Họ đã dành thời gian tham quan cánh đồng của một gia đình nghèo. Sau khi trở về, người bố hỏi cậu con trai:
– Con thấy chuyến đi thế nào?
– Rất tuyệt bố ạ!
Người bố hỏi:
– Con đã thấy người nghèo sống thế nào chưa?
– Vâng con thấy rồi ạ!
– Vậy nói cho bố nghe, con học được gì từ chuyến đi này?
Cậu bé trả lời: “Chúng ta có 1 con chó, họ có 4. Chúng ta có bể bơi, họ có những con sông. Chúng ta dùng đèn vào ban đêm, còn họ có những ngôi sao. Chúng ta có những bức tường để bảo vệ mình, họ có bạn bè. Chúng ta có TV, còn họ dành thời gian cho gia đình và họ hàng.”
Người bố không nói lên lời. Cậu bé nói thêm: “Cảm ơn bố đã cho con thấy chúng ta nghèo như thế nào!”.
Bài học:
Bài học rút ra từ câu chuyện là cảm thông và đánh giá đúng đắn về những gì mình đang có. Thay vì tập trung vào những gì mình thiếu, chúng ta nên tập trung vào những gì mình đã có và cảm kích sự giàu có và tiện nghi của cuộc sống hiện tại. Điều này sẽ giúp ta hạnh phúc hơn và không bao giờ bị mắc kẹt trong vòng xoáy của sự so sánh và ganh đua. Ngoài ra, câu chuyện cũng giúp chúng ta nhận ra rằng sự giàu có không phải là tất cả trong cuộc sống và có nhiều điều quan trọng hơn như tình thân, tình bạn và sự hạnh phúc đích thực.
4. Câu chuyện về “Hành trang lên đường”:
Có một hòa thượng muốn đi học tập ở nơi xa. Sư thầy hỏi: “Khi nào con đi?”
“Tuần sau con sẽ đi. Đường xa, con đã nhờ người đan vài đôi giày cỏ, sau khi lấy giày con sẽ lên đường.”
Sự thầy trầm ngâm một lát rồi nói: “Nếu không thì thế này, ta sẽ nhờ các tín chúng quyên tặng giày cho con.”
Không biết sư thầy đã nói với biết bao nhiêu người nhưng ngày hôm đó, có đến vài chục người đem giày đến tặng, chất đầy cả một góc căn phòng thiền.
Sáng hôm sau, lại có người mang một chiếc ô đến tặng cho hòa thượng.
Hòa thượng hỏi: “Tại sao tín chủ lại tặng ô?”
“Sư thầy nói rằng hòa thượng chuẩn bị đi xa, trên đường có thể sẽ gặp mưa lớn, sư thầy nói với tôi liệu tôi có thể tặng hòa thượng một chiếc ô?”
Thế nhưng hôm đó, không chỉ có người đó mang ô đến tặng. Đến buổi tối, trong phòng thiền đã chất khoảng 50 chiếc ô các loại.
Giờ học buổi tối kết thúc, sư thầy bước vào phòng thiền của hòa thượng: “Giày cỏ và ô đã đủ chưa?”
“Đủ rồi ạ!” – Hòa thượng chỉ vào đống ô và giày cỏ chất cao như ngọn núi nhỏ trong góc phòng. “Nhiều quá rồi thầy ạ, con không thể mang tất cả đi được.”
“Vậy sao được”, sư thầy nói. “Trời có lúc mưa lúc nắng, có ai tiên liệu được con sẽ phải đi bao xa, phải dầm bao nhiêu lần mưa gió. Nhỡ đâu giày cỏ đi rách hết cả, ô cũng mất, lúc đó con phải làm sao?”
Ngừng một lát, ông lại tiếp tục: “Trên đường đi, chắc chắn con sẽ gặp không ít sông suối, mai ta sẽ có lời nhờ tín chúng quyên thuyền, con hãy mang theo…”
Đến lúc này, vị hòa thượng mới hiểu ra ý đồ của sư phụ. Hòa thượng quỳ rạp xuống đất, nói: “Đệ tử sẽ xuất phát ngay bây giờ và sẽ không mang theo bất cứ thứ gì ạ.”
Bài học:
Bài học từ câu chuyện là khi bắt đầu một việc gì đó, điều quan trọng không phải là những thứ ngoài thân đã được chuẩn bị kỹ lưỡng hay chưa, mà là quyết tâm và mục tiêu của chính mình. Khi ta đã có đủ quyết tâm và mục tiêu rõ ràng, tất cả những trở ngại sẽ không còn là vấn đề.
Hãy mang trái tim của mình lên đường, bất kể mục tiêu của chúng ta ở xa bao nhiêu, đường đi luôn nằm ngay dưới chân ta. Chỉ cần bắt đầu bước đi, dù chỉ một bước, chúng ta đã có thu hoạch. Quan trọng nhất là ta phải có quyết tâm và không bao giờ từ bỏ trước những khó khăn. Khi ta đã đem theo trái tim và quyết tâm, tất cả những thứ cần thiết sẽ đến với ta.
5. Câu chuyện về hai hạt lúa:
Có hai hạt lúa nọ được giữ lại để làm hạt giống cho vụ sau vì cả hai đều là những hạt lúa tốt, đều to khỏe và chắc mẩy,…
Một hôm, người chủ định đem chúng gieo trên cánh đồng gần đó. Hạt thứ nhất nhủ thầm:
“Dại gì ta phải theo ông chủ ra đồng. Ta không muốn cả thân mình phải nát tan trong đất. Tốt nhất ta hãy giữ lại tất cả chất dinh dưỡng trong lớp vỏ này và tìm một nơi lý tưởng để trú ngụ.” Thế là nó chọn một góc khuất trong kho lúa để lăn vào đó.
Còn hạt lúa thứ hai thì ngày đêm mong được ông chủ mang gieo xuống đất. Nó thật sự sung sướng khi được bắt đầu một cuộc đời mới.
Thời gian trôi qua, hạt lúa thứ nhất bị héo khô nơi góc nhà bởi vì nó chẳng nhận được nước và ánh sáng. Lúc này chất dinh dưỡng chẳng giúp ích được gì – nó chết dần chết mòn. Trong khi đó, hạt lúa thứ hai dù nát tan trong đất nhưng từ thân nó lại mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt. Nó lại mang đến cho đời những hạt lúa mới…
Bài học:
Cuộc sống của chúng ta sẽ không có ý nghĩa nếu ta chỉ cố gắng giữ nguyên vẹn bản thân trong lớp vỏ của mình. Đôi khi, ta cần phải chấp nhận thử thách, đi qua những khó khăn và chịu đựng những đau đớn để sống một cuộc đời có ý nghĩa hơn. Chúng ta không thể tránh khỏi sự tổn thương, nhưng ta có thể học hỏi và trưởng thành thông qua những trải nghiệm đó.
Hãy can đảm bước đi trên con đường của mình, dù có khó khăn đến mấy. Chúng ta cần tìm kiếm những cơ hội để đóng góp vào xã hội và tạo ra những giá trị hữu ích. Bởi chỉ có khi ta dấn thân, can đảm đối mặt với những thử thách và chịu đựng đau đớn, thì cuộc sống mới thực sự đáng sống và có ý nghĩa.