Khái quát về Ủy ban quốc phòng và an ninh là gì? Quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban quốc phòng và an ninh?
Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước có vai trò cực kỳ quan trọng đối với mô hình nhà nước xã hội chủ nghĩa. Hoạt động của Quốc hội được thực hiện thông qua kỳ họp là chính yếu, tuy nhiên, mỗi năm, Quốc hội chỉ họp hai kỳ, nên không thể nghiên cứu, thảo luận hay quyết định tốt các vấn đề nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước. Vì vậy, sự ra đời của các Ủy ban của Quốc hội là yêu cầu cấp thiết, nhằm giúp Quốc hội thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Trong bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ cung cấp các thông tin pháp lý về một trong các Ủy ban thuộc Quốc hội: Ủy ban quốc phòng và an ninh, mà trọng tâm là nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan này.
Cơ sở pháp lý: Luật Tổ chức quốc hội năm 2014.
1. Khái quát về Ủy ban quốc phòng và an ninh là gì?
Ủy ban quốc phòng và an ninh là ủy ban mới được thành lập từ năm 1992, là ủy ban thường trực đóng vai trò quan trọng trong hoạt động chuyên môn của Quốc hội. Trong đó, chủ yếu là để tham mưu cho Quốc hội về chính sách quốc phòng và an ninh, thẩm tra các dự án luật về quốc phòng và an ninh, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh.
Hiện nay, cơ cấu tổ chức của Ủy ban quốc phòng và an ninh đang có 01 Chủ nhiệm, 03 Phó chủ nhiệm và 04 Ủy viên Thường trực và các tiểu ban (quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và tiểu ban kết hợp kinh tế với QP-AN và đối ngoại). Hoạt động của Ủy ban quốc phòng và an ninh không có tính kế thừa của các cơ quan trước bởi đây là Ủy ban thường trực thành lập muộn nhất so với các ủy ban khác trong Quốc hội, điều này dẫn đến những khó khăn và thách thức nhất định, nhưng cũng là cơ hội để cơ quan này thể hiện được vai trò, vị trí của mình đối với hoạt động của Quốc hội trong bối cảnh mở rộng và sâu hơn về nhiệm vụ, quyền hạn.
2. Quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban quốc phòng và an ninh?
Ủy ban quốc phòng và an ninh là Ủy ban thường trực của Quốc hội, do đó, việc ghi nhận nhiệm vụ, quyền hạn trong các văn bản pháp luật, đặc biệt là Luật tổ chức quốc hội là điều tất yếu để cơ quan này chủ động trong quá trình thực hiện chức năng của mình. Tại Điều 74 Luật Tổ chức quốc hội quy định Ủy ban quốc phòng và an ninh có 05 nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản:
Thứ nhất, thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh, trật tự, an toàn xã hội và các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao.
Đây là nhiệm vụ, quyền hạn quan trọng nhất của Ủy ban quốc phòng và an ninh. Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh, các dự án khác nói chung được hiểu là hoạt động kiểm tra, xem xét, đánh giá nội dung dự thảo văn bản quy pháp pháp luật theo nội dung trình tự, thủ tục do luật định nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và tính khả thi của văn bản quy pháp trước khi ban hành. Thẩm tra là hoạt động đánh giá góp phần hoàn thiện cả về hình thức lẫn nội dung của dự thảo.
Với tư cách là cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, an toàn trật tự xã hội, các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành phải được Ủy bản Quốc phòng an ninh ban hành là điều dễ hiểu. Ví dụ: Hoạt động thẩm tra đối với Dự án Luật Cảnh sát cơ động; Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Giao thông đường bộ;…đây đều là những văn bản pháp luật cần thiết, điều chỉnh trọn vẹn các quan hệ xã hội đặc thù. Công tác thẩm tra dự án luật, pháp lệnh là một khẩu không thể thiếu trong quá trình ban hành các văn bản này.
Thứ hai, giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh, trật tự, an toàn xã hội; giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Hoạt động giám sát chủ yếu được thực hiện thông qua các tiểu ban với các hình thức khác nhau, có thể thành lập các Đoàn kiểm sát để tiến hành kiểm tra, giám sát tại các cơ quan như Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ (các cơ quan hành pháp, trực tiếp thi hành các quy định trong các văn bản luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Hoạt động giám sát có thể được tiến hành thông qua việc yêu cầu các cơ quan này
Việc trao quyền giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết cho Ủy ban Quốc phòng và an ninh phù hợp với lĩnh vực của họ là điều hợp lí, bởi đây cũng là cơ quan thực hiện hoạt động thẩm tra văn bản quy phạm do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, cơ quan này sẽ nắm vững tinh thần của các quy định, từ đó đưa ra được những đánh giá sát sao nhất đối với hoạt động thực hiện luật, nghị quyết trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Thứ ba, giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.
Các văn bản do Chính phủ, Thủ trưởng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ở đây cũng thường là các văn bản quy phạm hướng dẫn các luật, pháp lệnh do Quốc hội, Ủy ban thường vụ quốc hội ban hành. Vì vậy, việc giám sát văn bản này cũng chỉ trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, trật tự, an toàn xã hội và mang tính chất hẹp hơn thẩm tra. Việc giám sát bao gồm cả giám sát việc ban hành và giám sát việc thực hiện, đảm bảo các văn bản ra đời có nội dung phải đảm bảo tính hợp pháp, hợp lý và khả thi. Nhiệm vụ, quyền hạn này cùng với hai nhiệm vụ quyền hạn trên là được coi là những nhiệm vụ trọng tâm, đương nhiên và hoàn toàn hợp lý, đó là nhiệm vụ, quyền hạn mà chuyên trách mà không một Ủy ban nào có thể thay thế được.
Thứ tư, trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Ủy ban phụ trách.
Nhiệm vụ, quyền hạn này chứng tỏ, Ủy ban quốc phòng an ninh phải là đơn vị trực tiếp chủ trì soạn thảo và việc trình dự án luật trước Quốc hội và dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội là cơ sở để cơ quan này có những tiếp thu, chỉnh lý phù hợp hơn theo ý kiến của chủ thể có thẩm quyền. Lĩnh vực Ủy ban phụ trách chắc chắn phải là lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Trình dự án luật, dự án pháp lệnh là hoạt động không thể thiếu được ghi nhân trong Luật Ban hành văn ban quy phạm pháp luật năm 2015.
Việc trình dự án luật đang là nhiệm vụ, quyền hạn thể hiện rõ nhất sự giúp đỡ của Ủy ban Quốc phòng và an ninh trong quá trình Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Cũng là hoạt động thể hiện rõ nhất chuyên môn của Ủy ban này trong mối tương quan với các Ủy ban khác và cũng là hoạt động mang lại ý nghĩa trong việc ban hành các văn bản quy phạm đảm bảo chất lượng, đúng chuyên môn, tiết kiệm thời gian và mang lại hiệu quả.
Thứ năm, kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và các vấn đề về quốc phòng và an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Các cơ quan hữu quan ở đây được hiểu là các cơ quan có mối quan hệ trong hoạt động của Ủy ban Quốc phòng và an ninh và thường Ủy ban Quốc phòng và an ninh có khả năng giám sát, kiểm tra, đối với các cơ quan này, từ đó, pháp luật cho phép kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan này, đồng thời là các vấn đề về quốc phòng và an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Bằng việc kiến nghị tới cơ quan có thẩm quyền, Ủy ban Quốc phòng và an ninh đang trở thành cánh tay đắc lực trong hoạt động kiện toàn bộ máy nhà nước, góp phần giải quyết triệt để mọi khó khăn, vướng mắc, phát hiện và xử lý vi phạm của các cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh.
Như vậy, từ sự phân tích và bình luận về các nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Quốc phòng và an ninh, tác giả nhận thấy được vị trí, vai trò cực kỳ quan trọng của cơ quan này, chứng minh rằng, sự ra đời của Ủy ban thường trực là điều thiết thực nhất, cấp thiết nhất, phù hợp nhất hoạt động trong một lĩnh vực đặc thù, nhạy cảm và khá phức tạp. Việc tìm hiểu về Ủy ban Quốc phòng và an ninh là cơ sở để người đọc có những cái nhìn rõ hơn, tổng quát hơn và đưa ra những nhận định cá nhân, những phản biện tích cực trong quá trình Ủy ban Quốc phòng và an ninh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, góp phần hoàn thiện hơn một cơ quan cốt cán giúp đỡ cho hoạt động của Quốc hội.