Quy định chung về chứng khoán và thị trường chứng khoán? Nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng đoàn, thành viên đoàn thanh tra chứng khoán?
Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam, hoạt động của thị trường chứng khoán ngày càng mở rộng và đã góp phần thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Cơ cấu của thi trường chứng khoán đang từng bước được hoàn thiện, từ chỗ chỉ có thị trường cổ phiếu, đến nay đã có thêm các thị trường mới giao dịch mới như trái phiếu chính phủ và thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành các chính sách và các văn bản pháp luật quy định cụ thể về hoạt động của thị trường chứng khoán. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu về hoạt động của thị trường chứng khoán tại Việt Nam hiện nay và nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng đoàn, thành viên đoàn thanh tra chứng khoán theo quy định của pháp luật.
Dịch vụ Luật sư
1. Quy định chung về chứng khoán
1.1. Chứng khoán là gì?
Theo Điều 4 Luật chứng khoán 2014 quy định nội dung như sau:
“1. Chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây:
a) Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;
b) Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký;
c) Chứng khoán phái sinh;
d) Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.”
Như vậy, theo quy định của pháp luật, các loại tài sản được gọi là chứng khoán được pháp luật quy định bao gồm các tài sản như sau:
– Cổ phiếu được hiểu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành.
– Chứng chỉ quỹ là loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với một phần vốn góp của quỹ đầu tư chứng khoán.
– Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.
– Chứng quyền là loại chứng khoán được phát hành cùng với việc phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu ưu đãi, cho phép người sở hữu chứng quyền được quyền mua một số cổ phiếu phổ thông nhất định theo mức giá đã được xác định trước trong khoảng thời gian xác định.
– Chứng quyền có bảo đảm là loại chứng khoán có tài sản bảo đảm do công ty chứng khoán phát hành, cho phép người sở hữu được quyền mua (chứng quyền mua) hoặc được quyền bán (chứng quyền bán) chứng khoán cơ sở với tổ chức phát hành chứng quyền có bảo đảm đó theo mức giá đã được xác định trước, tại một thời điểm hoặc trước một thời điểm đã được ấn định hoặc nhận khoản tiền chênh lệch giữa giá thực hiện và giá chứng khoán cơ sở tại thời điểm thực hiện.
– Quyền mua cổ phần là loại chứng khoán do công ty cổ phần phát hành nhằm mang lại cho cổ đông hiện hữu quyền được mua cổ phần mới theo điều kiện đã được xác định.
– Chứng chỉ lưu ký là loại chứng khoán được phát hành trên cơ sở chứng khoán của tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
– Chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, bao gồm hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, trong đó xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền, chuyển giao số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định trong khoảng thời gian hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai.
Ta có thể hiểu đơn giản như sau: chứng khoán là các chứng từ có giá dài hạn hoặc bút toán ghi số xác nhận các quyền, lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với vốn hoặc tài sản của các tổ chức phát hành chứng khoán. Chứng khoán được xem là một loại hàng hóa của thị trường chứng khoán.
Những chứng khoán có giá mang lại thu nhập cho người sở hữu nó nên nó cũng là đối tượng mua bán và có giá cả. Thông thường trên chứng khoán có giá không ghi tên người sở hữu, chính vì thế, có thể chuyển nhượng tự do từ người này sang người khác mà không cần có chữ kí của người chuyển nhượng.
Ngày xưa, khi mới phát triển, lúc đầu chứng khoán được in bằng giấy nhưng dần dần ở giai đoạn hiện nay, chứng khoán đã dần được thể hiện dưới hình thức phi vật thể thông qua việc phát triển của khoa học công nghệ bằng nghiệp vụ ghi chép kế toán bằng phương tiện điện tử.
Một chứng khoán tức là một sản phẩm tài chính có thể giao dịch trên thị trường.
1.2. Các thuộc tính của chứng khoán:
Chứng khoán có ba thuộc tính cơ bản sau đây:
Thứ nhất, chứng khoán có tính thanh khoản, nghĩa là chứng khoán có thể được chuyển đổi thành tiền mặt;
Thứ hai, chứng khoán có tính sinh lời, nghĩa là chứng khoán có khả năng tạo thu nhập cho chủ sở hữu;
Thứ ba, chứng khoán có tính rủi ro, nghĩa là việc sở hữu, mua bán chứng khoán có thể làm giảm thu nhập của chủ sở hữu.
2. Quy định chung về thị trường chứng khoán:
2.1. Hoạt động của thị trường chứng khoán:
Theo Khoản 14 Điều 4 Luật Chứng khoán quy định, hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán bao gồm hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, cung cấp dịch vụ về chứng khoán, công bố thông tin, quản trị công ty đại chúng và các hoạt động khác được quy định tại Luật này.
Bên cạnh đó, cũng tại Điều 4, đầu tư chứng khoán là việc mua, bán, nắm giữ chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Thị trường chứng khoán là một thi trường đặc biệt, không giống với các thị trường các hàng hóa thông thường nào khác bởi hàng hóa của thị trường chứng khoán là loại hàng hóa riêng, là quyền sở hữu về tư bản. Loại hàng hóa này cũng có giá trị và giá trị sử dụng.
Trên thực tiễn, ta có thể hiểu cơ bản thị trường chứng khoán là nơi diễn ra các giao dịch mua bán trao đổi các loại chứng khoán. Xuất phát từ các quan hệ mua bán trao đổi chứng khoán này sẽ làm thay đổi chủ sở hữu của các loại chứng khoán. Thông qua đó, ta nhận thấy, thực chất việc mua bán hàng hóa trên thị trường chứng khoán là quá trình vận động của tư bản chuyển từ tư bản sở hữu sang tư bản kinh doanh.
Có thể nói, thị trường chứng khoán là một hình thức phát triển bậc cao của nền sản xuất và lưu thông hàng hóa ở thời điểm hiện tại trên thế giới.
2.2. Nguyên tắc hoạt động của thị trường chứng khoán:
Theo Điều 5 Luật Chứng khoán quy định về nguyên tắc hoạt động của thị trường chứng khoán có nội dung như sau:
“1. Tôn trọng quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; quyền tự do giao dịch, đầu tư, kinh doanh và cung cấp dịch vụ về chứng khoán của tổ chức, cá nhân.
2. Công bằng, công khai, minh bạch.
3. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
4. Tự chịu trách nhiệm về rủi ro.”
Ngoài ra, Nhà nước đã và đang thực hiện các chính sách để phát triển và quản lý thị trường chứng khoán theo quy định cụ thể tại Điều 6 của Luật chứng khoán 2019 với nội dung sau đây:
– Nhà nước ban hành các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài tham gia đầu tư và hoạt động trên thị trường chứng khoán nhằm huy động các nguồn vốn trung hạn và dài hạn cho đầu tư phát triển.
– Nhà nước quản lý, giám sát bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động công bằng, công khai, minh bạch, an toàn và hiệu quả.
– Nhà nước thực hiện các chính sách đầu tư hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin cho hoạt động của thị trường chứng khoán, phát triển nguồn nhân lực cho ngành chứng khoán, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Như vậy, với các quy định của pháp luật nêu trên, chứng khoán và thị trường chứng khoán tại Việt Nam đều được pháp luật Việt Nam quản lý và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng đoàn, thành viên đoàn thanh tra chứng khoán:
Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Đoàn thanh tra và thành viên Đoàn thanh tra chứng khoán được quy định tại Luật chứng khoán 2019 với nội dung cụ thể như sau:
3.1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Đoàn thanh tra:
Đối với Trưởng Đoàn thanh tra chứng khoán có những nhiệm vụ và quyền hạn như sau:
– Tổ chức, chỉ đạo các thành viên trong Đoàn thanh tra thực hiện đúng nội dung, đối tượng, thời hạn đã ghi trong quyết định thanh tra;
– Yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu điện tử, báo cáo bằng văn bản, giải trình về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra;
– Trường hợp có căn cứ cho rằng nếu không kịp thời niêm phong, tạm giữ tài liệu, chứng từ, chứng khoán, dữ liệu điện tử có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán thì tài liệu, chứng từ, chứng khoán, dữ liệu điện tử có thể bị tẩu tán, tiêu hủy, Trưởng Đoàn thanh tra có quyền ra quyết định niêm phong, tạm giữ tài liệu, chứng từ, chứng khoán, dữ liệu điện tử. Trong thời hạn hai mươi bốn giờ, kể từ khi ra quyết định, Trưởng Đoàn thanh tra phải báo cáo và được sự đồng ý bằng văn bản của Chánh thanh tra chứng khoán; trong trường hợp Chánh thanh tra chứng khoán không đồng ý thì Trưởng Đoàn thanh tra phải hủy ngay quyết định niêm phong, tạm giữ và trả lại tài liệu, chứng từ, chứng khoán, dữ liệu điện tử đã bị niêm phong, tạm giữ;
– Báo cáo với người ra quyết định thanh tra về kết quả thanh tra và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan của báo cáo đó;
– Lập biên bản thanh tra;
– Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định nêu trên, Trưởng Đoàn thanh tra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi quyết định của mình.
3.2. Nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Đoàn thanh tra:
Đối với các thành viên Đoàn thanh tra chứng khoán sẽ có những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:
– Đoàn thanh tra chứng khoán thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng Đoàn thanh tra.
– Đoàn thanh tra chứng khoán có nhiệm vụ, quyền hạn đưa ra yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo bằng văn bản, giải trình về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu đó.
– Đoàn thanh tra chứng khoán đưa ra các kiến nghị việc xử lý về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra.
– Đoàn thanh tra chứng khoán thực hiện báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao với Trưởng Đoàn thanh tra, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Trưởng Đoàn thanh tra về tính chính xác, trung thực, khách quan của nội dung đã báo cáo.