Hiện nay, thanh tra thuế là biện pháp hữu hiệu giúp cơ quan thuế có thể thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý và hạn chế những sai phạm mà người nộp thuế thực hiện từ đó có thể góp phần nâng cao sự nghiêm minh của pháp luật. Theo quy định pháp luật, đoàn thanh tra bao gồm có: Trưởng đoàn thanh tra và thành viên đoàn thanh tra và có nhiệm vụ, quyền hạn riêng biệt. Vậy nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng đoàn thanh tra thuế mới nhất như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng đoàn thanh tra thuế:
Căn cứ theo quy định tại Điều 117 Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng đoàn thanh tra thuế, thành viên đoàn thanh tra thuế, cụ thể như sau:
Một là, Tổ chức, chỉ đạo các thành viên đoàn thanh tra thuế thực hiện đúng nội dung quyết định thanh tra thuế;
Hai là, Kiến nghị với người ra quyết định thanh tra áp dụng biện pháp thuộc quyền hạn, nhiệm vụ của người ra quyết định thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra nhằm bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao;
Ba là, Yêu cầu đối tượng thanh tra xuất trình giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép hành nghề, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động và cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo bằng văn bản, giải trình về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra thuế;
Bốn là, Kiểm kê tài sản liên quan đến nội dung thanh tra của đối tượng thanh tra;
Năm là, Lập biên bản về việc vi phạm của đối tượng thanh tra;
Sáu là, Yêu cầu cá nhân,. cơ quan, tổ chức khác có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu đó;
Bảy là, Yêu cầu người có thẩm quyền tạm giữ giấy phép, tiền, đồ vật sử dụng trái pháp luật khi xét thấy cần ngăn chặn ngay việc vi phạm pháp luật hoặc để xác minh tình tiết làm chứng cứ cho việc kết luận, xử lý;
Tám là, kiến nghị hoặc tạm đình chỉ người có thẩm quyền đình chỉ việc làm khi xét thấy việc làm đó gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; lợi ích của Nhà nước;
Chín là, Quyết định về việc niêm phong tài liệu của đối tượng thanh tra khi có căn cứ cho rằng có vi phạm pháp luật;
Mười là, Yêu cầu tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản phong tỏa tài khoản đó để phục vụ việc thanh tra khi có căn cứ cho rằng đối tượng thanh tra có hành vi tẩu tán tài sản;
Mười một, Tiến hành việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
Mười hai, Tiến hành báo cáo với người ra quyết định thanh tra thuế về kết quả thanh tra và chịu trách nhiệm về tính khách quan, chính xác, trung thực của báo cáo đó;
Mười ba, Áp dụng biện pháp quy định tại Điều 122 của Luật Quản lý thuế năm 2019, cụ thể là các biện pháp sau:
– Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế, trưởng đoàn thanh tra thuế quyết định tạm giữ tang vật và các tài liệu liên quan đến hành vi trốn thuế.
– Việc tạm giữ tang vật, tài liệu liên quan đến hành vi trốn thuế được áp dụng khi cần xác minh tình tiết làm căn cứ để có quyết định xử lý hoặc ngăn chặn ngay hành vi trốn thuế.
– Trong quá trình thanh tra thuế, trong trường hợp đối tượng thanh tra có biểu hiện tiêu hủy, tẩu tán các tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế thì trưởng đoàn thanh tra thuế đang thi hành nhiệm vụ được quyền tạm giữ tài liệu, tang vật đó.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi tạm giữ tài liệu, tang vật, trưởng đoàn thanh tra thuế phải tiến hành việc báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý thuế ra quyết định tạm giữ tài liệu, tang vật;
Trong thời hạn 08 giờ làm việc kể từ khi nhận được báo cáo, người có thẩm quyền phải xem xét và ra quyết định tạm giữ.
Đối với các trường hợp người có thẩm quyền không đồng ý việc tạm giữ thì trưởng đoàn thanh tra thuế phải trả lại tang vật, tài liệu trong thời hạn 08 giờ làm việc kể từ khi người có thẩm quyền không đồng ý.
– Khi tạm giữ tang vật, tài liệu có liên quan đến hành vi trốn thuế trưởng đoàn thanh tra thuế phải lập biên bản tạm giữ.
Cần lưu ý rằng, trong biên bản tạm giữ phải có chữ ký của người thực hiện tạm giữ, người đang quản lý tài liệu, tang vật vi phạm và phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại của tài liệu, tang vật bị tạm giữ. Người ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm bảo quản tài liệu, tang vật tạm giữ và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu tài liệu, tang vật bị mất, bán, đánh tráo hoặc hư hỏng.
Đối với các trường hợp tang vật, tài liệu cần được niêm phong thì việc niêm phong phải được tiến hành ngay trước mặt người có tang vật, tài liệu. Trong trường hợp người có tài liệu, tang vật vắng mặt thì việc niêm phong phải được tiến hành trước mặt đại diện gia đình hoặc đại diện tổ chức và đại diện chính quyền cấp xã, người chứng kiến.
– Đối với các tang vật là tiền Việt Nam, kim khí quý, ngoại tệ, vàng bạc, đá quý và những vật thuộc diện quản lý đặc biệt phải được bảo quản theo quy định của pháp luật; tiền thu được phải được gửi vào tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước để bảo đảm thu đủ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; tang vật là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng thì người ra quyết định tạm giữ phải tiến hành lập biên bản và tổ chức bán ngay để tránh tổn thất;
– Người ra quyết định tạm giữ trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tạm giữ phải xử lý tài liệu, tang vật bị tạm giữ theo những biện pháp trong quyết định xử lý hoặc trả lại cho cá nhân, tổ chức nếu không áp dụng hình thức phạt tịch thu đối với tài liệu, tang vật bị tạm giữ.
Cần lưu ý rằng, thời hạn tạm giữ tài liệu, tang vật có thể được kéo dài đối với những vụ việc phức tạp, cần tiến hành xác minh, nhưng không quá 60 ngày kể từ ngày tạm giữ tài liệu, tang vật. Việc kéo dài thời hạn tạm giữ tài liệu, tang vật phải do người có thẩm quyền là các Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế, trưởng đoàn thanh tra thuế quyết định tạm giữ tang vật và các tài liệu liên quan đến hành vi trốn thuế quyết định.
– Cơ quan quản lý thuế phải tiến hành giao 01 bản quyết định tạm giữ, biên bản tạm giữ, quyết định xử lý tang vật, tài liệu có liên quan đến hành vi trốn thuế cho tổ chức, cá nhân có tài liệu, tang vật bị tạm giữ.
2. Trưởng đoàn thanh tra thuế là chủ thể nào?
Theo quy định, trong lĩnh vực quản lý thuế, thanh tra thuế được hiểu là việc thực hiện các hoạt động giám sát, quản lý của cơ quan thuế đối với các giao dịch, các hoạt động liên quan đến nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế, có thể tiến hành việc thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý và hạn chế những sai phạm mà người nộp thuế thực hiện.
Căn cứ theo quy định tại Điều 6
Đoàn thanh tra thuế sẽ bao gồm có trưởng đoàn thanh tra và thành viên đoàn thanh tra thuế theo quyết định thanh tra thuế được thủ trưởng cơ quan thuế có thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra thuế.
Trong đoàn thanh tra có trưởng đoàn thanh tra và có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức các thành viên Đoàn thanh tra thực hiện đúng nội dung, đúng phạm vi và tiến độ thanh tra theo quy định tại quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra. Đồng thời, trưởng đoàn thanh tra thực chế độ báo cáo, chế độ thông tin theo yêu cầu chủ thể ra quyết định thanh tra và phải chịu trách nhiệm trước chủ thể ra quyết định thanh tra về các hoạt động của Đoàn thanh tra.
Như vậy, từ những phân tích nêu trên cho thấy, Trưởng đoàn thanh tra là người đứng đầu đoàn thanh tra đóng vai trò là thủ trưởng có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý đoàn thanh tra; tổ chức các hoạt động đối nội, đối ngoại của đoàn thanh tra, chỉ đạo, điều hành, báo cáo kết quả thanh tra và giúp người ra quyết định thanh tra xây dựng và ban hành kết luận thanh tra. xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình thanh tra, ban hành các văn bản quản lý,…; triển khai toàn diện các hoạt động của đoàn thanh tra;
3. Điều kiện chung trở thành trưởng đoàn thanh tra thuế:
Trưởng đoàn thanh tra thuế phải đáp ứng được những tiêu chuẩn chung sau:
– Có trình độ chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ, yêu cầu của cuộc thanh tra;
– Có ý thức trách nhiệm, có phẩm chất đạo đức tốt; liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan;
– Có khả năng tổ chức, khả năng hướng dẫn, điều hành các thành viên trong đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ thanh tra được giao;
– Phải am hiểu về nghiệp vụ thanh tra; có khả năng tổng hợp, phân tích, đánh giá những vấn đề liên quan đến nội dung, lĩnh vực được thanh tra;
Tuy nhiên quý bạn đọc cần lưu ý phải tùy theo tiêu chuẩn, cấp độ cụ thể của từng chức danh trưởng đoàn thanh tra được pháp luật về thành tra quy định thì sẽ có quy định riêng.
– Đối với đoàn thanh tra do chánh thanh tra huyện, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành ở chi cục thuộc cục hoặc chi cục thuộc sở hoặc tương đương thành lập thì trưởng đoàn thanh tra phải từ thanh tra viên hoặc tương đương trở lên.
– Đối với đoàn thanh tra do bộ trưởng, chánh thanh tra bộ, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành cấp tổng cục và tương đương, cục thuộc bộ, chánh thanh tra tỉnh thành lập thì trưởng đoàn thanh tra phải từ thanh tra viên chính hoặc tương đương trở lên hoặc phải từ phó trưởng phòng trở lên.
– Đối với đoàn thanh tra do Tổng thanh tra Chính phủ thành lập thì trưởng đoàn thanh tra phải từ thanh tra viên chính hoặc trưởng phòng trở lên;
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết
– Luật quản lý thuế năm 2019;
– Nghị định 126/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế;
– Nghị định 91/2022/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế;