Cơ quan an ninh điều tra quân khu là gì? Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan an ninh điều tra quân khu?
Hệ thống cơ quan điều tra ở nước ta khá đa dạng, xuất phát từ việc cơ cấu tổ chức của các ngành như Công an, Quân đội, Viện kiểm sát có những nét đặc trưng riêng đòi hỏi phải có các cơ quan điều tra riêng. Thực tiễn quy định của pháp luật cho thấy các cơ quan điều tra ở mỗi ngành đều có các nhiệm vụ, quyền hạn tương tự nhau bởi bản chất họ vẫn là cơ quan tiến hành tố tụng đặc biệt quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Trong bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ tập trung phân tích nhiệm vụ, quyền hạn của một cơ quan điều tra cụ thể thuộc Quân đội nhân dân: Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan an ninh điều tra quân khu, từ đó làm cơ sở để chứng minh cho thực tiễn pháp luật nêu trên.
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài trực tuyến 24/7: 1900.6568
Cơ sở pháp lý:
Mục lục bài viết
1. Cơ quan an ninh điều tra quân khu là gì?
Cơ quan an ninh điều tra quân khu hoặc tương đương là cơ quan thuộc cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân, bên cạnh Cơ quan an ninh điều tra Bộ Quốc phòng. Có thể nói trong cơ cấu tổ chức cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân, cơ quan điều tra quân khu hoặc tương đương là “cấp dưới” của Cơ quan điều tra Bộ Quốc Phòng.
Cơ quan an ninh điều tra quân khi hoặc tương đương thực hiện nhiệm vu, quyền hạn chung của cơ quan điều tra được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự và các nhiệm vụ, quyền hạn riêng theo quy định của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Thực tế, hoạt động của các cơ quan điều tra nhằm thực hiện một chức năng chung trong quá trình tố tụng, do đó, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan điều tra sẽ có phần giống nhau, chỉ khác về thẩm quyền, vì vậy, trong hệ thống dữ liệu các bài viết của Luật Dương Gia người đọc sẽ có thể nhận thấy được những điểm tương đồng trong cách phân tích và giải thích về nhiệm vụ, quyền hạn của hầu hết các cơ quan điều tra.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan an ninh điều tra quân khu?
Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan an ninh điều tra quân khu hoặc tương đương là những việc mà pháp luật bắt buộc cơ quan này phải thực hiện nhằm bảo đảm chức năng và duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan hoặc là các quyền mà pháp luật ghi nhận và cho phép cơ quan an ninh điều tra quân khu thực hiện để tối đa hóa nhiệm vụ, chức năng của mình. Nhiệm vụ và quyền hạn là hai nội dung gắn liền không thể tách biệt, vì vậy, trong quy định tại Điều 24 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự đã liệt kê các nhiệm vụ, quyền hạn mà không có sự phân chia rõ ràng:
Thứ nhất, tổ chức công tác trực ban hình sự, tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; phân loại và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc chuyển ngay đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.
Đây là nhiệm vụ cơ bản và quan trọng nhất của các cơ quan điều tra, trong đó có Cơ quan an ninh điều tra quân khu hoặc tương đương. Hoạt động này là mở đầu cho việc thực hiện chức năng chính yếu nhất của Cơ quan điều tra là tiếp nhận, điều tra và đề nghị xử lý tội phạm. Đặc biệt, công tác trực ban hình sự là nền tảng và thể hiện sự quan tâm của Cơ quan đối với tình hình tội phạm trong thực tế, còn đối với hoạt động kiến nghị khởi tố, là việc mở đầu và căn cứ để chủ thể có thẩm quyền quyết định khởi tố vụ án hình sự, thực hiện hoạt động điều tra tội phạm.
Thứ hai, cơ quan An ninh Điều tra quân khu và tương đương Điều tra vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại Chương XIII, Chương XXVI và các tội phạm quy định tại các Điều 207, 208, 282, 283, 284, 299, 300, 303, 304, 305, 309, 337, 338, 347, 348, 349 và 350 của Bộ luật hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.
Nhiệm vụ, quyền hạn này xuất phát từ nguyên tắc xác định thẩm quyền điều tra tại Khoản 2, Điều 163 Bộ luật tố tụng hình sự, cụ thể: “Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.“. Đồng thời, tại đoạn 2, Khoản 5 Điều 163 cũng nêu rõ: “Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự cấp quân khu hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp khu vực nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra“.
Thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự xuất phát từ đặc điểm của bị cáo, ví dụ: Vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu (Điểm a, Khoản 1, Điều 272 Bộ luật tố tụng hình sự); nếu bị cáo không phải là đối tượng “đặc biệt”, thì thẩm quyền của Tòa án quân sự còn xuất phát từ nội dung, tức là vụ án hình sự liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện…(điểm b, Khoản 2, Điều 272 Bộ luật tố tụng hình sự),…
Bên cạnh việc đáp ứng điều kiện là các tội phạm phải thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự, thì cơ quan an ninh điều tra quân khu hoặc tương đương chỉ được điều tra đối với các tội phạm sau: Các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh; Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả; Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành công cụ chuyển nhượng giả hoặc các giấy tờ có giá giả khác; Tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy; Tội điều khiển tàu bay vi phạm quy định về hàng không của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Tội điều khiển phương tiện hàng hải vi phạm quy định về hàng hải của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Tội khủng bố; Tội tài trợ khủng bố; Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự; Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ; Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân; Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước; Tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước; tội làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước; Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép; Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép; Tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép; Tội cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.
Thứ ba, kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp khắc phục nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm.
Cơ quan, tổ chức hữu quan là các cơ quan, tổ chức có mối quan hệ và có khả năng ảnh hưởng, tác động đối với các tội phạm hoặc liên quan đến tội phạm hoặc là nơi phát sinh nguyên nhân, điều kiện cho tội phạm nảy sinh. Việc kiến nghị của cơ quan an ninh điều tra quân khu hoặc tương đương là sự tôn trọng, cũng như yêu cầu sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức và cơ quan nhà nước có thẩm quyết trong việc giải quyết triệt để các nguồn gốc phát sinh tội phạm, đảm bảo trật tự xã hội và an toàn công cộng.
Thứ tư, tổ chức sơ kết, tổng kết công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác Điều tra, xử lý tội phạm của Cơ quan An ninh Điều tra quân khu và tương đương báo cáo Thủ trưởng Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Quốc phòng.
Đây là hoạt động nhằm thống kê lại các hoạt động đã thực hiện, đưa ra các ưu điểm để phát huy và liệt kê những hạn chế để khắc phục, trong một khoảng thời gian nhất định, từ đó đưa ra các phương án điều chỉnh thích hợp trong thời gian tới. Đồng thời, việc báo cáo với Thủ trưởng cơ quan An ninh điều tra Bộ Quốc phòng là cơ sở để cơ quan cấp trên, quản lý và hướng dẫn, tổ chức kiểm soát hoạt động hiệu quả và triệt để.
Thứ năm, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ, quyền hạn khá điển hình của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nói chung và cơ quan an ninh điều tra quân khu hoặc tương đương nói riêng. Hoạt động này xuất phát từ quyết định của cơ quan an ninh điều tra quân khu hoặc hành vi của người trong cơ quan an ninh điều tra quân khu được cho là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của một cá nhân cụ thể.