Trách nhiệm dân sự, hành chính khi nhặt được tài sản nhưng không trả? Trách nhiệm hình sự khi nhặt được của rơi nhưng không trả người mất? Cơ quan tiếp nhận trả lại tài sản bị rơi, thất lạc? Quy định về xác lập quyền sở hữu đối với tài sản thất lạc được tìm thấy?
Ngày nay, nhiều người nhặt được của rơi trả lại cho người bị mất hoặc tìm đến các cơ quan chức năng nhằm hỗ trợ tìm kiếm người bị mất và trả lại. Nhưng cũng không ít trường hợp nhặt được của rơi nhưng cố tình chiếm giữ tài sản, không trả lại cho người mất. Vậy trong trường hợp nhặt được của rơi nhưng không trả lại cho người mất bị xử lý thế nào?
Luật sư tư vấn các quy định về xử lý khi nhặt được tài sản thất lạc: 1900.6568
Căn cứ pháp lý:
–
–
Mục lục bài viết
1. Trách nhiệm dân sự, hành chính khi nhặt được tài sản nhưng không trả
Căn cứ theo Điều 230 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên cụ thể như sau:
“Điều 230. Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên
Người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.
Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu.
Sau 01 năm, kể từ ngày thông báo công khai về tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:
a) Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bỏ quên có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người nhặt được được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó theo quy định của Bộ luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; trường hợp tài sản có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước;
b) Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên là tài sản thuộc di tích lịch sử – văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì tài sản đó thuộc về Nhà nước; người nhặt được tài sản được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.”
Trường hợp, người nào nhặt được của rơi nhưng cố tình không chịu trả lại cho người bị mất thì tùy vào mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tại Điểm e Khoản 2 và Khoản 3, 4 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình cụ thể:
“Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
e) Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.
Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm a, b, c Khoản 1; Điểm c, đ, e Khoản 2 Điều này.
Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”
2. Trách nhiệm hình sự khi nhặt được của rơi nhưng không trả người mất
Theo quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về Tội chiếm giữ trái phép tài sản như sau:
“Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản
Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”
Như vậy, với các quy định nói trên, trường hợp nhặt được tài sản của người khác nhưng cố ý không trả được xếp vào hành vi Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác và có thể bị xử phạt hành chính từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng. Trong trường hợp, cố tình chiếm giữ tài sản có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 05 năm.
Nếu bạn chưa nhận được yêu cầu trả lại tài sản của chủ sở hữu hoặc thông báo giao nộp tài sản của cơ quan chức năng thì hành vi chiếm giữ tài sản của bạn không bị xử lý. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, bạn nên giao nộp càng sớm càng tốt để cơ quan chức năng ra thông báo tìm kiếm chủ sở hữu tài sản bị thất lạc.
3. Cơ quan tiếp nhận trả lại tài sản bị rơi, thất lạc
Khi nhặt được của rơi, có thể trả lại tài sản, báo cáo vụ việc tại những cơ quan sau:
– Cơ quan Công an cấp xã, phường, thị trấn.
– Cơ quan Công an cấp quận, huyện.
– Cơ quan Công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
– Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn.
– Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện.
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Và một số cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định pháp luật.
4. Quy định về xác lập quyền sở hữu đối với tài sản thất lạc được tìm thấy
Ngoài ra, cần phân biệt với trường hợp xác lập quyền sở hữu đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu hoặc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy
Điều 228. Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu
Tài sản vô chủ là tài sản mà chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản đó.
Người đã phát hiện, người đang quản lý tài sản vô chủ là động sản thì có quyền sở hữu tài sản đó, trừ trường hợp luật có quy định khác; nếu tài sản là bất động sản thì thuộc về Nhà nước.
Người phát hiện tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.
Việc giao nộp phải được lập biên bản, trong đó ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người giao nộp, người nhận, tình trạng, số lượng, khối lượng tài sản giao nộp.
Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người phát hiện về kết quả xác định chủ sở hữu.
Sau 01 năm, kể từ ngày thông báo công khai mà không xác định được ai là chủ sở hữu tài sản là động sản thì quyền sở hữu đối với động sản đó thuộc về người phát hiện tài sản.
Sau 05 năm, kể từ ngày thông báo công khai mà không xác định được ai là chủ sở hữu tài sản là bất động sản thì bất động sản đó thuộc về Nhà nước; người phát hiện được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.
Điều 229. Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy
Người phát hiện tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu; nếu không biết ai là chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.
Tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy mà không có hoặc không xác định được ai là chủ sở hữu thì sau khi trừ chi phí tìm kiếm, bảo quản, quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:
a) Tài sản được tìm thấy là tài sản thuộc di tích lịch sử – văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì thuộc về Nhà nước; người tìm thấy tài sản đó được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật;
b) Tài sản được tìm thấy không phải là tài sản thuộc di tích lịch sử – văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa mà có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì thuộc sở hữu của người tìm thấy; nếu tài sản tìm thấy có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người tìm thấy được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước.
Pháp luật đã có quy định rất chặt chẽ đối với mỗi loại tài sản chưa hoặc không có người quản lý, vì vậy, khi phát hiện những tài sản này, người dân cần tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật có liên quan để có phương án giải quyết đúng đắn, tránh bị xử phạt hoặc xử lý trách nhiệm hình sự. Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật TNHH Dương Gia về việc nhặt được của rơi không trả lại thì bị xử lý như thế nào. Trường hợp còn bất kỳ thắc mắc nào có liên quan, vui lòng liên hệ công ty luật TNHH Dương Gia để được tư vấn, giải đáp.